3/12/11

Khó tiếp cận, các hãng lớn rời Việt Nam


"Nếu Việt Nam không nhanh chóng đổi mới và cải thiện môi trường kinh doanh, các hãng lớn sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh tại Indonesia, Thái Lan,... chứ không ở lại đây", Chủ tịch EuroCham Alain Cany nhận định.

Sách Trắng 2012 - "Các vấn đề Thương mại - Đầu tư và kiến nghị" - được công bố tại họp báo sáng 1/12/2012, về tổng quan cho thấy một số ít sự cải thiện trong môi trường kinh doanh tại Việt Nam năm 2011, một phần do tiến trình bầu cử diễn ra quá dài, sự bất ổn nền kinh tế vĩ mô và đặc biệt do các gánh nặng pháp lý mới và những hạn chế về thương mại.

Trong khi các doanh nghiệp châu Âu kiên nhẫn và hy vọng rằng môi trường kinh doanh tại Việt Nam sẽ được cải thiện, thì rõ ràng, lòng tin của DN châu Âu với Việt Nam đã có chiều hướng giảm mạnh từ đầu năm 2011.

Một trong các nguyên nhân rõ nhất có thể thấy là, tỷ lệ lạm phát cao kèm theo khó khăn trong tiếp cận tín dụng, thiếu đồng bộ trong cơ sở hạ tầng và các gánh nặng về thủ tục hành chính vẫn là trở ngại lớn với DN châu Âu khi vào thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, một loạt các vấn đề mới liên quan đến "tiếp cận thị trường" ảnh hưởng đáng kể đến nhập khẩu hàng hóa vào VN đã tiếp tục ảnh hưởng đến suy nghĩ của châu Âu về môi trường kinh doanh tại Việt NAm, Sách Trắng 2011 nêu rõ.

Ngay tại buổi họp báo, đại diện của EuroCham trực tiếp đưa ra ví dụ về những khó khăn về khung pháp lý đối với hoạt động kinh doanh tại Việt Nam: mặc dù cam kết WTO có hiệu lực từ ngày 1/1/2009, cho đến nay chưa có công ty dược nước ngoài nào được cấp phép nhập khẩu có thể sử dụng giấy phép mà không phải thỏa mãn các điều kiện đặc biệt.


Hoặc ngay như ở hoạt động phân phối bán lẻ, đã từng có nhiều hãng bán lẻ nước ngoài như Tesco, Carefour đến thăm dò thị trường Việt Nam và phấn khích nhận ra tiềm năng kinh doanh bán lẻ ở Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi tham khảo quá trình xin giấy phép đầu tư và khung pháp lý có liên quan, các hãng đều chưa quyết định đầu tư vào Việt Nam và chuyển sang thị trường Thái Lan, Indonesia, Malaysia...

"Để thu hút hơn nữa đầu tư nước ngoài chất lượng cao, chính phủ Việt Nam cần tập trung các nỗ lực trong năm 2012 nhằm loại bỏ tất cả các quy định không cần thiết trong tiếp cận thị trường mà ảnh hưởng đến tự do thương mại", Chủ tịch EuroCham Alain Cany nhận định.

Khi Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam và EU được ký kết, FDI của EU sẽ tiếp tục tăng về số lượng và chất lượng. Các doanh nghiệp châu Âu sẽ tăng cường nhận thức về Việt Nam như là một cửa ngõ của ASEAN hoặc thậm chí là trụ sở chính từ đó có thể phục vụ hiệu quả thị trường ASEAN và các nước láng giềng như Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ.

Để đón được nguồn FDI của EU, duy trì sức cạnh tranh và giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định trong thời gian dài, chính phủ VN cần có hành động kịp thời với một số lĩnh vực trọng yếu: ổn định kinh tế vĩ mô, bảo vệ tốt hơn quyền lợi nhà đầu tư, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đảm bảo nguồn năng lượng, nâng cao chất lượng lao động Việt Nam, giải quyết triệt để nạn tham nhũng, quan liêu, đảm bảo minh bạch, giảm gánh nặng hành chính.

"Thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cũng sẽ là một yếu tố quan trọng chính để phát triển hơn nữa kinh tế của Việt Nam", Giám đốc điều hành EuroCham, tiến sĩ Mathias Duhn nói thêm.

Chủ tịch EuroCham Alain Cany kết luận, nếu Việt Nam không nhanh chóng đổi mới và cải thiện môi trường kinh doanh, các hãng lớn như P&G sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh tại Indonesia, Thái Lan, chứ không "ở lại" với Việt Nam, như thế, Việt Nam sẽ chậm chân hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực".

Sách Trắng 2012 tóm tắt các vấn đề chính ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam. Sách Trắng 2012 bao quát các ngành lớn mà hơn 750 công ty thành viên của EuroCham tham gia như: dược phẩm, sản phẩm tiêu dùng nhanh, năng lượng, viễn thông, ô tô, du lịch và ngân hàng.

Theo kết quả cuộc điều tra gần đây nhất (10/2011) về chỉ số môi trường kinh doanh hàng quý (BCI) của EuroCham Việt Nam, so với quý trước, chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam đã giảm từ 78 xuống còn 52 điểm. Điều đó thể hiện một sự sụt giảm về lòng tin của nhà đầu tư châu Âu tại Việt Nam như là một điểm đến đầu tư.

Cùng với sự sụt giảm 28% đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) trong 9 tháng đầu năm 2011 và tỉ lệ lạm phát trên 20%, công bằng mà nói các doanh nghiệp châu Âu đang ngày càng lo ngại về môi trường đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.

Đồng thời, Việt Nam đã tụt 8 bậc trong báo cáo "Môi trường kinh doanh 2012" của Ngân hàng thế giới, xếp vị trí 98/183 nước.

Khánh Linh
http://vef.vn/2011-12-01-2011-moi-truong-kinh-doanh-vn-it-co-cai-thien

0 Lời Bình:

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Stumbleupon More