20/12/11

MỘT VÀI Ý KIẾN ĐÓNG GÓP CHO VIỆC SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP 1992


(Luật của Sự Thật xin được gửi đến quý bạn bài mới nhất của Thảo Đăng đề xuất một vài ý kiến cho việc sửa đổi Hiến Pháp 1992 đính kèm)
 
Hưởng ứng lời kêu gọi của chính phủ Việt nam về việc góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992, chúng tôi xin đề xuất một vài ý kiến sau :
1/ Về điều 4 Hiến pháp :
Đơn giản là nên xóa bỏ hoàn toàn điều 4 Hiến pháp bởi vì nếu quy định rằng 'Đảng Cộng sản Việt nam, ..., là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội' thì có nghĩa là người dân sẽ chẳng bao giờ có quyền tự do chính trị, quyền tự do chọn lựa thực sự. Bởi vì điều đó có nghĩa là dù người dân có bỏ phiếu thế nào, có quyết định thế nào thì kết quả vẫn là Đảng Cộng sản Việt nam thắng cử và nắm quyền lãnh đạo. Điều này đi ngược với nguyên tắc 'nhà nước của nhân dân' hay 'quyền làm chủ của nhân dân’  quy định tại điều 2 và 3 Hiến pháp.
2/ Về quy định các quyền công dân :
Nội dung của Hiến pháp 1992 quy định về các quyền công dân  tương đối đầy đủ. Tuy nhiên điều quan trọng là các quyền ấy phải được cụ thể hóa trong luật và các văn bản dưới luật để có thể áp dụng. Ví dụ quyền biểu tình, quyền lập hội..., các quyền này được ghi nhận trong Hiến pháp nhưng do chưa có luật điều chỉnh nên không được áp dụng trong thực tế.
Và điều quan trọng hơn là các văn bản luật hay dưới luật không được trái với Hiến pháp, hay nói cách khác có những quy định đi ngược lại các nguyên tắc được ghi nhận trong Hiến pháp về các quyền ấy. Ví dụ như điều 72 Hiến pháp quy định Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật, thế nhưng Nghị định của chính phủ số 76/2003/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2003 quy định và hướng dẫn cụ thể việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, được sửa đổi bổ sung bởi nghị định 125/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2008, lại ngang nhiên vi phạm quy tắc này, khi cho phép việc tước đoạt tự do của người dân chỉ bằng một quyết định của chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Tất cả các văn bản pháp luật vi hiến như trong ví dụ nêu trên cần phải xóa bỏ hoặc sửa đổi cho phù hợp với Hiến pháp, như điều 146 của Hiến pháp quy định : « Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp ».
 
3/ Về quy định sửa đổi Hiến pháp :
Lịch sử lập hiến của Việt Nam đã trải qua 4 lần Hiến pháp: từ Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959, qua đến Hiến pháp 1980 và cuối cùng là Hiến pháp 1992. Trong đó duy chỉ có Hiến pháp 1946 quy định về việc sửa đổi Hiến pháp với những điều kiện tương đối khắt khe.  Cụ thể điều 70 Hiến pháp 1946 ghi nhận: “Sửa đổi Hiến pháp phải theo cách thức sau đây:
a) Do hai phần ba tổng số nghị viên yêu cầu.
b) Nghị viện bầu ra một ban dự thảo những điều thay đổi.
c) Những điều thay đổi khi đã được Nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết.”, tức là ngay khi nghị viện đã ưng chuẩn mà dân không đồng ý thì Hiến pháp đó cũng không thể được sửa đổi.
Tuy nhiên, tất cả các Hiến pháp còn lại đều cho phép quyền quyết định duy nhất của Quốc hội mà không cần phải trưng cầu dân ý, như quy định tại điều 112 Hiến pháp 1959, điều 147 Hiến pháp 1980 và 1992 “ Chỉ có Quốc hội mới có quyền sửa đổi Hiến pháp. Việc sửa đổi phải được ít nhất là hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành”.
Trong bối cảnh Việt Nam là nhà nước đơn đảng, thêm vào việc Quốc hội vừa lập pháp vừa lập hiến và các thành viên của quốc hội chủ yếu là dảng viên, liệu rằng quy định quá ‘mềm’ như thế có nguy hiểm đến các quyền cơ bản của công dân không, khi mà nếu có sự thay đổi chính sách của Đảng, thì chỉ cần 2/3 tổng số đại biểu (là dảng viên) biểu quyết là có thể sửa đổi Hiến pháp, đạo luật cơ bản có hiệu lực pháp lý cao hơn tất cả các đạo luật hay luật khác trên lãnh thổ Việt Nam?
Hỏi tức là trả lời. Vì thế chúng tôi kiến nghị rằng cần tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý cho lần sửa đổi Hiến pháp này, và các điều 4 và 147 của Hiến pháp 1992 cần được sự đồng tình của nhân dân để có thể tiếp tục tồn tại, bằng không nó phải bị xóa bỏ hay sửa đổi cho phù hợp với nguyện vọng của người dân.
Thảo Đăng

0 Lời Bình:

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Stumbleupon More