24/4/12

“THIẾU PHỤ NỮ ĐỂ KẾT HÔN” LÀ THIẾU THẾ NÀO?

ĐOÀN QUỐC QUÂN – Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí
Vấn đề mất cân bằng giới tính đang có vẻ "nóng". Mới hôm rồi một tờ báo đưa tin “Việt Nam đang thiếu hụt 139.000 phụ nữ trưởng thành” , nghe hết cả hồn. Sợ như thế chưa đủ làm người ta khiếp vía, một bài báo khác hù tiếp “Hàng triệu nam giới Việt có nguy cơ… ế vợ”.
Sự tình là, theo thống kê của Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình thì tỷ số giới tính khi sinh của nước ta hiện ở mức 111 trai/100 gái, tại một số địa phương thậm chí lên đến 130/100. Các chuyên gia lo ngay ngáy, cứ cái đà này thì chả mấy chốc hàng triệu nam giới Việt có nguy cơ ế vợ và phải  nhập khẩu cô dâu.
Nhập khẩu cô dâu cũng tốt, làm phong phú nguồn gien và văn hóa, tuy nhiên dù đó là một đề tài rất thú vị nhưng để dịp khác ta sẽ bàn luận cho rôm rả. Ở đây người viết chỉ muốn nêu ra câu hỏi: Thiếu phụ nữ để kết hôn là thiếu thế nào?


Dường như các chuyên gia nhìn vấn đề kết hôn theo kiểu “chia phần” rất đơn giản thế này: Luật Hôn nhân và gia đình quy định chế độ một vợ một chồng, nên tiêu chuẩn của mỗi nam giới độc thân đến tuổi kết hôn là được chia một phụ nữ cũng đến tuổi kết hôn và đang độc thân (hoặc ngược lại – mỗi phụ nữ được chia một nam giới). Thế cho nên, hễ phe nào đông hơn phe kia bao nhiêu người thì có nghĩa là chừng đó người rơi vào nguy cơ mất phần, tức là ế.
Các chuyên gia này có lẽ đã quên hết kiến thức về lý thuyết tập hợp mà họ được học ở trường phổ thông.
Theo lý thuyết này thì nam giới đủ điều kiện lấy vợ tạo nên tập hợp A có a phần tử, tương tự nữ giới tạo nên tập hợp B với b phần tử. Khi đó, mỗi phần tử của tập hợp A (hoặc B) có không chỉ 1, mà b (hoặc a) khả năng kết hợp với 1 phần tử của tập hợp B (hoặc A).
Lấy ví dụ đơn giản cho dễ hình dung. Nếu xã hội chỉ có 2 chàng và 1 nàng, thì không nhất thiết một nửa số đàn ông trong xã hội sẽ ế vợ. Kể cả khi cấm ngặt chế độ đa phu 1 nàng 2 chàng (như cổ tích về 3 hòn đầu rau trong bếp), thì mỗi chàng vẫn có thể có 1 vợ, chỉ có điều phải luân phiên nhau.

Nếu có 10 chàng và chỉ có 2 nàng, thì cũng không nhất thiết sẽ có 8 chàng ế vợ, mà trái lại, mỗi chàng trong cuộc đời mình vẫn có khả năng nếm trải lạc thú với hai cô vợ ngoan hiền.
Với tình trạng ly hôn ngày càng trở nên phổ biến, và việc kết hôn lần thứ hai, thứ ba ngày càng trở thành chuyện thường ngày ở phường, thì dù số lượng đàn ông Việt Nam có vượt số lượng phụ nữ vài ba triệu đi chăng nữa, cũng không có nghĩa là sẽ có chừng đó đấng mày râu không tìm được ai nâng khăn sửa túi. Trái lại là đằng khác, mỗi hảo hán vẫn có thể tìm cho mình hai, ba thiếu nữ, thiếu phụ để kết nghĩa dăm năm (kết nghĩa trăm năm có lẽ chỉ còn trong truyền thuyết).
Dĩ nhiên sẽ có tình trạng kẻ ăn không hết người lần chẳng ra – trong bất kỳ thời đại nào thì người đàn ông lắm tiền nhiều của, có địa vị, học thức v.v… vẫn dễ kiếm đối tác hơn những người thua thiệt về mọi mặt.
Phụ nữ cũng thế  – chân ngắn khó đua tranh với chân dài. Điều đó là quy luật bảo tồn nòi giống của tự nhiên, không có gì xấu xa cả.
Nhưng nếu như có một số người ế vợ ế chồng vì lý do đó, thì không thể đổ tội cho mất cân bằng giới tính được.
Vậy nên đừng vội tin lời các chuyên gia nhà ta mà lo lắng quá mức!
SOURCE: THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN
Trích dẫn từ: http://www.thesaigontimes.vn/Home/diendan/blogdoanhnhan/62906/%E2%80%9CThieu–phu-nu-de-ket-hon%E2%80%9D-la-thieu-the-nao?.html
THÔNG TIN THÊM ….

Mất cân bằng giới tính khi sinh và những hệ lụy khó lường

NHẬT ANH – Báo Người Đại biểu nhân dân
Toàn châu Á đang thiếu hụt khoảng 117 triệu phụ nữ do mất cân bằng giới tính khi sinh. Dự đoán ở Việt Nam đến năm 2020, số lượng nam sẽ nhiều hơn nữ từ 2,3 – 4,3 triệu người, điều này đồng nghĩa với việc nguy cơ hàng triệu nam giới không lấy được vợ và rất nhiều những hệ lụy khác. Đây là những con số được công bố tại Hội thảo quốc tế về “Mất cân bằng giới tính khi sinh – Giải quyết vấn đề và định hướng cho tương lai” do Bộ Y tế phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tổ chức ngày 5 – 6.10 tại Hà Nội.
Thích con trai – không chỉ có ở Việt Nam
Mất cân bằng giới tính (MCBGT) khi sinh đang là mối quan ngại ngày càng tăng tại một số quốc gia Nam Á, Đông Á và Trung Á. Sự mất cân bằng này đang khiến toàn châu Á “thiếu hụt” tới 117 triệu phụ nữ và trẻ em gái (phần lớn là ở Trung Quốc và Ấn Độ). Theo kịch bản dân số khả quan nhất, nếu tỷ số giới tính khi sinh trở về mức bình thường trong vòng 10 năm tới thì nam giới của Trung Quốc và Ấn Độ vẫn phải đối mặt với “sức ép kết hôn” một cách nghiêm trọng trong vài thập kỷ vì rất nhiều người trong số họ sẽ không thể tìm được bạn đời do thiếu phụ nữ trong độ tuổi kết hôn.
Tại hội thảo, các đại biểu đến từ 11 quốc gia đã chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến sự MCBGT khi sinh đó là do tâm lý thích con trai là người phụng dưỡng cha mẹ khi về già, nối dõi tông đường… Nếp nghĩ thâm căn cố đế này tạo áp lực lớn buộc người phụ nữ phải đẻ cho được con trai, từ đó ảnh hưởng đến đời sống tình dục và sinh sản của họ. Thực trạng này cũng đặt người phụ nữ ở vào một vị trí buộc phải chấp nhận vị thế thấp kém do sự trọng nam, khinh nữ tạo nên.
Chính phủ Việt Nam sẽ có những giải pháp đồng bộ và đột phá, tập trung giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh một cách quyết liệt và có trọng điểm. Đề nghị Bộ Y tế chủ trì giao ban 3 tháng/lần với các tỉnh có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất để nắm tình hình. Đồng thời phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể đưa ra các biện pháp nhằm hạ tỷ lệ mất cân bằng giới tính để trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất”.
(Trích ý kiến của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại Hội thảo quốc tế MCBGT khi sinh)
Bà Nobuko Horibe – Giám đốc Văn phòng khu vực châu Á và Thái Bình Dương của UNFPA, cho biết: “Phụ nữ phải chịu áp lực nặng nề về việc phải sinh con trai. Điều này không chỉ trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống tình dục và sinh sản của phụ nữ với những hệ lụy liên quan đến sức khỏe và tính mạng của họ, mà còn đẩy phụ nữ vào tình trạng phải vĩnh viễn chấp nhận vị thế thấp kém hơn do tâm lý ưa thích con trai”.
Đồng quan điểm, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số – KHHGĐ Nguyễn Văn Tân, chia sẻ: ởã Việt Nam, tư tưởng Nho giáo đã ăn sâu vào nếp nghĩ nhiều người dân. Mô hình gia đình truyền thống, nối dõi tông đường, thờ phụng tổ tiên, phụng dưỡng cha mẹ là những giá trị xã hội. Khi cha mẹ chết con trai đứng trước, con gái đứng sau. Ngay cả người nói lời cảm ơn với những người đến viếng trong tang lễ cũng phải là con trai, nếu không có con trai thì phải nhờ con trai của chú, bác, họ hàng, con gái là không được.
Ngoài ra, theo nhiều đại biểu còn một số nguyên nhân khác nữa đó là do KH – CN phát triển, ở đó con người có nhiều sự lựa chọn mà siêu âm là một điển hình giúp họ chẩn đoán lựa chọn giới tính. Hệ thống an sinh cho người cao tuổi chưa phát triển, người cao tuổi lo lắng cho tương lai bất an khi về già nếu không có con trai…
Nỗ lực của Việt Nam
Sau 50 năm thực hiện công tác Dân số – KHHGĐ gia đình ở Việt Nam, chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng: Mức sinh và tỷ lệ tăng dân số đã giảm mạnh; tình trạng sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ và trẻ em đã được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, công tác Dân số – KHHGĐ của Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều thách thức lớn như: có sự chênh lệch lớn về mức sinh giữa các tỉnh và các vùng, miền. Đặc biệt, tỷ số giới tính khi sinh có xu hướng ngày càng gia tăng, năm 1979 tỷ số này là 105 bé trai/ 100 bé gái, năm 1989 là 106, 1999 là 107, năm 2009 là 110,5 và năm 2010 là 111.
Bên cạnh đó, tình trạng MCBGT khi sinh ở Việt Nam có đặc điểm khác các nước khác là cao ngay ở lần sinh thứ nhất (110,2/100) – trong khi các nước khác chỉ cao ở những lần sinh tiếp theo. Phó tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tân cho biết: Ở lần sinh thứ hai tỷ số này là 109/100 và tăng cao ở lần thứ ba 115,5/100 và tỷ số này đặc biệt cao ở những gia đình có kinh tế khá giả và có trình độ học vấn cao. Các chuyên gia dự báo, nếu không có giải pháp quyết liệt trong khoảng 15 – 20 năm nữa, sẽ có khoảng 2,3 – 4,3 triệu nam giới Việt Nam không có khả năng lấy được vợ là người Việt Nam. Hệ lụy của vấn đề này sẽ làm phá vỡ cấu trúc gia đình, gia tăng thêm tình trạng bạo lực giới và tình trạng mãi dâm, buôn bán phụ nữ, trẻ em gái…
Trước tình hình MCBGT khi sinh gia tăng, năm 2009, Tổng cục Dân số -KHHGĐ đã triển khai thí điểm mô hình ngăn ngừa và giảm thiểu MCBGT khi sinh ở 10 tỉnh, thành phố; đến năm 2010, triển khai mở rộng thành 18 tỉnh và năm 2011 triển khai ở 43 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tính đến năm 2010, tỷ số MCBGT khi sinh này đã giảm còn 111,2 bé trai trên 100 bé gái. Hy vọng, trong nhưng năm tới, với sự nỗ lực của ngành Dân số và của toàn xã hội, tình trạng MCBGT khi sinh sẽ tiếp tục giảm.
Tại Hội thảo, các đại biểu đến từ các nước cũng thống nhất rằng, cần thiết phải có thêm nhiều nỗ lực hơn nữa từ Chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự, bao gồm cả những nỗ lực nhằm giải quyết phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái vốn đã ăn sâu bám rễ và là lý do chính cho việc lựa chọn giới tính trước khi sinh. Thúc đẩy bình đẳng giới và trao thêm quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái sẽ là giải pháp then chốt giúp điều chỉnh mất cân bằng giới tính khi sinh
Ông Eamonn Murphy – Quyền Điều phối viên thường trú của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, cho biết: Việt Nam không phải là quốc gia đầu tiên phải đối mặt với tình trạng MCBGT khi sinh, thực tế cho thấy thách thức này đã xảy ra trước đó từ thời điểm thập kỷ 80 của thế kỷ trước, vấn đề này đã nảy sinh ở các nước Hàn Quốc, Trung Quốc… và hiện nay có mặt ở nhiều nước trong khu vực châu Á… “Để duy trì động lực đạt được Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ số 3 về bình đẳng giới tại Việt Nam, các nỗ lực cần hướng tới việc thay đổi tâm lý ưa thích con trai của các cặp vợ chồng cũng như việc nâng cao địa vị của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Hơn nữa, cần tiến hành thêm các nghiên cứu định tính để tìm hiểu rõ hơn các yếu tố xã hội và văn hóa có tác động tới sự MCBGT khi sinh nhằm cải thiện các hoạt động giáo dục và một số can thiệp khác” – Ông Eamonn Murphy nhấn mạnh.
- 11 nước tham gia Hội thảo quốc tế MCBGT khi sinh: Trung Quốc, Ấn Độ, Albania, Nepal, Armenia, Azerbaijan, Pakistan, Bangladesh…
- Tỷ số giới tính khi sinh (SRB) bình thường về mặt sinh học nằm trong khoảng 104 -106 bé trai trên 100 bé gái. Tuy nhiên, các tỷ số cao tới mức 115 – 120 bé trai trên 100 bé gái đã được ghi nhận tại Ấn Độ (110,6 vào năm 2006 – 08), Armenia (115,8 vào năm 2008) và Azerbaijan (117,6 vào năm 2009).

0 Lời Bình:

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Stumbleupon More