Lê Cao
–
Thông tư 70 ngày 10-10-2011 của Bộ Công an đã được nhiều người đánh giá là có những điểm tiến bộ, góp phần tháo gỡ vướng mắc cho luật sư khi tham gia bảo vệ cho người bị tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra.
Dù vậy, từ thực tiễn tố tụng hình sự, có thể nhận thấy Thông tư 70 vẫn còn những bất cập, hạn chế cần sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hơn nhằm bảo đảm quyền được bào chữa của người bị tạm giữ, tạm giam.
Trước hết là chuyện nhờ luật sư của người bị tạm giữ, tạm giam. Theo điểm c khoản 1 Điều 4 Thông tư 70, trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam nhờ đích danh luật sư thì trong vòng 24 giờ từ khi viết giấy, cơ quan điều tra có trách nhiệm gửi giấy yêu cầu luật sư của người bị tạm giữ, tạm giam mà họ nhờ bào chữa bằng thư bảo đảm hoặc chuyển phát nhanh.
Trên thực tế, rất ít người đang bị tạm giữ, tạm giam có thể biết tên một luật sư mà họ cần nhờ là gì, địa chỉ cụ thể ở đâu để nhờ đích danh luật sư. Thông tư 70 lại không có quy định đối với trường hợp này thì cơ quan điều tra sẽ làm gì để bảo đảm quyền nhờ người bào chữa của họ. Ngoài ra, một loạt vấn đề khác cũng chưa được quy định như nếu không chỉ được đích danh luật sư, không có người thân, không biết địa chỉ liên lạc với người thân thì người bị tạm giữ, tạm giam phải làm gì để nhờ luật sư? Nếu người bị tạm giữ, tạm giam chỉ được đích danh luật sư cần nhờ nhưng trong tình trạng bị giam giữ thì ai sẽ ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý với luật sư? Đồng thời, khi người thân được nhờ liên hệ, nhờ được luật sư rồi nhưng người bị tạm giữ, tạm giam không đồng ý luật sư đó thì giải quyết thế nào?
Bên cạnh đó, Thông tư 70 cũng không có quy định về việc người thân mời luật sư cho người bị tạm giữ, tạm giam cùng thủ tục lấy ý kiến xác nhận của người bị tạm giữ, tạm giam. Đây là một bước thụt lùi so với tinh thần cải cách tư pháp rất đáng biểu dương của Cơ quan CSĐT Bộ Công an thể hiện tại Công văn số 45 ngày 26-1-2007. Theo Công văn này thì trường hợp thân nhân của người bị tạm giữ, tạm giam có đơn yêu cầu luật sư thì các đơn vị như trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ quan điều tra cần hướng dẫn luật sư gửi đơn kèm theo các giấy tờ liên quan đến việc xin cấp giấy chứng nhận người bào chữa đến cơ quan thụ lý vụ án. Điều tra viên thụ lý vụ án có trách nhiệm tiến hành ngay việc lấy ý kiến của người bị tạm giữ, tạm giam về việc đồng ý hoặc từ chối mời luật sư để xem xét. Trường hợp họ đồng ý luật sư thì cơ quan điều tra phải khẩn trương xem xét để cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho luật sư theo đúng thời gian luật định…
Trong tiến trình cải cách tư pháp, việc đảm bảo trên thực tế quyền nhờ người bào chữa của người bị tạm giữ, tạm giam ngay từ giai đoạn điều tra là rất cần thiết. Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, rất mong Bộ Công an sẽ sớm có những sửa đổi, bổ sung Thông tư 70 một cách phù hợp.
LÊ CAO, Công ty Luật Hợp danh FDVN, (Đà Nẵng)
Theo danluan
0 Lời Bình:
Đăng nhận xét