17/4/12

Vụ sạt lở bãi thải mỏ than Phấn Mễ: Nỗi sợ hãi kéo dài nhiều năm

Sống và làm việc trong các quốc gia tự do, dân chủ, một công ty khoáng sản muốn khai thác mỏ trong lòng đất phải qua đủ thủ tục chi tiết nhằm bảo đảm an toàn cho công nhân, cho môi trường và cộng đồng dân chúng chung quanh. Mọi việc phải rõ ràng, không thể "xí xoá", chuyện nhỏ được, nếu không thì chính phủ không cấp giấy phép khai thác. So với Việt nam nằm dưới một chế độ "kinh tế thị trường Xã hội Chủ nghĩa", tham nhũng móc ngoặc, coi thường luật pháp, vấn đề an toàn của công nhân là chuyện nhỏ, nói chi đến an toàn của người dân.....LCST


Các máy xúc đào bới cả ngày đêm không ngừng nghỉ để tìm kiếm các nạn nhân bị chôn vùi - Ảnh: Lê Quân

Tính đến chiều tối qua, công tác tìm kiếm những nạn nhân trong vụ sạt lở bãi thải tại mỏ than Phấn Mễ (xóm Khuôn 1, xã Phục Linh, H.Đại Từ, Thái Nguyên) vẫn chưa có kết quả.
“Hy vọng sống sót của những nạn nhân là không còn. Tuy nhiên có tuyệt vọng thì vẫn phải đào đến cùng", ông Đặng Viết Thuần, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, Trưởng ban Chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn vụ sạt lở bãi thải khẳng định. Trong buổi sáng qua, hàng trăm nhân lực cùng 3 chiếc máy xúc được điều động đến hiện trường tăng cường đào bới không ngừng nghỉ. Phương án dùng chó nghiệp vụ cũng đã được áp dụng. Tuy nhiên, do lớp đất đá phủ quá dày trên diện tích rộng nên 6 chú khuyển không phát hiện được gì.

Đầu giờ chiều qua, tiến sĩ Vũ Văn Bằng, Phó viện trưởng Viện Công nghệ nước và Môi trường (thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) dùng phương pháp địa bức xạ tìm kiếm nạn nhân. Ông Bằng chính là người tìm kiếm thành công các nạn nhân trong vụ sập mỏ đá ở huyện Yên Thành (Nghệ An) hồi tháng 4.2011. Với chiếc máy dò tìm địa bức xạ BXT- 09 tự chế tạo, gồm một chiếc hộp nhỏ đeo ở thắt lưng và một đầu dò khá nhỏ gọn, ông Bằng vừa đi vừa rà xuống bề mặt. Đầu máy quay liên tục để xác định những vật dị thường như thi thể, mồ mả. Khoảng 15 giờ chiều qua, ông Bằng định vị vị trí của cả 5 nạn nhân còn nằm sâu khoảng 5 mét dưới lớp đất đá (trong đó, có 4 nạn nhân cùng nằm một chỗ, còn 1 nạn nhân nằm cách đó chừng 50 mét). Theo TS Bằng, việc tìm kiếm nạn nhân ở khu vực này đặc biệt khó khăn vì độ dày của đất đá sụp lở trên một khu vực rộng lớn.
Mặc dù huy động lực lượng lớn để đào bới nhưng đến hơn 8 giờ tối qua, vẫn chưa tìm thấy nạn nhân nào.
Sống trong sợ hãi
Ông Phạm Hồng Quân, Phó tổng giám đốc Công ty CP gang thép Thái Nguyên cho biết, bãi thải mỏ than Phấn Mễ đã hình thành cách đây 67 năm. Riêng bãi phế liệu số 3 (nơi xảy ra sạt lở - PV) thì hình thành cách đây 10 năm. “Cách đây không lâu chúng tôi không đổ phế thải tại đây nữa”, ông Quân nói. Tuy nhiên, ông Hà Văn Thắng, người thân của ông Hà Văn Xuân, cũng có nhà bị phá hủy trong vụ sạt bãi thải lại khẳng định: cho đến tận chiều trước hôm xảy ra vụ sạt lở đất, xe của mỏ than Phấn Mễ vẫn tiếp tục chở đất đá thải đến đổ. Chi tiết này cũng được ông Trần Văn Linh, Phó chủ tịch xã Phục Linh xác nhận. Nhiều người dân ở nơi xảy ra vụ sạt lở đất cũng khẳng định xe của mỏ than Phấn Mễ vẫn đổ đất đá thải đến tận chiều 14.4.
Theo bà Tạc Thị Thịnh, trưởng xóm Khuôn 1 từ năm 2006, mỏ than Phấn Mễ đã có phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng địa bàn xóm Khuôn 1 để làm bãi thải số 3. Tuy nhiên, việc thỏa thuận chưa đạt được kết quả cuối cùng. Đến năm 2008, kế hoạch bồi thường giải phóng mặt bằng làm bãi thải được khởi động lại. Tuy vậy, mỏ than Phấn Mễ vẫn không thực hiện được việc bồi thường vì đa phần người dân yêu cầu phải bồi thường toàn bộ đất đai, nhà cửa và hoa màu thì mới di chuyển. Việc di dời các hộ dân trong vùng bị sạt lở tiếp tục bị gác lại.
Bà Tạc Thị Thịnh cho biết, trong khoảng 2 tháng gần đây, lượng chất thải đổ về bãi thải càng tăng. Người dân liên tục kiến nghị về ô nhiễm môi trường, về nguy cơ sạt lở... song mỏ than vẫn phớt lờ. Dân không biết kêu ai nên đành sống chung với hiểm họa. Mỗi lần trời mưa, người dân trong xóm lại thấp thỏm, ngủ không yên. Và đến rạng sáng 15.4, tai họa đã ập đến xóm Khuôn 1.
Anh Nguyễn Văn Hoan, nhà ở thôn Khuôn 2, xã Phục Linh cho biết, từ hôm xảy ra vụ sạt lở, những người trong xóm rất hoang mang lo sợ. Gia đình anh Hoan có vợ và con nhỏ đã phải gấp rút rời khỏi ngôi nhà.
Cuộc sống gia đình anh Hoan dưới chân núi thải cũng khổ cực trăm bề: ngày nắng gió thì bụi phủ. Hễ mưa là nơm nớp sợ bị chôn vùi. Nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm nặng, sặc mùi dầu. Do nhà có con nhỏ, anh Hoan thường phải đi xin nước ở nơi khác về tắm rửa cho con và nấu ăn. “Rất mong chính quyền và mỏ than giải quyết giúp để gia đình tôi được di dời hẳn đi nơi khác, ổn định cuộc sống. Còn sống ở nơi này ngày nào, gia đình càng thêm lo sợ bị chôn vùi ngày ấy”, tay run run cầm lá đơn đề nghị được di dời gửi chính quyền xã, anh Hoan tha thiết nói.
Do buông lỏng quản lý kỹ thuật
Vụ sạt lở bãi thải của mỏ than Phấn Mễ vừa qua như một lời cảnh báo bổ sung về việc các đơn vị khai khoáng của Việt Nam hiện nay đang rất coi thường công tác quản lý đổ thải (kể cả các mỏ than lớn vùng Quảng Ninh).
Vụ sạt lở bãi thải mỏ Phấn Mễ xảy ra trong điều kiện rất bình thường (không có mưa lớn, không có lũ quét, không có động đất, không có nổ mìn, không có hiện tượng người dân tự ý đào khoét chân bãi thải để “mót” than...). Ngoài ra, quy mô bãi thải không lớn (so với các mỏ than vùng Quảng Ninh) vì mỏ Phấn Mễ có khối lượng khai đào (sản lượng than khai thác và khối lượng đất bốc hằng năm) thuộc loại nhỏ. Vì vậy, nguyên nhân sạt lở bãi thải là do chủ quan và do quản lý kỹ thuật bị buông lỏng.
Quan sát tại hiện trường và nghe phản ánh tại chỗ của người dân, chúng ta có thể thấy sự buông lỏng về quản lý kỹ thuật đổ thải của mỏ than Phấn Mễ. Trước hết, khu vực đổ thải có người dân sinh sống và sản xuất ngay dưới chân bãi thải nhưng không được di dời trước khi đổ thải. Hậu quả có tới chục ngôi nhà của dân đang sinh sống bị vùi lấp khi bãi thải tụt lở. Rất may, địa hình chân bãi thải tương đối bằng phẳng nên động lực tụt lở không lớn, và đã có nhiều người chạy thoát.
Qua quan sát thực tế tại hiện trường, tôi thấy nhiều khả năng bãi thải không có thiết kế được duyệt, hoặc nếu có thiết kế được duyệt thì các giải pháp đổ thải rất ấu trĩ: chiều cao đổ thải rất lớn, góc dốc sườn bãi thải lớn (bằng góc tự chảy của đất đá), không có các biện pháp gia cố bãi thải, không có các công trình chống trôi lấp, trình tự đổ thải tùy tiện, các tầng đổ thải lộn xộn, các mặt trượt tự nhiên không được xử lý...
Chúng tôi vừa có dịp đi ngang qua khai trường để ra bãi thải và thấy cần phải kiến nghị các cơ quan chức năng nên xem xét khả năng sớm đóng cửa mỏ than lộ thiên Phấn Mễ. Ngoài vấn đề đổ thải, khai trường của mỏ Phấn Mễ cũng cần được xem xét thận trọng. Về mặt kỹ thuật, khai trường mỏ Phấn Mễ còn nguy hiểm hơn rất nhiều so với ở bãi thải vừa sạt lở.
TS Nguyễn Thành Sơn
Lê Quân

0 Lời Bình:

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Stumbleupon More