30/4/12

Việt Nam Tuần Qua



Hàng ngàn công an, cảnh sát cơ động, bộ đội được huy động đến xã Xuân Quan để cưỡng chế
Tuần qua tình hình tại Việt Nam ‘nóng’ với vụ cưỡng chế đất tại xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

Cưỡng chế đất tại huyện Văn Giang

Quyết định cưỡng chế được UBND tỉnh Hưng Yên chính thức đưa ra trong ngày 23 tháng 4 nêu rõ vào ngày hôm sau, 24 tháng 4, sẽ cho tiến hành cưỡng chế số đất của 166 hộ tại xã Xuân Quan.
Trong đêm 23 tháng 4 những người dân tại xã Xuân Quan cùng những người khác thuộc hai xã Phụng Công và Cửu Cao đã tập trung với mục đích giữ đất.

Tuy nhiên, chính quyền các cấp tỉnh Hưng Yên vẫn quyết cưỡng chế đất của dân để giao cho chủ đầu tư dự án. Ngay như trước đó một số cơ quan truyền thông trong nước chỉ ra những sai luật của quyết định cưỡng chế đó.
Tin tức cho biết vào sáng ngày 24 tháng 4, chính quyền tỉnh Hưng Yên đã huy động lực lượng lên đến chừng 3000 cảnh sát cơ động, bộ đội được trang bị đầy đủ mọi trang thiết bị tác chiến xuống tận xã Xuân Quan để tiến hành biện pháp cưỡng chế.
Lực lượng cưỡng chế yêu cầu dân chúng phải rời khỏi cánh đồng. Hình: một nhân chứng gửi RFA
Chừng 2000 nông dân của cả ba xã Xuân Quan, Phụng Công, Cửu Cao với quyết tâm giữ đất đã không thể ngăn được lực lượng cưỡng chế.
Những người chứng kiến, cũng như các video clip thu lại được cảnh cưỡng chế cho thấy khói mù dày đặc cánh đồng, tiếng kêu la của người dân, cảnh công an và những người đeo băng đỏ đánh dân, tiếng súng nổ…
Một người trong cuộc cho biết tình hình cưỡng chế tại phần đất xã Xuân Quan vào sáng ngày 24 tháng 4 như sau:
“Cưỡng chế bắt đầu từ 7 giờ 30, nhưng sáng nay lúc đó tôi không nhầm là 5 giờ 30, nó mang một đoàn đến công an, bộ đội mang trang phục, rồi xã hội đen nhiều lắm, nó mang mã tấu, nó đeo chắn ở đằng trước. Họ đến cản dân, đàn áp dân, đe dân. Dân đuổi chúng nó ra và bảo đất của chúng tôi, chúng tôi chưa bán ruộng, chưa lấy tiền, nhưng bây giờ họ đã bắt 4 hay 5 người của chúng tôi rồi.”
Đến chiều ngày 24 tháng 4, văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên họp báo cho biết cuộc cưỡng chế đã kết thúc. Ông chánh văn phòng Bùi Huy Thanh mô tả với báo giới đó là một kết thúc an toàn, không có người dân nào bị thương.
Nó mang một đoàn đến công an, bộ đội mang trang phục, rồi xã hội đen nhiều lắm, nó mang mã tấu, nó đeo chắn ở đằng trước.
Một người dân
Cụ bà Lê Hiền Đức, một nhân vật tham gia đấu tranh chống tham nhũng tại Việt Nam và được Tổ chức Minh bạch Quốc tế trao giải Liêm chính năm 2007, đến tại hiện trường cưỡng chế và bị ép phải quay về Hà Nội, nói lên cảm tưởng khi chứng kiến cảnh cưỡng chế tại xã Xuân Quan hôm 24 tháng 4:
“Không có gì là quá khích cả. Người ta cầm gộc gậy, thuổng cuốc đi làm đồng vì có những khu vực không phải là khu bị cưỡng chế. Nếu công an dùng súng hơi cay bắn vào nông dân, dùng dùi cui điện đánh vào dân thì người ta phải chống cự lại để tự vệ. Tôi đã hỏi “Tại sao lại bắt những người đó?” thì một số công an giải thích là tại “chống cự”, nghĩa là “dùng gậy gộc”.
Bản thân tôi đi cùng với người dân ra hiện trường để xem thì có chỗ xe không đi được, tôi cũng không bước qua được. Lúc đó nhiều thanh niên chìa lưng vào cõng tôi nên tôi rất cảm động. Trong khi đó, công an thấy tôi cầm cái gậy chống thì hỏi “Bà đánh tôi à?” Một bà già chân đi không vững, phải có người cõng, vịn vào gậy mà họ lại hỏi như vậy. Tôi vừa buồn cười vừa bức xúc.”
Sau cuộc cưỡng chế, cơ quan chức năng nói có 20 người bị tạm giữ hành chính và công an đã khởi tố vụ án chống người thi hành công vụ. Trong khi đó phía người dân cho biết có chừng 26 người bị bắt.

Ngư dân Lý Sơn bị Trung Quốc đánh
 
Sau gần 50 ngày bị Trung Quốc giam giữ. 21 ngư dân đã về đến Huyện đảo Ly Sơn vào lúc 2 giờ sáng ngày 22 tháng 4, 2012. Photo courtesy of aninhthudo.
Cũng trong tuần qua, 21 ngư dân đảo Lý Sơn bị phía Trung Quốc bắt giữ khi đang đi đánh bắt tại khu vực đảo Hoàng Sa từ hồi đầu tháng ba vừa qua đã được thả ra.
Ông Lê Lớn khi về đến nhà đã kể lại với phóng viên Việt Hà của Đài chúng tôi về thời gian bị phía Trung Quốc bắt giữ:
Lê Lớn: Em bị bắt hôm 12 tháng 2 năm 2012. 12 tháng 2 âm đó. Hoàn cảnh là bọn em lặn tìm hải sâm, rồi chiếc tàu liên ngành 306 nó đến nó bắt. Nó đánh đập. rồi nó lấy tất cả đồ đạc. Trên tàu có hải sâm, có cá, các thứ tính ra tiền thì cũng đến 400 hay 500 triệu đồng.
Việt Hà: Khi mà họ tới bắt anh thì họ có nói nguyên nhân tại sao họ bắt không?
Lê Lớn: Nó có nói là mình ra vùng biển vi phạm chủ quyền Hoàng Sa. Nó bắt thì nó đánh đập, nó dắt về đảo đó thì bữa đói bữa nó, mỗi ngày chỉ có chén cơm thôi chị ơi. Nó đánh em nhiều lắm. Nó tra tấn rồi nó nói là lý do gì mà phải ra đảo thì em có nói là vì đảo này là cha ông ta, đảo Hoàng Sa là của ông cha ta. Nó đánh đập quá mà vì hoàn cảnh nghèo, rất khó khăn nhưng phải vượt ra tới Hoàng Sa.
Việt Hà: Họ đánh anh bằng gì?
Nó đánh bằng roi điện, rồi nó dùng giày nó đá, nó đá nhiều lắm, hiện bây giờ em sụt nhiều lắm.
Anh Lê Lớn
Lê Lớn: Nó đánh bằng roi điện, rồi nó dùng giày nó đá, nó đá nhiều lắm, hiện bây giờ em sụt nhiều lắm. Em là 64 ký mà bây giờ còn có 60 ký.
Đây không phải là lần đầu tiên chiếc tàu mà ông Lê Lớn đi làm nghề bị bắt tại khu vực quần đảo Hoàng Sa. Chủ chiếc tàu là ông Lê Vinh cho biết những lần tàu và thuyền viên bị bắt, rồi gia đình phải gửi tiền sang Trung Quốc để chuộc người và tàu về:
“Lần này là lần thứ 3, phạt hai lần, lần này lần thứ 3. Còn bắt không và tịch thu tài sản, đuổi về là không có kể được, không biết bao nhiêu mà tính. Bây giờ tôi thiếu nợ 300, 400 triệu tàu này rồi, nợ bà con, vay ngân hàng rồi trả, rồi của nậu cá, nậu dàu, nậu hàng hóa ước tính cũng trên 300 triệu.”
Vào khi nhiều tàu thuyền của ngư dân Việt Nam ra đánh bắt tại khu vực quần đảo Hoàng Sa bị phía Trung Quốc bắt giữ, tịch thu hết ngư cụ và hải sản đánh được…, phía Trung Quốc tuyên bố dự kiến tiến hành đưa du khách Hoa Lục đến thăm khu vực này trong năm nay.
Tuyên bố này được phó tỉnh trưởng Hải Nam, Đàm Lưu, đưa ra sau khi Sở Du lịch tỉnh Hải Nam đã tổ chức ít nhất một chuyến đua thuyền du lịch ra quần đảo Hoàng Sa.
Cũng như mọi lần chính quyền Hà Nội lại lên tiếng phản đối những động thái của Bắc Kinh nhưng không thể ngăn cản gì được. Mới hôm 24 tháng 4, người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam cũng lên tiếng yêu cầu phía Trung Quốc bãi bỏ ngay ‘Bản qui hoạch bảo vệ hải đảo toàn quốc’, mà Bắc Kinh đưa ra hôm ngày 19 tháng 4 vừa qua.
Việt Nam – Úc đối thoại nhân quyền
120424092031_van_giang_464x261_xuandienhannom-250.jpg
Công an tham gia cưỡng chế đất ở Văn Giang hôm 24/4/2012. Photo courtesy of XuanDienBlog.
Trong lĩnh vực nhân quyền, Việt Nam và Australia có vòng đối thoại nhân quyền song phương thường niên lần thứ 9 tại Hà Nội trong hai ngày 26 và 27 tháng 4.
Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia về Việt Nam thuộc Học viện Quốc Phòng Australia đưa ra nhận định về vòng đối thoại nhân quyền đó như sau:
“Theo tôi thì đối thoại này cũng chỉ như mọi đối thoại khác trước đó. Tôi chưa thấy bất cứ ai, hay hành động cụ thể nào từ chính phủ Úc mà cụ thể là ngoại trưởng Úc tỏ ra thật sự quan ngại về vấn đề nhân quyền đang xuống dốc tại Việt Nam, đặc biệt là đối với các blogger và các nhà hoạt động xã hội.”
Lần này chúng tôi muốn đưa cho chính phủ Úc một báo cáo đầy đủ từ phía chúng tôi vì chúng tôi thấy tình hình nhân quyền tại Việt Nam đang xuống dốc.
Ông Phil Robertson
Trước vòng đối thoại nhân quyền Việt Nam- Australia diễn ra, tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch gửi thư đến chính phủ Canberra thúc giục nước này phải có sức ép đối với chính phủ Hà Nội về vấn đề nhân quyền. Ông Phil Robertson, phó giám đốc phụ trách khu vực Châu Á của Human Rights Watch nói về vấn đề này như sau:
“Lần này chúng tôi muốn đưa cho chính phủ Úc một báo cáo đầy đủ từ phía chúng tôi vì chúng tôi thấy tình hình nhân quyền tại Việt Nam đang xuống dốc. Và vì vậy điều quan trọng là chính phủ các nước có đối thoại nhân quyền với Việt Nam phải chuyển được thông điệp của họ tới nhà cầm quyền Hà Nội rằng những vi phạm nhân quyền tại Việt Nam cần phải chấm dứt.”

0 Lời Bình:

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Stumbleupon More