25/4/12

GIẢI MÃ CÔNG NGHỆ ĐỐI VỚI CHƯƠNG TRÌNH MÁY TÍNH

NGUYỄN VÂN ANH – Sở KH&CN tỉnh Bà Rịa, Vũng Tàu; TRẦN VĂN LĂNG – Viện Cơ học và Tin học ứng dụng, TP Hồ Chí Minh; PHẠM HỒNG QUẤT – Bộ KH&CN; NGUYỄN HOÀNG LONG – Trường Chính trị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Giải mã công nghệ (GMCN) để đổi mới công nghệ và phát triển sản phẩm là một xu thế được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới. Với việc GMCN, các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam có thể đi tắt đón đầu, rút ngắn thời gian nghiên cứu thậm chí đến hàng chục năm. Việc ứng dụng giải mã không những giúp tạo ra một công nghệ mới thay thế, có giá thành giảm hơn rất nhiều so với giá trị nguyên bản của nó mà còn có thể hình thành ý tưởng công nghệ mới và tận dụng tối đa tiềm năng sẵn có.

Bài viết cung cấp một cách nhìn tổng quát về vấn đề giải mã, đặc biệt là GMCN đối với chương trình máy tính (CTMT), với những hướng ứng dụng và sáng tạo trong thực tế nhằm đảm bảo tính pháp lý cho việc giải mã. Đây là hướng tiếp cận quan trọng góp phần thúc đẩy đổi mới công nghệ và hạn chế tỷ lệ vi phạm bản quyền CTMT ở Việt Nam.

CTMT và việc bảo hộ CTMT


CTMT
Theo Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT), “CTMT là tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng các lệnh, các mã, lược đồ hoặc bất kỳ dạng nào khác, khi gắn vào một phương tiện mà máy tính đọc được, có khả năng làm cho máy tính thực hiện được một công việc hoặc đạt được một kết quả cụ thể”. Trong thực tế, các CTMT rất đa dạng và phong phú, dẫn đến có nhiều cách phân loại khác nhau. Căn cứ vào sự giao tiếp giữa người và máy có thể có các loại sau: 1. Hệ điều hành (là chương trình giúp người sử dụng cũng như các thiết bị khác có thể giao tiếp với bộ xử lý của máy tính); 2. Chương trình ứng dụng (là những sản phẩm sử dụng máy tính để giải quyết công việc của thực tế đặt ra); 3. Chương trình hệ thống (là những chương trình ứng dụng để giải quyết các công việc nội bộ của máy tính, hoặc một hệ thống các máy tính); 4. Chương trình hệ thống nhúng (là một chương trình ứng dụng được viết, biên dịch trên máy tính, sau đó nạp vào thiết bị có một hoặc nhiều bộ vi xử lý với hệ điều hành tương ứng phù hợp). Dù ở bất cứ loại hình nào, CTMT cũng là một loại hình công nghệ cần phải được giải mã, đặc biệt trong thời đại ngày nay – khi chúng ta cần phải biết kế thừa để nhanh chóng tạo ra sản phẩm, giúp chúng ta tiếp cận với thế giới.

Bảo hộ CTMT
Có thể nói rằng, CTMT là một loại hình công nghệ đặc biệt, có thể thỏa mãn việc bảo hộ dưới rất nhiều hình thức. Sau đây là một số hình thức bảo hộ CTMT mà một số quốc gia trên thế giới đang áp dụng:
- Bảo hộ quyền tác giả: Bảo hộ hình thức thể hiện nguyên gốc của tác giả trong CTMT dưới dạng “một tác phẩm văn học”. Đây là hình thức bảo hộ mà Việt Nam đang áp dụng theo quy định của Luật SHTT (Điều 22.1).
- Bảo hộ sáng chế: Ở một số nước (như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc), các yếu tố chức năng (các sáng chế có liên quan) của CTMT có thể được bảo hộ sáng chế. Một số nước (như New Zealand) dành chế độ bảo hộ sáng chế cho một số dạng CTMT (phần mềm nhúng). Còn ở các nước Đông Âu, Nga, Úc, Trung Quốc, Singapore, CTMT được sử dụng cùng với các thiết bị nhằm giải quyết vấn đề kỹ thuật, mang lại hiệu quả về mặt kỹ thuật… có thể được chấp nhận dưới dạng sáng chế sản phẩm hoặc sáng chế quy trình…
- Bảo hộ dưới dạng bí mật kinh doanh: Theo thực tiễn thương mại thông thường, CTMT được bảo hộ dưới dạng bí mật kinh doanh.
- Bảo hộ kiểu dáng công nghiệp: Ở một số nước, một số yếu tố nhất định do CTMT tạo ra cũng có thể được bảo hộ dưới hình thức kiểu dáng công nghiệp, khi CTMT tạo ra các đặc điểm trang trí hoặc thẩm mỹ đối với các yếu tố bảo hộ đó.
Ngoài các hình thức bảo hộ dưới dạng các đối tượng SHTT theo pháp luật SHTT, CTMT còn được bảo hộ bằng các hình thức đặc biệt khác như:
- Pháp luật hợp đồng: Thông qua các hợp đồng chuyển giao công nghệ hoặc chuyển giao quyền SHTT (lixăng). Thông thường, các bảo hộ này được coi là “siêu quyền tác giả”, như: Cho phép độc quyền sử dụng công nghệ hay quyền được chuyển giao cho bên thứ ba…
- Luật hình sự: Có nhiều nước sử dụng luật hình sự đề điều chỉnh việc tiếp cận công nghệ thông tin, bao gồm cả CTMT.
- Chương trình khóa và sử dụng biện pháp cài mật mã: Bảo hộ phần mềm do chính nội dung công nghệ của CTMT tạo ra. Cách thức bảo hộ đặc thù của CTMT xuất phát từ khả năng tự tạo “khóa” riêng cho mình và đây cũng chính là điểm khác biệt quan trọng so với các đối tượng công nghệ khác.
GMCN đối với CTMT
Thuật ngữ “GMCN” với hàm nghĩa “thiết kế ngược” (nguyên gốc tiếng Anh là “Reverse Engineering”) hiện nay chưa được định nghĩa chính thức trong các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam. Nhưng trong văn bản liên quan đến cơ chế, chính sách đổi mới công nghệ của quốc gia và của một số tỉnh/thành phố thời gian qua đã nhiều lần được đề cập, như: Quyết định số 2441/QĐ-TTg ngày 31.12.2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020, Quyết định 677/QĐ-TTg ngày 10.5.2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020; Quyết định số 5114/QĐ-UBND ngày 25.11.2008 của UBND TP Hồ Chí Minh về việc phê duyệt đề án đổi mới công nghệ công nghiệp sản xuất phục vụ chuyển dịch cơ cấu công nghiệp trên địa bàn thành phố… Trên nhiều diễn đàn về KH&CN của Việt Nam, một số tác giả cũng đã đặt vấn đề trao đổi, bàn luận [1,2].
Theo Từ điển tiếng Anh thương mại, “thiết kế ngược là sao chép sản phẩm của công ty khác sau khi phân tích chi tiết để tìm hiểu nó được tạo ra như thế nào”. Đối với CTMT, việc “thiết kế ngược” có thể hiểu: Hoặc từ một file thực thi có thể tìm ra những file gốc tạo ra file thực thi đó; hoặc từ một hệ thống đã xây dựng có thể tìm lại hồ sơ thiết kế chi tiết của hệ thống. Như vậy, khi bàn đến GMCN, chúng ta dễ hình dung đến việc “copy”, là “bắt chước”, là “vi phạm bản quyền” nhưng thực tế không hẳn là như vậy. GMCM đối với CTMT hoàn toàn có thể “bắt chước” hợp pháp. Hơn thế nữa nó còn là tiền đề cho những định hướng sáng tạo, hoặc khai thác những tiềm năng sẵn có, cụ thể:
GMCN là “bắt chước” hợp pháp
Đây là việc làm chủ các công nghệ được giải mã trên cơ sở không trái với quy định của pháp luật về quyền SHTT, bao gồm: a) Mua quyền sở hữu công nghệ để phát triển (bên bán sẽ có trách nhiệm cung cấp cho bên mua toàn bộ bí quyết liên quan đến công nghệ vào chuyển giao toàn bộ quyền sở hữu công nghệ của mình cho bên mua); b) Tiếp thu công nghệ qua chuyển giao công nghệ (tạo điều kiện thuận lợi để tiếp nhận chuyển giao công nghệ, tiến tới thích nghi, làm chủ, rồi tiến hành đổi mới công nghệ); c) Phân tích ngược để tìm hiểu bí quyết (quá trình này được thực hiện như sau: Trên cơ sở công nghệ hoàn thiện -> tiến hành phân tích bí quyết công nghệ -> tiến hành sản xuất thử nghiệm -> hoàn thiện công nghệ và nhân rộng sản phẩm). Các đối tượng công nghệ có thể được phân tích ngược để tìm hiểu bí quyết và thực hiện GMCN hợp pháp bao gồm: Các công nghệ đang được bảo hộ dưới dạng bí mật kinh doanh; sáng chế, kiểu dáng công nghiệp đã hết thời hạn bảo hộ nhưng chủ thể có nhu cầu sử dụng không tiếp cận được với các thông tin mô tả sáng chế liên quan đến công nghệ; sáng chế, kiểu dáng công nghiệp mà chủ sở hữu đã đăng ký không duy trì đóng lệ phí để được bảo hộ văn bằng trong thời hạn bảo hộ; sáng chế, kiểu dáng công nghiệp không đăng ký bảo hộ tại Việt Nam; ý tưởng các CTMT được bảo hộ dưới hình thức quyền tác giả (tham khảo thêm [2]).
Trong các hình thức giải mã nêu trên, thì hai hình thức giải mã (a) và (b) phụ thuộc vào nhiều điều kiện chủ quan và khách quan. Bởi lẽ, đối với các công nghệ mới, công nghệ nguồn có sức cạnh tranh cao giá bán sẽ rất cao, không phải ai cũng có tiềm lực tài chính để mua được, hoặc có tiền cũng chưa chắc mua được vì chủ sở hữu của các công nghệ này không dễ gì thực hiện bán hoặc chuyển giao cho các đối tác mà sau này có thể là đối thủ cạnh với chính bản thân mình. Do vậy, sau đây chúng ta sẽ tiếp cận với hình thức (c) “phân tích ngược để tìm hiểu bí quyết” để xem xét GMCN hợp pháp cho CTMT.
Với mỗi hình thức bảo hộ CTMT, sẽ có cách thức giải mã tương ứng trên cơ sở khai thác hợp lý những quy định của pháp luật SHTT đối với bảo hộ CTMT.
Giải mã đối với CTMT bảo hộ quyền tác giả: Có thể khai thác “gót chân Asin” của việc bảo hộ này làm lợi điểm, đó là bắt chước ý tưởng để tạo ra sản phẩm mới thay thế. Điều này được coi là “bảo bối” vô cùng quan trọng để tiến hành giải mã CTMT. Một số hướng khai thác ứng dụng và sáng tạo CTMT trên cơ sở GMCN đối với hình thức bảo hộ này là: Sử dụng ngôn ngữ lập trình bậc cao phù hợp như C/C++, Java, Basic… để xây dựng hệ thống bằng các thuật toán hiệu quả; dùng các ngôn ngữ kịch bản như ASP, JSP, PHP… để tạo các chương trình ứng dụng hoạt động trên web với các giao diện thân thiện; xây dựng các hệ thống nhúng phục vụ công nghiệp, nông nghiệp, y khoa… Tuy nhiên, các giao diện của các phần mềm này phải hoàn toàn độc lập với CTMT đã có.
Giải mã CTMT được bảo hộ dưới dạng sáng chế hoặc bí mật kinh doanh: Thông thường đó là các CTMT được tích hợp trong các máy móc, thiết bị phần cứng. Khi đó, việc phân tích ngược các CTMT, tiến hành “bẻ khóa” sẽ cho kết quả mong muốn. Trường hợp này phụ thuộc vào trình độ, kinh nghiệm của các chuyên gia bẻ khóa. Về mặt pháp lý, pháp luật các nước không coi hành vi phân tích ngược bí mật kinh doanh hay bí mật thương mại là hành vi xâm phạm quyền. Ngược lại, hành vi phân tích ngược sáng chế được bảo hộ để sử dụng vào mục đích thương mại có thể bị coi là hành vi xâm phạm quyền. Cũng vì lý do này, đối với loại công nghệ hoặc thiết bị công nghệ dễ bị phân tích ngược hay bị “bẻ khóa” thì chủ sở hữu thường chọn cách thức bảo hộ sáng chế (bộc lộ công khai, chi tiết đến mức người khác có thể thực hiện được để đổi lại việc được cấp bằng độc quyền trong thời hạn nhất định) hơn là để tồn tại dưới dạng bí mật thương mại (trade secret – hình thức bảo hộ không cấp văn bằng và không có thời hạn, bí mật thương mại mặc nhiên được bảo hộ chừng nào nó chưa bị bộc lộ công khai, có giá trị thương mại vì tính bí mật và được chủ sở hữu áp dụng biện pháp bảo mật cần thiết). Do vậy, trong trường hợp CTMT không thuộc phạm vi bảo hộ sáng chế thì người sử dụng hoàn toàn có thể áp dung biện pháp phân tích ngược để khai thác, sử dụng CTMT vào mục đích thương mại mà không bị coi là hành vi xâm phạm quyền. Trong thực tế, để tránh quy định pháp luật quốc gia loại trừ CTMT ra khỏi phạm vi đối tượng được bảo hộ sáng chế, chủ sở hữu CTMT thường đăng ký bảo hộ sáng chế đối với sản phẩm hoặc quy trình có chứa CTMT (như thiết bị định vị, thiết bị dẫn đường, thiết bị nghe nhìn kỹ thuật số…). Việt Nam cũng như đa số các nước đang phát triển khác, coi CTMT là một đối tượng bị loại trừ – không được bảo hộ dưới danh nghĩa sáng chế (Điều 59.2 của Luật SHTT). Trong trường hợp CTMT được bảo hộ ở dạng “ký gửi” hay “nhúng” trong một sản phẩm hay quy trình nào đó được cấp bằng độc quyền sáng chế, thì việc phân tích ngược sáng chế nhằm mục đích nghiên cứu, giảng dạy, thử nghiệm, sản xuất thử hoặc thu thập thông tin để thực hiện thủ tục xin phép sản xuất, nhập khẩu, lưu hành sản phẩm không bị coi là xâm phạm quyền đối với sáng chế.
GMCN là sáng tạo
Trong trường hợp này, GMCN có thể áp dụng đối với mọi hình thức bảo hộ, thậm chí cho các CTMT đang được bảo hộ sáng chế hay bảo hộ quyền tác giả. Đó là các trường hợp: Xây dựng các phần mềm máy tính để chống virus máy tính; tạo ra công cụ chuyển đổi các phần mềm; sáng tạo các thiết bị chuyển đổi hay kết nối các phần cứng có tích hợp các CTMT.
Các thiết bị chuyển đổi, hay kết nối các phần cứng có tích hợp các CTMT được sáng tạo ra trên cơ sở giải mã mang tính sáng tạo, có tính mới hay khác biệt với CTMT được giải mã thì không chỉ việc GMCN để nghiên cứu phát triển không bị coi là vi phạm mà còn có thể được đăng ký bảo hộ dưới dạng sáng chế nhỏ (small invention) theo pháp luật một số nước hoặc dạng giải pháp hữu ích theo pháp luật SHTT của Việt Nam.
GMCN là tận dụng tiềm năng sẵn có
Đây là dạng khai thác các công nghệ được chủ sở hữu công nghệ cho phép. Đối với các CTMT hiện nay, chúng ta có thể khai thác các mã nguồn mở để sử dụng, phát triển các CTMT phục vụ cho riêng mình ở mọi cấp độ. Mã nguồn mở hiểu theo nghĩa rộng là một khái niệm chung được sử dụng cho tất cả các phần mềm mà mã nguồn của nó được công bố rộng rãi công khai và cho phép mọi người tiếp tục phát triển phần mềm đó. Trên thị trường có nhiều loại phần mềm mã nguồn mở, trong đó có phần mềm mã nguồn mở CopyLeft hay còn gọi là giấy phép GPL (General Public Licence). Việc đặt tên CopyLeft xuất phát từ cách chơi chữ để đối nghịch với CopyRight (các phần mềm có bản quyền). CopyLeft hay GPL cho người dùng tối đa quyền hạn và tự do đối với các phần mềm nguồn mở theo GPL (người dùng có quyền không những sao chép, sửa đổi, mua bán các phần mềm nguồn mở dưới CopyLeft mà còn được quyền tự do như vậy đối với các phần mềm dẫn xuất).
Tại Việt Nam, GMCN phù hợp với pháp luật SHTT đang còn là một vấn đề khá mới. TP Hồ Chí Minh hiện là địa phương dẫn đầu cả nước về vấn đề này. Xuất phát điểm đầu tiên là chương trình “Hỗ trợ doanh nghiệp hiện đại hoá với chi phí thấp, tạo ưu thế cạnh tranh tổng hợp và đẩy mạnh xuất khẩu” (thường gọi là chương trình 04), do Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh khởi xướng từ năm 2001, đã tiến hành giải mã thành công nhiều công nghệ của nước ngoài, tạo ra ra sản phẩm mới có giá thành thấp hơn nhiều so với sản phẩm từ công nghệ nguyên bản nhập của nước ngoài, trong đó có các công nghệ, thiết bị có tích hợp CTMT như: Tay máy lấy sản phẩm phôi PET; bộ tự động cắt chỉ, xâu kim máy may; thiết bị vắt sữa bò tự động; thiết kế, chế tạo dây chuyền treo tự động… và gần đây nhất là Robot song song – Hexapod, trên cơ sở tập hợp, huy động trí tuệ và công sức của các nhà khoa học tại các viện nghiên cứu, trường đại học đóng trên địa bàn thành phố. Thành công của chương trình đã mở ra một tiềm năng lớn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc đổi mới công nghệ, tiết kiệm ngoại tệ nhập khẩu công nghệ, thiết bị của nước ngoài, tiến tới xuất khẩu nhiều công nghệ thiết bị mang thương hiệu MADE IN VIETNAM.
Hiện nay, Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh có một trung tâm chuyên thực hiện nhiệm vụ GMCN, đó là Trung tâm Thiết kế chế tạo thiết bị mới, với sự cố vấn của các chuyên gia Hàn Quốc. Bên cạnh việc được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải mã, Trung tâm còn được sự hỗ trợ của nhiều đơn vị, tổ chức liên quan đến phân tích, thiết kế, chế tạo, thương mại hóa sản phẩm đầu ra như Viện KH&CN tính toán, Trung tâm thông tin KH&CN, Sàn giao dịch công nghệ của TP Hồ Chí Minh…
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đang là đơn vị dẫn đầu khu vực phía Bắc tham gia vào việc GMCN. Từ sự thành công trong nghiên cứu, chế tạo máy CNC (sản phẩm của đề tài cấp nhà nước KC.05.28 giai đoạn 2001-2005 do TS Hoàng Vĩnh Sinh làm chủ nhiệm) đã mở ra nhiều triển vọng mới cho việc thiết kế, chế tạo các máy CNC khác đòi hỏi tính ổn định, sự tin cậy và mức độ phức tạp rất cao. Công ty BKMech của Trường là một trong những đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp tục phát triển vấn đề này. Tương tự, Công ty TNHH An ninh mạng BKAV (cũng thuộc Trường) với sản phẩm phần mềm BKAV cạnh tranh “ngang ngửa” với các phần mềm diệt virus của nước ngoài.
Ngoài Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các địa phương khác trong cả nước hầu như chưa tiếp cận vấn đề GMCN, trong đó có các CTMT để thực hiện đổi mới công nghệ. Trong khi đó, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong những nước vi phạm bản quyền nghiêm trọng trên thế giới. Theo các số liệu công bố của các tổ chức quốc tế, năm 2009, tỷ lệ vi phạm bản quyền ở Việt Nam giữ mức 85% trong 3 năm liên tiếp [3]; năm 2010, Việt Nam có nhiều nỗ lực nhằm thực thi quyền SHTT, nhưng mức độ vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam vẫn còn ở mức cao (83%). Thực trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân quan trọng là Việt Nam chưa khai thác hết các lợi ích GMCN hợp pháp đối với các CTMT.
Một số đề xuất chính sách
Việc thực hiện khai thác ứng dụng và sáng tạo CTMT trên nền tảng GMCN để giúp các doanh nghiệp đổi mới công nghệ trong sản xuất, quản lý và kinh doanh có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Với cách đổi mới này, sẽ làm giảm chi phí so với đầu tư cho nghiên cứu sáng tạo mới, vì công nghệ đã được định hình và có hướng đi cụ thể, thậm chí không cần bản quyền vì việc khai thác chỉ dựa trên ý tưởng hoặc khai thác các mã nguồn mở. Mọi cá nhân được trang bị một vốn kiến thức tin học nhất định đều có thể thực hiện được. Do vậy, cần tăng cường đào tạo kiến thức tin học, bao gồm cả kiến thức giải mã CTMT trên cơ sở hợp pháp cho tất cả các bậc học, mọi tổ chức và cá nhân để có thể đẩy mạnh hoạt động này.
Mặt khác, để hỗ trợ thực hiện GMCN hiệu quả, chúng ta phải nắm được thông tin một cách đầy đủ, đâu là phần mềm có bản quyền, đâu là phần mềm thuộc mã nguồn mở. Ví dụ, cùng phần mềm gõ tiếng Việt, nếu sử dụng Vietkey, sẽ phải trả phí bản quyền cho nhà cung cấp nhưng nếu sử dụng Unikey (thuộc phần mềm mã nguồn mở), có tính năng và các tiện ích tương đương thì có thể tải tự do trên Internet, nhưng không vi phạm bản quyền. Do vậy, cần thiết xây dựng chuyên trang thông tin cập nhật các phần mềm mã nguồn mở tương ứng với các phần mềm bản quyền để người sử dụng có đầy đủ thông tin để so sánh lựa chọn.
Đối với lĩnh vực tự động hóa, CTMT được tích hợp trong các thiết bị phần cứng, do vậy để phát triển CTMT trong các lĩnh vực này, nên phát triển đồng bộ ngành chế tạo cơ khí, cơ học ứng dụng, điện tử, viễn thông… để tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải mã. Các tổ chức KH&CN chuyên nghiệp về giải mã cần được đầu tư đầy đủ, đảm bảo đủ năng lực như các phòng thí nghiệm để thực hiện phân tích, căn chỉnh đối với các thiết bị tự động hóa có yêu cầu độ chính xác cao đê nâng cao chất lượng sản phẩm được thiết kế chế tạo trên cơ sở GMCN. Nguồn đầu tư kinh phí cho các tổ chức KH&CN có thể từ Nhà nước, có thể từ sự hợp tác của các doanh nghiệp, các tổ chức KH&CN, cá nhân trong nước và nước ngoài. Hiện nay Nhà nước đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật [4,5] và hình thành các quỹ phát triển KH&CN, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các tổ chức KH&CN tiến hành đầu tư thực hiện GMCN.
Với những lợi ích thiết thực và rõ ràng, GMCN đã được xác định là một trong những giải pháp để thực hiện đổi mới công nghệ trong Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 đã được Thủ tướng ký quyết định ban hành. Thiết nghĩ, trong các chương trình KH&CN hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thiết bị của các địa phương nên bổ sung nội dung GMCN, bởi đây là một trong những giải pháp tích cực, hiệu quả, phù hợp với trên 90% doanh nghiệp Việt Nam (là các doanh nghiệp vừa và nhỏ) trong giai đoạn hiện nay.
Tài liệu tham khảo
[1] Trần Văn Hải (2008), “Về thuật ngữ SHTT trong Luật KH&CN”, Tạp chí Hoạt động Khoa học số tháng 9.2008.
[2] Nguyễn Vân Anh (2011), “Thương mại hóa kết quả nghiên cứu – nhìn từ góc độ của quá trình R&D”, Tạp chí Hoạt động Khoa học số tháng 7.2011, tr 24-27.
[4] Thông tư liên tịch 11/2007/TTLT/BCA-BKH&CN ngày 27.7.2007 hướng dẫn tổ chức KH&CN công lập mời chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài vào Việt Nam và cử cán bộ ra nước ngoài hoạt động KH&CN.
[5] Nghị định số 80/2010/NĐ-CP ngày 14.7.2010 của Chính phủ quy định về hợp tác đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực KH&CN.
SOURCE: TẠP CHÍ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC, BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, SỐ THÁNG 2.2012 (633)

0 Lời Bình:

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Stumbleupon More