19/4/12

Thế kỷ 21 là của Mỹ, không phải Trung Quốc?


Nếu soán ngôi cường quốc kinh tế số 1 thế giới của Mỹ, Trung Quốc sẽ có cơ hội thống lĩnh sân khấu chính trị toàn cầu. Ảnh minh họa: AFP.

Ngày nay hầu hết mọi người quen với những lời tán dương sự năng động của nền kinh tế Trung Quốc và cảnh báo sự suy giảm của Mỹ. Không ít người dự đoán, thế kỷ 21 là hoàn toàn là kỷ nguyên của "người khổng lồ châu Á" nhưng họ sai lầm.




Trong khi Mỹ bắt đầu khôi phục từ cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất trong lịch sử 80 năm qua, Trung Quốc lại lướt qua khủng hoảng tài chính toàn cầu, một cách nhẹ nhàng và gần như không bị thiệt hại đáng kể.
Ngay cả nếu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại, chỉ còn giữ ở mức 7,5%, như dự báo mới nhất của Chính phủ nước này, tỷ lệ trên vẫn gấp ba lần tỷ lệ tăng trưởng của Mỹ thời hậu khủng hoảng.
Từ đó, nhiều người tin rằng không lâu nữa nền kinh tế Trung Quốc sẽ vượt mặt Mỹ và thế kỷ 21 là kỷ nguyên của Trung Quốc. Thậm chí, Quỹ tiền tệ quốc tế còn dự báo Trung Quốc sẽ soán ngôi cường quốc kinh tế số 1 của Mỹ vào năm 2016, mang lại cho nước này cơ hội thống lĩnh sân khấu chính trị toàn cầu.
Tuy nhiên, không ít người cũng tin vào một kịch bản hoàn toàn khác rằng sau bao biến cố và thăng trầm, nền kinh tế Mỹ đang sẵn sàng để hồi sinh trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu đối mặt với các rào cản trong thế kỷ này.
Theo nhóm người này, mô hình tăng trưởng nhờ xuất khẩu được thúc đẩy bởi giá lao động rẻ mạt của Trung Quốc đang bắt đầu bộc lộ những mặt trái của nó.
Trong lòng Trung Quốc, sức ép để phải chia sẻ rộng rãi hơn và công bằng hơn các thành quả có được nhờ gia tăng khả năng sản xuất đang nổi lên mạnh mẽ và trở thành bài toán khó dành cho giới lãnh đạo nước này.
Đồng thời, Trung Quốc bắt đầu phải đối mặt với vấn đề tăng chi phí lao động và sự suy giảm khả năng cạnh tranh xuất khẩu.
Việc kích thích các hộ gia đình Trung Quốc tiêu dùng nhiều hơn có thể là giải pháp nhằm bù đắp cho tình trạng tăng trưởng dựa vào xuất khẩu thấp. Tuy nhiên, giới chuyên gia phân tích cũng khuyến cáo rằng giải pháp này sẽ ít hiệu quả bởi thói quen chi tiêu là điều khó mà thay đổi.
Thực tế, chỉ số tiêu dùng của Trung Quốc gần đây ở mức thấp bởi thị trường bất động sản ảm đảm. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có khả năng giảm xuống còn 7,5% trong năm nay và tương lai, còn có thể sụt giảm hơn nữa, ít nhất khoảng 3 %, theo dự đoán của GS.Michael Pettis, thuộc ĐH Bắc Kinh.

Trong khi đó, Mỹ bắt đầu nhận được hàng loạt các báo cáo hàng tháng đầy khả quan về tình trạng việc làm (bất chấp tỷ lệ tăng trưởng việc làm đầu tháng 4 khá ảm đảm).

Ngoài ra, theo báo cáo của Cục phân tích kinh tế Mỹ, Tổng thu nhập quốc nội (GDI)  quý IV/2011 của Mỹ tăng trưởng ấn tượng 4,4%.
Sức sản xuất của Mỹ, nói cách khác đang trở lại. Và xét cho cùng thì suy thoái kinh tế không hoàn toàn là thảm họa mà nó dường như mang lại cơ hội cho các công ty Mỹ để sắp xếp lại hoạt động và tăng năng xuất lao động.
Chẳng hạn, các hãng xe hơi của Mỹ, ba năm trước đây đứng trên bờ vực phá sản thì nay, đang bắt đầu bắt kịp lại với nhu cầu của thị trường.
Hơn nữa, Mỹ luôn đi đầu thế giới trong việc áp dụng sức mạnh trí tuệ nhân tạo và tin học cho các loại mặt hàng tiêu dùng, đặc biệt là các mặt hàng công nghệ.
Trong khi đó, Trung Quốc nổi lên như là “kẻ sao chép” các sản phẩm công nghệ cao của cường quốc số 1 thế giới chứ không phải là “nhà sáng chế” các sản phẩm tương tự như trên.
Một câu hỏi đặt ra là liệu kỷ nguyên suy giảm của Mỹ đã kết thúc? Và trên thực tế, thế kỷ 21 là của Mỹ chứ không phải của Trung Quốc?
Theo hai Giáo sư chuyên ngành khoa học chính trị và kinh tế Mỹ, George C. Pardee và Helen N. Pardee thuộc ĐH California tại Berkeley, bất cứ kết luận nào vào thời điểm này đều là quá vội vàng.
Trung Quốc có thể tăng trưởng chậm lại. Tuy nhiên, trên thực tế, Bắc Kinh vẫn là một xã hội năng động và giới lãnh đạo nước này cũng rất khôn khéo khi luôn “chịu khó” áp dụng các đòn bẩy chính sách – từ giảm dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng tới tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng – nhằm tránh kịch bản nền kinh tế sụt giảm không phanh.
Thêm vào đó, chi phí lao động có thể gia tăng nhưng Trung Quốc vẫn sẽ là thị trường lao động giá rẻ dồi dào.
Ngoài ra, trên thực tế, giới lãnh đạo Trung Quốc kêu gọi tăng trưởng kinh tế chậm lại để phát triển ổn định hơn. Các nhà sản xuất Trung Quốc cũng đang tập làm quen với lĩnh vực sản xuất các loại mặt hàng phức tạp hơn, tinh vi hơn, chẳng hạn, tuabin gió và pin mặt trời. Các nghành sản xuất này đòi hỏi lao động có kiến thức kỹ thuật và công nghệ cao chứ không đơn thuần dựa vào nguồn lao động giá rẻ.
Trong khi đó, sự phục hồi của Mỹ hiện nay chưa hẳn đã chắc chắn. Trên thực tế, tỷ lệ tăng trưởng 4,4% GDI trong quý IV/2011 của Mỹ chủ yếu được kích thích bởi sự tăng trưởng về tồn kho (ở Việt Nam thường gọi là tích lũy tài sản lưu động).  Mỹ chỉ đang duy trì mức tăng trưởng 2,5%, thua xa Trung Quốc. Giá bất động sản tiếp tục sụt giảm, gây ra tâm trạng bất an, lo lắng cho nhiều người.
Ngoài ra, người ta cũng chỉ có thể chắc chắn rằng các thành tựu công nghệ cao sẽ mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho các nhà sản xuất chúng chứ không ai dám chắc chúng đang góp phần kích thích năng xuất hay tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn cho người Mỹ.
Đáng ngại nhất là những bế tắc về chính trị của Mỹ đang trở thành trở ngại để họ giải quyết các thách thức trung hạn về tài chính. Suy đoán cho rằng sau thời kỳ chịu đựng một chuỗi các cuộc suy thoái kinh tế nặng nề, “phép màu năng xuất” sẽ diễn ra trên đất Mỹ đang bắt đầu phai nhạt.
Không có gì phải bàn cãi về thực trạng nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn hơn trong khi kinh tế Mỹ đang chứng tỏ những tín hiệu phục hồi tích cực đầu tiên. Nhận ra điều đó, Trung Quốc đang bắt đầu áp dụng chiến lược phát triển ổn định hơn mà biểu hiện đầu tiên chính là chủ trương giảm tăng trưởng. Do đó, nếu Mỹ không biết nắm bắt và tận dụng các cơ hội dựa trên đà phục hồi kinh tế hiện tại để thúc đẩy tăng trưởng thì thế kỷ 21, sau tất cả, sẽ hoàn toàn là thế kỷ của Trung Quốc.


 

0 Lời Bình:

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Stumbleupon More