16/1/12

Đại Tướng Lê Đức Anh nói về vụ Tiên Lãng

Đại tướng Lê Đức Anh, cựu Chủ tịch nước, nói với truyền thông Việt Nam rằng cần "tiếp tục điều tra" và "làm rõ" về vụ cưỡng chế đất đầu năm 2012 đối với ông Đoàn Văn Vươn ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng.

Đại Tướng Lê Đức Anh 

Vụ cưỡng chế thu hồi đất gây tranh cãi của chính quyền huyện Tiên Lãng hôm 5/1 đã dẫn tới nổ súng, làm một số người trong lực lượng cưỡng chế bị thương.

Bản thân ông Vươn cùng ba người thân đã bị bắt giữ và truy tố tội Giết người.

Sự việc đã thu hút sự chú ý đông đảo của công luận, báo chí và truyền thông trong nước, cũng như sự lên tiếng của nhiều quan chức đã, và đang làm việc trong bộ máy chính quyền.

Hôm thứ Bảy, báo Giáo dục Việt Nam, trích lời Tướng Lê Đức Anh nói với tờ này: “Những ngày vừa qua, tôi theo dõi rất sát sao thông tin về vụ việc bắn người thi hành công vụ ở huyện Tiên Lãng. Có rất nhiều điều khiến tôi phải suy nghĩ".

"Trước tiên phải nói rõ rằng: việc phản ứng một cách tiêu cực bằng cách dùng súng bắn trả lực lượng chức năng là sai trái và cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm khắc. Tuy nhiên, còn rất nhiều điều cần phải tiếp tục điều tra làm rõ và trả lời rõ ràng để dư luận hiểu."

Cựu Chủ tịch nước cho rằng có ba vấn đề trong vụ việc: "Thứ nhất, nếu Đoàn Văn Vươn là một người lương thiện được người dân địa phương quý mến, thì lý do gì khiến anh ta phải có hành vi tiêu cực như vậy? Điều này cần khẩn trương làm rõ".

"Thứ hai, tại sao sự việc lại để kéo dài nhiều năm, tại sao có sai sót mà không quản lý được, phải chăng chính quyền địa phương có sự buông lỏng quản lý?"

"Mặt khác, việc cơ quan công an tiến hành cưỡng chế mà không có sự kết hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để nảy sinh phức tạp cũng là một thiếu sót. Nếu mình làm được tốt thì những hành vi chống trả lực lượng chức năng đã không xảy ra”.

Phát biểu của ông Lê Đức Anh, người được cho là vẫn còn uy tín ở trong đảng và quân đội, có vẻ cho thấy dấu hiệu vụ nổ súng của dân chống cưỡng chế của chính quyền địa phương ở Hải Phòng thực sự đang gây băn khoăn, quan ngại trong các cựu lãnh đạo cao cấp của đảng, nhà nước và chính quyền trung ương.

"Phải bồi thường"

 
TS Đinh Xuân Thảo
 Cũng tờ Giáo dục Việt Nam hôm Chủ Nhật 15/1 đăng tải ý kiến của một quan chức khác, ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khẳng định "phải bồi thường nhà cho ông Đoàn Văn Vươn," liên quan tới việc cơ quan chức năng san bằng nhà của ông.

"Trường hợp ở đây là ngôi nhà của người phạm pháp, đó là tài sản của bản thân họ và người thân thì càng không thể dùng biện pháp san bằng và chẳng pháp luật nào cho phép làm việc này. Vì thế, huyện Tiên Lãng phải bồi thường ngôi nhà của ông Đoàn Văn Vươn bị phá hủy. Đồng thời phải làm rõ trách nhiệm người ra quyết định này," Đại biểu Quốc Hội, Tiến sỹ Đinh Xuân Thảo được trích lời nói.

"Cũng theo quy định của các luật hiện hành, quyền sử dụng của người đầu tư khai khẩn đất, được giao đất sau khi hết 20 năm thì họ tiếp tục được cho thuê. Hoặc người trả tiền thuê một lần còn được thêm nhiều ưu đãi khác như quyền sử dụng giấy chứng nhận để thế chấp ngân hàng…"
"Chính sự nhận thức không đầy đủ về luật pháp hoặc chính quyền nghĩ dân không nắm được luật nên đã làm ẩu, dẫn đến những vụ thu hồi đất sai luật nhằm cho người khác thuê với giá có lợi hơn," người đứng đầu Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội cho hay.

Trong một diễn biến liên quan tới lãnh đạo xã Vinh Quang và huyện Tiên Lãng, một số trang blog được nhiều người theo dõi trong nước tuần này vừa truyền đi một cáo buộc, kèm theo một số giấy tờ xác nhận của người dân địa phương, theo đó cho rằng Chủ tịch Lê Văn Hiền phải bị "cách chức," "kỷ luật" hay "khai trừ đảng" vì đã "khai man lý lịch đảng" về nhân thân.

Các tài liệu trên blog và nhiều tờ báo mạng trong nước cáo buộc ông Hiền, cũng là anh ruột của Chủ tịch xã Vinh Quang, Lê Văn Liêm, người cùng tổ chức cuộc cưỡng chế khu đất thuê và đất lấn biển liên quan gia đình ông Đoàn Văn Viên, đã không khai báo "bố vợ của ông Hiền" là "việt gian," "phản động" từng cộng tác với "chính quyền thực dân Pháp" và là "đối tương nguy hiểm của cách mạng" trong lý lịch đảng gửi các cấp của ông Hiền.

'Xử lý nghiêm'

Mới đây, hôm 11/1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Công điện số 57/CĐ-TTg về việc "Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đợt cao điểm trấn áp tội phạm."

Trong công điện này, ông Dũng biểu dương những thành tích của "toàn lực lượng Công an, Quân đội, các lực lượng khác và quần chúng nhân dân đã tham gia trong đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đặc biệt là tấm gương anh dũng hy sinh của những cán bộ, chiến sỹ trực tiếp làm nhiệm vụ này."

Thủ tướng Dũng yêu cầu Bộ trưởng Công an, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương "tiếp tục chỉ đạo không để sơ hở thiếu sót, bảo vệ an toàn tính mạng của cán bộ, chiến sỹ công an và các lực lượng tham gia phòng, chống tội phạm;" và đặc biệt là "xử lý nghiêm những trường hợp chống đối người thi hành công vụ."

Không rõ liệu thông điệp này của người đứng đầu Chính phủ sẽ tác động ra sao tới những người có liên quan hiện đang bị giam giữ và truy tố về các tội danh Giết người, hay chống đối người thi hành công vụ trong vụ của ông Đoàn Văn Vươn.

Ông Dũng cũng là đại biểu Quốc hội của Hải Phòng.

Trong một diễn biến liên quan vụ nổ súng ở Hải Phòng, một luật sư thuộc đoàn luật sư Thành phố Hà Nội, ông Trần Vũ Hải đã gửi thư đề nghị Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo Bộ Công an xem xét sai phạm về phía chính quyền trong vụ cưỡng chế gia đình ông Vươn.

"Chúng tôi đề nghị Cơ quan pháp luật Việt Nam khởi tố ngay vụ án hình sự để điều tra làm rõ hành vi hủy hoại tài sản (của gia đình công dân Đoàn Văn Vươn). Cần làm rõ về những người đã ra lệnh, đánh sập ngôi nhà” - luật sư Hải nói trong thư.

"Chính quyền huyện Tiên Lãng đã diễn dịch Luật Đất đai theo ý của họ," ông giải thích thêm về nguyên nhân vụ việc Tiên Lãng với BBC hôm 15/1.

 http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/01/120115_general_le_duc_anh_haiphong.shtml

0 Lời Bình:

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Stumbleupon More