Có đến sáu cán bộ bị thương (trong đó có một người bị thương nặng) khi tham gia cưỡng chế thu hồi đất tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng (TP Hải Phòng).
Theo các hộ dân thì họ được giao đất chứ không phải là thuê đất. Tính đến năm 2009 (thời điểm TAND huyện xử vụ kiện quyết định thu hồi đất mà các hộ là nguyên đơn), thời hạn giao đất theo luật định vẫn còn. Nếu đúng vậy thì huyện đã ban hành quyết định thu hồi đất không đúng quy định và án sơ thẩm “bác đơn khởi kiện, giữ nguyên quyết định thu hồi đất” của TAND huyện cũng đã xử không đúng.
Thay vì làm rõ nội dung này, xem xét kỹ lưỡng tính đúng, sai của quyết định thu hồi đất để trên cơ sở đó bác kháng cáo của các nguyên đơn hoặc sửa, hủy bản án sơ thẩm… thì TAND TP lại lập “biên bản tạo điều kiện để các đương sự tự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án”. Trong biên bản, ngoài nội dung trình bày nêu trên của phía nguyên đơn, thẩm phán thụ lý vụ án đồng thời ghi nhận ý kiến của đại diện UBND huyện “nếu các hộ dân rút đơn thì huyện sẽ tiếp tục cho thuê đất”.
Phải nói ngay Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính (có hiệu lực trong trường hợp này) không quy định cho tòa cấp phúc thẩm lập loại biên bản như thế. TAND TP có thể thừa sức biết biên bản đó không có giá trị pháp lý; có thể “tỉnh queo” xếp hồ sơ bằng quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm dựa vào việc nguyên đơn rút đơn kháng cáo mà không cần quan tâm đến thiệt, hơn của những người “thấp cổ bé miệng”. Song những người dân bình thường thì khó mà rành rẽ đường đi nước bước của các quyết định liên quan.
Khi đã đặt hết niềm tin vào cách giải quyết của tòa án, vào lời hứa “giấy trắng mực đen” của phía chính quyền để tự nguyện rút đơn kháng cáo, để được tiếp tục sử dụng đất theo nguyện vọng, chắc rằng không hộ nào tính đến một hệ lụy pháp lý “lạnh lùng” tiếp theo. Đó là với quyết định đình chỉ xét xử sau đó của tòa cấp phúc thẩm thì có nghĩa là bản án sơ thẩm “giữ nguyên quyết định thu hồi đất của huyện” có hiệu lực! Tức các hộ phải có nghĩa vụ giao trả đất cho huyện nếu huyện không muốn - hay nói chính xác là không có thiện chí - thực hiện cam kết ghi trong biên bản. Và nếu các hộ không đồng ý giao đất thì chính quyền huyện hoàn toàn có quyền tổ chức cưỡng chế thu hồi đất. Một sự thật bất lợi mà nhiều khả năng các hộ đã không lường trước và khi không thể nào dễ dàng chấp nhận thì các hộ đã manh động…
Theo chánh án TAND TP Hải Phòng, tòa này sẽ rút kinh nghiệm về việc đã làm các hộ dân hiểu lầm về giá trị của biên bản. Nếu bản án sơ thẩm “có vấn đề” và còn thời hạn thì tòa này sẽ tính đến việc sửa sai. Bản án, quyết định sai thì có thể cải sửa nhưng những hậu quả bắt nguồn từ cách làm không đúng của những người lẽ ra phải có trách nhiệm đảm bảo gìn giữ cho sự đúng đắn và công bằng làm sao có thể rút lại được.
http://phapluattp.vn/20120108012727815p0c1063/hau-qua-nghiem-trong-tu-cach-xu-an-sai.htm
0 Lời Bình:
Đăng nhận xét