TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn |
Luật pháp để bảo vệ nông dân còn “mỏng”
Theo Luật Đất đai, khi hết thời hạn giao đất, nếu người sử dụng đất có nhu cầu tiếp tục sử dụng và đã chấp hành đúng pháp luật về đất đai thì được Nhà nước tiếp tục giao đất đó.
Tuy nhiên, qua vụ thu hồi đất ở Tiên Lãng, Hải Phòng cho thấy một thực tế là chính quyền các địa phương hoàn toàn có thể thu hồi đối với khoảng 1,2 triệu “sổ đỏ” sẽ hết hiệu lực từ 2013. Ông bình luận ra sao về khả năng này?
- Câu chuyện chính ở đây là trong luật của mình khá mù mờ. Luật cho phép thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế. Vì phát triển kinh tế nên chính quyền nhiều nơi “vin” vào đó để ra quyết định, bất chấp “nhạy cảm” đặc biệt khi các chủ đầu tư cần đất thì họ có mối quan hệ với chính quyền tốt hơn, họ nhìn thấy khả năng sinh lời tốt hơn.
Không những thế, trong luật còn cho phép theo quy hoạch của Nhà nước, địa phương có thể thay đổi thường xuyên tùy vào yêu cầu. Do đó, xảy ra tình trạng “hôm nay tôi không quy hoạch nhưng ngày mai tôi sẽ quy hoạch vì mục tiêu an ninh quốc phòng hay mục đích kinh tế...”, nhiều nơi lợi dụng sự “mù mờ” đó để thu hồi đất của người dân.
Vậy theo ông, liệu có xảy ra khả năng thu hồi đất ào ạt như trường hợp Tiên Lãng?
- Vụ Tiên Lãng tự nhiên thành một vấn đề cả xã hội quan tâm, vì có chuyện xô xát giữa chính quyền và người dân bị thu hồi đất. Từ nay đến năm 2013 có khả năng sẽ tránh được những chuyện khai sai, lợi dụng quy trình, chức sắc để thu đất vô điều kiện của dân. Trong một thời gian ngắn trước mắt sẽ im ắng, nhưng sau đó nó sẽ xảy ra tiếp. Nguyên nhân là do việc thu hồi đất có quá nhiều người được hưởng lợi trừ người nông dân.
Theo ông, những mối lợi đó là gì và những đối tượng nào được hưởng?
- Chính quyền thu hồi với giá rất rẻ, bởi khung giá đất nông nghiệp hiện rẻ như cho không. Những nghiên cứu của Viện chúng tôi cho thấy có sự chênh lệch giá rất lớn. Như ở Bình Dương đất nông nghiệp giá 190.000 đồng/m2 nhưng bên ngoài là 30 triệu đồng, ở Bắc Ninh là 200.000 đồng thì ở ngoài là 35 triệu đồng/m2. Chênh quá lớn khiến cho địa phương thu hồi đất giao cho doanh nghiệp để thu thuế cao hơn. Doanh nghiệp đầu tư thì không mất nhiều tiền để có được mảnh đất đẹp.
Theo ông tại sao những bức xúc của người nông dân lâu nay đã không được giải quyết, để dẫn đến trường hợp bức xúc bị đẩy lên quá mức như ở Tiên Lãng?
- Tôi cho rằng nguyên nhân nằm ở quy trình thu hồi đất không rõ ràng, không công khai và không cho dân tham dự. Người dân có phản hồi gì thì nói sau, còn thông thường thì đóng dấu giao cho cấp huyện đi thu. Nếu nông dân khiếu kiện thì giao cho tòa án hành chính cấp đó xử lý. Câu chuyện chính là quy trình xử lý tranh chấp, ông tỉnh thường xử cho ông tỉnh thắng, ông huyện thường xử cho ông huyện thắng. Ông nông dân chẳng có cơ chế nào để bảo vệ cả. Tính pháp lý để bảo vệ nông dân khi bị thu hồi đất rất “mỏng”.
Đất nông nghiệp chịu nhiều rủi ro!
Thưa ông, có thể hiểu thời hạn cho thuê đất chỉ có ý nghĩa xác định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, hay theo đúng nghĩa đen là quyền thu hồi của Nhà nước?
- Thời hạn đối với nông nghiệp nếu theo các cụ hồi trước thì là “sở hữu toàn dân tiến tới tiên tiến toàn dân”. Nhưng thời hạn sau này là “để nhà nước có quyền sở hữu đất”. Thời hạn này tôi hiểu theo hướng “ví dụ sau 20 năm người dân nông thôn chạy hết vào thành phố thì đất đó phải sử dụng theo hướng khác, Nhà nước có quyền thu lại giao cho người khác”.
Thời hạn này hiểu theo nghĩa “nhà nước có thể có quyền can thiệp”. Đất nông nghiệp “dính” tới chữ thời hạn nên rủi ro nhất. Vụ thu hồi ở Hàng Bài (Hà Nội) là một ví dụ, nhà nước, doanh nghiệp phải mất tiền tỷ, bởi đất đô thị “đố ai lấy được”.
Theo TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, tính pháp lý để bảo vệ nông dân khi bị thu hồi đất rất “mỏng”.
Xung quanh thời hạn giao đất 20 năm, hiện có 2 luồng ý kiến. Có ý kiến là thời hạn quá dài, khiến nhiều người sinh sau năm 1993 không có đất, nhưng ý kiến khác lại cho rằng thời hạn này quá ngắn khiến người dân không an tâm để đầu tư vào đất. Quan điểm của ông thế nào?
- Đất nông nghiệp là tư liệu sản xuất nhưng là cả tài sản. Người dân đổ mồ hôi, công sức tạo lập thì phải có chủ. Nếu có chủ thực sự thì phải công nhận quyền cho người ta dài hơn. Nếu không sau 2013 rồi đến 2023 – 2033 sẽ còn xảy ra vài vụ Tiên Lãng. Do đó, theo tôi phải kéo dài ra, ít nhất là 50 năm để có đủ thời gian cho một vòng đầu tư. Hoặc phải cho phép đa sở hữu. Từ thời Hiến pháp 1946, chúng ta đã cho đa sở hữu đất đai, cộng đồng.
Đến nay, cả nước đã có tới 260 KCN, nhưng chỉ 170 trong số đó hoạt động. Việc phát triển quá nóng của các KCN đang ảnh hưởng đến kinh tế nông nghiệp?
- Để phát triển KCN có hiệu quả thì về chiến lược phải tái cơ cấu theo ngành vùng. Địa phương nào có lợi thế so sánh, xác định được thì theo quy hoạch. Phải có hình thức tổ chức, gắn kết như thế nào với xung quanh để chọn KCN. Như các tỉnh ĐBSCL có lợi cho nông nghiệp thì việc gì “nhảy” vào đó làm KCN. Sao không chạy ra đất trống đồi núi trọc? Không nên cho phép tập trung đầu tư KCN vào thành phố lớn, phải để cho những anh nông dân hòa nhập được với đô thị mới. Như thế KCN mới có dân bám chứ không chỉ là đầu cơ đất.
Theo ông, sự lãng phí đất đai cần phải được giải quyết như thế nào?
- Tôi cho rằng, luật hiện hành phải thay đổi để hướng tới đa sở hữu, trưng dụng, trưng mua theo đúng quy trình. Nhiều người đề xuất có tòa án về đất đai thì mới xử lý được chuyện các tỉnh, các huyện đi thu. Mức bồi thường phải tính đủ chi phí cơ hội.
“Luật cho phép thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế. Vì phát triển kinh tế nên chính quyền nhiều nơi “vin” vào đó để ra quyết định, bất chấp “nhạy cảm”.
TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn
Việc vẫn giữ "thời hạn cho thuê đất" cùng với quy định về hạn điền dường như đang tạo ra cản trở rất lớn để phát triển kinh tế nông nghiệp? Quan điểm của ông về vấn đề tích tụ ruộng đất?
- Muốn tích tụ ruộng đất thì phải có những cơ chế đổi thửa, hỗ trợ giao dịch đất. Thời gian tới nếu vẫn tiếp tục như thế này thì khó thúc đẩy tích tụ. Đất nông nghiệp ở miền Bắc rất manh mún, một hộ có nhiều mảnh ở các nơi khác nhau.
Trong Nam thì khá hơn nhưng cũng không ăn thua. Nếu tiếp tục như hiện nay Nhà nước không thể nâng cao chuỗi giá trị, gắn kết, áp dụng các tiêu chuẩn. Muốn thúc đẩy tích tụ thì về luật phải chính thức hợp thức hóa việc mua bán đất. Thời gian hạn điền phải nâng lên.
Thời hạn cho thuê 20 năm đang tạo cho chính quyền một quyền lực rất lớn, có thể gọi thẳng đó là quyền định đoạt mảnh đất vốn thực chất thuộc về người dân. Liệu có nên thay đổi chế độ sở hữu đối với đất đai?
- Tôi cho rằng cấp được hưởng lợi nhiều nhất là chính quyền cấp huyện. Do vậy, quy trình xử lý tranh chấp phải rõ, đưa ra tòa án trước khi thu hồi, kèm theo hỗ trợ pháp lý thì mới tạo ra sự minh bạch. Tôi ủng hộ quan điểm phải đa sở hữu đất đai, phải có sở hữu cụ thể.
Xin cảm ơn ông!
Hương Thủy (thực hiện)
Theo Dân Việt
http://www.hoinongdan.org.vn/channel.aspx?Code=NEWS&NewsID=39668&c=45
0 Lời Bình:
Đăng nhận xét