2/4/12

Chuyên gia tư vấn hàng đầu: con đập rất nguy hiểm


Công nhân sửa chữa những chỗ rò rỉ

Mặc-Lâm
-
“… có hiện tượng nước vọt ra từ thân đập đến 30 lít/giây, cho nên chúng tôi lo sợ rằng cái đập đang có sự cố như vậy mà nếu xảy ra một cái gì đó ví dụ như động đất hoặc ví dụ như một trận lũ kinh khủng thì liệu cái đập đó có đứng vững được không?”
Đập Thủy điện Sông Tranh 2 bị nứt khiến giới khoa học chú ý vì sự cố này có thể gây nên nhiều tác hại cho người dân tại khu vực hạ nguồn nếu con đập bị vỡ. Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng thuộc Bộ Xây dựng khẳng định rằng đập Sông Tranh 2 sẽ không bị vỡ kể cả khi có động đất xảy ra. Tuy nhiên TS Nguyễn Bách Phúc, chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TPHCM, kiêm Viện trưởng Viện Điện, Điện tử Tin học (EEI) phản bác ý kiến đó.

Mặc Lâm: Xin cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc đã cho phép chúng tôi có cuộc nói chuyện ngày hôm nay. Thưa ông, trước biến cố nứt đập thủy điện Sông Tranh 2 đang diễn ra hiện nay, với tư cách là một chuyên gia thì điều ông lo ngại nhất là gì?

TS Nguyễn Bách Phúc: Cái quan tâm lớn nhất của các nhà khoa học và bạn bè của chúng tôi là sự an toàn của người dân, bởi vì nếu là cái đập bình thường thì tất cả mọi người tin vào thiết kế, thi công, rồi sự giám định và xác nhận rằng đập đó tốt và an toàn trong cả trường hợp động đất theo thiết kế.
Thế nhưng mà bây giờ nó xuất hiện sự cố mà sự cố đó rất là ghê gớm, tức là có hiện tượng nước vọt ra từ thân đập đến 30 lít/giây, cho nên chúng tôi lo sợ rằng cái đập đang có sự cố như vậy mà nếu xảy ra một cái gì đó ví dụ như động đất hoặc ví dụ như một trận lũ kinh khủng thì liệu cái đập đó có đứng vững được không? Và như vậy thì sự an toàn của hàng vạn người dân ở bên dưới sẽ như thế nào? Cái chính là ở chỗ đấy.
Còn bây giờ nói đễn chuyện nguyên nhân vì sao nó hỏng, lỗi của ai này kia, thì trước mắt chuyện ấy là chuyện lâu dài. Xác định nguyên nhân là phải xác định cho đúng và phương án sử dụng cho đúng, còn trước mắt là làm sao an toàn cái đã.
Làm sao mà lỡ ngày mai ngày mốt có chuyện động đất rất mạnh chẳng hạn, hay một cơn lũ rất kinh khủng chẳng hạn, thì cái đập vẫn an toàn, vẫn không để cho nhân dân bị thiệt hại. Mà thiệt hại ở đây là hàng vạn người dân, cho nên chúng tôi nghĩ cái lớn nhất là cái đó và chính xuất phát từ chỗ đó mà chúng tôi nói rằng trong bất cứ điều kiện nào thì đầu tiên hãy xả nước đập cái đã.

Đập Sông Tranh 2 rò rỉ- ảnh VOV

Mặc Lâm: Nhưng ông Lê Quang Hùng – Cục Trưởng Cục Giám Định Nhà Nước đã khẳng định nhiều lần là cái đập đó vẫn an toàn. Vậy, thưa Tiến Sĩ, ông có ý kiến gì đối với phát biểu của ông Hùng là người có trách nhiệm trực tiếp với việc này?

TS Nguyễn Bách Phúc: Ông Hùng là quan chức cấp cao của nhà nước, là Cục Trường Cục Giám Định, ông ấy đã nói và đã trả lời phỏng vấn của VNTTX. Trong bài đấy ông Hùng nói rất rõ, nhưng mà chúng tôi phản bác ý kiến của ông Hùng.
Ông Hùng nói rằng cái đập vẫn an toàn khi mà vừa qua đã có một số trận động đất kích thích nhưng nó vẫn an toàn. Và từ đó ông kết luận là nó sẽ an toàn.
Về mặt khoa học thì sự trả lời như thế là không đúng, bởi vì hôm nọ động đất kích thích thì nó vẫn an toàn, nhưng mà ngày mai lại có động đất kích thích tiếp thì nó có an toàn không? Nhất là ông Hùng có đảm bảo rằng ngày mai, ngày mốt hoặc một tháng sau sẽ không có những trận động đất bất thường, hoặc nó mạnh hơn rất nhiều với động đất kích thích?
Tôi lấy ví dụ là ở bên Nhật Bản trước ngày 11 tháng 3 có ai nghĩ là có trận động đất đến gần 9 độ Richter để đến nổi gây nên sóng thần và gây nên thảm họa cho nước Nhật! Thế bây giờ thủy điện Sông Tranh nó nằm ở trên cái mạch động đất, mà ông Hùng hay bất cứ ai dám ký vào đảm bảo rằng sẽ không có một trận động đất lớn hơn không? Lớn hơn trận động đất kích thích vừa qua không? Và nếu như động đất lớn hơn thì cái đập có an toàn hay không? Trong lúc đó nó đang bị sự cố, tức là nó đang bị thương tật, mà nó đang bị thương tật lại bị một trận động đất mạnh thì nó sẽ như thế nào?
Đấy là cái mà chúng tôi lo lắng, lo lắng nhất là ở chỗ đấy. Cho nên chúng tôi kiến nghị là phải xả nước đi để an toàn cái đã, và xả nước đi là rất cần thiết, tức là một việc làm nghiêm túc để sửa cái đập đấy. Còn nếu không xả thì sửa sẽ không đến nơi đến chốn. Cho nên vì thế mà chúng tôi cho rằng ông Hùng khẳng định an toàn là không có căn cứ.

Mặc Lâm: Thưa Tiến Sĩ, nhưng ông Hùng đã nói rằng nếu giữ nguyên mực nước mà vẫn xử lý được thì vẫn tốt hơn, còn nếu hạ mực nước xuống thì có thể không phát hiện vị trí nước bị thấm. Tiến Sĩ có ý kiến gì phản biện lại ý kiến của ông Hùng không ạ

TS Nguyễn Bách Phúc: Tôi không ngờ ông Hùng lại nói như thế, bởi vì thế này, theo ông Hùng nói thì có nước thấm còn các nhà khoa học thì cho rằng nó đã có những đường rảnh thông nước ở trong đấy. Nhưng thôi, bây giờ tôi không tranh luận cái chuyện là thấm hay là nứt nữa, mà là thế này : Vấn đề là phải xác định cái vết đó là thấm hay nứt, nó to hay nó nhỏ, và sau khi xác định rồi thì biện pháp sửa chữa sẽ như thế nào?
Ông Hùng lý sự rằng phải để nước đầy lên thì mới lần theo vết nước để mà phát hiện chỗ hỏng thì ông Hùng hoàn toàn sai. Bởi vì chúng ta không thể lặn vào trong, biến mình nhỏ bằng viên bi rồi lăn lăn ở trong để xem chỗ nào có nước chỗ nào không có nước, mà ở đây là phải dùng các phương tiện kỹ thuật, mà phương tiện kỹ thuật thì cái đó rất phổ thông rồi, thế giới này ai cũng biết, cũng làm được.
Dùng các phương tiện kỹ thuật đó, mà cụ thể cái gẫn gũi nhất là cái máy phát siêu âm thì người ta vẫn có thể xác định chính xác, tất nhiên là chính xác ở trong cái đập đấy có những vết nứt ở đâu, cái vết đấy to nhỏ thế nào, rộng hẹp thế nào, nghĩa là cái máy siêu âm có thể xác định chính xác.
Xin nói rằng trong cái lổ hổng đấy có nước hay không có nước không thành vấn đề, và nếu mà có nước thì nó sẽ xác định rằng cái lổ hổng kích thước như thế, bên trong là không khí hay là nước, nghĩa là nó xác định rõ ràng. Chứ việc gì mình phải giữ nước để xác định ?

Công nhân sửa chữa những chỗ nứt- ảnh VOV
Cái đó ông Hùng nói theo tôi nghĩ chẳng khác gì mấy ông mấy bà nông dân be cái bờ đập để ngăn hai bên ruộng nước thì phải sờ sờ mó mó nhìn xem nước ở đâu nó chảy ở đâu thì mình vá víu chỗ đấy. Ở đây đâu có phải như vậy! Ở đây đâu có thể nhìn được, mà ở đây phải dùng phương tiện kỹ thuật, mà phương tiện thì cái chuyện đó đối với kỹ thuật ngày nay thì không có cái gì bắt buộc phải có nước ở trong đấy cả. Cho nên cái đó tôi nói ông Hùng sai và tôi không ngờ ông Hùng lại có thể nói những câu như thế được.

Mặc Lâm: Vâng. Thưa Tiến Sĩ, xin ông một câu hỏi cuối cùng. Với tư cách Chủ Tịch Hội Tư Vấn Khoa Học Công Nghệ & Quản Lý TP.HCM, Tiến Sĩ có thể gặp thẳng Thủ Tướng để nói chuyện với Thủ Tướng về vấn đề này rất là quan trọng đối với sinh mạng của hàng vạn dân ở dưới hạ lưu? Tiến Sĩ có nghĩ rằng ông sẽ đối diện trực tiếp với Thủ Tướng nếu ông ấy yêu cầu hay không?

TS Nguyễn Bách Phúc: Hội chúng tôi làm việc như thế này. Khi nào có cái kiến nghị của Hội thì chúng tôi sẽ mời các nhà khoa học lại họp thành một cái hội thảo. Hội thảo xong xuôi là sẽ có một kiến nghị chính thức của Hội, mà thường kiến nghị chính thức của Hội thì do tôi ký thay mặt Hội, bởi vì đấy là kết quả của một hội thảo, hội nghị.
Nếu như là kiến nghị của Hội thì chúng tôi sẽ mời chuyên gia lại và các chuyên gia của chúng tôi làm một cái hội thảo và c ái hội thảo đó sẽ đúc kết ra một kiến nghị. Kiến nghị đó là của Hội và tôi là Chủ Tịch Hội sẽ thay mặt Hội ký cái kiến nghị đấy. Khi có kiến nghị đấy thì chúng tôi sẵn sàng viết thư xin gặp Thủ Tướng để trình bày cái kiến nghị của Hội.
Thế nhưng mà trong trường hợp hiện nay là tôi chỉ mới kiến nghị theo tư cách cá nhân là công dân Nguyễn Bách Phúc, chứ tôi chưa nói đến cái Hội này, nhưng có mở ngoặc ra tôi là Chủ Tịch Hội Tư Vấn Khoa Học Công Nghệ & Quản Lý TP.HCM, tôi còn là Viện Trưởng của Viện Điện Tử Tin Học TP.HCM. Đấy, vấn đề là như thế ạ.

Mặc Lâm: Một lần nữa xin cảm ơn TS Nguyễn Bách Phúc đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn với rất nhiều chi tiết này. Xin cảm ơn Tiến Sĩ.
Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.

0 Lời Bình:

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Stumbleupon More