GS. Nguyễn Văn Tuấn
-
Bài dưới đây viết về một câu chuyện buồn. Có người chạy cái tít “Thua đau TQ về giáo dục chủ quyền biển đảo”, có lẽ gần gũi hơn với tâm tư của nhiều người, kể cả tôi. Chúng ta phải hành động không thể chậm trễ. Đồng ý. Nhưng phải làm gì? Tôi muốn chia sẻ một kinh nghiệm và một đề nghị.(Entry này viết đêm qua, nhưng vì post bài nhớ thầy cũ, nên hoãn đến ngày hôm nay).
Kinh nghiệm của tôi liên quan đến việc của tôi đang làm. Số là chúng tôi quan tâm đến bệnh loãng xương, nhưng công chúng nói chung chưa nhận thức vấn đề này đến nơi đến chốn, chưa thấy gãy xương là nguy hiểm. Mà, khi công chúng nhận thức chưa đúng thì khi chúng tôi đi nói chuyện trước công chúng để [nói thẳng ra là] xin tiền, thì họ miễn cưỡng mở ví. “Đối thủ” khoa học của chúng tôi là mấy đồng nghiệp bên oncology – ung thư học. Họ chỉ cần trình bày một cái nhũ hoa bị ung thư là công chúng quan tâm ngay, và họ sẵn sàng rút ví ra cho tiền. Trong thực tế, tiền tài trợ cho nghiên cứu ung thư cao hơn tiền cho nghiên cứu xương cao gấp 2, thậm chí 3 lần. Vấn đề đặt ra là làm sao công chúng biết được việc làm của chúng tôi là quan trọng (ở đây không nói đến khoa học cao siêu gì cả, mà là thuyết phục công chúng). Chúng tôi mướn một nhóm chuyên làm về PR (public relation), họ phỏng vấn chúng tôi, và sau vài tuần, họ đề nghị vài biện pháp, trong đó đó biện pháp soạn một leaflet để nói về vấn đề loãng xương và hệ quả ra sao, về việc làm của chúng tôi giúp ích thế nào cho cộng đồng (chứ không phải ngồi trong tháp ngà nói chuyện “trên trời”). Họ đề nghị phải lấy ung thư làm chuẩn, và chỉ ra một thực tế rằng nguy cơ chết vì gãy cổ xương đùi cũng tương đương hoặc cao hơn nguy cơ tử vong vì ung thư vú. Leaflet chỉ 1 trang, viết theo văn phong dễ hiểu cho người không biết gì về y khoa. Họ đề nghị phải có một chính khách nữ có tuổi đứng ra phổ biến leaflet này và mời các em học sinh vào Viện nghiên cứu xem qua cơ sở vật chất và phòng lab để họ thấy việc làm thú vị như thế nào. Kết quả của việc làm này là có nhiều người cho tiền. Có một bà cụ rất giàu nhưng không có con cái, bà kí giấy cho chúng tôi thừa hưởng một gia tài (kể cả bất động sản) khoảng 2 triệu USD sau khi bà qua đời. Bà đề nghị dùng gia tài đó để đầu tư và lấy tiền lời làm nghiên cứu. Chuyện thật cảm động.
Quay lại câu chuyện HS-TS, nay chúng ta đang đương đầu với một đối thủ giàu hơn ta có và hung hãn, nhưng trong tình trạng bị “bó tay”. Nhưng trớ trêu thay, ngay cả ở trong nước, chỉ nói đến hai từ HS-TS là bị xem là “nhạy cảm”, là “tế nhị”. Chiếu phim về vấn đề HS-TS cũng không được cho phép. Tự cái việc xin phép đã là lạ lùng! Những ai can đảm trưng biểu ngữ phản đối kẻ xâm chiếm đảo biển của ta thì có khi bị sa vào vòng lao lí. Nhưng hô khẩu hiệu “Góp đá xây TS” thì được khuyến khích. Nếu mình không có chủ quyền và không làm chủ được thì xây cái gì? Thật là không thể hiểu nỗi!
Tôi rất tâm đắc với tác giả bài báo khi ông viết “’Hoàng Sa, Trường Sa là của VN’ không chỉ là khẩu hiệu mà đi kèm theo đó phải là những luận cứ thuyết phục ăn sâu vào máu thịt của từng người VN.” Đúng như thế. Chúng ta cần phải phổ biến (chứ không phải tuyên truyền) những sự thật (facts) về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đến mọi người trong xã hội, nhất là giới sinh viên và học sinh. Chúng ta cần phải thuyết phục (chứ không phải tuyên truyền) người ngoại quốc về sự thật lịch sử, về chủ quyền của Việt Nam, về việc China chiếm đóng và tàn sát các chiến sĩ hải quân Việt Nam, và những tranh chấp cũng như đe doạ côn đồ của China.
Dựa vào kinh nghiệm trình bày trên, tôi muốn có một đề nghị nhỏ: ngoài những nghiên cứu và sách giáo khoa, ngay bây giờ chúng ta cần soạn một leaflet để phổ biến trong giới sinh viên học sinh. Leaflet chỉ cần 1 trang hay cao lắm là 2 trang, viết bằng văn phong dễ hiểu, đi thẳng vào vấn đề. Nội dung chỉ đơn giản nêu sự thật (và chỉ sự thật) lịch sử về chủ quyền của VN trên hai quần đảo HS-TS, về sự tàn sát người Việt một cách dã man của China, về việc China đang hành xử như là cướp biển ngay trong vùng biển do VN kiểm soát. Chúng ta cũng cần một bản tiếng Anh, tiếng Pháp, v.v. dành cho bạn và khách ngoại quốc. Chúng ta sẽ phổ biến trên internet và hệ thống báo chí lề phải (hi vọng họ chấp nhận công bố). Đề nghị Nhà nước cho tổ chức những buổi nói chuyện về chủ quyền HS-TS trong tất cả các đại học và trung học ở VN. Hô khẩu hiệu bằng những mĩ từ đầy cảm tính có thể làm cho vài người ấm lòng, nhưng không giúp gì cho việc nâng cao nhận thức của đại đa số công chúng.
Tôi nghĩ chúng ta cũng cần soạn thảo một nhóm PowerPoint slides để phân phát cho những ai quan tâm. Slides cũng nói lên ba nội dung chính: tài liệu (sự thật) lịch sử, sự xâm lăng của China, và tranh chấp hiện nay. Dĩ nhiên, phải soạn một cách chuyên nghiệp, chiến lược, và slick (chứ không phải như thế này). Những slides này có thể xem như là khung bài, và người nói chuyện có thể thêm hay bớt tuỳ theo bối cảnh và khán giả.
Tôi nghĩ việc này (soạn leaflet và slides) hoàn toàn có thể làm được và có thể làm ngay. Cần có những người am hiểu tình hình đứng ra làm “đầu tàu”. Tôi nghĩ đến các bạn trong nhóm Quĩ nghiên cứu Biển Đông đứng ra làm, chứ chẳng mong chờ gì từ các quan chức bên nhà, vì họ chịu quá nhiều chi phối, phải qua nhiều cấp trên, cấp dưới trong hệ thống hành chính. Cũng như lần trước, người viết bài này sẵn sàng đóng góp một tay trong việc biên soạn bản tiếng Anh và cách trình bày.
NVT
======
Không thể chậm trễ
Hai nữ sinh phổ thông, một VN, một Trung Quốc cùng tham gia chương trình Giao lưu văn hóa ở Mỹ (học 1 năm phổ thông và ở nhà cha mẹ nuôi là người Mỹ), được sắp xếp ở chung một nhà. Tất cả là ngẫu nhiên, có học sinh giao lưu văn hóa VN ở chung cùng một nhà với bạn Đức, Tây Ban Nha, Nhật, Thái Lan, Hàn Quốc…
Nhưng ngay những ngày đầu tiên, bạn học sinh TQ, trong một lần nói chuyện với cả nhà về đất nước mình, đã “tranh thủ” giới thiệu Hoàng Sa, Trường Sa là của TQ; bạn học sinh VN bị bất ngờ, chỉ biết phản ứng lại trong thế bị động rằng: “Hoàng Sa, Trường Sa là của VN”…
Sự việc không chỉ dừng lại ở đó. Đến cuối năm học, khi có dịp thuyết trình về một đề tài lịch sử trong lớp của mình, bạn TQ đăng ký ngay đề tài về Hoàng Sa, Trường Sa. Buổi thuyết trình được thầy giáo khen về mặt chuẩn bị tư liệu. Lời khen đó trở thành đề tài trong bữa cơm tối ở nhà cha mẹ nuôi người Mỹ. Bạn VN phản ứng bằng cách… bỏ cơm.
Trên đây là câu chuyện có thật, được một học sinh VN tại Mỹ kể lại.
Chúng ta không thể chê con cái chúng ta chậm, thực tế là người lớn chúng ta chậm, hay nói đúng ra là quá chậm.
Chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là vấn đề trọng đại của cả dân tộc và các thế hệ người VN, nhưng dường như chúng ta chưa có kế hoạch toàn diện một cách bài bản. Câu chuyện trên đây chỉ là một trong những điểm yếu. Nhìn lại toàn bộ chương trình lịch sử ở cả 3 cấp học, không có chương nào, bài nào nêu rõ quá trình làm chủ không thể chối cãi và quá trình khai thác Hoàng Sa, Trường Sa của ông cha ta; quá trình lấn chiếm có “lộ trình” của TQ… Hoàng Sa, Trường Sa có chăng chỉ là một vài câu chữ ở môn địa lý. Tìm hiểu thêm trên các website chính thức, không thấy có trang nào hệ thống các bằng chứng, lý lẽ của VN trong vấn đề chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa một cách bài bản, mạch lạc để học sinh và người dân (không phải là các học giả) có thể lấy đó làm vũ khí lý luận, đấu tranh mọi lúc mọi nơi.
Hàng trăm ngàn du học sinh chúng ta hiện đang học tập và làm việc ở nhiều nơi trên thế giới. Lực lượng này có thể làm cho giới trẻ quốc tế, những nhà lãnh đạo tương lai của thế giới hiểu đúng và ủng hộ chúng ta trong vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa. Nhưng tài liệu không đầy đủ thì kêu gọi con cái chúng ta làm thế nào để chiến thắng?
Vấn đề là làm sao để câu chuyện “Hoàng Sa, Trường Sa là của VN” không chỉ là khẩu hiệu mà đi kèm theo đó phải là những luận cứ thuyết phục ăn sâu vào máu thịt của từng người VN.
Cái trước mắt có thể làm được ngay là đưa các bài học lịch sử về Hoàng Sa, Trường Sa vào sách giáo khoa các cấp, từ tiểu học cho đến đại học; tùy theo trình độ hiểu biết của người học mà biên soạn nội dung phù hợp. Qua các website chính thức, trang bị ngay cho học sinh, nhất là du học sinh VN, những kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu, dịch ra nhiều thứ tiếng để du học sinh trên toàn thế giới có thể sử dụng làm tư liệu trong các bài thuyết trình, giới thiệu với bạn bè quốc tế về các bằng chứng của VN.
Theo: Blog NVT.
0 Lời Bình:
Đăng nhận xét