1/4/12

Sự cố Đập Thuỷ điện Sông Tranh 2: Vì an toàn sinh mạng của hàng vạn người dân hạ lưu, kiến nghị Thủ tướng lập tức ra lệnh xả cạn hồ trong suốt thời gian tìm kiếm nguyên nhân và khắc phục sự cố (Boxit)

Công dân Việt Nam: Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc

(Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý Thành phố Hồ Chí Minh HASCON,

Viện trưởng Viện Điện – Điện tử - Tin học Thành phố Hồ Chí Minh EEI)

Ngày 23 tháng 3 năm 2012, Tiến sỹ Lê Quang Hùng, Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam (chiếu trên Chương trình thời sự buổi chiều tối của Đài Truyền hình Việt Nam, xem trên Mạng: tienphong.vn), và trả lời Thông tấn xã Việt Nam (đăng trên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam dangcongsan.vn), đã tuyên bố: “Trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia, tôi có thể khẳng định là Đập vẫn đảm bảo an toàn, kể cả sau khi xảy ra một số trận động đất kích thích thời gian qua tại vị trí xây dựng công trình. Qua kiểm tra, không phát hiện những dấu hiệu bất thường của công trình”.


Lời khẳng định hùng hồn của Ông Hùng mặc nhiên là lời khuyên hàng vạn người dân ở vùng hạ lưu hãy an tâm, đừng lo lắng, không có gì nguy hiểm!

Nhưng hàng vạn người ở hạ lưu vẫn không thể an tâm, hàng triệu người Việt Nam dù không sinh sống ở trong vùng đe dọa của Đập thuỷ điện Sông Tranh 2 cũng không thể an tâm.

Ông Hùng phát biểu hùng hồn: “Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã chỉ đạo thành lập ngay Đoàn công tác của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, gồm các chuyên gia đầu ngành về các các vấn đề thủy công, vật liệu, vật chất công trình, quan trắc, đo đạc..., kết hợp với Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng vào hiện trường để kiểm tra sự việc. Đoàn công tác đã tiến hành kiểm tra hiện trường trong hai ngày 20 và 21/3, tại các mặt thượng và hạ lưu Đập, các hành lang thu nước, hiện trạng thấm, quan trắc biểu hiện biến dạng của Đập... và làm việc với các bên có liên quan, gồm Ban Quản lý dự án Thủy điện 3, nhà thầu, đại diện cơ quan quản lý nhà nước của địa phương. Sau đó, các chuyên gia đã có báo sơ bộ về tình hình của Đập. Đến sáng 23/3, theo như báo cáo, lưu lượng nước thấm đã giảm khoảng 15 - 20% so với thời điểm kiểm tra ngày 20/3.”

Xin hỏi ông Hùng: một Đoàn cán bộ rất cao cấp, với những chuyên gia chắc cũng rất cao cấp, chỉ “tiến hành kiểm tra hiện trường trong hai ngày 20 và 21/3, tại các mặt thượng và hạ lưu Đập, các hành lang thu nước, hiện trạng thấm, quan trắc biểu hiện biến dạng của Đập...”, lại cho một kết quả động trời: “Đến sáng 23/3, theo như báo cáo, lưu lượng nước thấm đã giảm khoảng 15 - 20% so với thời điểm kiểm tra ngày 20/3”. Trời ơi! Các quan chức và các chuyên gia chỉ có kiểm tra đo đạc, mà lại làm giảm được 20% lưu lượng nước thấm qua Đập! Các vị tài hơn cả Tề Thiên Đại Thánh! Hay ông Hùng chỉ nói “đại” để an dân?

Lại nữa, theo báo chí, theo phim ảnh, thì nước từ trong thân Đập phun trào ra như thác, 30 lít trong 1 giây đồng hồ (chỉ 15 giây là đầy tràn bồn tắm trong nhà ông Hùng), mà ông Hùng lại bảo nước chỉ thấm qua thân Đập mà thôi!

Rất tiếc không có thông tin về tốc độ của dòng nước phun ra, nhưng nhìn vào hình ảnh dòng nước phun ra, có thể đoán tốc độ phun khoảng từ 0,5m/giây đến 1 m/giây, như vậy tổng tiết diện của miệng phun là từ 600 cm2 đến 300 cm2. Đó mới chỉ là tiết diện của miệng phun ở mặt đập phía hạ lưu, còn khe nứt xuyên suốt thân đập từ mặt đập thượng lưu đến mặt đập hạ lưu to nhỏ thế nào chưa ai biết, nhưng có thể khẳng định ít nhất cũng to bằng miệng phun.

Đã thấy những hình ảnh phản cảm: người ta cố tình bịt miệng phun ở mặt hạ lưu đập, rồi tuyên bố thành tích là đã chống thấm tốt, giảm được 15 đến 20 % nước thấm, trong khi khe nứt trong lòng đập thì vẫn y nguyên!

Không biết trách nhiệm của ông đối với sinh mạng và tài sản của hàng vạn người dân có được gắn liền với những phát ngôn của ông không?

Ông Hùng còn nói: “Tôi có thể khẳng định là Đập vẫn đảm bảo an toàn, kể cả sau khi xảy ra một số trận động đất kích thích thời gian qua tại vị trí xây dựng công trình”.

Lạ đời chưa? "Đập vẫn đảm bảo an toàn, kể cả sau khi xảy ra một số trận động đất kích thích thời gian qua”, vậy nếu sắp tới sẽ xảy ra một số trận động đất kích thích, thì Đập sẽ ra sao? Ông Hùng có khẳng định là Đập vẫn an toàn?

Và nghiêm trọng hơn, ông Hùng và các quan chức, các chuyên gia nói trên có nghĩ rằng trong thời gian tới (trong thời gian kiểm tra và sửa chữa Đập từ nay đến trước mùa lũ) sẽ có thể hay không thể xảy ra những trận động đất mạnh hơn nhiều so với những trận động đất kích thích trong thời gian qua? Các vị có giám khẳng định là không thể không? Các vị có dám ký vào văn bản khẳng định như vậy không? Hoặc các vị có giám khẳng định rằng nếu xảy ra những trận động đất mạnh hơn nhiều so với những trận động đất kích thích trong thời gian qua thì Đập vẫn an toàn? Các vị có dám ký vào văn bản khẳng định như vậy không?

Nếu các vị dám ký vào các Văn bản như thế, thì mọi người sẽ bớt phần lo lắng, và chắc chắn Thủ tướng hoặc người có thẩm quyền cũng sẽ an tâm ký lệnh cho phép tiếp tục tích nước ở Đập thuỷ điện Sông Tranh 2.

Lưu ý rằng nước Nhật và cả Thế giới trước ngày 11/3/ 2011 không ai nghĩ là có trận động đất lên đến gần 9 độ Richter ngoài khơi Nhật Bản. Thế mà nó lại đột nhiên xảy ra, thảm hoạ khôn lường đã xảy ra!

Vấn đề bức xúc nhất mà hàng triệu người dân quan tâm hiện nay là phải nhanh chóng trả lời câu hỏi: Quyết định thế nào trước mối đe dọa sinh mạng của hàng vạn người dân? Vẫn cứ tiếp tục tích nước trong hồ? Hay lập tức xả cạn nước hồ?

Và một câu hỏi gắn chặt với câu hỏi trên là: Ai có đủ thẩm quyền ra quyết định? Người ra quyết định chịu trách nhiệm thế nào trước sinh mạng của hàng vạn người dân?

Ông Hùng đã nói: “Có thể thấy pháp luật của ta hiện nay dường như đã ủy quyền cho chủ đầu tư, các nhà thầu trong việc xây dựng, kiểm soát chất lượng, bảo đảm an toàn công trình.”

Hóa ra, theo ông Hùng, bản thân ông cùng các quan chức cao cấp và các chuyên gia cao cấp không ai có “quyền” gì cả, chỉ có chủ đầu tư, các nhà thầu trong việc xây dựng mới có quyền kiểm soát chất lượng, bảo đảm an toàn công trình. Từ quan điểm này, có thể hiểu rằng, nếu Đập Sông Tranh 2 không may bị vỡ, trách nhiệm hoàn toàn thuộc về chủ đầu tư (Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN) và các Công ty xây dựng Đập, còn ông Hùng và các Quý vị cao cấp nọ là vô can! Thảo nào mà ông Hùng dám mạnh mồm “Tôi có thể khẳng định là Đập vẫn đảm bảo an toàn” hùng hồn đến thế!

Cũng may ông Hùng nói một câu “có vẻ nửa chừng”: có thể thấy pháp luật của ta hiện nay dường như đã ủy quyền cho chủ đầu tư, các nhà thầu…”. Vậy pháp luật của ta hiện nay chắc chắn (chứ không phải là “dường như”) đã ủy quyền cho ai? Xin mời các vị Luật sư trả lời cho câu hỏi này.

Trong khi chưa tìm ra câu trả lời, chúng tôi cho rằng Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN không có khả năng, không đủ thẩm quyền để quyết định cái việc liên quan đến hàng vạn sinh mạng của người dân.

Nếu Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam có gan ký lệnh tiếp tục giữ nước trong lòng hồ (không xả cạn nước), người dân vẫn không thể an tâm được, vì nếu chẳng may Đập vỡ thì mọi việc xử lý thế nào? Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ gánh vác trách nhiệm đến đâu?

Chúng tôi cho rằng trong tình hình hiện nay, để đảm bảo an toàn cho hàng vạn người dân hạ lưu, Thủ tướng Chính phủ không phê duyệt quyết định giữ nước trong lòng hồ do cấp dưới trình lên, mà nên dứt khoát ký lệnh lập tức xả cạn hồ trong thời gian tìm nguyên nhân và khắc phục sự cố.

Việc xả cạn, thứ nhất là để đảm bảo an toàn, thứ hai là điều bắt buộc để có thể nghiêm túc và triệt để sữa chữa con Đập.

Theo GS TSKH Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hiệp hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam (VNcold), Phó Chủ tịch Ủy hội Đập lớn Thế giới, để sửa chữa Đập Thủy điện Sông Tranh 2 hiện nay, “Giải pháp triệt để là phải chống thấm từ mặt đập thượng lưu, không cho nước thấm vào đập”, cụ thể là: “làm khô bằng cách hạ mức nước hồ xuống, sau đó dán lớp màng chống thấm, sơn các loại sơn chống thấm đặc biệt quét lên bề mặt, hay phụt trên bề mặt các loại chất chống thấm đặc biệt để nó chèn các khe nứt… Tuy nhiên, giải pháp này phải có thời gian và phải chấp nhận tổn thất về sản lượng điện vì nhà máy đang vận hành.” (vietnamnet.vn)

Chúng tôi hoàn toàn đồng tình với giải pháp của GS TSKH Phạm Hồng Giang, vì đó là giải pháp chắc chắn và triệt để. GS Giang chỉ lo một điều “giải pháp này phải có thời gian và phải chấp nhận tổn thất về sản lượng điện vì nhà máy đang vận hành”. Để giải tỏa nỗi lo của GS Giang, chúng tôi xin lý giải: là chuyên gia Hệ thống Điện, chúng tôi khẳng định việc ngưng vận hành nhà máy Thủy điện Sông Tranh 2 không gây ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN, kể cả mặt kinh tế và mặt kỹ thuật. Lý do đơn giản là: Công suất đặt của Thủy điện Sông Tranh 2 chỉ 190MW, chỉ chiếm gần 1% tổng Công suất đặt của toàn Hệ thống điện Việt Nam (khoảng 20.000MW). Về kỹ thuật, khi Thủy điện Sông Tranh 2 ngừng hoạt động, các nhà máy điện còn lại của Việt Nam chỉ cần huy động thêm 1% công suất là đủ bù lại (Hệ thống điện phải thường xuyên điều chỉnh sao cho Tổng công suất phát ra bằng với Tổng công suất tiêu thụ của khách hàng. Tổng công suất này thay đổi liên tục từng giờ từng phút trong mỗi ngày. Tổng công suất phát ra sẽ là lớn nhất tại giờ cao điểm. Nhưng Tổng công suất phát ra lớn nhất này vẫn nhỏ hơn Tổng công suất lắp đặt, thường chỉ khoảng 80%). Về kinh tế: khi Thủy điện Sông Tranh 2 ngưng hoạt động, nó sẽ không có sản lượng điện 679,6 triệu kWh/năm, và không có doanh thu, nhưng Tổng sản lượng điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ không bị giảm, vì sản lượng 679,6 triệu kWh/năm đã có các nhà máy khác phát bù, và doanh thu (tiền bán điện) của EVN vì thế sẽ không bị giảm đồng nào. Nhân đây cũng xin nói thêm về phát biểu của ông Hùng “Có thể phải vừa khắc phục hiện tượng thấm, vừa phải hạ mức tích nước trong hồ. Nhưng nếu giữ nguyên mực nước mà xử lý được thì tốt hơn, vì vẫn với mực nước như vậy, dòng thấm xuất hiện mà tìm được vị trí xử lý thì hiệu quả sẽ cao hơn. Nếu hạ mức nước xuống có thể không phát hiện được vị trí thấm.” Thực tình chúng tôi không thể tưởng tượng được ông Hùng lại nói như thế. Chẳng lẽ đi tìm vết nứt (theo ông Hùng chỉ là vết thấm) trong thân đập bê tông lại chỉ có cách lần theo các vết nước? Ai chui vào trong đó để lần theo vết nước? Thực ra các phương tiện tìm vết nứt hiện nay đều có thể xác định chính xác vết nứt, dù trong đó có nước hay không có nước, có lẽ ông Hùng không biết điều đó chăng? Kết thúc bài viết này chúng tôi kính mong công luận ủng hộ đề xuất của chúng tôi, một Công dân Việt Nam yêu Tổ quốc yêu Đồng bào: Vì an toàn sinh mạng của hàng vạn người dân hạ lưu, kiến nghị Thủ tướng lập tức ra lệnh xả cạn hồ Thủy điện Sông Tranh 2 trong suốt thời gian tìm nguyên nhân và khắc phục sự cố.

N. B. P.

Tác giả trực tiếp gửi cho BVN.

0 Lời Bình:

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Stumbleupon More