2/4/12

Trở lại Cồn Dầu

Trở lại Cồn DầuLm. Nguyễn Ngọc Nam Phong

-
Thật đau lòng biết bao tình cảnh những người dân tha hương trên ngay chính mảnh đất quê hương mình. Chính phủ có biết chăng hay tiếp tục làm ngơ để cho “bầy sâu lúc nhúc” (lời của ông Trương Tấn Sang) tiếp tục tàn phá quê hương, đất nước, khủng bố đồng bào. Có lẽ, việc chính đốn đảng muốn có thực chất phải bắt đầu từ đây, từ việc trả lại công lý cho những người dân oan mất đất.
Đây là lần thứ tư đến thăm Cồn Dầu kể từ ngày anh Thành Năm tạ thế (3/7/2010).
Ngay đầu cầu Hòa Xuân, hàng trăm tấm bảng phân lô giao bán đất cắm dọc hai bên con đường mới mở trên nền đất đỏ ối mặn chát màu của máu và nước mắt.



Hai tấm bản đồ quy hoạch Khu du lịch sinh thái Hòa Xuân của tập đoàn tư nhân Sun Group cùng với ông Phạm Nhật Vượng – người giầu nhất sàn chứng khoán hợp tác đầu tư, dựng ngay bên đầu cầu đoạn rẽ vào làng Cồn Dầu như cười cợt vào cái gọi là “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”. Nó cho thấy ở đây, Đà Nẵng có một thứ vương quốc riêng, với quyền lực và luật lệ riêng, ngang nhiên thách thức dư luận và ngay cả chính quyền trung ương.

Con đường bê tông vào các thôn Cẩm Chánh, Cồn Dầu, Trung Lương nham nhở đất san lấp. Ngôi chùa một thời gắn bó với người dân Trung Lương đang chuẩn bị dời đi sau khi nhà chùa động thổ xây mới ngôi chùa tại khu tái định cư cách nơi cũ mấy cây số.
Cồn Dầu, Cẩm Chánh, Trung Lương, Cẩm Lệ… những cái tên một thời gợi nhớ một vùng quê rộng lớn nên thơ từng là niềm cảm hứng cho những nhà thơ với những lời thơ da diết: “Biển dâu sực tỉnh giang hà / Còn sơ nguyên mộng sau tà áo xanh” (Bùi Giáng), giờ đây trở nên điêu tàn không khác chi “vùng địch tạm chiếm” của thời chiến tranh vệ quốc.

Nhà cửa bị đập phá nham nhở. Đường làng vắng bóng người qua lại. Thấy bóng người lạ vào làng, nhiều gia đình nhẹ nhàng đóng cửa và từ khe cửa nhìn ra đầy cảnh giác.
Không kể các gia đình tại các thôn Cẩm Chánh, Trung Lương, cả thôn Cồn Dầu còn khoảng 200 gia đình chưa nhận tiền đền bù, trong số đó có 68 gia đình vẫn tiếp tục sinh sống trên mảnh đất đầy kỷ niệm với bề dầy 135 lịch sử này.

Con đường từ nhà thờ dẫn sang nghĩa trang giáo xứ có mấy đoạn chìm trong nước tù ứ đọng do tình trạng san lấp trong chiến dịch lấp các cống rãnh, các kênh mương thoát nước của nhà cầm quyền Đà Nẵng trước đó, với dụng ý nhận chìm Cồn Dầu để buộc người dân tự nguyện ra đi.
Khu nghĩa trang giáo xứ lâu ngày không người chăm sóc cỏ mọc lút đầu. Hàng trăm ngôi mộ lạnh lẽo, thấp thoáng dưới những đám cỏ úa vàng. Cây thánh giá bằng xi măng cao lớn giữa nghĩa trang với tượng Chúa chịu nạn cô độc, buồn thảm nhìn về làng Cồn Dầu loang lổ những ngôi nhà phá dở và những đống đất san lấp vô tình.

Tượng Chúa chịu nạn buồn thảm cô độc giữa nghĩa trang Cồn Dầu
Nhiều người làng Cồn Dầu chúng tôi gặp nước mắt lưng tròng. Nhìn khuôn mặt khắc khổ của những người nông dân mà gia sản duy nhất là đất đai ruộng đồng đang bị nhóm “tư bản đỏ” cướp đoạt cách phi pháp với một giá đền bù rẻ mạt 17 triệu/1 sào (600m2) đất nông nghiệp, 350.000/ 1m2 đất thổ cư và ngay lập tức được chính quyền Đà Nẵng giao bán giá gấp năm, gấp mười, không ai không khỏi xót xa.
Các giáo dân cho biết kể từ cái chết của anh Thành Năm, mạng sống người dân Cồn Dầu trở nên rẻ mạt, quyền sống bị đe dọa nghiêm trọng. Sau chiến dịch ồ ạt đổ đất, san lấp các mương tiêu thoát nước, người dân không thể làm ăn được gì trên chính mảnh đất của mình. Ruộng vườn chìm ngập trong nước, các dịch bệnh cũng vì thế mà phát sinh. Cuộc sống từ đó cũng bị đảo lộn.

Cả khu nghĩa trang cỏ mọc lút đầu
Đối với người dân Cồn Dầu, dịch bệnh đáng sợ nhưng còn chữa được. Điều đáng sợ nhất chính là những màn khủng bố trắng trợn của chính quyền Đà Nẵng đến với họ mỗi ngày. Sau đám tang bà cụ Hồ Nhu, cái chết tức tưởi của anh Tôma Thành Năm và vụ án cưỡng ép xét xử 6 giáo dân Cồn Dầu về tội “gây rối trật tự công cộng giữa cánh đồng lúa nước”, chính quyền Đà Nẵng không còn ồ ạt đem quân trắng trợn khủng bố người dân như trước. Họ bắt đầu một màn kịch mới: một mặt, họ đem xe ủi và các phương tiện tới san lấp các cống thoát nước, các mương tưới tiêu để khi mùa mưa tới Cồn Dầu sẽ chìm trong nước; mặt khác, họ cho người tới các gia đình trước là dụ dỗ, và nếu không được thì đe dọa sẽ xử lý nặng tay.
Những ngày này, vào các buổi tối, người dân Cồn Dầu không dám ra khỏi nhà. Các gia đình đóng cửa từ rất sớm. Hàng đêm họ nơm nớp lo sợ công an địa phương đến khám nhà với lý do kiểm tra hộ khẩu. Nhiều gia đình cho biết, việc kiểm tra hộ khẩu chỉ là cái cớ. Có những gia đình neo người nên đã bị các vị công an nhân dân lấy cớ kiểm tra hộ khẩu, đang đêm dùng vũ lực kéo tay người dân di vào biên bản đồng ý nhận tiền đền bù. Có người sợ quá nên ngất xỉu, khiến đám công an phải bỏ cuộc.
Bên cạnh những màn khủng bố phi nhân này, chính quyền Đà Nẵng, công an Cẩm Lệ còn nghĩ ra nhiều biện pháp gây áp lực khác để người dân không thể sống được phải bỏ làng ra đi. Nhiều người dân ở đây cho biết, dạo gần đây, hàng ngày, công an địa phương cắm chốt chặn bắt các phương tiện giao thông của giáo dân Cồn Dầu ngay trong các ngõ xóm trong làng. Những ai đồng ý nhận tiền đền bù sẽ được giải quyết trả phương tiện, còn những ai “ngoan cố” không nhận tiền đền bù sẽ bị giam xe không biết khi nào mới được trả.
Quả là tàn độc và vô lương cách hành xử của những người vốn vẫn được mang danh là “quan chi phụ mẫu”. Nói như Đức giám mục Phêrô Trần Thanh Chung, nguyên giám mục Giáo phận Kontum, cách thức giải tỏa Cồn Dầu của chính quyền Đà Nẵng là “bất chính, bất nhân, hoàn toàn đi ngược với tinh thần vì dân, do dân và với dân”.

Nhà cửa bị san lấp bất chấp người dân có đồng ý hay không
Với bề dầy hơn 135 năm lịch sử, trải qua bao giai đoạn lịch sử đầy đau khổ và nước mắt, người dân Cồn Dầu các thế hệ đã tạo dựng được một cơ nghiệp như ngày nay, nhưng giờ đây, họ bị cướp đoạt và trở nên trắng tay. Họ đau khổ nhìn khối tài sản, nhất là nhìn thấy cả một quá khứ với những nét đẹp văn hóa, những di sản cha ông, bị những con người tự xưng là “vô sản” tàn phá, cướp đoạt. Họ thất vọng với một chính quyền mà chính họ đã chắt chiu từng đồng tiền thuế, nuôi dưỡng, nay quay lại khủng bố, đe dọa và dùng quyền lực cướp đoạt tài sản của họ một cách phi pháp.
Điều đáng nói trong vụ việc Cồn Dầu không chỉ ở những màn khủng bố chỉ thấy được ở thời đại phong kiến khiến Nguyễn Trãi đã phải thốt lên: “Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội/ Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi!” (Bình Ngô Đại Cáo), mà còn ở chỗ, chính quyền Đà Nẵng đã bất chấp pháp luật trong việc thu hồi đất đai tài sản của người dân.
Tại khoản 1, điều 40 của Luật đất đai 2003 qui định: “Nhà nước thực hiện việc thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế trong trường hợp đầu tư xây dựng khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế và các dự án đầu tư lớn theo quy định của Chính phủ.” Tại khoản 1, điều 35 Nghị định 84/2007, ngày 25/5/2007 của Chính phủ qui định một số điều bổ sung luật đất đai năm 2003 xác định rõ những hạng mục nào mới được thu hồi đất của dân, trong đó nêu rõ “Khu du lịch có mối liên kết về kết cấu hạ tầng, về loại hình kinh doanh và có nhiều chủ thể cùng kinh doanh (không bao gồm khu du lịch sinh thái)”.
Do đó, căn cứ vào các quy định pháp luật hiện hành, việc chính quyền Đà Nẵng thu hồi đất Cồn Dầu và các khu vực xung quanh, bán cho công ty tư nhân Sun Group, làm Khu Du lịch Sinh thái mà không thỏa thuận với dân là một việc làm hoàn toàn trái pháp luật, vi phạm lợi ích và quyền lợi hợp pháp của người dân.
Người dân Cồn Dầu có quyền đòi hỏi chính quyền Trung ương phải can thiệp và điều tra vụ việc mờ ám và phi pháp này để trả lại cho người dân Cồn Dầu nói riêng và những nông dân mất đất vì những dự án chỉ nhắm tới quyền lợi của các quan chức, những quyền lợi hợp pháp mà pháp luật đã qui định.
Thật đau lòng biết bao tình cảnh những người dân tha hương trên ngay chính mảnh đất quê hương mình. Chính phủ có biết chăng hay tiếp tục làm ngơ để cho “bầy sâu lúc nhúc” (lời của ông Trương Tấn Sang) tiếp tục tàn phá quê hương, đất nước, khủng bố đồng bào. Có lẽ, việc chính đốn đảng muốn có thực chất phải bắt đầu từ đây, từ việc trả lại công lý cho những người dân oan mất đất.
Rời Cồn Dầu không lâu, bỗng điện thoại từ Cồn Dầu gọi tới: “Cha cẩn thận, cha vừa ra, công an Cẩm Lệ đã tới đầy làng rồi”!
31/3/2012
Lm. Nguyễn Ngọc Nam Phong, C.Ss.R.
Theo: namphong Blog

0 Lời Bình:

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Stumbleupon More