17/11/11

Còn nhiều bất cập trong việc bồi thường oan sai

Việc tiến hành bồi thường cho người bị oan do các cơ quan tiến hành tố tụng gây ra còn chậm trễ, mất thời gian công sức; số tiền được bồi thường không tương xứng với thiệt hại thực tế mà người bị oan phải chịu.

Có bồi thường nhưng chưa có hoàn trả


Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước mới ban hành chưa khắc phục được những tồn tại, bất cập… Đó là những vấn đề được đưa ra tại hội thảo “Đưa Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước vào cuộc sống” do Bộ Tư pháp tổ chức mới đây.

Theo báo cáo của Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp), tính đến tháng 7-2011, cả nước có gần 400 vụ việc yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại, trong đó khoảng 300 vụ việc đã được thụ lý giải quyết (chưa bao gồm các việc yêu cầu bồi thường thuộc phạm vi quản lý hành chính trong thủ tục giải quyết vụ án hành chính). Trong đó, hoạt động phát sinh yêu cầu bồi thường nhiều nhất là trong lĩnh vực thuế, hải quan, xử phạt vi phạm hành chính và thi hành án dân sự. Phần lớn các yêu cầu bồi thường này được thực hiện tại cơ quan có trách nhiệm bồi thường, chỉ một số trường hợp người bị thiệt hại phải khởi kiện ra Tòa.

Bà Hoàng Quỳnh Chi - VKSNDTC cho biết, tính từ tháng 3-2003 đến hết tháng 5-2011, VKSND các cấp đã tiến hành bồi thường cho 175 trường hợp bị oan sai trong tố tụng hình sự, với tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng. Đã tiến hành xem xét trách nhiệm và xử lý đối với một số cán bộ gây oan sai trong tố tụng (cảnh cáo 3 người, khiển trách 3 người và kiểm điểm rút kinh nghiệm 47 người). Tuy nhiên, những năm qua, vẫn chưa áp dụng nghĩa vụ hoàn trả vì hoạt động tố tụng để xảy việc oan sai thường liên quan đến nhiều giai đoạn, nhiều người nên khó xác định.

Hơn nữa những khó khăn, tồn tại trong việc đòi bồi thường nhà nước còn do một số cán bộ chưa thấy rõ trách nhiệm của cơ quan và người tiến hành tố tụng khi để xảy ra oan sai nên thái độ khi làm việc và bồi thường chưa đúng mức, gây căng thẳng không đáng có. Có trường hợp, cơ quan có trách nhiệm bồi thường có biểu hiện né tránh, sợ trách nhiệm, đưa ra yêu cầu thiếu căn cứ buộc người bị oan phải chấp nhận mức bồi thường thấp hơn thiệt hại thực tế, gây phản ứng gay gắt của người bị oan, phải đưa ra Tòa để giải quyết như trường hợp của ông Lưu Việt Hồng ở Bến Tre.

Chậm trễ trong việc bồi thường cho người bị oan

Theo ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, khi bị rơi vào vòng lao lý, nhiều chủ DN mất tất cả tài sản, sự nghiệp, gia đình ly tán. Việc Nhà nước bồi thường thiệt hại dù có đến đâu cũng không thể bù đắp những thiệt hại về cả về vật chất lẫn tinh thần mà người bị oan sai phải gánh chịu. Thực tế, để chứng minh được mình oan sai đã không dễ dàng gì, nhưng qua “cửa ải” này rồi, đến công đoạn đòi bồi thường thiệt hại thì “người trong cuộc” lại gặp phải vô vàn những khó khăn, từ sự “vênh” nhau của luật pháp cho đến các thủ tục bồi thường quá rườm rà, nhiều phức tạp…

Luật Bồi thường nhà nước ra đời được xem là “cứu cánh” để khắc phục những tồn tại mà trước đây pháp luật chưa điều chỉnh đến, nhưng thực tế vẫn không phải như vậy. Nghị quyết 388 lại chỉ quy định chỉ bồi thường oan sai cho cá nhân còn DN thì không khi chủ DN bị oan sai. Và, khi Luật Bồi thường nhà nước ra đời cũng đã “quên” không khắc phục những hạn chế, thiếu sót này. Thực tế, khi chủ DN bị truy tố oan thì hoạt động kinh doanh của DN bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều DN phá sản, giải thể vì mất bạn hàng, mất uy tín… rồi hàng nghìn lao động mất việc làm, hoặc bị ảnh hưởng tới đời sống nhưng lại không được bồi thường.

 Bên cạnh đó, nhiều “khổ chủ” cho rằng từ khâu được minh oan, xin lỗi công khai cho đến khi được bồi thường oan sai cũng không dễ dàng gì. Thậm chí “nhẵn cổng” cơ quan có trách  nhiệm bồi thường vẫn chưa giải quyết được vụ việc. Như trường hợp ông Hoàng Minh Tiến, được VKSND Tp. Hà Nội bồi thường oan sai từ năm 2004, nhưng phải đi lại nhiều năm trời cũng mới chỉ nhận được 44 triệu đồng trong số 2,7 tỷ đồng đòi bồi thường.

Đến nay, sau gần 2 năm thực hiện, Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước vẫn thiếu 5/7 văn bản hướng dẫn thi hành, trong khi việc bồi thường oan sai và những vấn đề vướng mắc đang đặt ra cho công tác này cần phải nhanh chóng mới có thể cải thiện được tình hình.

Mai Thoa


www.congly.com.vn


0 Lời Bình:

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Stumbleupon More