24/11/11

Biểu tình là ý thức tự nhiên trước đồng loại

Ngày 17.11, khi thảo luận về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khoá XIII, dù nằm trong danh mục “chương trình chuẩn bị” (chứ không phải chính thức), nhưng một số đại biểu đã tranh luận khá gay gắt về luật biểu tình, về nguồn gốc, bản chất của hoạt động này, nhu cầu xã hội hiện nay cần – không cần một luật điều chỉnh về nó. Sài Gòn Tiếp Thị xin giới thiệu bài viết của TS Nguyễn Sỹ Phương, cung cấp những thông tin nền tảng về vấn đề này.



Biểu tình khác bạo động

Trước hết cần phân biệt khái niệm biểu tình với thực tế biểu tình muôn hình vạn trạng, nếu không, sẽ như thầy bói xem voi, sờ thực tế cái tai định nghĩa ngay voi là cái quạt. Ngoại diên của khái niệm biểu tình là nhiều người tập trung lại theo nghĩa tập họp, tụ tập. Nhưng khác với tụ tập để lao động trong nhà máy vì mưu sinh, hay hội hè để vui chơi, đám ma đám cưới chia sẻ tình cảm gia đình, bán buôn trong chợ búa kiếm lời, hoặc bị tống tù do phạm tội, tụ tập biểu tình có nội hàm: xuất phát từ tâm, cùng nhau biểu thị tình cảm (biểu tình), thái độ, quan điểm của mình.

Như vậy, có ba dấu hiệu để phân biệt biểu tình với các khái niệm khác có cùng ngoại diên tụ tập: 1- Biểu thị, 2- Tự nguyện, 3- Xuất phát từ tâm.

Căn cứ ba dấu hiệu trên, có thể xác định khi nào thì được gọi là biểu tình.

Nếu tụ tập nhưng có sử dụng bạo lực, hoặc có hành vi xâm phạm lợi ích người khác, thì đó là bạo động, chứ không phải biểu tình. Giải thích tại sao nhiều cuộc biểu tình ở các nước hiện đại, đoạn chót bị đàn áp, cưỡng chế giải tán, do bị biến thành bạo động; đàn áp lúc đó là đàn áp bạo động chứ không phải đàn áp biểu tình.


Nếu tụ tập là do được trả tiền, được thuê mướn, hoặc cưỡng bức người khác, nghĩa là không tự nguyện, không phải từ tâm, thì đó là bè đảng, hoặc hình sự, không phải biểu tình.
Biểu tình chỉ có thể biểu thị bằng hiện diện, hình ảnh, tiếng nói, vì vậy nếu nhằm mục đích “chống lại“, thì phải hiểu chống lại bằng cách biểu thị, tức phản đối, hoàn toàn khác với chống đối mang tính loại bỏ như bạo động.

Là quyền cơ bản, không phụ thuộc dân trí


Biểu tình xuất phát từ “ý thức tự nhiên trước đồng loại“. “Tự nhiên“ nghĩa là bản năng, không phụ thuộc bất cứ yếu tố bên ngoài nào. Còn “ ý thức“ chỉ có ở con người. Biểu tình, vì vậy, là một dấu hiệu thuộc tính riêng có của con người, phân biệt với thế giới sinh vật còn lại, hoàn toàn không phụ thuộc trình độ nhận thức. Do đó, biểu tình không như có ý kiến ngộ nhân tuỳ thuộc dân trí, để khẳng định nước nào biểu tình được, nước nào không thể. Ngay cả nếu thừa nhận điều đó, thì cũng mâu thuẫn với sử liệu thế giới, biểu tình được ghi lại từ thời La Mã cổ đại. Không quốc gia nào ngày nay thấp hơn dân trí Lã Mã thời đó cả.

Biểu tình ở các nước hiện đại gắn với cuộc sống thường nhật như ăn, ở, đi lại, học hành, chữa bệnh, làm việc, diễn ra có khi chỉ bởi hiện tượng một đưá con bị cha mẹ lạm dụng khủng khiếp hay một người đi tàu bị kẻ xấu giết dã man gây bất bình dân chúng, hoặc bởi các chính sách nhà nước ảnh hưởng lợi ích của bộ phận, giai tầng nào đó, buộc họ phải phản đối, hay chính phủ, các cơ quan công quyền tỏ ra bất lực, họ phải thể hiện bất tín nhiệm, hoặc bởi nhân quyền ở các nước khác vi phạm làm họ xót xa phải chia sẻ. Vì vậy, không thể gán cho biểu tình chỉ mỗi “chống Chính phủ nước mình hay một chủ trương của Chính phủ nước mình“, và càng không thể hiểu chống theo nghĩa chống đối. Ngộ nhận đó tất yếu dẫn tới hành vi ứng xử với biểu tình cực đoan. Chính để khắc phục nguy hại đó, Luật tụ tập biểu tình Đức VersammlG cấm biểu tình đòi hủy bỏ quyền biểu tình!

Biểu tình cũng như ăn ở, đi lại, làm việc… là bản năng, thuộc tính con người, nên trở thành quyền cơ bản “tạo hoá ban cho họ“, chứ không phải nhà nước, hay tôn giáo, hay bất cứ thế lực nào. Một khi đã là quyền cơ bản, thì một mặt các quyền đó bình đẳng ngang nhau ở chỗ đều mang tính chất bản năng thuộc tính người, mặt khác chúng tự động trở thành đối tượng chi phối của luật pháp, nghĩa là thuộc chức năng trách nhiệm của chính quyền phải bảo đảm.

Vì vậy không thể đặt câu hỏi “Liệu cái gọi là quyền biểu tình ấy có lớn hơn quyền được kiếm sống của người dân…“, như đại biểu Quốc hội Hoàng Hữu Phước phát biểu, trong khi cả hai đều là bản năng như nhau. Còn trong thực tế, đúng là có những cuộc biểu tình “xâm hại quyền tự do đi lại của người dân, xâm hại quyền tự do mưu cầu hạnh phúc của người dân, buôn gánh bán bưng“, cũng giống như quyền làm việc có khi gây ô nhiễm môi trường, quyền tự do ăn uống nhưng khi bị bệnh lại lây nhiễm sang người khác, quyền đi lại bằng xe cộ, lại dẫn tới tai nạn chết người, nhưng không vì thế mà cấm hết những quyền đó. Ngược lại, vì thế mà loài người bắt buộc phải sinh ra nhà nước, cũng để bảo đảm quyền nọ không triệt tiêu quyền kia. Các luật liên quan tới quyền cơ bản, như luật biểu tình, lưu trú, giao thông, vệ sinh thực phẩm, trở thành tất yếu khách quan là vậy.

Ứng xử với quyền biểu tình

Là đối tượng điều chỉnh của luật pháp, biểu tình được các nước chọn lựa cách giải quyết xưa nay như sau:

Thứ nhất, không đả động đến. Trong trường hợp đó, người dân biểu tình hay không, nhà nước cho phép hay đàn áp, đều hoàn toàn tự phát và tùy tiện xử lý, hậu quả là cả nhà nước và công dân đều thiệt hại. Cuối cùng vẫn buộc phải đề cập đến nó theo những cách thức dưới đây.

Thứ hai, không thừa nhận quyền biểu tình và cấm tuyệt đối nó, thường xảy ra ở những chế độ quân chủ độc tài. Lịch sử thế giới đã chứng minh sự sụp đổ tất yếu của nó, bởi không thể tước bỏ thuộc tính người vốn dĩ chỉ có ở con người.

Thứ ba, hiến định quyền biểu tình nhưng thiếu luật điều chỉnh. Nước Đức từng xảy ra như vậy trong bốn năm sau khi ban hành Hiến pháp năm 1949. Kết qủa, biểu tình vẫn được tổ chức như vốn có, không hề thay đổi, bởi đã được hiến định, nhà nước không thể cấm. Tuy nhiên, chính quyền không chủ động ngăn ngừa trước được thiệt hại hay biến thái thành bạo động có thể xảy ra, và khi xảy ra thì xử lý lúng túng, phải áp dụng luật dân sự hoặc luật hình sự phức tạp.

Thứ tư, hiến định quyền biểu tình, bảo đảm quyền này bằng toà Bảo hiến và ban hành văn bản lập pháp bảo đảm chắc chắn nó. Đó là lựa chọn duy nhất hiện nay ở các nước hiện đại. Hiến pháp và toà Bảo hiến buộc nhà nước phải bảo đảm thực thi quyền cơ bản của công dân trong đó có quyền biểu tình. Bởi nói nhà nước dân chủ, của dân, do dân, vì dân, rốt cuộc cũng chỉ nhằm bảo đảm quyền cơ bản cho họ, chứ không phải thay họ lo cho cuộc sống của họ, vốn chưa và không nhà nước nào làm nổi. Ngược lại, quyền cơ bản một khi được bảo đảm sẽ kích thích người dân không ỷ lại mà làm chủ nhà nước, sử dụng quyền đó để vừa tham gia vừa đòi hỏi các công bộc nhà nước hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách sao cho phù hợp với nhu cầu của mình. Nhà nước không phải thánh, cái gì cũng đúng, vì vậy mọi chính sách của nó cần được thực tế kiểm nghiệm, không đâu chính xác hơn ngoài chính người dân chịu sự chi phối trực tiếp của chính sách, mà biểu tình là sự phản ảnh tập trung nhất. Điều này giải thích tại sao các nước hiện đại khuyến khích biểu tình, phản biện, trưng cầu dân ý, và bất cứ quyết định nào của cơ quan hành chính từ phạt xe chạy phạm luật đến mức thuế phải đóng, giải quyết các đơn từ, đều bắt buộc phải có phần hướng dẫn, ông bà có quyền chống lại quyết định này tại cơ quan nào, ở đâu, nếu vẫn không thoả mãn thì tại toà án nào. Nhờ có Luật biểu tình, những biến thái chuyển sang bạo động sẽ được tham chiếu với các quy phạm trong luật biểu tình để ngăn ngừa. Toà Bảo hiến sẽ bảo đảm cho luật hoặc văn bản dưới luật ban hành không thể vi hiến, nếu Chính phủ muốn “nhẹ gánh“ bằng cách ban hành luật hạn chế quyền biểu tình.

Thứ năm, hiến định quyền biểu tình, nhưng chưa có toà án hiến pháp bảo đảm và thiếu văn bản lập pháp điều chỉnh. Đó là trường hợp ở nước ta (xem điều 69 Hiến pháp 1992). Các cuộc biểu tình ở Thái Bình trước đây đã gây hậu quả thiệt hại cho cả người biểu tình lẫn nhà nước, xử lý rất phức tạp hay biểu tình ở Hà Nội vừa qua dẫn tới phiền lụy cho chính những người biểu tình “thể hiện lòng yêu nước“, lẫn chính quyền vì mất công sức xử lý nhưng thiếu văn bản lập pháp làm cơ sở, thấy hệ lụy tất yếu phải đến của cách chọn lựa trên. Nếu cứ để thế mãi chưa biết tình hình sẽ tiến triển tới đâu? Đề xuất cần có luật biểu tình của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp đó, là phản ứng cần thiết, kịp thời, thể hiện bản lĩnh chính trị cần có của người đứng đầu Chính phủ ở các quốc gia hiện đại trước bức xúc của dân chúng.

Câu hỏi đặt ra cho Quốc hội-có chức năng lập pháp- không còn là có cần ban hành luật biểu tình hay việc ban hành luật này có gây tổn hại gì. Câu hỏi bây giờ là luật biểu tình phải đặt ra những chuẩn mực, thước đo, quy tắc xử sự như thế nào cho cả chính quyền lẫn người biểu tình, để quyền hiến định này được thực thi và trong trường hợp bạo động xảy ra, sẽ chế tài kịp thời. Trả lời câu hỏi trên không qúa khó khăn, nếu nghiên cứu luật biểu tình các nước, cùng khảo sát thực tế biểu tình ở họ vốn diễn ra thường nhật. Đó chính là căn cứ thực tiễn thế giới để tham khảo xây dựng luật biểu tình.

TS Nguyễn Sỹ Phương, CHLB Đức
http://sgtt.vn/Goc-nhin/156076/Bieu-tinh-la-y-thuc-tu-nhien-truoc-dong-loai.html

1 Lời Bình:

Biểu tình là quyền căn bản của mọi công dân đã được hiến pháp công nhận, không chính quyền nào đuợc tước đi quyền đó

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Stumbleupon More