24/7/12

Bộ Quốc phòng Trung Quốc chính thức thông báo lập Bộ chỉ huy Tam Sa

 
Đức Tâm (RFI) - Thông cáo đăng trên trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc vào ngày hôm qua, 22/07/2012, cho biết, các binh sĩ Trung Quốc sẽ đóng quân ở Tam Sa, trong khu vực quần đảo Hoàng Sa (Paracels). Vẫn theo nguồn tin này, việc lập đồn trú quân tại Tam Sa đã được Quân ủy Trung ương Trung Quốc thông qua. Bộ chỉ huy này sẽ chịu trách nhiệm huy động các đơn vị quốc phòng và lực lượng dự bị cho thành phố Tam Sa.

Tuy nhiên, thông cáo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc không đề cập đến lịch trình thực hiện kế hoạch nói trên.

Cách nay hai hôm, Tân Hoa Xã đã đưa tin về việc quân đội Trung Quốc thông qua kế hoạch lập Bộ chỉ huy quân đồn trú tại Tam Sa.

Cuối tháng Sáu, Bắc Kinh loan báo lập thành phố cấp địa khu Tam Sa, chịu trách nhiệm quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, với trụ sở chính đặt tại đảo Phú Lâm mà Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng, trong quần đảo Hoàng Sa.

Theo giới phân tích, các động thái này của Bắc Kinh lại càng làm cho tình hình ở Biển Đông thêm căng thẳng.

Biển Đông có diện tích khoảng 3,5 triệu km2, được đánh giá có trữ lượng dầu khí rất lớn, nguồn thủy sản dồi dào, đồng thời có vị trí rất quan trọng đối với giao lưu hàng hải quốc tế.

Trung Quốc đơn phương khẳng định có chủ quyền đối với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, kể cả những khu vực kề cận bờ biển của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Đài Loan.

Tại Biển Đông, Trung Quốc và Việt Nam có tranh chấp về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Năm 1974, quân đội Trung Quốc đã đánh chiếm quần đảo này, lúc đó do chính quyền Sài Gòn quản lý.

Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan có tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa.

Từ hai năm qua, Việt Nam và Philippines liên tục tố cáo Trung Quốc có thái độ gây hấn tại Biển Đông.

Ngày hôm qua, tại Hà Nội, người dân Việt Nam lại biểu tình phản đối Trung Quốc. Đây là cuộc biểu tình thứ ba trong vòng một tháng qua ở Việt Nam.Trong năm 2011, đã có 11 cuộc biểu tình phản đối thái độ hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông.

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120723-bo-quoc-phong-trung-quoc-chinh-thuc-thong-bao-ve-viec-lap-bo-chi-huy-quan-don-tru-cu

*

Nhân vật quân sự TQ lãnh đạo Tam Sa

Tân Hoa Xã đưa tin cuộc họp đầu tiên của 'hội đồng nhân dân thành phố Tam Sa' đã kết thúc hôm thứ Hai 23/7 với việc bầu ông Bố Tráng làm Chủ tịch, ông Tiêu Kiệt làm Thị trưởng thành phố.

45 thành viên Hội đồng Nhân dân, vừa được bầu lên một hôm trước đó, đã bỏ phiếu ủng hộ ông Bố, một nhân vật hoạt động lâu năm trong quân đội, làm người đứng đầu cơ quan lập pháp của thành phố cũng mới được thành lập.

Việc đưa người có kinh nghiệm quân sự lên đứng đầu thành phố tỏ ra là nhất quán với quyết định lập bộ chỉ huy và đặt quân đồn trú tại Tam Sa của chính phủ Trung Quốc.

Theo Tân Hoa Xã, ông Bố Tráng sinh tháng 1/1956, hiện đang giữ chức Phó Giám đốc cơ quan Phòng không của tỉnh Hải Nam.

Tân Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Tam Sa xuất thân từ quân đội

Ông từng kinh qua các chức vụ: trưởng phòng quân bị Bộ Chỉ huy Quân sự Hải Nam; Phó chỉ huy trưởng bộ binh quân dự bị tỉnh Hài Nam; Phó chỉ huy trưởng đoàn bộ binh số 132; Phó tham mưu trưởng Quân đoàn Hải Nam; Chỉ huy trưởng Binh đoàn Hải Khẩu và Phó Tổng tham mưu trưởng Quân khu Hải Nam.

Chính phủ Trung Quốc phê chuẩn việc thành lập thành phố Tam Sa bao gồm các quần đảo mà Trung Quốc gọi là Tây Sa (Hoàng Sa), Trung Sa và Nam Sa (Trường Sa) hồi tháng Sáu.

Phía Việt Nam đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ động thái này của Trung Quốc vì cho rằng ‘thành phố Tam Sa’ xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Từ đó tới nay, trong chỉ có một tháng, Trung Quốc đã cấp tập thực hiện nhiều động tác như bầu hội đồng nhân dân, thiết lập bộ chỉ huy quân sự... để khẳng định chủ quyền.
Tuyên truyền

Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc tiếp tục tuyên truyền cho hoạt động tuần tra của nước này tại Biển Đông, mà Việt Nam cho là 'vi phạm chủ quyền lãnh thổ' của mình.

Cư dân mạng Việt Nam đang chuyền nhau một đoạn phóng sự chiếu hôm 22/7 trên kênh CCTV-13, tức kênh thông tin đối nội bằng tiếng Trung của Truyền hình Trung ương Trung Quốc, nói về cuộc tuần tra của tàu hải giám nước này ở Biển Đông mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền.

Đoàn phóng viên của CCTV đã được bố trí theo tàu hải giám số 83, được cho là tàu chủ lực của biên đội hải giám Hải Nam, để trực tiếp theo dõi đưa tin với mục đích tuyên truyền.

Điều đáng chú ý là cũng chuyến tuần tra của tàu hải giám 83 nói trên đã được phản ánh trong một phóng sự hồi đầu tháng trên kênh CCTV bằng tiếng Anh, với nội dung 'Tàu Trung Quốc chặn đuổi tàu Việt Nam', khiến Việt Nam phải lên tiếng bác bỏ.

Trong đoạn phóng sự mới bằng tiếng Trung, CCTV-13 mô tả chi tiết cuộc tuần tra vào lúc khoảng 10h sáng 27/6 tại khu vực Trường Sa, mà Trung Quốc gọi là Nam Sa cũng như cuộc điện đàm giữa nhân viên hải giám Trung Quốc và phía Việt Nam.

Người phụ trách bộ đàm nói bằng tiếng Việt với phía Việt Nam và dịch lại bằng tiếng Trung cho đồng nghiệp của anh ta cũng như phóng viên có mặt trên tàu.

Có thể nghe thấy nhân viên hải giám Trung Quốc nói rõ bằng tiếng Việt: "Tàu Việt Nam, chúng tôi là tàu chấp pháp hải giám Trung Quốc 83... xin cung cấp tên gọi, số hiệu và vị trí của tàu [các] anh. Over".

Phía Việt Nam, được nói là tàu cảnh sát biển ở cách tàu Trung Quốc chừng 2,5 hải lý, trả lời gì đó không rõ. Tàu Trung Quốc nhắc lại: "Chúng tôi là tàu công vụ chính phủ Trung Quốc, chúng tôi rất tiếc về những ngôn ngữ thô lỗ và mất lịch sự của tàu anh. Tàu anh nên chú ý thân phận (?) và ngôn ngữ của mình".

Phía Việt Nam phản ứng bằng một số câu chửi về việc Trung Quốc 'quấy nhiễu hết trên bờ lẫn xuống biển' và một người tuyên bố: "Đề nghị Trung Quốc cút ngay khỏi lãnh thổ Việt Nam, không chúng tao bắn chết!".

Tàu 83 nằm trong đội tàu hải giám mà Trung Quốc đã điều từ Tam Á, Hải Nam, xuống Trường Sa bắt đầu từ ngày 26/6.

Trước đó, ngày 21/6, Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển, trong đó tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2012/07/120723_sansha_newboss.shtml


*

Trung Quốc lập đồn quân sự ở Tam Sa bất chấp biểu tình phản đối ở Việt Nam

Người Việt Nam xuống đường biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội, ngày 22/7/2012


Trà Mi (VOA) - Trung Quốc ngày 22/7 loan báo sẽ thành lập một đồn quân sự tại khu vực có tranh chấp chủ quyền với Việt Nam ở Biển Đông.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho hay sẽ cho binh sĩ trú đóng và hoạt động tại Tam Sa thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Tuy nhiên, Bắc Kinh chưa công bố thời điểm cụ thể triển khai kế hoạch này.

Trung Quốc nói lực lượng đồn trú Tam Sa sẽ có trách nhiệm bảo vệ quốc phòng và hoạt động quân sự tại khu vực.

Bắc Kinh có sự hiện diện quân sự đáng kể ở Biển Đông và quyết định mới loan báo này là một động thái thêm nữa của Trung Quốc hầu khẳng định chủ quyền trong khu vực.

Cũng trong ngày 22/7, chính quyền Trung Quốc tuyên bố thành lập hội đồng thành phố Tam Sa đặt trụ sở trên đảo Vĩnh Hưng mà Việt Nam gọi là đảo Phú Lâm. Thành phố Tam Sa được Trung Quốc chọn làm trung tâm hành chính để quản lý ba quần đảo ở Biển Đông trong đó có Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam.

Các loan báo này được đưa ra không lâu sau khi Bắc Kinh công khai mời thầu quốc tế tại 9 lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Những động thái kiên quyết và dồn dập của Trung Quốc trên Biển Đông đã khơi mào cho cuộc biểu tình chống Trung Quốc lần thứ ba trong tháng này tại Hà Nội.

Ngày 22/7 hàng trăm người đã tuần hành tới đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội để phản đối các hành động gây hấn liên tiếp của Bắc Kinh xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông. Tuy chính quyền Hà Nội không trấn dẹp hay bắt bớ người biểu tình như trong các cuộc tuần hành tương tự hồi mùa hè năm ngoái, nhưng lực lượng an ninh đã ngăn chặn người biểu tình từ xa, không cho họ tiến tới gần sứ quán.

Có mặt trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội hôm 22/7, anh Việt Dũng, cho Ban Việt ngữ VOA biết:

“Cuộc tuần hành hôm qua diễn ra ôn hòa và không có gì đáng tiếc xảy ra. Mọi người bắt đầu tập trung lúc 9 giờ ở Nhà hát lớn. Tới khoảng 9:20 phút mọi người bắt đầu tuần hành, đi dọc phố Tràng Tiền, Hàng Khay, Tràng Thi, dừng lại ở ngã 3 Trần Phú-Điện Biên Phủ vì bị hàng rào sắt chắn ở đấy, cách đại sứ quán khoảng từ 300 đến 400 mét. Mọi người hô vang khẩu hiệu ‘Phản đối Trung Quốc xâm lược’ và ‘Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam’. Sau đó, đoàn người quay về, đi hết đường Hàng Bông, dự định vào Tượng đài cảm tử nhưng không dừng ở đấy được, nên chúng tôi về thẳng Tượng đài Lý Thái Tổ. Lúc 11 giờ trưa đoàn người tự động giải tán một cách rất yên bình. Nói chung, lúc đầu cũng khá căng thẳng vì ban đầu có lời tuyên bố của ông Nguyễn Thế Thảo (Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội) rằng tuần hành là gây rối mất trật tự. Tuy nhiên, những người từng tham gia vẫn quyết tâm thể hiện lòng yêu nước của mình. Như cụ Lê Hiền Đức, cụ muốn ra tuần hành ngay từ đầu, nhưng chính quyền địa phương đã yêu cầu cụ không ra khỏi nhà dù cụ rất quyết tâm đi. Họ đã đưa taxi tới bảo chở cụ đi, nhưng sau khi cụ lên taxi, họ chở đi lòng vòng tới 10 giờ mới thả cụ xuống. Ngay sau khi họ thả cụ về nhà, cụ tiếp tục bắt taxi ra gia nhập đoàn người.”

Bà Lê Hiền Đức, một trong những người tuy bị ngăn cản nhưng vẫn cố tìm cách tham gia đoàn biểu tình chống Trung Quốc hôm 22/7 ở Hà Nội, phát biểu:

“Hôm qua là lần thứ ba tôi đi biểu tình. Họ thuyết phục, ngăn chặn đủ mọi cách. Mấy chục công an bao vây nhà tôi, họ đến từ rất sớm, 5 giờ sáng họ đã có mặt rồi. Đến 8 giờ sáng, cả một đoàn người của chính quyền trong đó có Chủ tịch phường, Trưởng công an phường, Hội cựu chiến binh, Mặt trận Tổ quốc, Hội đồng nhân dân kéo vào nhà tôi, thuyết phục tôi đừng đi. Tôi thể hiện lòng yêu nước là tôi vẫn có quyền. Không những thể hiện lòng yêu nước tôi xuống đường, mà tôi còn đi để quan sát thái độ hành xử của công an đối với dân, những người yêu nước.”

Trước đây trong tháng đã nổ ra hai cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội hôm 1 và 8 tháng 7. Tuy để cho biểu tình tái diễn năm nay, nhưng trong tất cả các lần này, Hà Nội đã nỗ lực ngăn chặn không cho một số blogger, các nhà hoạt động được nhiều người biết đến, và những người có nhiều ảnh hưởng trong các cuộc biểu tình trước tham gia.

Nguồn: ABC, AFP, Reuters, Xinhua

0 Lời Bình:

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Stumbleupon More