26/2/13

Kiến nghị Hiến pháp bỏ Điều 4

Hiến pháp 1946

Hàng trăm trí thức đã ký tên vào một bản Bấm Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 92, hiện đang lưu hành trên mạng internet.

Hiện danh sách ký tên đã có tới trên 350 người, trong đó có các nhân sỹ trí thức hàng đầu Việt nam và người Việt ở nước ngoài.

Nhóm những người chấp bút bản kiến nghị, với những cái tên như TS Nguyễn Quang A, TS Lê Đăng Doanh, GS Nguyễn Huệ Chi, Nhà báo Tống Văn Công... cho hay họ muốn thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

"Hiến pháp của một quốc gia do dân làm chủ bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân và được hình thành từ sự thỏa thuận giữa các thành phần đa dạng trong xã hội."

Những người kiến nghị cho rằng dự thảo hiến pháp hiện đang được trưng cầu ý kiến "chưa thấu suốt bản chất của một hiến pháp dân chủ, chưa thể hiện sự tin cậy, tín nhiệm của nhân dân với chính quyền theo tinh thần thỏa thuận kiến tạo một môi trường có sự kiểm soát bên trong và bên ngoài đối với quyền lực".

Bởi vậy, những người này đề xuất kiến nghị 7 điểm cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Cạnh tranh là xu thế lịch sử

Một trong những kiến nghị quan trọng liên quan tới Điều 4 của Hiến pháp hiện hành, nói Đảng Cộng sản Việt Nam là "lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội", tuy không nhắc trực tiếp Điều 4.

Những người kiến nghị cho rằng: "Nếu Hiến pháp thực sự do nhân dân quyết định thì việc định trước vai trò lãnh đạo nhà nước và xã hội thuộc về một tổ chức chính trị hay một tầng lớp là trái với quyền làm chủ của nhân dân, quyền con người, quyền công dân và ngược với bản chất của một nhà nước pháp quyền".

Bởi vậy, người dân phải được bầu cử tự do, dân chủ, định kỳ để lựa chọn lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

"Một chính đảng thực sự có chính nghĩa, phục vụ lợi ích của nhân dân sẽ không lo bị thất bại trong các cuộc bầu cử như vậy."

Bản kiến nghị viết rõ: "Việc đảng cầm quyền chấp nhận cạnh tranh chính trị là phù hợp với xu thế lịch sử, là điều kiện cho sự phát triển của đất nước, đáp ứng đòi hỏi của nhân dân, kể cả các đảng viên trung thực của Đảng Cộng sản Việt Nam trước bối cảnh hiện nay của đất nước".

Chỉ có tiếp thu ý kiến trên, theo những người viết kiến nghị, Đảng Cộng sản Việt Nam mới có thể "lấy lại niềm tin đã từng có trong dân để thực sự trở thành lực lượng lãnh đạo chính trị được xã hội chấp nhận".

Tiếp theo kiến nghị đầu tiên này, là sáu kiến nghị khác về quyền con người; sở hữu đất đai; tổ chức Nhà nước; lực lượng vũ trang; trưng cầu dân ý đối với Hiến pháp và thời hạn góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp.

Sở hữu đất đai

Đáng chú ý, kiến nghị về sở hữu đất đai nói: "Quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân kể từ Hiến pháp Việt Nam 1980 là sự sao chép Hiến pháp Liên Xô, một điều hoàn toàn xa lạ với nhân dân Việt Nam và đã gây ra rất nhiều bất ổn xã hội".

Đây cũng là lý do gây ra các vụ khiếu kiện về đất đai, tao điều kiện cho tham nhũng "gây thiệt hại cho nhân dân, đặc biệt là nông dân".

"Vì thế chúng tôi kiến nghị sửa đổi Điều 57 của Dự thảo, trở lại như Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959."

Gợi ý của kiến nghị là: “Sở hữu tư nhân, tập thể, cộng đồng và nhà nước về đất đai được tôn trọng. Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ và thống nhất quản lý đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản và các tài nguyên, nguồn lợi khác ở vùng biển, thềm lục địa, vùng trời và các tài sản khác do Nhà nước đầu tư”.

Về lực lượng vũ trang, những người kiến nghị viết: "Mọi hoạt động của các lực lượng vũ trang chỉ để bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ quốc gia và phục vụ nhân dân".

" Lực lượng vũ trang phải trung thành với Tổ quốc và nhân dân chứ không phải trung thành với bất kỳ tổ chức nào, như quy định tại Điều 70 của Dự thảo."

Bởi vậy, họ yêu cầu bỏ quy định lực lượng vũ trang phải trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam.
Những người có tên trong danh sách cũng đề nghị kéo dài thời hạn trưng cầu ý kiến tới hết năm 2013 chứ không chỉ ba tháng như đã định.

0 Lời Bình:

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Stumbleupon More