11/2/13

Xuân năm Tỵ về thăm “Vương quốc rắn” Đồng Tâm

Xuân năm Tỵ về thăm “Vương quốc rắn” Đồng Tâm 2Nằm trên địa phận xã Bình Đức- huyện Châu Thành - tỉnh Tiền giang, cách thành phố Mỹ Tho chưa đầy 10km, Trung tâm Nuôi trồng, Nghiên cứu, Chế biến Dược liệu Quân khu 9, mà tên thường gọi là Trại rắn Đồng Tâm, từ lâu đã được biết đến là một “vương quốc” của hàng trăm loài rắn quý hiếm vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Chỉ một lần đến thăm cũngđủ khiến chúng ta phải “rùng mình” vì... thú vị.
 
“Lạc” vào xứ rắn!
 
Chúng tôi đến Trại rắn Đồng Tâm vào một buổi sớm cuối tuần tháng chạp. Theo lịch hẹn trước, anh Nguyễn Thanh Tứ, Bí thư Chi bộ của trung tâm đón chúng tôi trước cổng và hồ hởi: “Thăm luôn không hay vào nhà uống nước đã?”. Đường xa, cũng định ngồi nghỉ mệt nhưng cái tâm trạng háo hức được ngắm những hổ mang, hổ chúa làm chúng tôi muốn “mục sở thị” luôn! Trong không gian xanh mát của hàng ngàn tán cây nhãn, vú sữa, si, sanh... những chuồng, ô, bể, nhà và khu nuôi mọc lên san sát càng làm chúng tôi tò mò. Tuy nhiên, khi đến từng khu nuôi, chúng tôi không “gặp” được nhiều rắn như đã nghĩ vì chúng... bận ngủ. Thoáng nhìn vẻ mặt chúng tôi, “hướng dẫn viên”Thanh Tứ mỉm cười và “thuyết minh” về trại rắn. Trại rắn rộng 12ha, nơi tập trung của tất cả các loại rắn của ĐBSCL, từ những loài rắn hiền lành như: rắn nước, rắn ráo... đến các loài “đệ nhất độc” như hổ ngựa, hổ chúa, cạp nong, mai gầm,... rất hiếm ở nước ta cũng như nhiều nước khác trong khu vực.

Xuân năm Tỵ về thăm “Vương quốc rắn” Đồng Tâm 1
Có hàng trăm loại rắn được nuôi dưỡng, bảo tồn ở trại rắn Đồng Tâm

Đưa chúng tôi tham quan thêm một vài khu trong trung tâm và nhanh chóng quay trở lại nhà khách, anh Tứ nháy mắt: “Nghỉ ngơi đi nhé! Tối đi tiếp!”. Y hẹn, khi ánh điện ở trung tâm lờ mờsoi sáng trong đêm, chúng tôi cùng một đoàn làm phim và một số cán bộ có thâm niên gần hai chục năm lại đảo một vòng nữa. Vẫn là các khu ban sáng nhưng đêm xuống là một thế giới khác! Dưới ánh đèn pin lờ mờ, hàng trăm con rắn đủ chủng loại, màu sắc đua nhau trườn trên đất, trong cỏ và vun vút bơi như bay trên những con lạch xây bằng bê tông. Trên bụi cây si rậm lá, từng chùm rắn lục đầu vồ đuôi đỏ từ từ thả mình xuống, gườm gườm đôi mắt sáng quắc, đỏ lừ như nhữngđốm lửa. Đến khu nuôi rắn hổ, những tiếng phì phì, rồi tiếng những con chuột vừa bị con mang bành chụp bắt kêu chít chít làm chúng tôi cũng thoáng giật mình. Kinh ngạc nhất là khi đến khu nuôi giữ những con rắn hổ chúa, từng con, từng con đen sì sì với cái cổ bành rộng, cái đầu ngỏng cao khỏi mặt đất cả mét nhìn “khách không mời” chẳng mấy thiện cảm. Qua tấm lưới thép bảo vệ mà chúng tôi vẫn cảm nhận được vẻ đáng sợ của chúng. Theo BS. Nam, một “bà đỡ” của rắn trong trung tâm, với loài bò sát nguy hiểm này, công việc cũng chẳng hề dễ dàng mà đòi hỏi người chăm sóc phải có trải nghiệm, tìm hiểu bản tính, thói quen của từng loài rắn cụ thể. “Tuy thế, loài động vật hoang dã quen với môi trường khắc nghiệt này đôi khi cũng mắc phải những loại bệnh thông thường như nấm da, viêm phổi… thậm chí là những loại bệnh do... thay đổi thời tiết nữa”, BS. Nam cho biết. Rồi chúng tôi tiếp tục đi qua hàng chục khu khác, cái cảm giác có rắn trườn bên cạnh và lơ lửng trên đầu, vừa thích vừa sợ đến... khó tả!
 
Những “đặc sản”...
 
Chúng tôi không có ý muốn nóiđến những món ăn đặc sản từ rắn, mà ở Trại rắn Đồng Tâm có những “món” thú vịhơn nhiều. Trước tiên, đó là một... bảo tàng rắn. Một bảo tàng duy nhất ở Việt Nam về loài bò sát nguy hiểm bậc nhất. Bảo tàng rắn Đồng Tâm được xây dựng năm 1996, nằm trong khuôn viên khu bảo tồn. Từ một số loài rắn vùng Nam bộ, đến nay bảo tàng đã trưng bày gần 100 loài rắn với nhiều loài quý hiếm như:mai gầm, hổ mang, hổ chúa, cạp nia… và lưu giữ tiêu bản của hầu hết các loại rắn hiện đang sống ở Việt Nam. Con rắn lớn nhất từng được nuôi ở trung tâm thuộc loài hổ chúa nặng đến 19kg sau khi chết cũng được xử lý và trưng bày tại bảo tàng. Tận mắt nhìn thấy “chúa rắn” này, dù là trong bể kính, chúng tôi vẫn rùng mình... vì chiếc mang bành ra như hai bàn tay úp, thân mình to như bắp vế cuộn tròn đến 5 - 7 vòng. Xung quanh “chú”, nhiều loài rắn như: rắn lục, rắn ráo... cũng được ngâm cùng trong bể càng tô điểm thêm vẻ oai nghiêm của “chúa rắn”. Gần bảo tàng là cơ sở nhà xưởngđể lấy nọc xuất khẩu và sản xuất các chế phẩm từ rắn khác như: kem xoa nọc rắn Cobratoxan trị viêm khớp, đau nhức; mỡ trăn, cao trăn và cả một số ít rượu rắn, rượu thuốc, mật ong... Điều thú vị là giá cả các chế phẩm này mua tại trung tâm rất phải chăng. Nhiều khách tham quan ghé quầy giới thiệu sản phẩm mua mỗi người hàng chục lọ mỡ trăn hay kem xoa nọc rắn đều thốt lên bất ngờ: “Giá bán ở đây rẻ như được tặng vậy!”.

Nơi đây còn nuôi dưỡng và cho nhân giống thành công loài gấu ngựa; trăn, trăn gấm; nhiều loài chim quý như công, trĩ, đà điểu; một số loài khỉ, cáo, cá sấu, và cả một con ba ba vàng vô cùng hiếm ở nước ta và cả khu vực Đông Nam Á, có trọng lượng nặng đến 40kg và vẫn còn có thể tăng hơn nữa. Hiện trại rắn đang được đầu tư thêm nhiều hạng mục để có thể “đón” vềthêm những động vật quý hiếm và tất nhiên không thể thiếu những “cư dân rắn”đến từ những vùng đất, xứ sở xa xôi khác “nhập tịch” vào Trại rắn Đồng Tâm.


Bài và ảnh: HÀN HÀ

Nơi giành lại sự sống từ...nanh rắn!
Thống kê gần nhất trong 3 năm qua đã có 3.158 ca cấp cứu tại Trại rắn Đồng Tâm. “Ngoài bệnh nhân khu vựcĐBSCL, cả những bệnh nhân ở Phú Quốc, Campuchia… cũng tìm tới. Có những ca phải nằm điều trị suốt 2 tháng vì nhiễm độc quá nặng, vết cắn bị hoại tử phải ghép da. Nhất là những ca đã “qua tay” thầy lang đắp lá, khi đến trung tâm thì tình trạng đã rất tồi tệ khiến việc điều trị tốn nhiều thời gian hơn”, BS. Phát nói.
Các bệnh nhân đang được điều trị tại đâỵ đều được khám và nằm viện hoàn toàn miễn phí, bất kể bao lâu thời gian. Ông Nguyễn Văn Lạc, 62 tuổi ở Cai Lậy, Tiền Giang đang được điều trị tạiđây vừa đưa cánh tay phù nề vì vết cắn của rắn lục đầu vồ đuôi đỏ cho chúng tôi xem vừa khoe: “Sưng to thế đấy nhưng sống rồi! Lúc các con đưa vào đây tưởng chết chắc, may nhờ các bác sĩ cứu. Kịp về ăn tết với các con, các cháu rồi!”,nói đoạn, ông nhoẻn miệng cười tươi, khoe hết cả hàm răng trên đã rụng!

0 Lời Bình:

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Stumbleupon More