22/2/13

Như Trang: “Méo mặt“ vì phí chồng phí giao thông


v
Trạm thu phí Bến Thuỷ (Nghệ An).

Giới tài xế bức xúc khi phải móc hầu bao thanh toán những khoản tiền đáng ra mà họ không phải trả. Trên danh nghĩa là trạm BOT hoàn vốn cho những tuyến đường tránh, nhưng khi người dân không đi qua những tuyến đường hoàn vốn này vẫn phải trả tiền như thường…

"Một mình một kiểu", mặc dư luận bức xúc

Ngay trên tuyến Quốc lộ 1, ngay sau khi trạm thu phí Tào Xuyên bị “khai tử”, giới lái xe đường dài vẫn tiếp tục gặp “cửa ải” tại trạm thu phí Bến Thuỷ (Nghệ An) để tiếp tục chi tiền trong những chuyến hành trình xa nhà.
Theo đó, trạm thu phí Bến Thủy được giao cho doanh nghiệp (DN) để lấy lại vốn đầu tư xây dựng tuyến đường tránh thành phố Vinh. Danh nghĩa là vậy, nhưng bất kể xe nào qua trạm, kể cả qua đường tránh hay đi đường nội đô đều phải đóng phí.
Mặc dù dư luận rất gay gắt đề nghị Bộ GTVT xoá bỏ trạm này, hay ít nhất thì thu phí đúng đối tượng, nhưng chủ sở hữu trạm thu phí là TCty Xây dựng Công trình giao thông 4 vẫn duy trì trạm này hoạt động nhiều năm nay.
Mới đây, trong danh sách xoá bỏ các trạm thu phí, thì trạm Bến Thuỷ vẫn “an toàn” và tiếp tục được hoạt động.
“Bảo bối” mà chủ đầu tư trạm thu phí lý giải sự tồn tại của nó, là dựa vào quyết định số 46 ngày 14/07/2005 của Bộ Tài chính áp dụng chính thức từ ngày 1/12/2005.
Theo đó, việc thu phí tại trạm này sẽ hoạt động liên tục trong vòng hơn 20 năm để hoàn lại tổng số vốn đầu tư làm tuyến đường tránh TP Vinh mà đơn vị này bỏ ra là 378 tỷ đồng. Theo tiết lộ của chủ đầu tư, mỗi ngày có khoảng gần 10.000 lượt xe qua trạm, “thu nhập bình quân” mỗi tháng của “cửa ải” này lên đến khoảng 7 tỷ đồng.
Dù Quỹ Bảo trì đường bộ đã đi vào hoạt động, nhưng người dân vẫn không hài lòng bởi thực trạng “phí chồng phí” khi hàng loạt trạm thu phí vẫn không được xoá bỏ.
Trong khi đó, ngành giao thông đang có nhiều tham vọng đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng cho công cụ quản lý đường bộ, và  ngân sách đầu tiên dành “ưu tiên” cho đề án quy mô này là … Qũy bảo trì đường bộ!.

Không riêng gì Bến Thuỷ, một trạm thu phí khác ở tỉnh kế cận là trạm thu phí ở cầu Quán Hàu (thu phí đường tránh  TP Đồng Hới, Quảng Bình) cũng gây bức xúc dư luận. Dù trạm này xây dựng để hoàn vốn lại cho chủ đầu tư đổ kinh phí vào tuyến đường tránh, nhưng các tài xế không đi vào tuyến đường này vẫn phải mua vé, trả tiền.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, trạm thu phí Quán Hàu là trạm thu phí BOT hoàn vốn cho dự án Xây dựng Quốc lộ 1A đoạn tránh TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, theo Hợp đồng kinh tế số 36/CĐBVN-HĐ.
BOT ngày 9/8/2007 ký giữa Cục Đường bộ Việt Nam (nay là Tổng cục Đường bộ Việt Nam). Theo đó, nhà đầu tư có căn cứ pháp lý để thu phí tại trạm này, giá thu phí được ấn định theo quy định của Bộ Tài chính.

Kéo dài thời gian thu phí vì… lụt 2008

Được đặt tại trên địa bàn huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, Trạm thu phí Nam cầu Giẽ tính đến ngày 30/6/2012 là “hết hạn sử dụng”. Trước đó, ngày 16/6/2007, TCty Đường cao tốc Việt Nam (VEC) ký hợp đồng kinh tế để chuyển giao quyền thu phí đường bộ có thời hạn gói thầu số 2, Trạm thu phí Nam cầu Giẽ cho Cty TNHH Hải Châu với thời gian chuyển giao quyền thu phí là 5 năm (60 tháng) tính từ 0h ngày 1/7/2007, giá trị hợp đồng là 239.135 triệu đồng.
Mặc dù theo thỏa thuận nói trên, hết ngày 30/6/2012 hợp đồng kinh tế hợp đồng kinh tế giữa VEC và đơn vị khai thác trạm thu phí hết hiệu lực. Tuy nhiên, trên thực tế trạm này vẫn vận hành bình thường, xe to, xe nhỏ qua trạm đều phải đóng phí.
Phía VEC lý giải, giữa VEC và đơn vị thu phí này “có điều khoản quy định” về việc có thể điều chỉnh lại thời gian nhượng quyền thu phí nếu như có những quyết định của cơ quan có thẩm quyền làm ảnh hưởng đến quá trình thực hiện hợp đồng của nhà đầu tư.
Lý do được cho là “ảnh hưởng” đến nguồn lợi của nhà đầu tư là dự án đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình đã thông xe và tiến hành khai thác, điều này làm giảm lưu lượng phương tiện qua trạm Nam Cầu Giẽ, tổ chức Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội và trận lụt lịch sử năm 2008!.
Những lý do này đã thuyết phục được đơn vị chủ quản, theo đó, trong một thông báo của Bộ GTVT, bộ này thống thống nhất cho VEC lập phương án điều chỉnh thời gian thu phí. VEC và Cty TNHH Hải Châu thương thảo, thống nhất đề xuất phương án điều chỉnh thời gian thu phí…

Mất uy tín với người dân

Không thể chấm dứt những hợp đồng kinh tế nói trên với DN, nên các trạm thu phí diện BOT vẫn tiếp tục hoạt động mặc cho người dân đã phải đóng tiền cho Quỹ bảo trì đường bộ.
Theo đó, chính thức từ ngày 01/01/2013, các trạm thu phí đường bộ nộp ngân sách Nhà nước sẽ bị xóa bỏ. Tuy nhiên, các trạm thu phí để hoàn vốn đầu tư cho đường cao tốc, các trạm thu phí hoàn vốn cho dự án BOT... vẫn sẽ hoạt động đến hết hạn hợp đồng.
Việc chỉ xoá bỏ một phần trạm thu phí phần nào đó vẫn chưa làm yên tâm các chủ phương tiện. Bởi, ngoài nộp phí cho quỹ, thì mỗi khi đi qua các trạm không thuộc diện xoá bỏ, họ vẫn phải đóng tiền.
“Rõ ràng là phí chồng lên phí”, lái xe tải tên Thân cho hay. Và tình trạng “phí chồng phí” sẽ vẫn còn tiếp diễn, bởi trong phương án sắp xếp các trạm thu phí trên các quốc lộ của Bộ GTVT, thì  các trạm thu phí để hoàn vốn đầu tư cho đường cao tốc, bổ sung vốn điều lệ cho Cửu Long CIPM, các trạm thu phí hoàn vốn cho các dự án BOT, trạm chuyển giao quyền thu phí và trạm thu để trả nợ vay vốn đầu tư và thu phí hoàn vốn vẫn sẽ tiếp tục hoạt động thu phí đến hết thời hạn hợp đồng mới bị xoá.
Điều này đồng nghĩa với việc, các phương tiện khi lưu thông qua các tuyến đường có các trạm thu phí hoàn vốn đầu tư đang hoạt động vẫn phải nộp phí đường dù đã nộp phí bảo trì đường bộ.
Trong khi đó, lý giải sự tồn tại các trạm thu phí BOT của Tổng cục Đường bộ Việt Nam lại chưa nhận được sự đồng tình của giới chuyên môn. Nhiều chuyên gia kinh tế cho hay, nếu lấy hợp đồng kinh tế được ký kết giữa chủ đầu tư và doanh nghiệp để cho tồn tại các trạm thu phí là điều không hợp lý.
Đại diện Hiệp hội Vận tải Việt Nam cho rằng, việc này cần phải chấm dứt và phải trích ngân sách để trả cho nhà đầu tư. Nếu cứ để  tồn tại các trạm đấu giá sau khi Quỹ Bảo trì đường bộ đã hoạt động, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam, thì điều này sẽ “làm mất uy tín của Bộ GTVT với người dân”.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, tuỳ thuộc vào từng hợp đồng BOT cụ thể, thời gian cụ thể mà Bộ GTVT “tuỳ cơ ứng biến”. Nếu các nhà đầu tư có hợp đồng 10 năm và đã khai thác, thì thời gian còn lại bộ này phải lấy kinh phí để hoàn trả cho nhà đầu tư.

Như Trang; http://phapluatvn.vn/xa-hoi/doi-song/201302/Meo-mat-vi-phi-chong-phi-giao-thong-2075478/

0 Lời Bình:

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Stumbleupon More