Bán xe…ăn Tết
Chị Hà, 39 tuổi, quê Mỹ Đức – Hà Nội, hàng ngày đạp xe đi khắp phố phường Hà Nội bán ngô luộc, khoai nướng nhiều năm nay. 39 tuổi nhưng chị Hà đã có 4 mặt con, nghĩ ở quê nghèo, làm ăn không đủ sống, hai vợ chồng cùng cậu con cả đưa nhau lên thủ đô kiếm tiền.
Đầu tư sắm 3 chiếc xe đạp để cả nhà đi bán ngô luộc, nhưng chồng chị không tu chí làm ăn, khiến chị nhiều phen hú vía. “Khổ lắm, đã nghèo rồi lại vớ phải ông chồng cờ bạc, sắp Tết rồi mà vẫn chưa có đồng nào, đi bán hàng mà lúc nào cũng như ngồi trên đống lửa, chỉ sợ chồng lại lấy tiền đi cờ bạc, rượu chè” – chị chia sẻ.
Chị lo lắng cho cái Tết năm nay của gia đình, làm sao để khi về quê còn có tiền mua quần áo mới cho 3 đứa con ở nhà, mua bánh kẹo, mua mấy cành hoa…“hôm trước vừa phải bán bớt một cái xe đạp đi, được hơn triệu bạc để sắm sửa chút đồ, chứ ế ẩm thế này thì mất Tết” – chị tâm sự.
Nhà chị Hà trước có nuôi hàng trăm con gà, cũng thuộc diện gia đình khá giả, nhưng làm ăn không thành do gà chết hàng loạt khiến cho vợ chồng chị ngập đầu trong đống nợ, chủ nợ thì năm nào cũng đến đòi. “Sắp Tết, kiểu gì cũng phải dành ra một khoản để trả nợ nữa, sắm thì chưa được bao nhiêu nhưng nghĩ đến khoản nợ lại đau đầu” – chị ngậm ngùi nói.
Mỗi thứ giảm một chút
Cô Lan, 47 tuổi, nhà ở phố Pháo đài Láng, cô Lan có 3 cô con gái, 2 người thì đang du học, còn cô em út mới học lớp 8. Trong gia đình, cô là người lo lắng, thu xếp mọi thứ mỗi khi năm hết Tết đến.
Cô Lan thu dọn nhà cửa |
Cô cho biết, mọi năm gia đình cô ăn Tết hết tầm hơn 10 triệu, nhưng năm nay, “cho đến thời điểm này thì cô vẫn chưa dám mua sắm gì hết” –cô nói. Tết là ngày lễ truyền thống cổ truyền của dân tộc, làm ăn cả năm mới có đôi ba ngày Tết để thăm hỏi họ hàng, gia đình đoàn tụ, “biết là mọi thứ giờ đắt đỏ, nhưng dù sao vẫn phải đầy đủ, những gì cần vẫn phải sắm, chi tiêu trong khoản cho phép thôi” – cô nói thêm.
Cô giải thích: “ví dụ năm ngoái nhà cô mua 5 con gà, thì năm nay mua 3 thôi, năm ngoái bỏ ra 2, 3 triệu mua cây Tết thì bây giờ mua cây tầm 1 triệu là được rồi, thời buổi kinh tế khó khăn, không nên phung phí quá, mỗi thứ giảm đi một chút để đảm bảo một cái Tết kinh tế cho gia đình”
Ăn uống phù hợp
Cô Thúy, 52 tuổi, giáo viên trường tiểu học Hồng Hà (Đan Phượng, Hà Nội), gia đình cô Thúy nề nếp, hai người con đều đang theo học đại học, đối với cô, việc ăn Tết phải phù hợp, nhất là trong thời điểm kinh tế như hiện nay.
“Nhà cô ăn Tết không cầu kì, nhưng phải phù hợp, lựa chọn món ăn ngày Tết phải vừa ngon lại không được hoang phí, làm sao phù hợp với khẩu vị của mỗi thành viên trong gia đình là được” – cô nói
Cô Thuý gói bánh chưng Tết. |
“Cô không quá quan trọng việc biếu xén quà cáp, chủ yếu tặng những món quà gọi là tình cảm dành cho những người thân. Tết đến có thể biếu bánh chưng cho anh em họ hàng dịp đầu năm mới” – cô chia sẻ.
0 Lời Bình:
Đăng nhận xét