19/2/13

Luật Biển: Gánh nặng cho hậu thế


Hoàng Công Minh (LCST) - Gần đây khi thấy Phi Luật Tân ngày càng mạnh dạn đối đầu với con sói dữ Trung Quốc mà biết bao nhiêu người không khỏi chạnh lòng khi quay lại quê mình. Thật không khỏi xấu hổ khi thấy mấy "cụ" rét run lẩy bẩy - sủa to quá thì sợ bị "đàn anh TQ" bợp tai, mà không lên tiếng gì thì có ngày bị dân nó đá đít. Xin mời quý bạn xem bài của Hoàng Công Minh phơi bày "gánh nặng của hậu thế".
Ngày 21/6/2012, Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam đã bỏ phiếu thông qua Luật Biển. Luật này gồm có 7 chương, 55 điều, và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2013. Có một văn kiện pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với vùng biển đảo quốc gia là điều cần thiết, ấy vậy nhưng chúng tôi không tránh khỏi thất vọng khi đón nhận tin này.
Việt Nam là một quốc gia biển với tổng chiều dài bờ biển trên 3.260 km (một số tài liệu đáng tin cậy khác còn ghi là 3.350 hoặc 3.650 km). Đồng thời bờ biển Việt Nam cũng được xếp hạng thứ 32 trong tổng số 156 quốc gia có biển. Một quốc gia biển như vậy mà bây giờ mới có Luật Biển, đó là thất vọng thứ nhất.
Điều 1 Luật Biển quy định:
 “Luật này quy định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; hoạt động trong vùng biển Việt Nam; phát triển kinh tế biển; quản lý và bảo vệ biển đảo”.
Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã bị Trung Quốc xâm chiếm và ghép vào bản đồ của họ, nay Luật biển mới khẳng định thuộc chủ quyền Việt Nam, đó là thất vọng thứ hai.
Quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Cộng xâm chiếm từ năm 1974, khi chế độ Miền Nam Việt Nam sắp sụp đổ. Mặc dù như vậy phía hải quân Miền Nam vẫn chiến đấu anh dũng đến phút cuối để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Thế nhưng quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam lại bị nhà nước Cộng Sản hèn hạ dâng cho Tàu Cộng mà không có một sự phản kháng nào? Họ thản nhiên để cho hải quân Trung cộng bắn giết ngư dân mình, và chỉ phản đối chiếu lệ khi vùng biển đảo của đất nước đã nằm trọn trong vòng kiểm soát của đối phương? Đến khi sự phản đối của dư luận đã lên tới đỉnh điểm thì Quốc Hội CHXHCN Việt Nam mới vội vàng cho ra Luật Biển? Lúc này, khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo đã thuộc quyền kiểm soát của đối phương thì liệu có ý nghĩa gì nhỉ?
Người Việt Nam có câu: “Mất Bò mới lo làm chuồng”. Câu này thật phù hợp và ý nghĩa khi áp dụng vào hoàn cảnh này. Chế độ Việt Cộng đã âm thầm sang nhượng biển đảo cho phía Trung Cộng, nay lại khẳng định chủ quyền, con Bò đã bị mất thì bây giờ bằng cách nào để nhốt nó vào chuồng của mình đây? Nhà nước Cộng Sản nói với người dân rằng: “Trung Quốc mạnh - Việt Nam yếu, vì vậy mà không thể gây chiến tranh được, đành phải nhìn họ cướp biển đảo của mình thôi”. Nếu vậy nhân dân lập ra nhà nước và quân đội để làm gì? Nếu biết không thể bảo vệ được hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì họ khẳng định chủ quyền trong Luật Biển để làm gì? Để làm cảnh cho vui chăng? Hay để chứng tỏ trách nhiệm đối với đất nước bằng cách dối lừa hậu thế?
Bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của quốc gia là trách nhiệm của bất kỳ nhà nước nào. Đó là nhiệm vụ không thể trốn tránh được nhân dân giao phó.  Nay nhà nước Việt Nam để mất quần đảo Trường Sa vào tay Trung Quốc, đó là cái tội lớn mà lịch sử không thể tha thứ. Nhân dân Việt Nam không cần biết Chính quyền Cộng Sản hai nước đã có những bước ngoại giao đi đêm nào để bán nước, nhưng họ đòi hỏi việc bảo vệ chủ quyền quốc gia phải được minh bạch.
 Trên thế gian làm gì có chuyện ngược đời, ấy là đi bảo vệ cái đã bị mất bao giờ?
Vậy nay Quốc Hội CHXHCN Việt Nam khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam là có ý gì? Để cho những thế hệ mai sau đòi lại sao? Đòi lại bằng cách nào? Bằng cách đợi Việt Nam phát triển giàu mạnh hơn Trung Quốc, thế hệ tương lai thông minh hơn người Trung Quốc chăng? Các lãnh đạo nhà nước Việt Nam đã đọc “AQ chính truyện” chưa nhỉ? Truyện này cũng xuất xứ từ Trung Quốc đấy, để ám chỉ một kẻ hèn hạ chuyên chiến thắng người khác bằng phép thắng lợi tinh thần. Hay nhà nước Việt Nam muốn đổ vấy cho hậu thế, muốn hậu thế phải hy sinh xương máu để giành lại chủ quyền biển đảo? Trong khi các vị đã âm thầm bán đi biển đảo của tổ tiên để giữ lấy quyền lực và rủng rỉnh túi tiền?
Ra Luật Biển 2012, quả là nhà nước Cộng Sản Việt Nam đã đặt gánh nặng lên vai hậu thế. Họ đã để mất biển đảo, nay lại khẳng định chủ quyền trong một Bộ Luật, như vậy là muốn hậu thế hy sinh xương máu để đòi lại còn gì?
 Hà Nội, 18 tháng 2 năm 2013
Hoàng Công Minh

0 Lời Bình:

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Stumbleupon More