Phong trào CĐVN
-
-
Mục tiêu tối thượng của phong trào Con Đường Việt Nam là làm cho Quyền Con Người được tôn trọng và được bảo vệ trên hết và bình đẳng tại Việt Nam để người dân có thể tự tin sử dụng đầy đủ mọi quyền pháp định của bản thân để làm chủ đất nước và làm chủ cuộc sống của mình.
Khi nói đến các Quyền Con Người phong trào Con Đường Việt Nam sử dụng định nghĩa được nêu ra trong Tuyên ngôn Quốc Tế về Nhân Quyền của Liên Hợp Quốc, được thông qua vào năm 1948. Văn bản quan trọng này là một chuẩn mực mang tính quốc tế về Quyền Con Người ở các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, bao gồm cả Việt Nam.
Phong trào Con Đường Việt Nam tranh đấu cho sự phát triển của đất nước theo tiến trình phù hợp vối quy luật khách quan tất yếu:
Quyền Con Người -> Tự Tin -> Dân Chủ -> Công Bằng -> Thịnh Vượng -> Văn Minh
Phong trào Con Đường Việt Nam đấu tranh chống lại mọi tác nhân thúc đẩy quá trình làm cho đất nước chậm tiến và bất ổn như dưới đây, đối nghịch với tiến trình trên:
Cường Quyền -> Sợ Hãi -> Tham Nhũng -> Bất Bình Đẳng -> Nghèo Nàn -> Lạc Hậu
HOÀN CẢNH RA ĐỜI
Tuyên Ngôn Độc Lập năm 1945 của nước Việt Nam đã thừa nhận rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, có sẵn các quyền làm người căn bản, trong đó có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.
Năm 1977, Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc, điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam công nhận các quyền con người bất di bất dịch được qui định và trịnh trọng tuyên bố tại Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc vào năm 1948.
Đến 1982, Việt Nam đã chính thức gia nhập tại Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị; và về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa. Tại đây, nhà nước Việt Nam cũng đã long trọng cam kết tôn trọng, bảo vệ các quyền này cho công dân Việt Nam đồng thời cũng thúc đẩy các quyền này trên toàn thế giới.
Trên tinh thần đó, Hiến pháp hiện hành (1992) của Việt Nam cũng đã hiến định tất cả các quyền thiêng liêng này của người dân Việt Nam.
Với những khung pháp lý như vậy thì mọi công dân Việt Nam từ lúc sinh ra đều đã được hưởng bình đẳng tất cả các quyền con người như bất kỳ công dân nào khác trên thế giới, không phân biệt quốc gia, màu da, chủng tộc, xuất thân, địa vị, quan điểm chính trị, trình độ phát triển, v.v..., và dựa vào đó, các văn bản pháp luật phải được xây dựng sao cho cho mọi người có thể sử dụng những quyền này một cách đầy đủ và công bằng, theo đúng tinh thần của Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền là: “Nhân Quyền cần phải được bảo vệ bằng luật pháp, để con người không bị bắt buộc phải sử dụng đến biện pháp cuối cùng là vùng dậy chống lại độc tài và áp bức” và “mọi người chỉ phải chịu những hạn chế do luật định, và những hạn chế này chỉ nhằm mục tiêu bảo đảm sự thừa nhận và tôn trọng nhân quyền, và quyền tự do của những người khác, cũng như nhằm thỏa mãn những đòi hỏi chính đáng về luân lý, trật tự công cộng, và nền an sinh chung trong một xã hội dân chủ”.
Tuy nhiên, các giá trị tốt đẹp này còn rất xa so với thực tế trong việc thực thi quyền con người trên đất nước Việt Nam. Nhiều văn bản pháp luật được ban hành theo hướng ngăn cản, hạn chế các quyền con người cơ bản, trở thành vi hiến vì trái ngược với Hiến Pháp. Đa số các văn bản này trao quyền cấp phép cho các quan chức đã tạo nên nạn cửa quyền và cơ chế xin - cho. Bên cạnh đó, ở những nơi đã có các điều khoản pháp luật phù hợp nhằm bảo vệ quyền con người thì chính các cơ quan chức năng lại chưa thực thi chúng một cách nghiêm túc, làm mất đi tính nghiêm minh của pháp luật và tạo ra nhiều án oan, sai. Đối với những lĩnh vực còn thiếu vắng pháp luật quy định cụ thể, đại đa số người dân lẫn nhân viên công vụ đều nghĩ rằng nếu pháp luật chưa quy định thì có nghĩa là công dân Việt Nam không được thực hành những quyền này. Điều này dẫn đến sự hạn chế tự do và xâm phạm các quyền con người cơ bản, tạo không gian cho quan chức lạm quyền và tham nhũng tràn lan. Chính những sai lầm có hệ thống này là một trong những yếu tố quan trọng đã đẩy đất nước đến những khó khăn và bất ổn hiện nay.
Đất nước chúng ta đang lâm nguy: khủng hoảng kinh tế, xã hội suy đồi đạo đức, tham nhũng đã trở thành quốc nạn làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng chục triệu người dân và làm suy yếu đất nước, chủ quyền biển đảo đang bị đe dọa. Là một người dân nước Việt, hơn lúc nào hết chúng ta phải có trách nhiệm với đất nước, với dân tộc để chấn hưng lại đất nước, bảo vệ vững chắc lãnh thổ của cha ông để lại. Các thế hệ đi trước đã tìm ra con đường chấn hưng đất nước, đó là phải “Khai dân trí – Chấn dân khí – Hậu dân sinh” tức là người dân phải HIỂU BIẾT về các quyền của mình để TỰ TIN sử dụng những quyền đó làm cho cuộc sống của mình tốt đẹp hơn, giàu có hơn, đất nước thịnh vượng hơn, văn minh hơn. Phong trào Con Đường Việt Nam ra đời tiếp nhận tinh thần ấy của tiền nhân để cùng toàn thể người dân Việt Nam tìm ra con đường chấn hưng lại đất nước.
PHƯƠNG THỨC HÀNH ĐỘNG
Phong trào Con Đường Việt Nam hoạt động theo tôn chỉ:
- Công khai, minh bạch
- Đối thoại, ôn hòa nhưng cương quyết
- Khoan dung nhưng không thỏa hiệp với sự sai trái.
- Đối thoại, ôn hòa nhưng cương quyết
- Khoan dung nhưng không thỏa hiệp với sự sai trái.
Phong trào Con Đường Việt Nam lấy việc bảo vệ quyền con người cơ bản của mọi công dân Việt Nam, không phân biệt tuổi tác, giới tính, tôn giáo, địa vị xã hội, sắc tộc, quan điểm chính trị v.v... làm mục tiêu hàng đầu. Qua đó, phong trào hợp tác với bất kỳ cá nhân, tổ chức nào cùng mục đích bảo vệ quyền con người, và ngược lại đấu tranh với bất kỳ cá nhân, tổ chức nào có hành vi vi phạm quyền con người.
Phong trào Con Đường Việt Nam hiểu rằng một xã hội tôn trọng con người phải được xây dựng trên cơ sở mỗi công dân trong xã hội có đầy đủ hiểu biết về quyền của mình và của những người xung quanh mình. Vì thế, phong trào hướng tới giúp cho người dân hiểu về những quyền sẵn có mà mình phải được hưởng một cách tự do, bình đẳng theo đúng tinh thần của Tuyên bố Nhân quyền Quốc tế của Liên Hiệp Quốc để người dân tự tin, chủ động sử dụng tối đa các quyền này trong cuộc sống. Giúp người dân ý thức rõ về vai trò của các quyền này trong đời sống xã hội, kinh tế, chính trị để xây dựng một đất nước văn minh và thịnh vượng.
Phong trào Con Đường Việt Nam chọn đối thoại thay vì đối đầu để tìm ra giải pháp chung. Phong trào sẽ đối thoại, phản biện và đưa ra các đề nghị, yêu cầu với các cơ quan lập pháp hành pháp và các tổ chức chính trị khác để xây dựng và sử dụng luật pháp theo đúng trách nhiệm của nhà nước pháp quyền là phải bảo vệ hiệu quả việc thực hiện các quyền con người cho nhân dân. Phong trào sẽ bảo vệ cho quyền lợi cho người dân bằng công luận và các công cụ pháp lý của Việt Nam và quốc tế.
Phong trào Con Đường Việt Nam kêu gọi người dân tích cực đóng góp ý kiến, tham gia vào việc điều hành đất nước, đóng góp trách nhiệm của mình vào việc chấn hưng lại đất nước
Phong trào Con Đường Việt Nam không phải là một tổ chức; nó không có điều lệ, không có bộ máy thường trực hay qui chế hội viên. Phong trào Con Đường Việt Nam là một phong trào mở, dành cho tất cả mọi người Việt Nam trong và ngoài nước, không phân biệt quan điểm chính trị, tôn giáo, nghề nghiệp, tuổi tác, nguồn gốc xuất thân,… Những ai chia sẻ với những mục tiêu của phong trào và tham gia vào hoạt động của nó sẽ đều là thành viên.
Phong trào Con đường Việt Nam không tranh đấu vì bất kỳ chủ thuyết chính trị, tư tưởng hay chủ nghĩa nào. Phong trào Con đường Việt Nam không phải là một đảng chính trị hoạt động nhằm tìm kiếm nhiệm kỳ cầm quyền tại Việt Nam nhưng sẽ ủng hộ bất kỳ đảng phái nào bảo vệ và tôn trọng quyền con người ở Việt Nam, và ngược lại sẽ phản đối bất cứ tổ chức, đảng phái nào đi ngược lại nguyên tắc này.
Văn bản này ấn định nguyên tắc hoạt động của phong trào. Mọi hoạt động và tuyên bố của những người khởi xướng hay của thành viên phong trào đi ngược lại tinh thần của văn bản này đều bị coi là không hợp lệ.
Hoàn thành ngày 5/7/2012
0 Lời Bình:
Đăng nhận xét