Khi những nhà lãnh đạo độ tuổi lục tuần của Trung Quốc xuất hiện trước
công chúng với những bộ áo sẫm màu và kiểu tóc nhuộm giống nhau, mọi hành động
của họ đều được sắp xếp để biểu lộ tính đoàn kết và đồng thuận.
Báo chí và truyền hình Trung Quốc đồng loạt tường thuật giới lãnh đạo
của quốc gia đông dân nhất thế giới nhất loạt đưa tay để biểu quyết một vấn đề
trong ngày với mục đích quá rõ rệt rằng đây là một đảng Cộng sản hoà thuận.
Nhưng rất thường xuyên, thường là trước giai đoạn chuyển đổi chính trị
hoặc khi quốc gia này đối diện một cơn khủng hoảng lớn, sự chia rẽ trầm trọng
vẫn tồn tại phía dưới lại nổi lên bên trên.
Điều này hiện đang xảy ra khi giới lãnh đạo quốc gia chuẩn bị cho quá
trình chuyển đổi mười năm một lần vào cuối năm nay, trong đó đa số những lãnh
đạo tối cao, bao gồm thủ tướng Ôn Gia Bảo và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, sẽ bước xuống
để nhường chỗ cho thế hệ mới.
Hôm thứ Tư, ông Ôn, một lãnh đạo cấp tiến nhất của Trung Quốc, đã đưa ra
một nghị trình cải cách chính trị mà bản thân nó hàm chứa một tấn công vào
những đối thủ bảo thủ của ông.
Khi ông kêu gọi việc “cấp tốc” và “nghiêm trọng” cải cách chính trị và
khi ông khẳng định rằng dân chủ cuối cùng phải xảy ra đã đánh thẳng vào mặt
giới bảo thủ chuyên cho rằng thách thức tình trạng hiện tại của nền chính trị
Trung Quốc chỉ dẫn đến hỗn loạn.
Năm 2009, Ngô Bang Quốc, người chính thức đứng ở vị trí thứ hai trong hệ
thống quyền lực của đảng Cộng sản sau Hồ Cẩm Đào, đã kịch liệt bác bỏ hệ thống
dân chủ đa đảng kiểu “phương tây”, phân định quyền lực giữa ngành lập pháp,
hành pháp và tư pháp hoặc một hệ thống chính trị lưỡng viện.
Điều này chẳng đưa ra được mấy lựa chọn nếu Trung Quốc vẫn hi vọng cuối
cùng sẽ đem đến dân chủ và tổng bầu cử, như ông Ôn đề xuất trong cuộc họp báo
hôm thứ Tư.
“Có một cảm nhận chung trong giới lãnh đạo rằng cần có vài thay đổi lớn
trong hệ thống nhưng vẫn chưa có một sự đồng thuận về những thay đổi này là gì
và chúng nên xảy ra theo thứ tự nào,” Victor Shih, một chuyên gia về giới lãnh
đạo chính trị Trung Quốc tại Đại học Northwestern. “Ý kiến của ông Ôn cho thấy
ít nhất một vài người trong giới lãnh đạo đã mạnh mẽ ủng hộ việc cải cách chính
trị sâu rộng hơn ở Trung Quốc.”
Ông Ôn cũng có ý kiến đối nghịch hơn khi ông đưa ra một tấn công hiếm có
đến Bạc Hy Lai, viên thị trưởng đầy sóng gió của thành phố tự trị Trùng Khánh,
người cho đến gần đây vẫn là người dẫn đầu để được đề bạt lên vị trí cao nhất
của Đảng, trước khi viên giám đốc công an của ông bị bắt giữ vì đã tìm cách đào
tị sang Hoa Kỳ.
Trong một cú đấm thẳng vào những chính sách gây tranh cãi mà ông Bạc đã
đưa ra ở Trùng Khánh, ông Ôn đã liên tục liên hệ đến thảm hoạ Cách mạng Văn hoá
trong giai đoạn 1966-1976 với nạn thanh trừng và ngược đãi với hầu hết các quan
chức chính quyền, học giả, trí thức cũng như gia đình của họ.
Chương trình cải cách cực đoan của ông Bạc ở Trùng Khánh liên quan đến
việc vực dậy những hình ảnh và ca khúc “đỏ” của thời kỳ Cách mạng Văn hoá, việc
tàn bạo thanh trừng những doanh nhân giàu có bị cáo buộc là “băng đảng” và việc
chi tiêu mạnh mẽ để nâng cấp các dịch vụ xã hội và các căn hộ nhà nước.
Đề cập đặc biệt đến Vương Lập Quân, vị giám đốc công an mà ông Bạc rất
tin tưởng, người đã chỉ đạo phong trào thanh trừng các “tổ chức tội phạm” trước
khi tìm cách đào thoát sang Hoa Kỳ sau một mâu thuẫn với ông Bạc, ông Ôn nói
rằng chính quyền Trùng Khánh phải “xem kỹ lại” và “rút ra những bài học” từ sự
kiện này.
Bên trong, các quan chức cao cấp nói rằng sự nghiệp chính trị của ông
Bạc rõ ràng là đã chấm dứt sau việc ông Vương tìm cách đào thoát nhưng những
chỉ trích mạnh mẽ của ông Ôn cho thấy những đấu đá hậu trường vẫn đang tiếp
diễn.
Bên ngoài, đảng Cộng sản đã không có vẻ quá chia rẽ kể từ những ngày
tháng đen tối của cuộc thảm sát Thiên An Môn, khi tổng bí thư lúc ấy là Triệu
Tử Dương bị giam giữ tại gia vì đã từ chối ban hành thiết quân luật.
Đảng đã sống sót qua cơn khủng hoảng ấy một phần là nhờ nó có được một
nhà lãnh đạo vĩ đại, Đặng Tiểu Bình, người đã nắm giữ tính trung thành vững
chắc của Đảng và quân đội, giới đã thi hành cuộc đàn áp đẫm máu.
Ngày nay, không còn một nhân vật như thế và điều này giải thích tại sao
lại có một tranh chấp đang dâng cao và tại sao Đảng cho đến nay vẫn thất bại
trong việc cách chức ông Bạc hoặc có một hình thức trừng phạt công khai đối với
ông.
Mặc dù có những tin đồn về việc ông chắc chắn sẽ bị sa thải đang lan toả
rộng rãi tại Bắc Kinh, 10 ngày qua ông Bạc đã xuất hiện trước công chúng tại
hội nghị thường niên của quốc hội bù nhìn trong vai trò là thành viên của Bộ
Chính trị gồm 25 người, cơ quan quyền lực cao thứ hai ở Trung Quốc.
Một số các nhà phân tích và quan chức tin rằng cách chức ông Bạc, người
vẫn còn nổi tiếng với giới bảo thủ và quân đội cũng như việc cha ông từng là
một anh hùng cách mạng và phó thủ tướng Trung Quốc, có thể làm nảy sinh ra hiện
tượng phân tán công khai trong đảng.
Nhưng những người khác nói rằng cho phép ông tiếp tục như cũ sẽ làm cho
Đảng có vẻ yếu ớt và bị lũng đoạn bởi những cá nhân quyền lực và quen biết lớn.
Nguồn: Jamil Anderlini – Financial Times
0 Lời Bình:
Đăng nhận xét