29/3/12

Việt Nam phát triển cơ bắp hải quân

The HanoistAsia Times
-
“Dành riêng khoảng 3% tổng sản lượng nội địa mỗi năm vào quốc phòng, Việt Nam đang tiêu pha mạnh mẽ vào vũ trang ở Nga, Hà Lan và Canada và ở những nước khác. Những thiết bị quân sự từ những hợp đồng lớn đang bắt đầu bước vào hoạt động và hứa hẹn sẽ tăng cường mạnh mẽ vũ lực hải và không quân của Việt Nam.”
Theo sau một loạt những hợp đồng mua vũ khí đình đám, ngành hải quân đang lên của Việt Nam là biểu tượng của thái độ quân sự đang biến chuyển của mình. Được thúc đẩy bởi những tranh chấp hàng hải không ngừng với Trung Quốc và được hỗ trợ bởi nền kinh tế đang lên, Việt Nam đang tích cực hiện đại hoá quân đội của mình qua ngành hải quân, không quân cũng như việc nâng cấp khả năng chiến đấu điện tử.

Một thập niên trước, ngành hải quân Việt Nam chỉ được trang bị với những vũ khí thời Sô Viết dựa trên kỹ thuật của những năm 1960 cùng với những chiến hạm khác nhau của Mỹ tịch thu được từ chính quyền Nam Việt Nam sau chiến tranh. Lực lượng lạc hậu này đã không đủ sức để canh giữ vùng đặc khu kinh tế dài 200 dặm của đất nước hoặc giữ vững chủ quyền tại Trường Sa, một vùng đảo rộng còn được Trung Quốc, Đài Loan và vài quốc gia Đông Nam Á khác thừa nhận chủ quyền.
Dành riêng khoảng 3% tổng sản lượng nội địa mỗi năm vào quốc phòng, Việt Nam đang tiêu pha mạnh mẽ vào vũ trang ở Nga, Hà Lan và Canada và ở những nước khác. Những thiết bị quân sự từ những hợp đồng lớn đang bắt đầu bước vào hoạt động và hứa hẹn sẽ tăng cường mạnh mẽ vũ lực hải và không quân của Việt Nam.
Ví dụ như năm ngoái, Việt Nam đã đưa vào hoạt động hai tàu khu trục hạng nhẹ lớp Gepard đầu tiên, vốn được đóng tại Cơ sở Đóng tàu Gorky nổi tiếng. Những chiếc Gepard này, nặng 2.100 tấn, được trang bị hệ thống tên lửa Uran-E chống chiến hạm, một sân đậu trực thăng và kỹ thuật tàng hình để dễ lẩn tránh. Hai chiếc tàu khu trục nhẹ lớp Gepard khác, được trang bị đặc biệt với hệ thống chống tàu ngầm, cũng đã được đặt hàng. Tổng cộng, chúng sẽ đóng vai trò cột sống cho hạm đội trên mặt nước của Việt Nam trong nhiều năm tới.
Việt Nam cũng đang trong quá trình mua sắm và đưa vào hoạt động những tàu tên lửa nhỏ khác. Đáng lưu ý là hai chiếc tàu hộ tống lớp Molniya mà Việt Nam vừa mua lại từ Nga và cũng nhận giấy phép để tự đóng thêm mười chiếc nữa. Được vũ trang với hệ thống tên lửa chống chiến hạm SS-N-25 Switchblade, những chiếc tàu hộ tống nặm 550 tấn này có thể hoà mình vào trong những chiếc thuyền đánh cá ven biển trong khi có thể đánh thẳng vào đối phương từ khơi xa.
Tuy nhiên, hoạt động đáng lưu ý nhất là hợp đồng mua sáu chiếc tàu ngầm chạy bằng dầu diesel lớp Kilo từ Nga. Những chiếc tàu ngầm êm ả này tạo cho Việt Nam khả năng hoàn toàn mới trong việc tuần tiễu trên khu vực tranh chấp nóng bỏng ở biển Đông. Chiếc Kilo đầu tiên được dự định chuyển giao vào năm 2013, sau đó sẽ giao mỗi năm một chiếc cho đến năm 2018.
Kinh nghiệm vận hành tàu ngầm của Việt Nam hầu như là con số không. Năm 1997, Việt Nam đã bí mật mua hai chiếc tàu ngầm Yugo tí hon cũ kỹ từ Bắc Hàn, được cho là dùng để luyện tập các hoạt động dưới lòng nước. Được thiết kế để vận chuyển lực lượng đặc công thay vì để giao tranh trên biển, những chiếc tàu ngầm tí hon này chỉ có thể giúp trong những dịp huấn luyện rất giới hạn cho thuỷ thủ Việt Nam.
Trong lĩnh vực huấn luyện chiến tranh toàn diện dưới nước, có vẻ Việt Nam sẽ hướng đến Ấn Độ. Hai quốc gia đã cam kết qua những đàm phán quân sự cấp cao trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc hợp tác hàng hải. Vì hải quân Ấn cũng sử dụng những tàu ngầm lớp Kilo nên New Delhi rất hợp để đào tạo hải quân Việt Nam. Trung Quốc đã lo lắng phản ứng trước chiều hướng song phương nồng ấm bằng cả lời nói lẫn hành động khi một tàu chiến Trung Quốc được cho là đã đối đầu với một tàu hải quân Ấn vừa rời khỏi cảng Việt Nam hôm tháng Tám.
Về việc những chiếc Kilo này sẽ bỏ neo ở đâu, đa số các thông tin công khai cho đến nay chỉ đến từ truyền thông Nga. Moscow được cho là sẽ xây dựng một căn cứ tàu ngầm cho Việt Nam tại Vịnh Cam Ranh chiến lược, từng là căn cứ hải quân của Hoa Kỳ và sau đó là Liên Xô, nằm tại bờ biển nam trung bộ của Việt Nam, hướng ra Thái Bình Dương.
Trong một diễn tiến đầy bất ngờ, Việt Nam cũng đang hoàn tất ký kết một hợp đồng để mua bốn chiếc tàu hộ tống lớp Sigma từ Hà Lan. Hiện đang được hải quân Indonesia và Morocco sử dụng, những chiếc Sigma trong đó hai chiếc sẽ được đóng tại Việt Nam, sẽ là những tàu chiến hiện đại nhất của Việt Nam.
Để bảo vệ vùng trời và hạm đội hải quân của mình, Việt Nam đang trong quá trình mua những chiếc Su-30K2 đa chức năng sản xuất từ Nga. Đến cuối năm nay, Việt Nam sẽ có ít nhất là 20 chiến đấu cơ tiên tiến để bổ sung cho khoảng một chục chiếc Su-27 tương đối hiện đại và một loạt những chiến đấu cơ MiG còn sót lại vốn có tuổi đời lớn hơn cả đa số những phi công.
Có khả năng như những chiến đấu cơ hải quân, những chiếc Su-27 và Su-30K2 của Việt Nam sẽ có thể bay đến vùng biển nằm gần quần đảo Trường Sa, được cho là nằm ngoài tầm bay của những chiến đấu cơ chuyên bay ven biển của Trung Quốc.
Để tăng cường khả năng thăm dò của hải quân, Việt Nam đã mua sáu chiếc DHC-6 Twin Otter, sẽ được chuyển giao trong vòng hai năm tới. Những chiếc thuỷ phi cơ này có thể cất và hạ cánh trên mặt nước và rất lý tưởng trong việc tuần tiễu và tái tiếp vận hàng hải. Được sản xuất từ Canada, những chiếc Twin Otter này là loại máy bay cánh ngang đầu tiên mà Việt Nam mua từ phương Tây.
Câu hỏi đặt ra trước những việc mua sắm này là những thiết bị này sẽ liên lạc và phối hợp với nhau ra sao trong khi quân đội vẫn có rất ít kinh nghiệm vận hành mỗi loại ngay cả trên căn bản riêng lẻ từng chiếc.
Thử thách về tính tương kết này đặc biệt là rất cấp yếu khi Việt Nam mua những thiết bị quốc phòng này trên cở sở riêng lẻ từng chiếc từ hàng loạt các nhà cung cấp khác nhauchủ yếu là từ Nga, nhưng cũng có cả Hà Lan, Canada, Pháp, và có thể trong tương lai là Hoa Kỳ. Quân đội Việt Nam vì thế sẽ phải dồn nỗ lực vào việc huấn luyện và trở thành một lực lượng chiến đấu chuyên nghiệp hiện đại.
Một câu hỏi xa hơn nữa là học thuyết nào sẽ dẫn đường cho quân đội Việt Nam nói chung và hải quân nói riêng. Năm 2009, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã rầm rộ công bố một sách trắng về quốc phòng. Tài liệu công khai này là bước khởi đầu nhưng lại chứa đầy những luận điệu cộng sản cũ rích cũng như những tuyên bố mị dân. Giả định là những nhà lãnh đạo Việt Nam đã có thể thiết lập được những khái niệm chiến lược từ bên trong để không phải động chạm đến những vấn đề nhạy cảm với Trung Quốc.
Trong một phỏng vấn vào năm 2010, một phó đô đốc Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại về việc một số các nước Đông nam Á đang trong quá trình mua sắm những tàu ngầm. Ông nói rằng “nếu việc này cứ tiếp diễn với nhịp độ hiện tại, trong vài năm nữa các quốc gia ASEAN sẽ tạo ra những lực lượng hải quân hùng mạnh” và điều này “đương nhiên trở thành một thách thức đối với các nước láng giềng, kể cả Trung Quốc.”
Trong khi Trung Quốc đang tiến hành một chiến lược “chống xâm nhập/từ chối khu vực” nhằm giữ chân hải quân Hoa Kỳ khỏi khu vực Tây Thái Bình Dương, một Việt Nam vũ trang tốt hơn và những đối tác tiềm năng của nó sẽ theo đuổi một chiến lược ngăn chặn tương tự đối với Bắc Kinh trên biển Đông.
So sánh này là thì không hoàn hảo vì Trung Quốc rõ ràng là có biên giới tại những khu vực biển đang bị tranh chấp này. Ngoài việc tuyên bố chủ quyền trên hầu hết biển Đông, Trung Quốc cũng đang bận rộn với ít nhất là hai mặt trận lớn, cụ thể là Đài Loan và Đông bắc Á. Vì thế, Bắc Kinh có thể cân nhắc lại tham vọng hiện tại của mình trong việc muốn thống lĩnh biển Đông nếu bị chống trả tương đối.
Việt Nam còn xa mới có thể thách thức Trung Quốc, nhưng với quân đội đang được hiện đại hoávới bằng chứng là sức mạnh ngày càng lớn của hải quânnó đang tiến những bước quan trọng để trở thành một vật cản đáng kể.
Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ

0 Lời Bình:

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Stumbleupon More