24/3/12

Sông Tranh 2: Thảm họa vỡ đập không quá xa vời


GS.TSKH Phạm Hồng Giang
Tô Hội (Thực hiện)
-
“Tôi không hiểu sao nhà thầu lại phát ngôn rằng chuyện nứt đập là chuyện bình thường. Dù gì, nguy cơ vỡ đập là có. Rõ ràng chính các kỹ sư thi công cũng chưa hiểu hết về kỹ thuật nên mới có một vài tuyên bố như vậy”. Đó là chia sẻ của GS.TSKH Phạm Hồng Giang về sự cố nứt Đập Thủy điện Sông Tranh 2.

Lỗi không ở công nghệ

Theo đánh giá của ông, sự cố nứt đập của thủy điện Sông Tranh 2 đang ở mức độ nào?
Theo như kinh nghiệm trong ngành thì đó là việc nghiêm trọng. Không thể nói nó là bình thường. Trong kỹ thuật xây dựng đập, việc để nước từ thượng lưu chảy xuyên qua đập, tràn qua mặt đập, mái đập là không được phép.

Chiều 21/3, nhà thầu đã nhận lỗi kỹ thuật. Nhưng có người lại đặt dấu hỏi về công nghệ được lựa chọn?

Không. Đập bê tông đầm lăn là công nghệ của Nhật Bản, được sử dụng vào khoảng hơn 30 năm trở lại đây. Đập đầm lăn có nhiều ưu điểm, sử dụng ít xi măng, tiết kiệm, việc tỏa nhiệt ít hơn nên nó cho phép đổ những khối bê tông rất lớn, tiến độ thi công rất nhanh. Vì sử dụng ít xi măng nên khả năng chống thấm của nó kém hơn. Bởi thế việc chống thấm cho bê tông đầm lăn phải làm rất cẩn thận. Đối với thiết kế đập, người ta phải làm những đường hành lang bên trong đập để gom những phần thấm không chặn hết ở thượng lưu chứ không bao giờ được phép để tràn ra mái hạ lưu.

Lúc mới xảy ra sự cố, nhà thầu khẳng định đó là hiện tượng bình thường. Chắc hẳn vì cho rằng đã là đập bê tông đầm lăn thì phải chấp nhận nước thấm qua?

Tôi thấy rất buồn cười khi họ phát ngôn như thế. Chúng ta đã làm những đập đầm lăn lớn như đập Sơn La, Bản Vẽ… Không phải cứ đập đầm lăn thì đương nhiên nó phải thấm. Nếu làm chống thấm tốt thì nó sẽ không như thế. Có rất nhiều cách để giải quyết chống thấm. Vì thế hoàn toàn không phải do công nghệ.

Nguyên nhân thì đã rõ, liệu có xử lý được không thưa ông?

Tôi khẳng định lại, việc để nước chảy tràn ra ở mái hạ lưu là không được phép. Giọt thấm sinh ra do độ chênh lệch mực nước ở thượng lưu và hạ lưu. Đập cao hàng trăm mét như thế thì thế năng dòng nước ở thượng lưu là rất lớn. Khi chảy trong đập thì nó có thể cuốn theo làm phá hủy các loại vật liệu dọc đường thấm. Khi nó thấm như thế, tràn qua mái đập, thì chỗ mái đập hạ lưu là chỗ dễ bị phá hủy nhất. Nếu là đập đất thì khả năng vỡ đập đã thấy rõ. Nhưng đây là đập bê tông đầm lăn nên nó chưa thể vỡ ngay được. Vì thế phải xử lý bằng được.

Tôi không hiểu sao họ lại mắc lỗi như thế!

Nguyên nhân đã được xác định rõ là do lỗi quên khâu thiết kế đường ống hút nước trong thân đập, ông có bình luận gì về nguyên nhân này?

Khi sự cố vừa xảy ra, một vài kỹ sư của nhà thầu có nói rằng nguyên nhân là do nước từ các khe tỏa nhiệt của khối bê tông thấm xuống hạ du. Tôi tự hỏi không thể hiểu vì sao mà họ lại mắc lỗi như vậy được. Vì rõ ràng về nguyên tắc căn bản thiết kế xây dựng đập, không thể làm tắc trách như vậy được.

Nghĩa là người ta đã “quên” khâu xử lý khe?

Đúng vậy. Khi đổ các khối, các khe giữa các khối là phải xử lý, người ta có thể có nhiều cách. Có thể làm các khớp giữa các khối để ngăn không cho nước vào trong khe. Các khe đó có thể làm bằng cao su, nhựa nhưng tốt nhất là làm bằng đồng. Nếu không thì chụp, phun chất chống thấm vào đó khi thi công như đổ nhựa đường, vữa chống thấm. Phải làm như thế, chứ không thể để các khe toang hoác như thế, dòng thấm nó đi qua là đương nhiên. Nhưng tôi không thể lý giải vì sao người ta lại có thể “quên” khâu này.

Trước khi nguyên nhân được công bố, ông có nghĩ đến giả thiết này?

Khi họ nói rằng có nước thấm qua khe nhiệt, tôi đã có thể khẳng định các khe chưa được xử lý đúng kỹ thuật. Tại sao họ làm như thế thì tôi cũng chịu. Không biết là do thiết kế đã có phương án kỹ thuật xử lý đầy đủ nhưng thi công không làm theo, hay thiết kế không chú ý đến chỗ đó, người ta cũng không làm… thì mình không khẳng định được.

Vậy khi họ nói đó là sự cố “bình thường”, ông nghĩ gì?

Những người am hiểu thì không ai phát biểu như thế. Bảo là bình thường là không được. Chỉ khi anh thi công không đúng kỹ thuật thì nó mới xảy ra sự cố như vậy.

Xử lý phức tạp, tốn tiền

Trên thế giới đã bao giờ xảy ra sự cố tương tự chưa thưa ông?

Cũng có. Ở Hy Lạp năm 2002 cũng có hiện tượng rò rỉ đập giống như ở Sông Tranh 2. Người ta phải khắc phục bằng giải pháp chống thấm ở thượng lưu. Các đập đất bị vỡ nhiều, chứ đập bê tông đầm lăn thì chưa.

Cách xử lý có phức tạp không?

Hoàn toàn có thể xử lý được, không phức tạp. Việc trám xi măng vào chỗ rò rỉ chảy nước chỉ là biện pháp rất tạm thời thôi. Về lâu dài nó sẽ không thể duy trì sự an toàn của đập.

Vậy thì phải làm sao thưa ông?

Phải chống thấm từ phía thượng lưu. Với một khối lượng nước lớn như vậy ở hồ chứa thì người ta có 2 cách là làm khô hoặc làm ướt. Làm khô là sẽ phải hạ thấp mức nước hồ chứa xuống cho khô mặt đập, tìm xem chỗ nào thấm. Sau đó dán một lớp màng chống thấm vào đó hoặc là sơn phủ bề mặt bằng một loại sơn đặc biệt. Cũng có thể là khoan và phụt vật liệu chống thấm vào các khe, ngăn được dòng thấm từ thượng lưu. Cách làm ướt là có thể cử thợ lặn xuống nước dán lớp màng chống thấm vào khe nứt. Nhưng trước tiên là phải xác định được nó rò rỉ ở chỗ nào. Ở Hy Lạp, người ta cũng xử lý dán trong nước sau khi xác định được vùng thấm.

Chi phí sửa chữa có nhiều không thưa ông?

Cụ thể thì tôi không có số liệu chi tiết nhưng theo tôi biết là rất đắt. Nhưng để đảm bảo an toàn cho đập thì đắt đến mấy cũng phải làm.

Có thể cả một huyện sẽ bị xóa sổ

Sau khi xử lý như vậy thì độ an toàn của đập sẽ thế nào thưa ông?

Sau khi xử lý thì sẽ không có vấn đề gì hết. Nhiều người lo ngại nó mất an toàn, nhưng tôi nghĩ nếu làm tích cực thì có đủ thời gian. Như ở Hy Lạp thì người ta xử lý trong vòng 1 năm.

Thời gian đó có quá dài không thưa ông?

Phải nghiên cứu khảo sát, thi công và hoàn thành, thì phải cần đến chừng đó thời gian.

Nhưng một số chuyên gia có bày tỏ lo lắng rằng địa điểm đặt thủy điện Sông Tranh 2 nằm trong vùng tâm mưa của Trà My. Mà mùa mưa thì đang đến gần kề, liệu nguy cơ nào sẽ đe dọa người dân ở đây?

Theo tôi nhìn tổng thể đập thì chưa thể vỡ được ngay. Nó chỉ đe dọa sự an toàn nhưng chúng ta có đủ thời gian để làm. Với dung tích 730 triệu mét khối của Sông Tranh 2, nếu vỡ thì sẽ là một thảm họa rất lớn. Nó ục xuống một cái thì có khi cả một huyện sẽ bị xóa sổ. Thảm họa vỡ đập không quá xa vời, cần khẩn trương xử lý đúng kỹ thuật.

Xin cảm ơn ông!

Theo tôi thì người dân cũng phải bình tĩnh. Cần có những phương án sẵn sàng. Nếu xử lý không được thì phải di chuyển. Nhưng chắc không ai để cho xảy ra tình huống vỡ đập đâu. Tuy nhiên vẫn phải tính đến những rủi ro, nên phải tính các phương án đối phó đề phòng và có biện pháp khắc phục sớm. Nếu cứ để như vậy sẽ gây ra hư hại và ảnh hưởng đến sự an toàn của đập.

Nguồn: bee.net.vn

0 Lời Bình:

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Stumbleupon More