26/3/12

"Quản lý kém, nông dân lãnh hậu quả"


PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học – Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Chất tạo nạc bán tràn lan trên thị trường. Người nông dân khốn đốn vì sự yếu kém của các cơ quan quản lý… Sự thật này bắt nguồn từ việc mua quan bán chức, đã bỏ vốn ra mua chức thì phải thu hồi vốn. Đó là quan điểm của PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học – Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội về vấn đề lợn bị sử dụng chất kích thích tạo nạc.

Các quan thờ ơ với… chỉ thị

Mấy ngày qua, dư luận xôn xao về thịt lợn chứa chất cấm. Nhà ông có ăn thịt lợn không?

Tôi vẫn ăn bình thường. Theo tôi được biết, địa bàn Hà Nội gần như không sử dụng chất tạo nạc. Nhưng tôi biết, thuốc cấm có xuất xứ Trung Quốc chuyển sang nhiều. Chúng đưa đi bán dạo, thậm chí đưa cả bao đến trại chăn nuôi chào hàng.

Nhà nước đã cấm sử dụng. Thậm chí các lãnh đạo ngành nông nghiệp còn coi sử dụng chất này như tội ác. Thế mà vẫn có hiện tượng bán tràn lan như ông nói. Thực tế ấy nói lên điều gì?
Có những văn bản cấm điều này. Nhưng trên thực tế, các cơ quan thực thi pháp luật không thực hiện được.

Chẳng lẽ những công bộc của dân năng lực kém, lĩnh lương mà không làm việc hết trách nhiệm?
Nói năng lực kém cũng không hẳn. Nhưng thiếu tinh thần trách nhiệm thì đúng. Họ coi đó là chuyện của người khác. Bởi theo họ, đã có văn bản thì cứ thế mà làm. Như thế, vô hình trung nhà nước ra văn bản nhưng không có ai thực hiện. Nói đúng hơn là họ thờ ơ với chỉ thị của nhà nước. Không phải chỉ lĩnh vực này mà nhiều lĩnh vực khác cũng tương tự.

Nhưng cán bộ được trả lương quản lý. Không thể hưởng lương mà không làm?
Chuyện các cán bộ ăn lương Nhà nước do dân đóng thuế đồng nghĩa phải thực thi pháp luật. Cơ quan cấp trên ra chỉ thị và nghĩ rằng thế là được. Việc thực thi đến đâu, kết quả thế nào họ không quan tâm. Xuống cấp tỉnh, huyện, xã chỉ thị cũng chỉ là luật nhưng không ai thi hành bởi họ cho rằng đã có chỉ thị thì dân cứ thế làm, cấp trên thích thì kiểm tra. Cứ thế, cuối cùng cơ quan cụ thể để thi hành không có.

Nếu đúng như ông nói thì có lẽ bộ máy hành chính của ta đã tê liệt. Ông có ví dụ cụ thể nào không?
Chất hàn the ta đã cấm khá lâu. Nhưng hiện nay trong dân vẫn sử dụng khá phổ biến. Sự kiểm soát gần như không đáng kể. Các đơn vị kiểm tra lúc nào cũng kêu chế tài không đủ mạnh. Vậy mạnh đến đâu thì họ phải đề xuất để cơ quan có thẩm quyền duyệt và ban hành. Thực tế hoàn toàn khác. Quan trọng là sự đồng bộ trong thực thi pháp luật. Phải có sự giám sát, kiểm tra và xử phạt nghiêm chỉnh.

Mua quan, bán chức – đã bỏ vốn phải thu hồi
Như các nước phát triển, người đứng đầu hoặc các cán bộ không làm tròn trách nhiệm sẽ bị kỷ luật, thậm chí cách chức. Trường hợp này có nên áp dụng tương tự?
Việc Nhà nước giao anh công vụ nhưng anh không thực thi có nghĩa anh không hoàn thành nhiệm vụ. Tùy vào trách nhiệm, nặng sẽ cách chức, còn tự cảm thấy không hoàn thành thì nên từ chức. Chuyện này cũng nên làm quen và bắt đầu từ vụ này. Tôi thấy, gần đây, trong các hội nghị trung ương đã bắt đầu nói đến văn hóa từ chức và văn hóa miễn nhiệm.

Nhưng thực tế cho thấy điều đó không dễ gì xảy ra. Bởi cách chức hay từ chức sẽ có những hệ lụy riêng cho cá nhân người đó?
Không có gì gọi là hệ lụy. Từ ngày xưa cha ông ta đã có việc treo ấn từ quan khi thấy không hoàn thành nhiệm vụ để về ở ẩn. Có chăng không dám từ chức được hiểu theo cách nói lâu nay của nhân dân là mua quan bán chức, tức đã bỏ vốn ra thì phải thu hồi vốn.

Vừa rồi, trong Nghị quyết T.Ư 4 nói rất nhiều về đạo đức của những người đảng viên trước vận mệnh đất nước. Điều này càng khiến chúng ta làm quyết liệt những vấn đề này nhằm làm trong sáng hoạt động và uy tín của Đảng. Đó là vấn đề quan trọng.

Như trong trường hợp cụ thể này, để chất tạo nạc bán tràn lan thì trách nhiệm thuộc về ai?
Trong cuộc họp của Chi cục Thú y Đồng Nai, các vị đổ thừa lẫn nhau không ai chịu trách nhiệm. Họ cho rằng, trách nhiệm đó là của cả cộng đồng, tương quan lẫn nhau.

Theo tôi, phải quy trách nhiệm cho một đơn vị chính. Đó phải là Chi cục Thú y Đồng Nai, Cục Quản lý Chất lượng Hàng hóa thuộc Bộ Nông nghiệp hoặc Cục An toàn thực vệ sinh phẩm Bộ Y tế. Phải quy trách nhiệm cụ thể chứ không thể mập mờ như hiện nay.

Người làm ăn chân chính thường bị thua thiệt
Ở khía cạnh khác, tội lỗi lại bị đổ lên đầu người chăn nuôi. Vậy theo ông điều này có hợp lý?
Người chăn nuôi họ biết nguy cơ của chất này rất ít. Cũng đừng vội kết luận họ tham lợi nhuận. Người chăn nuôi chỉ là nông dân, các cơ quan chức năng không hề khuyến cáo hay hướng dẫn họ nuôi thế nào cho tốt. Một ngày đẹp trời, có người đến bảo thuốc này tốt, siêu nạc thì họ làm theo. Họ không phải nhà khoa học để biết nguy cơ của thuốc. Người biết sai vẫn làm là đáng trách, còn không biết mà làm sai là chuyện khác. Có lẽ người nông dân không biết mà làm sai là chính.

Thực tế cho thấy, lỗi do các cơ quan chức năng yếu kém trong quản lý nhưng gánh chịu hậu quả lại là nông dân, người chăn nuôi. Họ không bán được hàng, giá cả hạ xuống... gây nên sự khốn đốn?
Sự đời là thế. Lúc trắng đen lẫn lộn thì người làm ăn chân chính thường bị thua thiệt. Việc thịt độc, mỡ bẩn, thối là có thực. Nhưng con số đó chỉ hiện hữu rất ít trong số lượng chúng ta dùng. Con sâu làm rầu nồi canh. Tôi biết, rất nhiều trại chăn nuôi miền Bắc họ hoàn toàn từ chối thuốc tăng trọng, giả tạo thịt nạc.

Cụ thể, hiện nay người dân phải mua thịt sạch thế nào?
Người dân không nên quá hoang mang. Các bà nội trợ cẩn thận bây giờ vẫn áp dụng cách mua tại các cửa hàng quen. Bán hàng quen không tham tiền từ thịt rẻ, kiểu chụp giật. Khách hàng ổn định giúp thu nhập của họ cũng bền vững.

Nhưng bản thân người bán có khi cũng không thể phát hiện ra đó là thịt bẩn?
Người bán từ xưa đến nay lấy nguồn hàng nơi ổn định. Nếu họ bán chụp giật thì tồn tại không lâu.

Cảm ơn ông vì những chia sẻ thắng thắn trên!
Hiện nay đang có quy trình ngược ở Việt Nam. Đó là phóng viên là những người phát hiện và viết rất nhiều thì cơ quan chức năng mới biết. Đành rằng phóng viên là tai mắt của dân, của Đảng, Nhà nước. Nhưng chức năng của họ không phải là phát hiện mà chỉ đưa thông tin lên báo để phản ánh. Thế nhưng, họ nhìn tường tận được vấn đề như thế tại sao các cơ quan từ cấp xã đến T.Ư lại không rõ. Đó là điều vô lý. Nhưng nói họ biết mà không xử lý lại càng vô lý hơn. Cần loại bỏ những người ì ạch, vô trách nhiệm trước vấn đề ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân và uy tín của Đảng, Nhà nước.


Nguồn đọc thêm: http://www.xaluan.com/

0 Lời Bình:

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Stumbleupon More