15/3/12

Chiến thắng của Dư Luận: Bộ Giáo dục phải bẻ lái

Thứ ba ngày 13 tháng 3, một ngày trước kỷ niệm 24 năm Hải chiến Trường Sa - Gạc Ma, báo lề đảng đưa tin "Sẽ đưa tiếng Hoa vào dạy tiểu học, THCS". Ngay lập tức một làn sóng dư luận phẫn nộ đã trỗi lên khắp nơi. Trước tình hình đó, chỉ chưa đầy một ngày sau Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã ra thông báo "đính chính": (1). Chương trình tiếng Hoa cấp tiểu học và trung học cơ sở được sử dụng để biên soạn tài liệu dạy và học cho học sinh dân tộc Hoa ở Việt Nam. (2) Môn tiếng Hoa là môn học tự chọn dành cho học sinh dân tộc Hoa.  


Chúng ta có thể hài lòng với thông báo của Bộ GDĐT, hài lòng với suy nghĩ vậy thì học tiếng Hoa chỉ áp dụng cho học sinh dân tộc Hoa ở Việt Nam, hoặc "cố tình ngây thơ" tin rằng khả năng soạn văn bản của Bộ GDĐT quá kém gây hiểu lầm và sau đó phải đính chính. Tuy nhiên, nhìn xuyên suốt toàn cảnh đất nước với những sự cố nổi cộm và đau lòng như những tuyên bố với nội dung thần phục Trung Quốc của lãnh đạo đảng CSVN; ngăn chặn, đàn áp, bắt giam, cải tạo người biểu tình yêu nước phản đối TQ xâm lược; ngày khai mạc Đại lễ 1000 năm Thăng Long; đèn lồng và ngày Tái lập tỉnh Lào Cai; cờ 6 sao TQ... cho thấy nhân dân Việt Nam phải luôn luôn cảnh giác với những âm mưu "hán hoá" đã và đang diễn ra trên đất nước Việt Nam.  

Trước hết Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể nào là một bộ phận không có khả năng, trí tuệ, viết một công bố không rõ ràng, để các nhà báo Việt Nam - cũng không phải là những người không biết đọc và hiểu - và từ đó thông tin "Sẽ đưa tiếng Hoa vào dạy tiểu học, THCS" mà toàn bộ nội dung bất kỳ ai đọc cũng hiểu rằng chương trình này được áp dụng cho tất cả học sinh tiểu học và THCS.  

Trong thông báo "đính chính" của Bộ GDĐT phần kết viết rằng:  

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Quyết định 

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Chương trình tiếng Hoa cấp tiểu học và trung học cơ sở, sử dụng để biên soạn tài liệu dạy và học môn học tự chọn cho học sinh dân tộc Hoa ở Việt Nam.  

Điều 2. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày tháng năm 2012.  

Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Giám đốc các sở giáo dục và đào tạo, Thủ trưởng các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.  

Cho thấy bản chất của sự việc rất đơn giản để mà nội dung thông báo (ban đầu) viết không rõ và làm phóng viên hiểu lầm khi đăng tin. Chỉ có thể hiểu được là thông báo mới này (ngày tháng còn để trống) đã được viết sau khi dư luận phản ứng như Tsunami.  

Trở lại thông tin trên báo chí thì những thông tin như "Bộ GD&ĐT vừa công bố xin ý kiến rộng rãi dự thảo chương trình tiếng Hoa cấp tiểu học và cấp THCS. Theo đó, tiếng Hoa sẽ được đưa vào giảng dạy ở hai cấp học này với số lượng 4 tiết/tuần" có thể nói là một lối thăm dò phản ứng dư luận, không khác gì cái trò hình ảnh lá cờ 6 sao được phát trên VTN để chuẩn bị dư luận cho rừng cờ 6 sao tiếp đón Tập Cận Bình.  

Nó cũng mâu thuẫn với thông cáo (mới viết) trong đó "Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Quyết định:". Đã quyết định rồi thì tại sao trên báo chí là có màn "xin ý kiến rộng rãi dự thảo chương trình tiếng Hoa cấp tiểu học và cấp THCS".? 

Nhất là QUYẾT ĐỊNH này dựa vào "Căn cứ Luật Giáo dục..., Nghị định số 178/2007/NĐ-CP, Nghị định số 32/2008/NĐ-CP, Nghị định số 75/2006/NĐ-CP, Nghị định số 82/2010/NĐ-CP, Biên bản họp thẩm định ngày 12 tháng 11 năm 2011 của Hội đồng thẩm định Chương trình tiếng Hoa cấp tiểu học và trung học cơ sở" thì tại sao Bộ GDĐT phải còn ra sức "xin ý kiến rộng rãi"? (và từ lúc nào các quan chức ta có văn hoá xin ý kiến rộng rãi này!?) 

Cho nên đây chỉ là trò "thử xem dư luận phản ứng ra sao nếu đem tiếng Hoa vào cho mọi học sinh" và khi thấy không ổn thì trở lại QUYẾT ĐỊNH dạy tiếng Hoa cho học sinh thiểu số gốc Hoa mà thôi. Sự khác biệt giữa xin ý kiến rộng rãi và quyết định nằm ở chỗ đó.  

Cuối cùng Dân Làm Báo xin gửi đến các bạn đọc 2 Thông Báo của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo - một thông báo (mới viết) cho việc dạy tiếng Hoa và một thông báo dạy tiếng Êđê vào năm 2007. Nội dung gần như nhau để thấy nếu muốn không rõ ràng để phải đính chính cũng không dễ, TRỪ KHI CÓ NHỮNG NGƯỜI NGAY TỪ BAN ĐẦU MUỐN NÓ KHÔNG RÕ để lập lờ và thăm dò dư luận.  

Dư luận đã lên tiếng. Và họ phải tạm thời bẻ lái. 



0 Lời Bình:

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Stumbleupon More