Để kích hoạt cho “bàn tròn bạn đọc” kỳ này, xin giới thiệu lại ý kiến của PGS.TS Nguyễn Văn Thụ, cựu viện trưởng viện quy hoạch-quản lý GTVT và nhà báo Hồ Trung Tú.
Còn với tôi: đã đến lúc quốc hội phải có tiếng nói và biện pháp chặn ngăn ngay các chủ trương phí- thuế điên rồ và siết cổ dân của Bộ trưởng Đinh La Thăng. Thậm chí có thể yêu cầu khởi tố ông Thăng vì những chủ trương chính sách đối chọi, chèn ép và xâm hại nghiêm trọng quyền lợi dân chúng, gây bất ổn, hoang mang, xáo trộn xã hội.
– PGS.TS Nguyễn Văn Thụ: Thu phí mà giảm được kẹt xe tôi sẽ đi tù!
“Tôi lấy danh dự là người có mấy chục năm giảng dạy, nghiên cứu về giao thông, tham gia lập nhiều dự án giao thông cho các đô thị ở Việt Nam để khẳng định điều đó. Các ông đưa ra đề xuất đó có dám cược không? Tôi sẵn sàng cược: Nếu việc thu phí lưu hành này hạn chế phương tiện cá nhân và chống được ùn tắc, tôi sẽ chịu mọi sự trừng phạt của pháp luật, kể cả đi tù”.
– Nhà báo Hồ Trung Tú: Ngụy biện trong thu phí đường bộ
“Các phát biểu của các cán bộ ngành giao thông gần đây như: “Không sớm thu phí, Hà Nội sẽ không còn chỗ để xe”, “Phí hạn chế phương tiện cá nhân đáng ra phải thu từ 10 năm trước”… cho thấy ngành giao thông đã có định hướng và quyết tâm hạn chế phương tiện giao thông cá nhân bằng cách tăng phí sử dụng phương tiện cá nhân khá lâu rồi.
Và Bộ giao thông – Vận tải cũng đã nêu rõ ý nghĩa mục đích của việc thu phí bảo trì đường bộ và phí lưu hành là “từng bước giảm dần số lượng phương tiện giao thông cá nhân và thay bằng phương tiện vận tải hành khách công cộng để góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông…”.
Thật ra lý do này đã được đề cập đến trong mục đích thu thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô. Nay một lần nữa Bộ GT-VT quyết tâm giải quyết dứt điểm vấn nạn quá tải của đường bộ bằng thêm một loại phí nữa. Liệu đó có phải là mục đích thật của Bộ giao thông vận tải ? Chúng tôi nghĩ là không. Đơn giản là vì nếu đường xá quá tải thì ngành giao thông chỉ việc cắm cái bảng cấm ô tô, như Hà Nội đang làm cấm dừng cấm đỗ, là xong. Thử hỏi trên cả nước này có tài xế nào thấy biển cấm ô tô mà dám đi vào hay không ?
Thật vậy, đừng thu phí mà mất lòng dân, Bộ GT-VT hãy đặt biển cấm bất cứ chỗ nào thấy cần. Cấm ô tô vào một vài phố, thậm chí cấm vào hẳn các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa ở Hà Nội và Quận 1, Quận 3 , quận 5 ở thành phố HCM. Người người sẽ chấp hành nghiêm các biển cấm, và một sớm một chiều đường sẽ quang, sẽ thoáng, không còn cảnh tắc đường kẹt xe nữa mà không ai cảm thấy phiền cả, mọi người hiểu là đường đã thực sự quá tải nên ngành giao thông mới cấm và ai đã có xe thì nên cất đó, để dành lúc về quê, cuối tuần ra xa lộ phóng chơi hoặc đi nghỉ mát với vợ con hẳn dùng đến; còn như đi làm hằng ngày vào nội thành thì thôi, nên đi xe buýt.
Thế nhưng tại sao chuyện dễ, chuyện trong tầm tay và đúng chức năng của mình lãnh đạo bộ giao thông vẫn cứ không làm lại chọn con đường khó, đường mất lòng dân là thu phí bảo trì đường bộ mức cao, trong khi nhiều phân tích cho thấy cách làm này chỉ được cái là tăng thu cho ngân sách đường bộ chứ chắc chắn sẽ không giải quyết được vấn đề kẹt xe ? Xem ra lý do giảm tải chỉ là một ngụy biện của Bộ GT-VT để nhằm mục địch tận thu nguồn tiền từ dân. Bộ GT-VT đã bao giờ nghĩ rằng một chiếc ô tô cũ, đời trước năm 2.000, tầm giá trên dưới 100 triệu đồng, vẫn còn sử dụng tốt nhưng giờ bán không ai mua vì ai cũng sợ đóng phí, để đi thì không được vì không đủ tiền đóng phí, nhỡ như có người nóng tính mang tới đăng kiểm đốt thì Bộ GT-VT sẽ tính sao ?
Và xem ra Bộ GT-VT đã nhìn mọi điều xuất phát từ hệ quy chiếu đô thị của Hà Nội. Ở đó thực sự là quá tải, cần hạn chế số lượng ô tô nhưng ở các tỉnh thành khác như Đà Nẵng, Hà Giang thì hà cớ gì lại phải hạn chế ?
Mọi lập luận đều cho thấy thực sự Bộ GT-VT đang hướng đến mục đích là có nguồn thu để làm đường, vậy thôi, mọi lý do đưa ra thực sự đều không chính đáng, nếu không nói là ngụy biện.
Có dạo trên các báo viết nhiều bài đề nghị bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô, đókhông chỉ đó là nhu cầu thiết yếu với người dân mà còn là sự phát triển của một nền công nghiệp then chốt, nay thì không những thuế tiêu thụ đặc không bãi bỏ mà con thêm các loại phí nữa.
Thủ tướng, Chính phủ và cả Quốc hội nữa, xin đừng nhìn thấy cái lợi trước mắt là tăng thu được vài ngàn tỉ vào ngân sách mà đi đến quyết định cấm, giới hạn các phương tiện giao thông cá nhân trên cả nước. Có ô tô giá rẻ, xã hội sẽ làm ra nhiều của cải hơn, tạo nên nhiều nguồn thu hơn cho ngân sách. Nếu cấm cản và cấm cản toàn xã hội sẽ lùi về chỗ ngưng trệ, mất động lực tăng trưởng. Còn chuyện giao thông quá tải thì như đã nói , chỉ việc cắm bảng cấm, là xong”
Bàn tròn đã mở, mời bạn đọc!
0 Lời Bình:
Đăng nhận xét