Giới Thiệu

Blog Luật của Sự Thật là một trang blog đăng tải các tin tức bài vỡ liên quan đến những sự kiện bất công, lạm dụng luật pháp hiện đang xảy ra tại Việt Nam.

Cẩm nang Luật cho bạn và tôi: Tập 1

Xin nhấn vào đây để đọc tập 1 về quyền biểu tình.

Chân dung ông Nguyễn Đức Kiên

Chỉ trong một thời gian ngắn chưa đầy nửa năm, Sacombank đã nằm gọn trong tay của nhóm “bố già” Nguyễn Đức Kiên.

Cẩm nang Luật cho bạn và tôi: Tập 2

Xin nhấn vào đây để đọc tập 2 về quyền hội họp, lập hội, lập đảng.

Cẩm nang Luật cho bạn và tôi: Tập 3

Xin nhấn vào đây để đọc tập 3 về quyền tự do ngôn luận, quyền được thông tin.

31/8/12

Thể lệ cuộc thi viết với chủ đề "Quyền Con Người và Tôi"

a4sizeposter_screen.png













































Con đường Việt Nam (30/08/2012)

Bạn hiểu thế nào về Quyền Con Người? Bạn thấy các quyền này được thực hiện ra sao tại Việt Nam? Bạn hay người thân của mình đã có những trải nghiệm như thế nào khi thực hành các quyền này ở Việt Nam? Bạn có sáng kiến nào để đảm bảo thực hiện tốt hơn các quyền này, để mình và những người xung quanh có thể tự tin sử dụng Quyền Con Người giúp nâng cao cuộc sống của mình, từ đó góp phần chấn hưng và bảo vệ đất nước?

Mời bạn chia sẻ với Phong trào Con Đường Việt Nam những suy nghĩ của mình về đề tài Quyền Con Người thông qua các bài viết tham gia vào cuộc thi với chủ đề “Quyền con người và tôi” và có cơ hội trúng nhiều giải thưởng hấp dẫn!

Thể lệ cuộc thi

  • Tất cả những ai trên 16 tuổi đều có thể tham gia, không giới hạn quốc tịch, tôn giáo, giới tính hay quan điểm chính trị.
  • Bài viết dự thi phải có tiêu đề và phần nội dung bằng tiếng Việt có dấu, độ dài của phần nội dung giới hạn trong 500 tới 2000 chữ.
  • Mỗi thí sinh có thể gửi nhiều hơn một bài viết dự thi, miễn đây là tác phẩm của bạn và chưa từng được đăng ở nơi khác trước cuộc thi.
  • Ban Tổ Chức cuộc thi giữ quyền đăng tải các bài viết dự thi trên trang web của phong trào Con Đường Việt Nam.
  • Các bài viết hay có thể được tập hợp và đưa vào một cuốn sách về chủ đề nhân quyền.
  • Nếu có các vấn đề phát sinh trong khi tiến hành cuộc thi, quyết định của Ban Tổ Chức là quyết định cuối cùng.

Thời hạn và cách thức gửi bài

Thời hạn gửi bài từ 09/09/2012 tới 12/12/2012. Mời thí sinh gửi bài dự thi của mình tới cả hai địa chỉ email lienhe@conduongvietnam.org và lienhe.cdvn@gmail.com để tránh bị thất lạc. Ghi rõ bút danh, tên thật, tuổi, địa chỉ thường trú, email và số điện thoại để Ban Tổ Chức liên lạc khi trao giải. Ngoại trừ bút danh, Ban Tổ Chức sẽ không công khai các thông tin cá nhân của tác giả các bài viết dự thi.

Giải thưởng

  • 01 giải nhất: Một máy tính xách tay Macbook Air 13.3” [*]
  • 01 giải nhì: Một máy tính bảng iPad III [*]
  • 01 giải ba: Một điện thoại iPhone 4S [*]
  • 01 giải do độc giả bầu chọn: Một điện thoại iPhone 4S [*]
  • 10 giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 500,000 VND.
Kết quả sẽ được công bố công khai trên trang web của Phong trào Con Đường Việt Nam trong vòng 02 tuần sau khi thời hạn nộp bài kết thúc (26/12/2012).

Ban Tổ Chức và Ban Giám Khảo

Ban Tổ Chức cuộc thi là các thành viên tình nguyện của phong trào Con Đường Việt Nam, đứng đầu là ông Nguyễn Công Huân, Trưởng Ban Điều Hành của Phong trào.
Để đảm bảo tính khách quan của cuộc thi, Ban Tổ Chức đã mời một Ban Giám Khảo độc lập, đa số không phải là thành viên của phong trào Con Đường Việt Nam, gồm 07 người có tên sau đây:
  • Luật sư Lê Quốc Quân
  • Nhà văn Phạm Đình Trọng
  • Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang
  • Luật sư Trịnh Hội
  • Luật sư Nguyễn Văn Đài
  • Luật sư Lê Thị Công Nhân
  • Blogger Nguyễn Chí Đức (Đông Hải Long Vương)

Thông tin thêm về cuộc thi

Các thông tin thêm về cuộc thi và thông báo sau này của Ban Tổ Chức sẽ được đăng tải tại trang web conduongvietnam.org và facebook.com/quyenconnguoi. Các tài liệu tham khảo về Quyền Con Người cũng được cung cấp tại các địa chỉ này.
______________________________
[*] Giải thưởng có các cấu hình tương ứng như sau: MacBook Air MD231 Dual-Core i5 1.8GHz, 13,3", 4GB/128GB flash/ INTEL HD Graphics 4000 / iPad III, với WIFI và 32GB RAM / iPhone 4S 16GB RAM
Ban Tổ Chức sẽ liên lạc trực tiếp với người trúng giải để thương lượng hình thức chuyển giải thưởng tới người trúng giải. Người trúng giải có thể quy đổi giải thưởng sang tiền mặt.

25/8/12

Phạm Đình Trọng - Thâu tóm Ngân hàng, thâu tóm Đất đai

 

Written By Hai Hoang Van on Thứ bảy, ngày 25 tháng tám năm 2012
1.  Hơn bốn mươi giờ sau khi ông Nguyễn Đức Kiên, người kinh doanh ngân hàng bị bắt, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng liền lên tiếng trong phiên họp của Ban Chỉ đạo trung ương phòng chống tham nhũng, đòi hỏi cơ quan công an nhanh chóng điều tra làm rõ và xử lý nghiêm minh theo pháp luật bất cứ ai có hành vi vi phạm pháp luật nhằm thâu tóm ngân hàng gây mất ổn định hoạt động ngân hàng.

Một đòi hỏi, một chỉ đạo đúng đắn và đúng lúc. Nhưng thâu tóm ngân hàng gây rối loạn cả hệ thống ngân hàng chỉ vừa xảy ra gần đây và tội phạm này có tính cá biệt cao, rất ít người có thể phạm tội nên dễ bị phát hiện sớm và đấu tranh loại bỏ không phức tạp, không khó, không dây dưa kéo dài.

Những dự án hoành tráng được những nhóm lợi ích vẽ ra để thu hồi đất sống ổn định của người dân, thực chất những dự án đó chỉ nhằm thâu tóm đất đai để kinh doanh kiếm lời còn tệ hại gấp nhiều lần thâu tóm ngân hàng.

2. Thâu tóm đất đai đã tạo ra dòng người dân oan khiếu kiện đất đai kéo dài vô tận trên cả nước và kéo dài vô tận trong thời gian, đã làm hư hỏng nhiều quan chức trong bộ máy nhà nước. Thâu tóm đất đai, một người đơn độc không thể làm được mà phải là cả một hê thống quyền lực nhà nước. Thâu tóm đất đai đã làm cho cả một hệ thống quyền lực nhà nước đối lập với dân, làm tha hóa bộ máy nhà nước, gây mất ổn định xã hội, thủ tiêu thế mạnh của những vùng đất đặc thù, làm mất mát, hao hụt, hoang phí rất lớn đất vàng, đất bạc của nông nghiệp, đẩy nhiều gia đình nông dân vào cảnh khốn cùng, không còn đường sống.

Thâu tóm đất đai đã tàn phá cả cơ cấu, nền tảng xã hội, phá nát cả qui hoạch tổng thể, hợp lí của đất nước, gây nguy hại lớn lao và lâu dài gấp nhiều lần thâu tóm ngân hàng lại chưa được coi là tội phạm nên thâu tóm đất đai đã ngang nhiên diễn ra từ hàng chục năm nay và đang diễn ra quyết liệt, rộng khắp trên cả nước.

Thu hồi đất nông trường Sông Hậu, chiếm đoạt đất sống ấm no, ổn định của hàng nghìn nông dân nông trường viên, tội phạm hóa người có công biến mảnh đất phèn hoang hóa nghèo đói thành đất sống tươi tốt, ấm no, xanh cây, ngọt trái. Việc thu hồi đất ngang trái ở  nông trường Sông Hậu đã đẩy người Anh hùng mở đất trở thành tội phạm, thành dân oan. Việc thu hồi đất bất chấp kỉ cương và đạo lí đó thực chất cũng chỉ là thâu tóm đất đai, kinh doanh kiếm lời từ đất của một nhóm lợi ích.

Thâu tóm đất đai làm cho sân bay Tân Sơn Nhất không thể mở rộng để đón những chuyến bay quốc tế có nhu cầu quá cảnh đang ngày càng nhiều. Mất đi một nguồn thu lớn ngoại tệ. Sân bay Tân Sơn Nhất còn hàng trăm hecta đất trống nhưng không thể mở rộng đường băng, bãi đỗ máy bay vì đất trống sát sân bay đã bị nhóm lợi ích đầy quyền lực chiếm giữ để họ kinh doanh sân golf và biệt thự.

Việc cưỡng chế đất đai phi pháp ở Tiên Lãng, Hải Phòng, cưỡng chế bằng máu, đưa công an, quân đội, đưa súng lớn, súng nhỏ ra đối đầu với một gia đình nông dân hiền lành chỉ chí thú lấn biển mở đất nuôi chí làm ăn vì dân giầu, nước mạnh. Thu hồi phi pháp mảnh đất lấn biển bằng mồ hôi và máu của gia đình người nông dân lam lũ Đoàn Văn Vươn thực chất cũng chỉ là thâu tóm đất đai của một nhóm lợi ích của chính quyền địa phương Hải Phòng.

Để có đất xây cất khu đô thị Ecopark ở Văn Giang, Hưng Yên, kinh doanh căn hộ cao cấp kiếm lời lớn, để thâu tóm được 500 ha đất phù sa màu mỡ bậc nhất của đồng bằng Bắc Bộ do con sông Hồng bồi lắng từ hàng triệu triệu năm mới tạo nên, để chiếm được mảnh đất sống từ ngàn đời nay của những gia đình nông dân ở Văn Giang, Hưng Yên, nhà đầu tư đã liên kết với cả một hệ thống quyền lực mạnh từ trung ương tới địa phương và cả hệ thống quyền lực mạnh đó đã ngang nhiên vi phạm hàng loạt điều luật của luật pháp hiện hành để thâu tóm đất đai cho những nhà đầu tư nhiều tiền, nhiều tham vọng làm giầu bằng chiếm đoạt cơ nghiệp, chiếm đoạt nguồn sống của người nông dân, làm giầu trên sự khốn cùng của người nông dân.

Nghe ông Thứ trưởng của bộ quản lý đất đai đối thoại với những người nông dân Văn Giang mất đất càng thấy rõ cơ quan quản lí đất đai đã đứng hẳn về phía nhà đầu tư khát đất, dùng quyền lực nhà nước thâu tóm đất sống của người nông dân cho nhà đầu tư kinh doanh nhà, đất. Quyền lực đó đã biến mối quan hệ mua bán bình đẳng giữa nhà đầu tư cần mua đất và người nông dân có đất thành mối quan hệ mệnh lệnh hành chính bất bình đẳng giữa cơ quan quản lí nhà nước và người dân chịu sự quản lí. Quyền lực đó đã ngụy trang cho việc kinh doanh bất động sản đơn thuần được mang một danh nghĩa mĩ miều: Dự án này là dự án đổi đất lấy hạ tầng, là lợi ích công cộng, ở góc độ nào đó cũng là lợi ích quốc gia!

3.  Luật đất đai đã tước đoạt quyền làm chủ của người nông dân trên mảnh đất hương hỏa cha ông để lại, đã biến “tấc đất tấc vàng” của đau con xót của người nông dân thành đất chùa, thành “sở hữu toàn dân”! Luật đất đai lại giao đất chùa đó cho “nhà nước thống nhất quản lí”! Và quan chức nhà nước được quyền quản lí đất đai đã hối hả và quyết liệt thâu tóm đất sống của người nông dân cho những dự án kinh doanh thu lãi khẳm của nhà đầu tư, lạnh lùng bỏ mặc sự khốn cùng của người nông dân.

Thâu tóm đất đai cho những dự án của những ông chủ, bà chủ kinh doanh nhà đất là cách làm giầu nhanh nhất, dễ nhất, là sự tham nhũng nhanh nhất, dễ nhất, và cũng là sự tha hóa nhanh nhất, dễ nhất của quyền lực.

Khi luật đất đai vẫn còn có điều luật “Đất đai là sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lí” thì tội phạm thâu tóm đất đai vẫn chưa bị vạch mặt chỉ tên, thì sự tham nhũng dễ nhất, nhanh nhất bằng đất đai còn diễn ra rộng khắp, thì quyền lực còn bị tha hóa dễ nhất, nhanh nhất bởi đất đai. Và quyền lực đó sẽ ngày càng đối lập với dân tất yếu dẫn đến bùng nổ, dân phải nổi can qua!

Đất ở Tiên Lãng, Hải Phòng, ở Vụ Bản, Nam Định, ở Văn Giang, Hưng Yên, ở Sông Hậu, Cần Thơ đang nóng bỏng dưới chân. Với hiện thực đang diễn ra, quyền lực đang ráo riết thâu tóm đất ở khắp nơi, cả dải đất Việt Nam yêu thương, nơi nào đất cũng đang nóng bỏng dưới chân.

Phạm Đình Trọng

Các đại gia nếm mùi "sờ gáy" giữa nền kinh tế thụt lùi

oneTV.net photo
Bầu Kiên giữa các cầu thủ- oneTV.net photo

Vụ bắt giữ “ông Trùm” ngân hàng và bóng đá Nguyễn Đức Kiên nổ ra trong một đợt “sờ gáy” các nhà tỉ phú của Việt Nam, giữa lúc xứ sở này đang vất vả với một nền kinh tế tiến từ chỗ xấu sang chỗ tệ hại hơn.

Chính trị đấu đá, công chúng bất mãn

Nhiều nhà lãnh đạo trong đảng Cộng sản Việt Nam chưa bao giờ cảm thấy thoải mái với công cuộc đổi mới theo kinh tế thị trường. Những đợt sóng “giải phóng” thường có những thời kỳ trì trệ theo sau.

Giới phân tích nay quan ngại rằng những cuộc đấu đá trong giới chính trị và khối công chúng bất mãn có thể phá ngang những cải tổ cần thiết nhằm phục hồi đà tăng trưởng ngoạn mục từng giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia được ưa chuộng và săn đón nhất trên thế giới (về mặt kinh tế).

Những kế hoạch tư hữu hoá bị đình đốn trong khi nợ xấu tăng vọt gấp ba trong khắp hệ thống ngân hàng. Giữa lúc đó những quan chức cao cấp nhất của nhiều xí nghiệp quốc doanh bị bắt giữ và truy tố về tội quản lý sai lầm nguồn tài nguyên quốc gia sau khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào cơn lốc tài chính.

Tình trạng này phơi bày sự yếu kém của Việt Nam trong cuộc đua phát triển để bắt kịp các láng giềng, sau nhiều thập niên chinh chiến song song với chính sách kinh tế Mác Xít.

Sự lung lay đổ nhào xuống khu vực tư doanh. Những tỉ phú có mối quan hệ chính trị như ông Kiên, người bị bắt giữ hôm thứ hai và bị truy tố tội điều hành những công ty đầu tư không có giấy phép, đang phải đương đầu với những nghi ngờ theo dõi ngày càng tăng đối với sự cáo buộc luồn lách để làm sai quy định của ngành ngân hàng. Báo chí quốc tế không tiếp cận được ông Kiên hay đại diện pháp lý của ông để hỏi thăm.

Từ bừng nở đến nổ tung.

Tiền ngân hàng cho vay suy giảm trong khi nợ xấu lan tràn, nền kinh tế vật vã để chiếm lại những đỉnh cao mới đạt được chí mấy năm trước (trong giai đoạn bừng nở kinh tế).

Biểu đồ dữ kiện thực tê cho thấy sự tuột dốc không phanh.

Standard Chartered chiếm 15% cổ phần của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB). Cổ phiếu của ACB hôm thứ năm lại giảm 6,7%, kéo theo một loạt thua lỗ chóng mặt trên thị trường chứng khoán, khiến VNIndex bị lỗ lã tới 10,5% trong tuần nảy.

Truyền thông Nhà nước hôm thứ năm loan tin ACB được sử dụng 46 ngàn tỷ đồng, tương đương 2 tỉ 200 triệu đô la, trong quỹ khẩn cấp của ngân hàng Trung ương, để xoá tan cơn hoảng loạn ngắn ngủi của các trương chủ ký thác (khi quả bong bóng nổ tung).

Một thông cáo trên website chính phủ cho biết Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội họp với nhiều cơ quan Nhà nước và cấp chỉ huy các cơ quan công lực hôm thứ tư. Ông Dũng đã thúc giục các giới chức này nhanh chóng hành động để ổn định hệ thống ngân hàng nội địa sau khi nợ xấu tăng gấp đôi lên đến 10% tổng nợ trong mấy tháng nay.

Đấu đá nội bộ

Cuộc chiến chính trị nội bộ ở Hà Nội có thể ngăn trở công cuộc cải tổ cần thiết để thanh toán hết nợ xấu trong lĩnh vực ngân hàng, vực dậy và thúc đầy nền kinh tế tiếp tục tiến triển.  Kinh tế Việt Nam đã bị trì trệ ở đà phát triển 4,7% trong quý 2, so với cùng kỳ năm ngoái, quá thấp so với chỉ tiêu 6% được đặt ra cho cả năm.

Nhiều tên tuổi lớn và nổi tiếng đã ngã đổ trong mấy tháng nay. Doanh gia Đặng Thị Hoàng Yến từng là một trong những tỉ phú đầu tiên của Việt Nam, được bầu vào Quốc hội hồi năm ngoái, nhưng đã bị cơ quan lập pháp này, do đảng Cộng sản điều khiển, trục xuất hồi tháng năm năm nay. Bà Yến đã dấu diếm, không tiết lộ bà không còn là đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong khu vực kinh tế Nhà nước, 8 nhân viên điều hành của VINASHIN hồi tháng tư đã phải chịu án tù, bản án cao nhất là 20 năm, sau khi công ty đóng tàu này gần như hoàn toàn sụp đổ hồi năm 2010, với gánh nợ chồng chất 4 tỉ 400 triệu đô la.

Giới phân tích cho rằng đợt thanh lý này đè nặng thêm áp lực trên vai Thủ tướng Dũng, người kiến trúc sư trưởng của chính sách phát triển nhanh chóng cho Việt Nam.

Ông Dũng “thoát hiểm” qua cuộc đấu đá trong hậu trường chính trị để giành quyền lực hồi năm ngoái, nhưng quyền hành của ông bị sứt mẻ thêm do đà tiến tới của các đối thủ như nhân vật Cộng Sản Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, được coi là một lãnh tụ bảo thủ. Thêm vào đó còn một cơ quan lập pháp quốc gia có vẻ như muốn quy trách cho các nhân vật lãnh đạo hàng đầu của chế độ.

Giữa lúc vụ VINASHIN bùng nổ đến cao điểm, ông Dũng đã phải xin lỗi trước Quốc hội về việc đã không giám sát chặt chẽ các công ty quốc doanh. Và giới quản trị, giám đốc của nhiều công ty quốc doanh khác cũng bị bắt giữ kể từ khi đó.

Giáo sư Carl Thayer, nhà quan sát kỳ cựu nền chính trị Việt Nam của học viện quốc phòng Australia ở Canberra, nhận xét:

“Việt Nam với ông Dũng theo đuổi một chính sách tăng trưởng cao và nhanh chóng về kinh tế bằng mọi giá. Họ sẵn lòng bỏ qua nhiều việc chỉ để đạt mục tiêu đó”

Những chuyện hãi hùng

Cơn lũ ngược giòng táp vào những năm tiến vùn vụt của Việt Nam, khi tỉ lệ tăng trưởng thường niên là trên 7% liên tục trong gần một thập niên. Cơn lũ không chỉ tác động vào khu vực chính trị nội bộ bất khả xâm phạm.  Sự phẫn nộ vì tiền mất giá và tỉ lệ lạm phát cao còn làm đạo đức suy đồi nơi những người dân thường trong những năm gần đây.

acb-exec
Nguyên Tổng giám đốc ACB Lý Xuân Hải- AFP photo

Những tờ báo hàng đầu của Việt Nam đăng những câu chuyện hãi hùng về những người Việt giàu có sạt cả mảng đầu những con khỉ sống để múc óc não của chúng, ăn nhậu trong những tiệc tùng, giống như các hoàng đế của xứ này đã làm xưa kia.

(Ghi chú của người dịch: tác giả lầm các hoàng đế Việt Nam với Từ Hy Thái hậu của Trung hoa, người đã làm như vậy trong tiệc đãi các sứ thần châu Âu. Tương truyền bữa tiệc này có hằng trăm món, trong đó bảy món đặc biệt của Từ Hy Thái hậu là: cỏ phương chi, chuột bao tử, tinh tượng, trứng công, óc khỉ, heo sữa Phúc Châu, và sơn dương trùng)

Tuần này, báo chí Việt Nam đi một loạt hình ảnh những chiếc xe sang trọng xa hoa của ông Kiên, nhấn mạnh vực sâu ngăn cách giữa những kẻ được hưởng đặc quyền đặc lợi, làm giàu trong thời gian kinh tế bừng nở của Việt Nam, với hằng triệu người vẫn đang vật lộn với lãi suất cao ngất trời và mối đe doạ đồng bạc mất giá và lạm phát.

Ông Kiên, đang đối diện với bản án mà mức cao nhất là 2 năm tù vì những cáo buộc vi phạm pháp luật, là một khuôn mặt đặc biệt nổi bật.  Người đàn ông 48 tuổi này được nhận ra ngay với mái tóc trằng rối bù, dày cộm, nổi tiếng về tài khai thác ngành bóng đá cũng như vai trò thiết lập Ngân hàng Thương mại Á Châu ACB.

Năm ngoái ông chiếm quyền kiểm soát và điều hành một hội bóng chuyên nghiệp mới với mục đích gia tăng khán giả, và mua luôn đội bóng chuyên nghiệp hàng đầu “Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội”, sau khi phía bên kia bỏ cuộc.

“Ông ta là một người rất nổi tiếng ở nơi này” Giáo sư Jonathan Pincus của Chương trình Fulbright thuộc đai học Harvard nói.

“Vụ bắt giữ ông sẽ khiến người ta phải lưu ý và theo dõi.”

Việt-Long, RFA- theo Wall Street Journal

Nhớ anh Trần Độ


Tran_Do2001

Tô Nhuận Vĩ
Hồi đó (khoảng 1983-1984) khu sáng tác Đại lãi vừa hoàn thành và bắt đầu nhận một số văn nghệ sĩ tới ngồi sáng tác.Đó là một vùng cảnh quan trung du tuyệt đẹp với những biệt thự xây trên các triền đồi cạnh bên hồ nước xanh ngắt bao la,chỉ cách Hà nội chừng một giờ xe chạy. Các biệt thự cách nhau vừa đủ để người ở biệt thự này không làm gì ảnh hưởng tới người ở biệt thự kia,nhất là khi họ đang “nhập thần” sáng tác. Ngay tại mỗi biệt thự có hai căn cùng vách nhưng riêng bịêt. Mỗi văn nghệ sĩ,nếu được mời, sẽ sử dụng một căn gồm phòng ngủ, phòng làm việc, phòng ăn cùng khu tắm giặt vệ sinh khép kín. Đến giờ ăn, theo yêu cầu cụ thể của người sáng tác, nhà bếp sẽ phục vụ tận phòng riêng, vì người thì thức cả đêm để viết nên ngủ muộn ăn muộn, người thì như nhân viên hành chánh viết ngày ngủ đêm…(Chứ không như bây giờ, văn nghệ sĩ cả đoàn văn thơ họa nhạc nhiếp ảnh…đi chung ở chung trong một căn trong một nhà, giờ giấc như trại lính, ăn cùng giờ ngủ cùng giờ. Mà cũng gọi là đi sáng tác. Không biết sáng tác kiểu gì mà kỳ cục) . Tiêu chuẩn ăn ở đây được nhà nước đài thọ hoàn toàn, ăn bữa nào cũng như đại tiệc, anh em bên quân đội cho biết còn hơn tiểu táo cấp tướng. Mà người được mời đến đây được cung phụng tối thiểu một tháng,có khi hơn, vì thường là người có công trình “nặng ký”(chứ không như bây giờ chỉ mười lăm ngày cùng với cả một đoàn ầm ào ).
Lúc đó, đời sống văn nghệ sĩ cực ghê gớm, độc lập tự do ăn bo bo thế gạo,nên được mời đến đây, từ ăn tới ở “oách” chưa từng hưởng, giữa khung cảnh trời mây sông nước hữu tình, được thoải mái một mình sống với nhân vật không có ai quấy rầy,những gì ấp ủ lâu nay chưa “đẻ” được vì chuyện cơm gạo áo tiền khắc khoải, thì đó là khỏang thời gian thần tiên.
Chúng tôi chỉ biết tri ân vô cùng người đã có sáng kiến học cách “đầu tư chiều sâu” của Hội nhà văn Liên xô, và đốc thúc quýết liệt thực hiện sáng kiến này. Người có sáng kiến và quyết liệt thực hiện sáng kiến đó là anh Trần Độ, khi còn là Thứ trưởng kiêm Bí thư Đảng đoàn Bộ Văn hóa. Lúc tôi đến khu sáng tác Đại lãi thì anh là Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương Đảng và đang có mặt tại căn nhà nhỏ của gia đình mới xây cạnh khu sáng tác.
Lần đó tôi gấp rút hoàn thành tập 3 bộ tiểu thuyết “DÒNG SÔNG PHẲNG LẶNG”. Từ Huế đến dịp này còn có Hoàng Phủ Ngọc Tường, ngồi hoàn tất tập bút ký “HOA TRÁI QUANH TÔI”.
 Đã có nhiều buổi cuối chiều, thường vào giờ Tường và tôi thư giản tản bộ, anh Độ qua chơi. Và anh hay rủ chúng tôi đi lên phía đỉnh đồi đầy sim lộng gió phía sau khu qáng tác. Một hôm hái mấy quả sim chín chia cho tôi và Tường,anh vừa cười vừa nói:
- Auê tớ ở Thái bình, chẳng có đồi  sim mua gì sất. Nên ngày còn bé khi nghe mấy câu Muốn tắm mát lên ngọn sông đào,muốn ăn sim chín thì vào rừng xanh,hai tay anh vít cả hai cành..,tớ cứ tưởng cây sim to như cây đa. Hê hê…-Anh và hai chúng tôi cười vang cả khu đồi. Tiếng cười thiệt thà của anh khiến chúng tôi vui quá trước chuyện ngây thơ lạ lùng của một người anh từng trải.
- Cho đến ngày đi cách mạng, lên Bắc giang, Thái nguyên mình mới biết cây sim bé tí din!- anh lại cười. Rồi chợt tư lự như đang liên tưởng tới một chuyện gì khác ít vui nhộn hơn.
    Đúng như thế.
- Mình viết tập hồi ký BÊN SÔNG ĐÓN SÚNG , có bối cảnh là An Toàn Khu(ATK), là vùng đồi núi ấy. Có đoạn kể chuyện tập bắn súng ngắn của ông Thận (cụ Trường Chinh ). Chả là chuẩn bị cách mạng tháng 8, ai cũng phải biết bắn súng mà. Bọn mình đưa Cụ xuống một khe suối kín đáo. Mình kéo lui kéo tới quy-lat khẩu súng lục mấy lần để cho cụ thấy đã kiểm tra là không còn viên đạn nào hết.Để không gây tiếng ồn náo động. Tưởng vậy là kỹ rồi, nhưng khi cầm khẩu súng, Cụ vẫn kéo lui kéo tới rạt rạt mấy lần nữa, rồi còn bấm rút cái sạc- rơ ra xem đúng là không còn viên đạn nào “kẹt” trong đó, Cụ mới cho bắt đầu buổi tập. Cụ kỹ kinh không? Ai đặt tên cho Cụ là Thận, đúng thật- anh nở nụ cười không ra vui mà cũng chẳng ra buồn- Tớ chỉ viết như thế trong hồi ký. Vậy mà kỳ họp quốc hội lần đó,vào giờ nghỉ giải lao, Cụ kêu tớ ra một góc riêng,giọng rất nghiêm túc nhắc lại cái đoạn chết tiệt ấy rồi “góp ý” chắc nịch: “lần sau có gì cần góp ý với mình thì cậu cứ trao đổi thẳng thắn, làm gì phải viết ra sách ra vở như vậy!”. Bỏ mẹ thật, Cụ không biết đùa các cậu ạ!…
Trước những ngày Đại lãi, tôi đã  khâm phục xen lẫn lạ lùng sao một vị tướng đã từng Nam chinh Bắc chiến cả đời như Trần Độ tưởng chỉ biết đánh đấm võ biền mà sao lại hiểu biết nhiều và hơn thế nữa là có những nhận biết đi trước rất xa về văn hóa nghệ thuật so với mặt bằng lãnh đạo lúc đó. Giờ lại những chuyện kể dân giã, bình dị mỗi chiều đồi sim như thế khiến chúng tôi còn nhận ra nơi anh một con người chân thật,hồn hậu. Như cái chuyện nhảy múa mà tôi vừa cười vừa thương anh lắm khi nghe anh kể tại nhà riêng trước ga Hàng Cỏ. Đó là lúc anh đã bị cấp trên “nhắc khéo đôi lần” về quan điểm đường đi nước bước của văn nghệ. Dạo đó có một đoàn chị em diễn viên  múa “đẹp như tiên” kéo đến nhà anh “xin ý kiến chỉ đạo” để chuẩn bị thành lập Hội nghệ sĩ múa Việt nam. Anh cười hề hề chua chát mà rằng :
- Ôi dào, tớ đi đứng còn không vững nữa, nói gì tới chuyện múa với may!
                                                    ***
Khi tôi ngồi viết ở Đại lãi thì nhà tôi cũng đang theo lớp cao học vật lý tại trường Đại học sư phạm Hà nội. Nhà tôi đem theo cháu thứ hai là Diệu Lan mới 4 tuổi. Còn cháu đầu Diệu Linh gần 8 tuổi thì ở Húê với tôi (khi đó chúng tôi chưa có cháu thứ ba là Diệu Liên). Để lên ngồi cả tháng ở Đại lãi, tôi phải đem theo cháu Diệu Linh ra cho mẹ nó. Cho dù đang học rất căng nhưng biết làm sao được, nhà tôi phải chăm sóc cả hai cháu nhỏ cho tôi toàn tâm toàn ý hoàn thành tập sách kịp yêu cầu của nhà xuất bản. Cả ba mẹ con chen nhau trong căn phòng lợp tranh vách đất hơn mười mét vuông của khu tâp thể giáo viên mà khi trời mới mưa thì nước đã tràn sân trước nhà nên mọi người hay gọi là khu Đồng Tháp Mười. Có bữa, một bà mẹ từ thành phố Hồ Chí Minh ra thăm con cũng đang học cao học như nhà tôi, tưởng  giảng viên đại học ăn ở chắc “oách” lắm, ai dè đứng bên “đồng tháp mười” nhìn con gái đang loay hoay cái bếp dầu nấu cơm chiều trong cái xó chật hẹp , bà đứng khóc ròng nức nở, bước không nổi tới ôm con nữa!
Những ngày đầu ở Đại lãi, ngồi viết thì thôi chứ đến giờ thư giản, nhất là buổi chiều, tôi nhớ hai cháu quay quắt. Có lúc bần thần cả người. Chỉ có Tường mới biết điều đó vì chính Tường cũng nhớ hai con Lip Lim đang ở Huế với mẹ Mỹ Dạ cũng không kém chi tôi. Một buối, khoảng gần trưa, tôi đang cặm cụi trong phòng viết thì nghe tiếng còi pèm pèm của xe ô tô ngay trước căn nhà tôi ở. Tôi bước ra cửa thì nhận ra chiếc Volga màu đen của anh Trần Độ và tiếng anh sang sảng:
- Diệu Linh, Diệu Lan, diệu lúa mới đê!…
Rồi anh chạy ra mở cửa sau, lần lượt bế hai cháu Diệu Linh, Diệu Lan ra! Tôi sững cả người sung sướng, ôm vào lòng hai cháu vừa lao tới. Ba cha con mừng quá, quấn quýt nhau mà quên cả cảm ơn bác Độ. Khi sực nhớ thì xe bác đã biến đi rồi. Ôi chao là Anh!
Hóa ra Tường đã cho anh biết nỗi nhớ con của tôi khi chiều xuống và anh cũng không nói gì với Tường và tôi, cứ lặng lẽ về trường Đại học sư phạm, lần mò vô tận khu “Đồng tháp mười” bế cho được hai cháu lên cho ba Vỹ. Sau này tôi có vặn vẹo nhà tôi là sao gặp người lạ khi mới chỉ nghe nói “Tôi là Trần Độ, chỗ ông Vỹ về đây” mà đã đưa cả hai đứa con cho người ta, không sợ mẹ mìn nó lừa à, thì nhà tôi quặc lại ngay:
- Ai mà giả được ông Trần Độ? Nhìn mặt là biết ngay người nhân hậu rồi.
    Tôi chịu.
                                                         ***
Khi tôi bị rắc rối với “vụ Sông Hương”, cũng có thể vì có người cho chúng tôi là “băng Trần Độ”. Bởi khi chuẩn bị cho các đại hội đổi mới của các hôi văn học nghệ thuật Việt nam,Ban văn hóa văn nghệ trung ương mà anh Trần Độ làm trưởng ban có chọn một số văn nghệ sĩ của  các hội như Mỹ thuật (Đặng thị Khuê,Lương Xuân Đoàn), nhạc sĩ (Trọng Bằng,Trung Kiên, Ca Lê Thuần), sân khấu ( Hồ Thi), điện ảnh(Lê Quốc), nhà văn (Nguyễn Khoa Điềm, Từ Sơn, Tô Nhuận Vỹ)…và một số phó chủ tịch ủy ban nhân dân phụ trách văn-xã hoặc phó ban tuyên huấn của các tỉnh, thành phố như Hà nội, thành phố Hồ Chí Minh,Tiền giang, Đắklăk, Tiền giang, Quảng ninh và một số cán bộ của ban văn hóa văn nghệ , báo Nhân dân…do giáo sư Nguyễn văn Hạnh, lúc đó là phó cho anh Trần Độ, làm trưởng đoàn sang học 3 tháng chuyên đề “Đảng lãnh đạo văn hóa văn nghệ “ tại Viện Hàn lâm khoa học xã hội Liên xô. Sau cuộc đi học này nhiều người bị “tan xác pháo”. Nhưng nói vậy cũng không hẳn đúng vì “tan xác pháo” chỉ có anh Nguyễn văn Hạnh và tôi, chứ gần như tất cả đều “thăng tiến” sau đó.
 Nhân đây tôi cũng muốn nhắc lại những dòng viết liên quan đến tôi trong cuốn HỒI KÝ IRINA do Tổ hợp xuất bản miền Đông Hoa kỳ xúât bản năm 1992 mà tôi chưa có dịp nhắc tới.
 “…trước đó vài tháng,tôi đã làm quen và có quan hệ thân mật với nhóm sang thực tập ở Viện khoa học xã hội,phần lớn là “đệ tử”của cụ Trần Độ,mà tiêu biểu nhất là anh Tô Nhuạn Vỹ,Tổng biên tập tạp chí SÔNG HƯƠNG. Chúng tôi gặp nhau ở chỗ tâm huyết với sự cải cách tiến bộ,và anh đã mời tôi sang dự lễ kỷ niệm 5 năm Sông Hương.Trước đó nữa, khi còn ở Maxcơva, anh đã có những bài phát biểu mạnh bạo trên Đài Maxcơva,cũng như tôi đã viết một bài cho Sông Hương theo yêu cầu của anh. Đó là lúc sự tương phản giữa nhóm anh Vỹ và nhóm ông Thi lên cao độ nhất… Tôi kết hợp vừa quan sát tình hình đó, vừa thưởng thức một chuyến đi kỳ diệu đến mảnh đất Thừa thiên cổ kính, tham quan và khâm phục những công trình văn hóa cổ và phong cảnh đẹp của cố đô. Dịp đó tôi cũng đã kết thân với nhiều người trong giới báo chí và văn nghệ của Huế, phần lớn họ đều là người có tâm huyết với sự nghiệp cải cách dân chủ.Và họ, nhất là anh Vỹ, vẫn trêu tôi bằng câu “Đối với Irina, ông Nguyễn Đình Thi là một thần tượng”…..(tập 1,trang 32)
 Tôi không biết bây giờ Irina đang ở đâu và sống ra sao. Tôi muốn nói thêm với Irina thế này: khi đó nếu có chi khác giữa tôi và anh Thi thì đó là sự “tự khác” chứ không có nhóm mô hết Irina à.
Huế ngày 20/11/2009

KHÓC BẦU KIÊN

Phạm Xuân cần
Anh Kiên ơi!
Anh bị bắt rồi sao?
Mới hôm qua say chuyện túc cầu
Anh băm bổ sút tung “Vê ép ép”
Lập công ty, chém gió ào ào!
Tưởng họ đưa anh đến ngân hàng
Đường về ca tap nặng đô xanh
Ai hay…đêm ấy, đêm gì nhỉ?
Bốn phía anh nằm có…tháp canh.
 
Có lẽ đầu anh nóng bừng bừng
Đêm ngày quang gánh nặng trên lưng
Một bên tiền bạc, bên bóng đá
Ai có ngờ đâu đứt giữa chừng…
 
Họ chẳng buồn đâu, chỉ sợ anh
Không còn “kiên” nữa, khai vòng quanh
Nhà băng như lũ, tiền tháo chạy
Chứng khoán lao sàn, dốc không phanh.
 
Cứ nghĩ như anh phải mạnh hoài
Mái đầu sớm bạc, gió sương phai
Hai con mắt đại bàng xé gió
Cái miệng nhếch lên…buốt dặm dài!
 
Ở đâu bóng đá gọi xung phong
Cướp mic, chỉ tay, đánh hội đồng
Ở đâu tài phiệt cần anh đến
Tay búa, tay tiền lại tiến công.
 
Anh đã là anh, một đại gia
Của bao chước quỷ với mưu ma
“Lợi ích nhóm” nặng vai không mỏi
Chưa đến năm mươi đã “bố già”!
 
Thầy tớ băng anh chắc nhiều người
Tiền cao như núi, thế như trời
“Dưa gang đỏ đít”, “cà” sao nhỉ?
Tưởng thấy như anh bắt đầu…khai!
 (Nhại Bác Tố Hữu, bài “Khóc anh Thanh”)

Đàn áp dân là tự làm yếu mình trước bành trướng, bá quyền Trung Quốc

 Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh
Cách mạng tháng Tám thành công, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chính phủ gồm nhiều bộ, trong đó có Bộ Công an và lực lượng công an. Nhiệm vụ chủ yếu của công an là bảo vệ chính quyền, giữ gìn trật tự xã hội, trấn áp tội phạm để bảo vệ cuộc sống yên bình của nhân dân, giúp đỡ dân khi cần thiết. Khi ấy tôi từng được thấy những hành động rất đẹp của người công an: dẫn cụ già qua đường, vào can đám đánh nhau, dỗ dành em bé lạc mẹ và giúp em tìm mẹ, bênh vực một người dân lương thiện bị côn đồ bắt nạt… Thật đúng “công an là bạn dân” như Bác Hồ dạy.
Ngày nay, nhìn đâu tôi cũng thấy nhiều điều ngược lại: công an tùy tiện bắt dân, muốn bắt ai thì bắt dù không có lệnh của Viện Kiểm sát, dù họ không phạm pháp quả tang; hàng nghìn công an viên đánh đập nông dân một cách tàn bạo, cưỡng chế lấy đất của nông dân để làm giàu cho các nhà đầu tư và người có chức quyền; đàn áp những người biểu tình yêu nước, gán ghép cho họ nào là “bị nước ngoài xúi giục”, “bị kẻ xấu kích động”, “gây rối trật trật tự cộng”, v.v.
Những người biểu tình là những người yêu nước chân chính có tư duy độc lập, thấy chủ quyền đất nước bị xâm phạm thì họ phản đối, nước ngoài nào xúi được họ? Họ là những thanh niên yêu nước, những lão thành cách mạng, là những cựu chiến binh, là những trí thức tên tuổi, là nông dân chân lấm tay bùn… Họ có phải là trẻ con đâu mà “kẻ xấu” nào kích động được? Họ đi có trật tự chung quanh Hồ Gươm, lên đường Điện Biên Phủ, họ có làm ách tắc giao thông, có cãi nhau đánh nhau đâu mà bịa ra là “gây rối trật tự công cộng”? Họ không hô khẩu hiệu chống Đảng Cộng sản, chống Nhà nước, chỉ hô khẩu hiệu và mang biểu ngữ phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc xâm lược, cướp biển đảo của Việt Nam, sao lại đàn áp bắt bớ họ?
Đàn áp người yêu nước biểu tình hòa bình là phi đạo lý.
Đàn áp người biểu tình yêu nước thì những người đàn áp họ có còn lòng yêu nước nữa không?
Đàn áp người biểu tình là vi phạm Hiến pháp nếu không muốn nói là đứng trên Hiến pháp, bộ luật cơ bản và cao nhất của Nhà nước.
Đàn áp nông dân để lấy đất, đàn áp dân yêu nước biểu tình chống xâm lăng là coi dân thuộc lực lượng đối lập; lại còn nói: “việc bảo vệ chủ quyền biển đảo đã có Đảng và Nhà nước lo”. Thế là đã bỏ ngoài tai lời dạy của Hồ Chủ tịch: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, và không biết đến câu “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” sao?
Các vị nắm quyền của ta “khôn khéo”, luôn khẳng định trung thành với “16 chữ”, nín nhịn, mơn trớn, làm mọi việc để lấy lòng những người lãnh đạo Trung Quốc, nhưng có ngăn chặn được họ tiếp tục lấn tới đâu: họ lập huyện Tam Sa, gọi thầu 9 lô trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của ta, đưa 23.000 tàu cá có nhiều tàu “hải giám” hộ vệ xuống đánh bắt cá trong vùng Trường Sa của ta, đuổi, đâm chìm tàu cá của ngư dân ta. Họ vẫn luôn đe dọa đánh ta, láo xược và hung hăng nhất là câu đăng trên báo mạng của Trung Quốc “phải diệt hết bọn Việt Nam “xâm lược” để làm lễ tế cờ cho trận chiến thu hồi Nam Sa (Trường Sa)”.
Tuy nhiên họ mới chỉ dọa thôi, chưa phải thời điểm họ có thể phát động chiến tranh đánh Việt Nam hoặc Philippines, vì trong bối cảnh quốc tế, họ đương bị cô lập trong thế bao vây của Mỹ, đương bị dư luận thế giới phản đối thái độ hung hăng của họ ở biển Đông và đương phản đối dùng vũ lực, yêu cầu duy trì hòa bình trên đường hàng hải quốc tế biển Đông. Họ gây chiến thì cái mặt nạ “trỗi dậy hòa bình” của họ sẽ rơi xuống, sẽ bị thế giới lên án.
Về nội bộ, họ sắp họp Đại hội lần thứ 18 cũng không ít phức tạp, không khí bất mãn gay gắt giữa quần chúng với chính quyền tràn đầy khắp đất nước; thái độ chống đối ở Nội Mông, Tây Tạng, Tân Cương tiềm ẩn sự bùng nổ bất cứ lúc nào.
Vì những lý do nêu trên nên họ chưa đánh ta, chứ không phải vì lãnh đạo của ta “khôn khéo”, chịu nín nhịn, khéo lấy lòng họ mà ngăn cản được họ. Một khi giới hiếu chiến Trung Quốc bất chấp mọi tình hình, bất chấp lợi hại, điên cuồng quyết đánh, thì có quỳ gối van xin họ, họ cũng vẫn đánh.
Để ngăn cản biểu tình yêu nước, người ta còn đưa ra luận điệu là “biểu tình làm mất ổn định xã hội dễ bị kẻ địch lợi dụng”! Kẻ địch nào? Kẻ địch chính là những người đã huy động 600.000 quân vào nước ta, tàn sát đồng bào ta, phá hoại triệt để các tỉnh biên giới của ta vào tháng Hai năm 1979; chính là những người đã mua rừng đầu nguồn và rừng phòng hộ dọc biên giới của ta; chiếm lĩnh Tây Nguyên chiến lược của ta; vào do thám, nghiên cứu quân cảng Cam Ranh – một vị trí chiến lược tốt nhất Đông Nam Á của ta –, đưa hàng vạn người Trung Quốc rải khắp nước ta, vừa là thủ đoạn di dân vừa là rải gián điệp, là “đội quân thứ 5” ngay trong lòng nước ta, chiếm lĩnh thị trường nước ta, bóp chết công nghiệp của ta. Kẻ địch chính là những kẻ chiếm biển đảo của ta, đâm chìm tàu cá, cướp ngư cụ, cướp cá, bắn giết ngư dân của ta, mặc sức hoành hành ngang ngược coi như ao nhà của họ. Tình hình vô cùng nguy hiểm bởi mưu đồ của những người lãnh đạo bành trướng bá quyền Trung Quốc.
Trước nguy cơ đó, thiết nghĩ lãnh đạo ta cần thay đổi: trước hết, không đẩy dân ra xa thành đối lập mà cần gắn bó với dân, tạo nên khối đoàn kết toàn dân thật sự để tạo thành sức mạnh; thực hiện dân chủ; trọng dụng nhân tài; lắng nghe những ý kiến phản biện đúng, những lời thẳng thắn, tâm huyết. Đồng thời tuyên truyền rộng rãi chính nghĩa của ta để tranh thủ sự ủng hộ của thế giới, tăng cường quan hệ với các nước lớn, kể cả Mỹ để tạo thế cân bằng. Một mặt vẫn duy trì tình hữu nghị với nhân dân Trung Quốc, mặt khác phải dũng cảm đấu tranh với những thủ đoạn cường quyền và âm mưu xảo trá của giới lãnh đạo bành trướng bá quyền của họ.
Cần cố gắng tăng cường lực lượng quốc phòng đồng thời đề cao cảnh giác, luôn sẵn sàng chiến đấu, đề phòng mọi bất trắc.
Có như thế mới bảo vệ được chủ quyền, độc lập để tiến lên.

24/8/12

Phó thủ tướng Đức gốc Việt sắp thăm Việt Nam


  Phó Thủ tướng Đức Philipp Roesler.

Ông Philipp Roesler sẽ tới Việt Nam vào tháng 9 trong một chuyến thăm được kỳ vọng sẽ góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược Việt - Đức.
 
Hôm 22/8 tại Berlin, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế - Công nghệ Liên bang Đức Roesler đã tiếp Đại sứ Việt Nam tại Đức, bà Nguyễn Thị Hoàng Anh.
 
Tại buổi tiếp, Đại sứ Nguyễn Thị Hoàng Anh nhấn mạnh Việt Nam đánh giá cao những đóng góp tích cực của Bộ Kinh tế - Công nghệ Đức và Phó Thủ tướng Philipp Roesler vào việc phát triển quan hệ đối tác chiến lược Việt-Đức. Đại sứ cũng mong muốn chuyến thăm Việt Nam của ông Roesler vào tháng 9 tới sẽ góp phần quan trọng làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược Việt-Đức.  
Phó Thủ tướng Đức Philipp Roesler.
Đại sứ khẳng định Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu, hai nước đang tích cực triển khai các dự án trọng điểm như tuyến tàu điện ngầm số 2 ở Thành phố Hồ Chí Minh, trường Đại học Việt - Đức... Bà Hoàng Anh cũng mong muốn Phó Thủ tướng Roesler trên cương vị trọng trách của mình tích cực ủng hộ, thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt-Đức, nhất là trong lĩnh vực kinh tế.
 
Đại sứ Việt Nam còn thông báo với Phó Thủ tướng Roesler về cộng đồng người Việt tại Đức với trên 125.000 người đang hội nhập tốt vào xã hội sở tại. Cộng đồng người Việt tại Đức không chỉ đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội tại quê hương thứ hai của mình, mà còn là cầu nối quan trọng giúp tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước. Đại sứ mong Chính phủ Đức và Phó Thủ tướng Roesler tiếp tục quan tâm, tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt sinh sống ổn định, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội Đức.
 
Phó Thủ tướng Roesler đánh giá cao vị thế và tiềm năng phát triển của Việt Nam, khẳng định Việt Nam nằm trong chiến lược phát triển kinh tế của Đức; ủng hộ thúc đẩy các dự án trọng điểm mà hai nước đang triển khai. Ông nhấn mạnh chuyến thăm Việt Nam của ông sắp tới thu hút nhiều sự quan tâm của chính giới và cộng đồng doanh nghiệp Đức. Phó Thủ tướng Đức hy vọng chuyến thăm sẽ tạo tiền đề xây dựng các dự án hợp tác mới với Việt Nam. 
 
Đánh giá cao cộng đồng người Việt tại Đức hội nhập thành công và tốt nhất ở Đức, ông Roesler cho rằng học sinh con em người Việt là nhóm học sinh giỏi ở Đức nhờ thừa hưởng văn hóa gia đình và coi trọng việc học hành. Phó Thủ tướng Đức mong muốn mở rộng dạy và học tiếng Đức ở Việt Nam, nhằm góp phần tạo thuận lợi cho phát triển quan hệ Việt-Đức. Ông cũng mong sẽ có dịp đưa gia đình về thăm Việt Nam để các con biết về nguồn gốc của mình.
 
Roesler được một cặp vợ chồng người Đức nhận về nuôi khi đang là trẻ mồ côi tại Việt Nam. Ông nguyên là một bác sỹ phẫu thuật tim và lồng ngực. Trước khi là Bộ trưởng Kinh tế - Công nghệ kiêm Phó Thủ tướng Đức, ông Roesler là Bộ trưởng Y tế. Chủ tịch trẻ nhất trong lịch sử đảng Dân chủ Tự do (FDP) từng về thăm quê hương Việt Nam năm 2006.
 
Theo TTXVN/VnExpress

VN không thể thoát gọng kìm TQ?

Thanh Quang, phóng viên RFA
2012-08-20

Hiện nay, ngày càng dồn dập những lời báo động rằng lượng hàng TQ “đổ bộ” ào ạt vào VN, tràn ngập đồ “made in China”, “từ hàng cao cấp đến hàng kém chất lượng bán với giá bèo”..., khiến các doanh nghiệp trong nước “đuối sức cạnh tranh…”.

Hàng Trung Quốc tràn ngập

Blogger Tống Văn Công trích dẫn lời Hiệp Hội Gốm Sứ Xây Dựng VN báo nguy rằng “Trong khi các doanh nghiệp gốm sứ trong nước đang thoi thóp thì gốm sứ Trung Quốc ào ạt tràn vào. Hiệp hội đã rất nhiều lần kiến nghị phải có biện pháp ngăn chặn gian lận thương mại của hàng Trung Quốc, thế nhưng tình trạng này cứ tiếp tục tăng vọt!”.

Mặt hàng gốm sứ ấy, theo nhà báo Tống Văn Công, “nó nằm trong trận cuồng phong xâm lược của hàng TQ đối với hàng VN!”, và ông cảnh báo về điều không bình thường có liên quan phương Bắc và cả giới cầm quyền VN, là “việc gian lận thương mại, lừa đảo, bịp bợm, trúng thầu tràn lan với thiết bị lạc hậu mà không bị ngăn chặn là mối nguy chẳng những cho kinh tế mà cả an sinh xã hội và an ninh quốc phòng”.

Hiểm họa từ phương Bắc nói chung khiến GS Trần Kinh Nghị không khỏi nêu lên câu hỏi – và cũng là tựa đề bài blog của ông – rằng “Tại sao lại là TQ?”. GS Trần Kinh Nghị nhận thấy có một câu hỏi mãi “vấn vương trong mỗi người VN chúng ta” là cứ mỗi lần an ninh đất nước bị đe doạ, kinh tế bị xáo trộn, bị lũng đoạn, rừng vàng biển bạc bị xâm nhập, thuê dài hạn hay nói đúng ra là “nạn bán rừng”, thực phẩm trở thành độc hại, rồi nạn bán ruộng, giết trâu lấy móng, nuôi đỉa, trồng khoai lang xuất khẩu.v.v…thì “y như rằng người VN lại tìm thấy nguyên nhân nào đó từ TQ ?

Và tác giả tiếp tục thắc mắc “Không biết từ bao giờ nhiều người Việt tin rằng người TQ có thể yểm bùa, trấn huyệt, chặn long mạch… khiến dân tộc này không thể ngóc đầu lên được?”, “Tại sao người Việt Nam không thoát ra khỏi thế bị kìm kẹp đầy rủi ro, nguy hiểm đó, mà có vẻ vẫn an phận với nó hàng ngàn năm nay?”.

Để trả lời những câu hỏi ấy, tác giả nhắc đến câu nói của người xưa rằng “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” để lưu ý – và chứng minh khi so sánh với các lân bang - rằng chúng ta phải tự trách mình trước đã về cái “thế bị kìm kẹp đầy rủi ro, nguy hiểm đó, mà có vẻ vẫn an phận với nó hàng ngàn năm nay”, hơn là đổ cho định mệnh an bài để dân tộc mình sống bênh cạnh “Đại Hán tham lam, xảo quyệt và độc ác”. GS Trần Kinh Nghị phân tích:

Ta hãy thử liên hệ đến trường hợp các dân tộc khác trên thế giới xem sao. Nhật Bản và Hàn Quốc có lẽ là hai trường hợp có hoàn cảnh chung sống cận kề với Trung Quốc tương tự như Việt Nam. Hai nước này đều đã trải qua thời kỳ dài trong lịch sử đấu tranh sinh tồn bên cạnh Hán tộc mà trong đó họ cũng đã từng chịu đựng tình trng lớn-bé, mạnh-yếu. Nhưng rốt cuộc hai nước này đều đã lần lượt thoát ra được khỏi vòng cương tỏa của TQ, thậm chí phát triển vượt xa TQ .
Ngày nay cung cách quan hệ giữa họ với TQ là quan hệ hoàn toàn bình đẳng, hai bên cùng có lợi không ai có thể chèn ép ai. Ngoài ra, các trường hợp Đài Loan, Hồng Kông và Ma Cao tuy không hoàn toàn giống nhau nhưng cũng đều cho thấy khả năng thoát khỏi thế kìm kẹp của Trung Quốc để tồn tại như những vùng lãnh thổ độc lập là hoàn toàn có thể .

Xa hơn, ta thấy trường hợp nước Cu Ba sống bên cạnh Cường quốc số I chênh lệch nhau về mọi mặt nhưng vẫn hiên ngang tồn tại đâu có bao giờ phải quỵ lụy, triều cống? Không hiếm những quốc gia khác trên thế giới tuy nhỏ bé cả về dân số hoặc diện tích nhưng có thể tồn tại độc lập và phát triển thịnh vượng bên cạnh các nước lớn. Vậy tại sao Việt Nam lúc nào cũng phải quỵ lụy, bạn không ra bạn, thù không ra thù, anh em, đồng chí cũng không phải, với Trung Quốc?

Phải dứt khoát đoạn tuyệt

000_Hkg5241475(3)-250.jpg
Người Việt biểu tình phản đối Trung Quốc tại Hà Nội hôm 21/8/2011. AFP photo

Và tác giả lại nêu lên câu hỏi rằng “phải chăng đó là do ý chí và khát vọng tự cường dân tộc chưa đủ mạnh trong toàn bộ dân chúng, đặc biệt trong giới cầm quyền” VN ? GS Trần Kinh Nghị nhân tiện lưu ý – và có lẽ cũng bày tỏ quan ngại – về điều ông gọi là “tâm thế thần phục, cam chịu lệ thuộc đối với Vương triều Phương Bắc” bên cạnh những trang sử hào hùng, oanh liệt chống ngoại xâm của tổ tiên chúng ta khi “ngọn lửa tự cường, tự tôn dân tộc” ngày xưa ấy từng bùng lên trước quân xâm lược. Nhưng cái tâm thế vừa nói vẫn tiếp diễn cho tới ngày nay khiến tác giả nêu lên nghi vấn rằng “Phải chăng đó là lý do để hiểu tại sao dù căm ghét TQ xâm lược biển đảo, nhưng dân chúng vẫn cứ vô tư tiêu xài hàng hóa trong khi các doanh nghiệp (cả tư nhân và nhà nước) đua nhau nhập máy móc thiết bị, vật tư của TQ?”. GS Trần Kinh Nghị báo động:

Đó là lý do tại sao nhiều cơ quan chính quyền các cấp mơ hồ mất cảnh giác trước những hoạt động ngầm của người TQ len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm của đất nước. Đó là lý do tại sao giới lãnh đạo mà nhầm lẫn người dân yêu nước với “các lực lượng thù địch”. Đó cũng là lý do tại sao các tướng lĩnh Việt Nam lại chọn lúc lòng dân bức xúc trước họa xâm lăng để tung hô công đức của giặc và coi đó là một việc làm khôn khéo(?).

Có rất nhiều những hiện tượng trái khuấy như vậy thường tái diễn trong quan hệ hai nước bất chấp sự thật đã có tới 3-4 cuộc chiến tranh đẫm máu do phía TQ chủ động gây ra trong thời gian ngắn ngủi vừa qua. Từ kinh nghiệm của bản thân và từ bài học của các nước có hoàn cảnh tương tự, thiết nghĩ, con đường tất yếu của Việt nam là phải dứt khoát đoạn tuyệt với cái tâm thế thần phục và lệ thuộc vào nước láng giềng Phương Bắc dù nó được trị vì bởi bất cứ thể chế nào.
Qua bài “Độc lập phải đi liền với dân chủ”, blogger Bùi Văn Bồng nhắc lại bối cảnh lịch sử cho thấy phương Bắc luôn “rình rập” để lấn chiếm lãnh thổ, lãnh hải của VN, như, trong giai đoạn lịch sử hiện đại, quân Tàu Tưởng Giới Thạch chiếm một số đảo ở Hoàng Sa năm 1946, một số đảo phía Đông Hoàng Sa rơi vào tay TQ hồi năm 1956 khi Pháp rút khỏi Đông Dương, Bắc Kinh chiếm toàn bộ Hoàng Sa năm 1974 khi Hoa Kỳ rút khỏi VN, TQ “dạy cho VN một bài học” – nói theo lời ông Đặng Tiểu Bình – khi xua quân xâm lược 6 tỉnh biên giới phía Bắc năm 1979, rồi phương Bắc đã chiếm một phần quần đảo Trường Sa của VN hồi năm 1988, đó là chưa kể Bắc Kinh “mượn tay” Khmer Đỏ đánh phá VN dọc vùng biên giới Tây-Nam. Nhà văn Bùi Văn Bồng nhận định:

Năm 1990, thấy “trên đà thắng lợi”, Trung Quốc bày ra ‘cái bẫy’ Hội nghị Thành Đô, và Đảng CSVN bị vướng bẫy. Có thể nói việc đi dự hội nghị Thành Đô (TQ) là một sự ngoan ngoãn tự băng bó vết thương để sang hầu nghe kẻ thù tiếp tục bóp nghẹt, chặt chém theo kiểu mới.

Thực chất Hội nghị Thành Đô 1990 là cách chạy tội của Trung Quốc khi đã là chủ mưu gây ra nạn diệt chủng ở Campuchia và gây ra chiến tranh biên giới phía Bắc, xâm chiếm Hoàng Sa trước đây và Trường Sa sau này. Nhưng chủ đích của Hội nghị của lãnh đạo TQ là vừa xoa dịu, vừa “cài bẫy” dùng lời lẽ ngon ngọt dụ dỗ Việt Nan để thực hiện “chiến lược xâm lược mềm”, “trỗi dậy hòa bình”, phá vỡ sự nghiệp đổi mới của Việt Nam, từng bước làm suy yếu Việt Nam để đạt mục đích cuối cùng là xâm lược nước ta lần nữa. Đã quá thừa minh chứng để nhận diện bộ mặt thật của Trung Quốc. Cũng cần chỉ thẳng ra rằng, thủ phạm của “diễn biến hòa bình”, “thế lực thù địch” không ai khác mà chính là Trung Quốc.

Kịch bản "16 chữ vàng và 4 tốt"

000_Hkg5707757-250.jpg
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (P) tiếp Phó chủ tịch TQ Tập Cận Bình tại Hà Nội hôm 21/12/2011. AFP photo

Tác giả lưu ý tới “cái mồi câu” của ngư ông đắc lợi Bắc Kinh là “16 chữ vàng” và “4 tốt” luôn được tận dụng, nhử cho “cá Phương Nam” cắn câu đề rồi bị lâm vào thế bí về mọi mặt như hiện nay – từ chính trị, kinh tế, ngoại giao, an ninh quốc phòng cho tới văn hoá, xã hội. Cái mộng “tỉnh Quảng Nam” của Phương Bắc mà họ hẳn cho là còn thiếu sau khi đã có Quảng Đông, Quảng Tây, chính là “con cá Phương Nam”, tức - theo nhà văn Bùi Văn Bồng – gồm VN và cả Đông Dương, và cái mộng này, theo tham vọng Bắc Kinh, là “hãy đợi đấy!”. Nhà văn Bùi Văn Bồng cảnh báo:

Khổ một nỗi là Đảng ta mải miết bám theo “đoàn kết, hữu nghị, anh em, cùng lý tưởng cộng sản” mà từ kháng chiến chống Pháp đến chống Mỹ rồi cho đến nay vẫn chưa thoát ra được kịch bản, đạo diễn của Trung Quốc về những lĩnh vực trọng yếu và những tình huống mang tính bước ngoặt lịch sử.

Tại sao mỗi lần nghe theo Trung Quốc là một lần thất bại, kể cả can thiệp về nhân sự, loại bỏ những người trong nguồn quy hoạch lãnh đạo có đức có tài, có chính kiến, đã nhiều lần bị trả giá quá đắt, mà cái tư tưởng “phủ phục thiên triều” vẫn chưa dứt ra được?

Không nhận diện ra tốt-xấu, phải-trái, không đánh giá được đâu là bạn, đâu là thù, không phân biệt đâu là mưu mô và đâu là“sự giúp đỡ chí tình”, hàm ơn vô lý, chính là sự tự sát…,còn “chạy việt dã vô cự ly”đến hết hơi rồi chịu gục ngã. Một nước đã Tuyên bố độc lập, thế nhưng do thiếu tính tự chủ, tin vào thứ Chủ nghĩa xã hội trá hình kiểu Tàu, trở thành con bài của Mao-ít, để rồi cung cúc đi theo, nghe xúi giục làm theo, trả giá biết bao lần mà nay chưa kiên quyết thể hiện tự chủ của một nước độc lập, cuối cùng chỉ chuốc lấy sự trì trệ và những mất mát, tang thương không lường hết được.

Tác giả hình dung ra “cái gậy thủ sẵn từ lâu của TQ nay đã to, chắc hơn, không cần giấu sau lưng nữa” và đã công khai đập cho “con mồi” nhiều phen thập tử nhất sinh, trong khi “củ cà rốt” mà Phương Bắc đem ra chiêu dụ nay “đã thối”, thì tại sao đến lúc này giới cầm quyền trong nước “còn ráng bơi ngược dòng, trung thành với những cam kết hoàn toàn do sự áp đặt, cài bẫy của TQ từ hơn 20 năm trước” ?. Vẫn theo tác giả, như vậy “rõ ràng là nguy cơ đưa đất nước vào kết cục bi thảm”.

Thị trường chứng khoán thiệt hại thế nào sau sự kiện “bầu Kiên”?

 
picture


Theo thông kê, trên sàn HOSE, vốn hóa toàn thị trường tính đến ngày 22/8 đạt 653.314,41 tỷ đồng, giảm 41.225 tỷ đồng so với mức 694.539,84 tỷ đồng của ngày 20/8.

Thông tin ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt đã làm rúng động thị trường tài chính, chứng khoán ngày 21/8. Tuy nhiên, ít ai có thể hình dung được mức độ thiệt hại của cả thị trường chứng khoán Việt Nam sau tin sốc đó.

Đồng loạt bán tháo

Thông tin bất ngờ về việc ông Nguyễn Đức Kiên, một nhân vật có tiếng trong giới doanh nhân, bị bắt tạm giam điều tra về các sai phạm trong hoạt động kinh tế đã châm ngòi cho một phiên bán tháo khủng khiếp trên cả hai sàn trong ngày 21/8.

Khởi đầu, hai cổ phiếu của ngân hàng ACB, EIB bị bán tháo đã kéo nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng và chứng khoán sụt giảm theo. Nhiều nhà đầu tư đã quyết bán giá sàn nhưng không thành công do lệnh đặt bán quá lớn ở nhiều mã trong khi vắng bóng lệnh mua.

Nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán và ngân hàng sụt giảm mạnh đã kích hoạt hoạt động bán tháo tại tất cả các cổ phiếu còn lại ở trên sàn khiến số lượng cổ phiếu giảm xuống mức giá sàn tăng lên nhanh chóng và chiếm tới trên 80%. Hầu hết các cổ phiếu blue-chip đều bị bán sàn và hết sạch dư mua với tâm lý thoát hàng bằng mọi giá của các nhà đầu tư.

Thị trường giao dịch ngày 22/8, nghĩa là ngay sau “ngày thứ Ba đen tối”, dù tiếp tục mất điểm nhưng đà giảm đã được hãm lại khá nhiều. Sự phân hóa cũng bắt đầu xuất hiện điển hình như trong nhóm ngân hàng. Ba mã ACB, STB, EIB vẫn tiếp tục giảm sàn nhưng các ngân hàng còn lại không liên quan tới ACB như VCB, CTG, MBB giảm ít hơn hẳn. VNM, GAS, DPM thậm chí  còn đi ngược dòng thị trường khi tăng điểm khá tốt.

Kết thúc phiên 22/8, VN-Index đã hãm được đà giảm khi chỉ mất 1,59%, trong khi đó, dưới sức ảnh hưởng của việc cổ phiếu ACB giảm sàn, HNX-Index tiếp tục giảm mạnh với 3,44%.

Như vậy, sau hai phiên giao dịch kể từ khi thông tin ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt, VN-Index giảm tổng cộng 27,05 điểm, tương đương mức giảm gần 6,2%. Còn HNX-Index giảm 6 điểm, tương đương mức giảm gần 8,5%.

 
Hai ngày, chứng khoán “bốc hơi” hơn 2 tỷ USD

Theo thống kê, trên sàn HOSE, vốn hóa toàn thị trường tính đến ngày 22/8 đạt 653.314,41 tỷ đồng, giảm 41.225 tỷ đồng so với mức 694.539,84 tỷ đồng của ngày 20/8.

Trên sàn HNX, tổng giá trị vốn hóa thị trường đạt 93.683,11 tỷ đồng, giảm hơn 7.984 tỷ đồng có với ngày 20/8.

Như vậy, sau 2 ngày qua, thị trường chứng khoán niêm yết của Việt Nam “bốc hơi” trên 49.200 tỷ đồng, tương đương trên 2,3 tỷ USD.

Trong khi đó, cổ phiếu ACB giảm trên 13% sau 2 phiên, xuống còn 22.500 đồng/cổ phiếu tính đến ngày 22/8. Bên cạnh đó, giá trị vốn hóa thị trường đã “bốc hơi” gần 3.200 tỷ đồng (152 triệu USD). Tính ra mỗi ngày, cổ đông ACB “mất” gần 1.600 tỷ đồng, một con số không hề nhỏ.

Theo dữ liệu đến tháng 2/2012, hai tổ chức Standard Chartered APR Ltd và Standard Chartered Bank (Hong Kong) Limited đang sở hữu 8,77% và 6,23% cổ phần của ACB. Như vậy, với mức sở hữu 15% cổ phần ACB, Standard Chartered đã “mất” 478 tỷ đồng, tương đương gần 23 triệu USD.

Tương tự, quỹ Dragon Financial Holdings Ltd và Connaught Investors Ltd  đang nắm lần lượt là 7,26% và 6,81% cổ phần ACB, thì tài sản của hai tổ chức này cũng “bốc hơi” 231 tỷ đồng (11 triệu USD) và 217 tỷ đồng (10,33 triệu USD).

Về nhà đầu tư cá nhân, theo số liệu cập nhật đến cuối tháng 11/2010, ông Nguyễn Đức Kiên nắm 3,75% vốn của ACB, tương đương 35 triệu cổ phiếu. Trong khi đó, vợ ông Kiên là bà Đặng Ngọc Lan nắm 4,11% vốn ACB, tương đương trên 38,5 triệu cổ phiếu ACB.

Như vậy, với mức nắm giữ gần 8% cổ phần ACB, hai vợ chồng ông Nguyễn Đức Kiên cũng giảm tài sản đi khoảng 250 tỷ đồng, tính theo vốn hóa thị trường.    

Để tránh bị lợi dụng thao túng giá

Trong thông báo gửi ngân hàng đại lý và khách hàng, ACB khẳng định, việc bắt ông Kiên không ảnh hưởng đến tình hình tài chính, quyết định quản trị điều hành, và hoạt động kinh doanh của ACB.

Theo ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tầm ảnh hưởng của cá nhân ông Kiên đối với doanh nghiệp, ngân hàng và doanh nghiệp niêm yết nói chung không phải là lớn, vì ông Kiên chỉ là một cổ đông mà tỷ lệ sở hữu cổ phần tại ACB nhỏ hơn 5%.

“Tuy nhiên, dưới góc độ cơ quan quản lý, chúng tôi cho rằng nhà đầu tư phải hết sức bình tĩnh và cẩn trọng, tránh bán tháo để có thể bị người đầu cơ lợi dụng thao túng giá chứng khoán. Ngày hôm nay (22/8), tức là một ngày sau ngày xảy ra sự kiện ông Kiên bị bắt, tâm lý nhà đầu tư đã ổn định lại và nhiều mã chứng khoán đã tăng giá trở lại, đặc biệt là những mã có kết quả kinh doanh bán niên tốt. Không có lý gì mà một cổ phiếu tốt lại bị bán tháo và giảm sàn”, ông Sơn nói.

Ông Sơn cũng cho rằng, nhà đầu tư nên tỉnh táo và nên cập nhật thông tin từ cơ quan quản lý để phản ứng kịp thời, tránh để bị thiệt hại không đáng có.

Tuy nhiên, lý giải việc cơ quan quản lý không tạm ngừng giao dịch của cổ phiếu ACB hay toàn thị trường hôm 21/8, ông Sơn cho biết, khác với nhiều thị trường chứng khoán quốc tế không có biên độ, thị trường chứng khoán Việt Nam đang duy trì chế độ biên độ dao động giá chứng khoán (5% sàn HOSE và 7% sàn HNX), nên có thể kiểm soát được mức độ giảm giá của cổ phiếu.

“Tất nhiên, nếu cổ phiếu giảm giá sàn liên tục trong 5 phiên thì lúc đó, cơ quan quản lý sẽ yêu cầu doanh nghiệp giải trình”, ông Sơn nói.

Nguyễn Đức Kiên là con người XHCN

Trần Trường Sa (Danlambao)Diệt “bầu Kiên” này, còn hằng trăm “bầu Kiên” khác và hàng triệu mầm mống “bầu Kiên” vẫn đang được đào tạo hằng ngày dưới mái trường XHCN Việt Nam hiện nay. Cái dân tộc cần tiêu diệt là cái quyền lực tưởng rằng là chặt chẽ nhưng thực ra vô cùng lỏng lẻo để cho hàng vạn “bầu Kiên” có cơ hội phát triển thao túng xã hội cả trên mọi lãnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế... vì lãnh vực nào dưới tư duy thực dụng XHCN cũng là để kiếm tiền cả!...

*

Sau ngày 30/04/2005, tôi phải tiếp xúc với mớ lý luận cộng sản. Trong đó tôi còn nhớ, nổi bật nhất là lý luận: “muốn xây dựng CNXH phải có con người XHCN”. Con người XHCN là gì? Chúng tôi được giáo dục “đó là một con người vừa hồng vừa chuyên”

“Chuyên” thì lúc ấy quả là dể hiểu. Nhưng bây giờ thì chính phủ cộng sản cũng đã hủy hoại cái “chuyên” ấy rồi. Còn “hồng” thì sao? Từ cái “hồng” mù quáng lúc bấy giờ, nay đã chuyển sang cái “hồng” lưu manh. Chính nền giáo dục trong nhà trường XHCN đã tạo nên những con người như vậy! 

Tôi còn nhớ những bài học về “yêu nồng nàn và căm thù sâu sắc”. Ngày ấy, học sinh được giáo dục yêu Bác Hồ, yêu CNXH thay cho yêu quốc gia dân tộc. Nay sản sinh ra một thế hệ cũng yêu Bác Hồ, nhưng đó là Bác Hồ trên tờ giấy bạc polyme; cũng yêu CNXH, nhưng đó là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN mơ hồ và lừa đảo. Ngày ấy, học sinh được giáo dục căm thù phong kiến, thực dân, đế quốc làm cho nhân dân ta nghèo khổ. Nay sản sinh ra một thế hệ cũng căm thù nghèo khổ, nhưng đó là sự nghèo khổ của những con người thật thà chất phác. 

Những bài học về “giấy rách phải giữ lấy lề”, “đói cho sạch rách cho thơm”, “thương người như thể thương thân”... đã bị xóa bỏ hoặc hiếm được đề cập trong sách giáo khoa tiểu học, thay vào đó là những tấm gương không có thực như Lê Văn Tám, u mê như Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện... luôn được đề cao. Ở bậc trung học cơ sở thì những bài học thanh cao về cái nghèo của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương... cũng bị loại bỏ. Thái độ lạc quan “thu ăn măng trúc, đông ăn giá, xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao” bị cho là bi quan yếm thế... không được dạy cho học sinh. Thay vào đó là những bài học lịch sử bị bẻ cong, cắt xén và bịa đặt, dối trá nhằm phục vụ cho công cuộc xây dựng XHCN được nhồi nhét vào đầu trẻ em mới lớn. Ở bậc trung học phổ thông thì những tư tưởng triết học đề cao tính thiện của các tôn giáo bị xóa bỏ; thay vào đó là những lý luận mơ hồ về kinh tế chính trị của chủ nghĩa Mác-Lê nin quyết tâm đạt được mục đích làm giàu bằng mọi giá. Con người XHCN được giáo dục phải làm giàu cho bản thân bằng mọi giá để trả thù cho cái thời nghèo khổ xa xưa ấy. Ngày xưa, những học sinh con nhà giàu muốn có bạn để chơi thì phải ăn mặc tuềnh toàng nhất để hòa đồng với đám học sinh con nhà nghèo. Ngày nay, sau mấy mươi năm mái trường dưới tay CNXH đã biến đổi ngược lại, con nhà nghèo cũng phải giả làm sang mới có kết bạn được với con nhà giàu. 

Tôi có một đứa cháu, lúc còn tuổi thiếu niên, luôn đánh cắp tiền bạc, đồ đạc trong nhà và hàng xóm rồi đem cho đám trẻ chăn trâu ngoài đồng để được tôn xưng làm “đại ca”. Nguyễn Đức Kiên cũng thế! Hắn ta muốn trả thù cái thời nghèo khổ xa xưa ấy; hắn say mê mùi tiền; tiền biến hắn thành đại ca mà kết quả thấy rõ là lúc này vẫn không thiếu người ca ngợi hắn (vì đã từng nhận tiền của hắn?). Thực sự hắn không hề biết dùng tiền để làm ra của cải vật chất cho xã hội. Ngoài bóng đá ra hắn không đầu tư cho việc làm ra một sản phẩm nào ra hồn cả. 

Diệt “bầu Kiên” này, còn hằng trăm “bầu Kiên” khác và hàng triệu mầm mống “bầu Kiên” vẫn đang được đào tạo hằng ngày dưới mái trường XHCN Việt Nam hiện nay. Cái dân tộc cần tiêu diệt là cái quyền lực tưởng rằng là chặt chẽ nhưng thực ra vô cùng lỏng lẻo để cho hàng vạn “bầu Kiên” có cơ hội phát triển thao túng xã hội cả trên mọi lãnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế... vì lãnh vực nào dưới tư duy thực dụng XHCN cũng là để kiếm tiền cả! 

Nếu đảng Cộng Sản Việt Nam thấy được hiểm họa cho nền kinh tế nước nhà từ Nguyễn Đức Kiên là điều đáng quý. Nhưng đảng phải thấy được hắn ta chính là con đẻ của CNXH, bởi vì đảng hãy nhìn ra các nước dân chủ tự do, chẳng nơi nào có các thế lực lũng đoạn có thể tồn tại lâu và phát triển lớn như thế được. Đây là bài học lớn lao nhất cho đảng. Đảng Cộng Sản Việt Nam được lập ra là “Đảng của dân, do dân và vì dân”; nếu các nhà lãnh đạo đảng hiện nay còn lương tri để nhớ điều đó thì việc cần làm ngay là hãy tự tiêu diệt chính mình bằng cách làm theo cách nói của cựu chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: hủy bỏ điều 4 trong Hiến pháp.

The New York Times - Nỗi lo sợ về một cuộc khủng hoảng kinh tế đang dâng cao ở Việt Nam

Thomas Fuller/The New York Times (Lê Quốc Tuấn. X-CafeVN chuyển ngữ) - Cách thức xử lý vụ việc u ám không rõ ràng về ông ta càng nhấn mạnh một yếu tố quan trọng và trầm trọng hơn cho những tai họa của đất nước: Cuộc hôn nhân giữa giới lãnh đạo Đảng Cộng sản bí mật và một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa đang che phủ triển vọng phục hồi đất nước 91 triệu dân này... Đất nước đang bị những người bên trong nhà nước thao túng để kiếm tiền... Những gì cần phải làm là đưa Đảng Cộng sản ra khỏi việc quản lý của các công ty này"...

*

HỒ CHÍ MINH - Các đội xây dựng lên thật cao trên tầng thượng của một cao ốc thượng hạng ở trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh để nhìn xuống khu Dân cư thành phố bên dưới. Ngày nay, tất cả những gì còn lại từ các dự án bị bỏ rơi là những đống gạch mốc meo, thanh thép rỉ sét và một nhóm nhỏ các nhân viên bảo vệ, những người đã chuyển đổi sân xi măng thành một bãi đậu cho xe máy. 

Tại các thành phố lớn của Việt Nam, thị trường bất động sản từng một thời bùng nổ đang sụp đổ. Hàng trăm khu vực xây dựng bị bỏ rơi là những dấu hiệu rõ ràng nhất của một nền kinh tế ốm yếu. 

Tuyên bố trong phòng khách tiết trang hoàng lộng lẫy của một tòa nhà thuộc địa Pháp, một viên chức cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam, so sánh các vấn đề kinh tế của đất nước với sự sụp đổ của thị trường cách đây 15 năm từng san bằng nhiều nền kinh tế ở châu Á. 

"Tôi có thể nói rằng đây là tình trạng tương tự như cuộc khủng hoảng ở Thái Lan vào năm 1997", Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, cơ quan điều hành hàng đầu của thành phố nói như thế. "Các nhà đầu tư bất động sản đã đẩy giá lên quá cao. Họ mua để đầu cơ chứ không phải để sử dụng." 

Các khó khăn kinh tế của Việt Nam trông có vẻ ít nghiêm trọng hơn so với những năm tháng của cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 - mặc dù tương đối xanh xao tiều tụy, nền kinh tế vẫn đang phát triển, với tốc độ khoảng 4% - nhưng danh sách các khó khăn của đất nước vẫn tiếp tục tăng lên. 

Việc bắt giữ Nguyễn Đức Kiên, một trong những doanh nhân giàu có của Việt Nam trong tuần này, đưa đến mức sụt giảm 4,8% trong chỉ số thị trường chứng khoán của nước này, mức suy giảm nặng nề nhất trong vòng bốn năm qua. Những cáo buộc chống lại ông Kiên còn mơ hồ. Các phương tiện truyền thông nhà nước cho biết ông bị buộc tội hoạt động kinh doanh bất hợp pháp. 

Cách thức xử lý vụ việc u ám không rõ ràng về ông ta càng nhấn mạnh một yếu tố quan trọng và trầm trọng hơn cho những tai họa của đất nước: Cuộc hôn nhân giữa giới lãnh đạo Đảng Cộng sản bí mật và một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa đang che phủ triển vọng phục hồi đất nước 91 triệu dân này. 

Các nhà đầu tư hoài nghi về việc quản lý kinh tế của chính phủ và đặt nghi vấn về độ tin cậy của các số liệu thống kê. Ngân hàng trung ương của quốc gia này cho biết các khách hàng vay đã ngừng không trả được 1/10 các khoản nợ trong hệ thống ngân hàng, nhưng tổ chức Fitch Ratings cho biết tỷ lệ của các khoản nợ xấu này có thể cao hơn nhiều. 

Nếu cuộc khủng hoảng năm 1997 thường được đổ lỗi cho loại "chủ nghĩa tư bản đồng đội chí cốt", các vấn nạn của Việt Nam có thể được mô tả như một loại chủ nghĩa tư bản đồng đội chí cốt kết hợp với một chủ nghĩa cộng sản méo mó. Các công ty quốc doanh những bạn bè và đồng hội đồng thuyền trong hệ thống Đảng Cộng sản. 

"Đất nước đang bị những người bên trong nhà nước thao túng để kiếm tiền", ông Jonathan Pincus, hiệu trưởng Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại Việt Nam cho biết. 

"Những gì cần phải làm là đưa Đảng Cộng sản ra khỏi việc quản lý của các công ty này", ông nói. "Tôi không hề thấy điều ấy được bàn đến". 

Giống như các bong bóng bất động sản ở những nơi khác trên thế giới, các nhà đầu tư ở Việt Nam đã lợi dụng dòng tín dụng chảy tự do để xây dựng các tòa nhà với hy vọng bật ra lợi nhuận. Một sự khác biệt quan trọng là một số các nhà đầu cơ bất động sản lớn nhất Việt Nam chính là các doanh nghiệp quốc doanh có quan hệ kết nối với giới thượng tầng trong Đảng Cộng sản và khả năng truy cập đến tiền bạc dễ dãi. Những công ty này hiện đang phải vật lộn với mức nợ không bền vững, hoặc như trong trường hợp của Vinashin và Vinalines, hai tập đoàn lớn của chính phủ, đang phải ve vãn tán tỉnh với khả năng không trả được nợ nữa. 

Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn ồn ào với năng lực của mình, vây quanh bởi khách du lịch và bị phiền nhiễu bởi nạn ùn tắc giao thông - tất cả là các dấu hiệu của sức sống kinh tế thành phố. Nhưng đó chỉ là mặt nạ che đậy những triệu chứng của các tai họa kinh tế trên cả nước: Những người trẻ ngày càng khó tìm được việc làm, gần 20% các công ty nhỏ và vừa đã biến mất khỏi thi trường trong năm qua, và các dự án cơ sở hạ tầng, thành phố trực thuộc Trung ương đang bị trì hoãn hoặc hủy bỏ. 

Lê Đăng Doanh, một nhà kinh tế nổi tiếng và là cựu viên chức hàng đầu tại một tổ chức nghiên cứu của chính phủ cho biết, ông đã từng lo lắng về thời gian tính của các khó khăn, đang đến ngay khi nền kinh tế toàn cầu bị sa lầy vì nợ nần và châu Âu phải vật lộn với các tình thế tiến thoái lưỡng nan tồn tại của đồng euro. 

"Vấn nạn ở Việt Nam là một loại dung dịch pha trộn cực kỳ độc hại từ cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, tình trạng trì trệ trong nền kinh tế Mỹ cộng với một tình huống rất nghiêm trọng của nền kinh tế trong nước", ông Doanh nói. "Đó là một hỗn hợp rất nguy hiểm." 

Khu vực tư nhân đang giúp cho nền kinh tế chuyển động - Việt Nam là một nước xuất khẩu quan trọng về quần áo và giày dép sang Hoa Kỳ - nhưng dòng tiền nước ngoài đã chậm lại. Các cam kết của giới đầu tư nước ngoài là 8 tỷ USD trong nửa đầu năm nay, chỉ bằng một phần tư trong cùng thời kỳ ba năm trước đây. 

Hậu quả các khó khăn kinh tế của Việt Nam lan xa. Các khoản thu thuế của các chính phủ thành phố trực thuộc Trung ương bị thu hẹp lại trên khắp đất nước bởi vì các khoản phí chuyển nhượng tài sảnvốn là phần lớn thu nhập của họ. Tàu điện ngầm đầu tiên của thành phố Hồ Chí Minh, hiện dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2016, một năm sau so với kế hoạch, theo ông Thuận viên chức cao cấp của Thành phố Hồ Chí Minh cho biết. 

Tại trung tâm thành phố Đà Nẵng, nơi từng phát triển mạnh trong thập kỷ qua, các quan chức đã buộc phải hủy bỏ dự án phát triển ở vùng ngoại ô của thành phố. Trần Văn Sơn, phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng, cho biết ông "rất lo lắng" rằng thành phố sẽ phải thu hẹp hơn nữa bởi vì thuế doanh thu tụt giảm nhiều hơn so với dự kiến. 

Những người trẻ tuổi đang tìm việc những làm tốt ở xa hơn. Ở ngoại thành Hà Nội, Nguyễn Duy Hưởng, người con trai 21 tuổi của một nông dân, suốt những tháng đầu năm, đã phải tìm kiếm trong vô vọng cho một công việc trong các cửa hàng sửa chữa máy tính. 

"Mỗi nơi tôi đến, họ đều nói rằng họ đang tìm những người kỹ thuật thật giỏi", Hưởng nói. "Họ không lấy người học việc". 

Như nhiều thanh niên Việt Nam khác, Hưởng sống trên biên giới giữa công nghệ thông tin và nền kinh tế nhà nông. anh đã làm việc bán thời gian tại một cửa hàng in ảnh, dùng các phần mềm để sửa chữa hình và loại bỏ những nhược điểm, nhưng thu nhập chính của gia đình anh vẫn phải nhờ vào việc trồng trọt và thu hoạch lúa bằng tay. Qua quá trình tìm việc toàn thời gian, gần đây anh bắt đầu tham dự các khóa học lập trình phần mềm tại Reach, một tổ chức phi lợi nhuận do Plan International, một tổ chức từ thiện Anh Quốc sáng lập. 

Những khó khăn mà giới trẻ phải đối mặt không giống với quy mô của cuộc khủng hoảng thất nghiệp ở Tây Ban Nha và Hy Lạp, nhưng tìm được một công ăn việc làm không còn dễ dàng như một vài năm trước đây nữa. 

"Hiện nay, các công ty có nhiều sự lựa chọn", Nguyễn Thị Vân Trang, người giúp điều hành các chương trình đào tạo nói "Họ không phải nhận những đứa trẻ trên hè phố nữa". 

Chính phủ đã chiến đấu với các khó khăn của đất nước bằng các công cụ kinh tế vĩ mô cổ điển: thắt chặt nguồn cung tiền để chặn nạn lạm phát hai con số và sau đó cắt giảm lãi suất trong năm nay để tiếp sinh lực cho nền kinh tế. 

Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn còn rất thận trọng, một phần vì số lượng ngày càng gia tăng của các khách hàng không có khả năng trả nợ. Việc cung cấp tín dụng trong nền kinh tế đang thu hẹp lại và mức tiêu dùng xẹp xuống, thí dụ như các siêu thị đã báo cáo doanh số bán hàng của họ giảm 20 đến 30%. 

Ông Doanh, nhà kinh tế gia cho biết, Việt Nam cần phải làm nhiều hơn là việc chỉ tiêm thêm tiền vào với lãi suất thấp hơn. 

Những công ty Quốc Doanh vĩ đại kém hiệu quả như Vinashin, vốn từng bành trước hung bạo vào các loại doanh nghiệp mà họ không đủ điều kiện để hoạt động, cần phải được tháo dỡ, tư nhân hóa hoặc thu nhỏ lại, ông Doanh nói. 

"Bây giờ là thời điểm tốt cho sự hủy hoại có tính sáng tạo", đề cập đến khái niệm các công ty bền vững đang bị thay thế bởi các đối thủ cạnh tranh sáng tạo hơn. 

Tương tự như ở Hoa Kỳ, cuộc phục hồi sức khỏe kinh tế của Việt Nam bập bềnh một phần trên sự hồi sinh của thị trường bất động sản. 

Quá nhiều thặng dư trong mức cung của các văn phòng tại thành phố Hồ Chí Minh, nơi mà mức thuê trong các khu phố từng được ưa thích nhất vốn chỉ còn được bằng một nửa của ba năm trước đây, ông Nguyễn Duy Lâm, Giám đốc Pacific Real, một công xây dựng và bất động sản cho biết. 

Với hy vọng thu hút được nhiều khách mua nước ngoài, các quan chức ở thành phố Hồ Chí Minh đã đệ trình một đề nghị chính thức với chính phủ trung ương để mở ra các thị trường bất động sản cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài, theo ông Thuận, quan chức Đảng Cộng sản cho biết. 

Tuy nhiên, các nhà đại lý bất động sản như ông Lâm cho biết rằng hiện nay hoạt động mua bán đã bị đóng băng. 

"Hiện giờ, ai cũng muốn bán ra, nhưng ngay cả hạ giá cũng không thể bán được", ông Lâm cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên sân thượng của một khách sạn ở thành phố Hồ Chí Minh. "Chẳng có khách hàng gì cả." 

Ông Lâm đang trông cậy vào triển vọng lâu dài của thành phố. Nhưng khi ông tuyên bố như thế, một hình ảnh tương phản của Việt Nam đang xuất hiện. Trong khi những đường nét đen tối của tòa nhà chọc trời chưa xây xong vẫn hiện ra lờ mờ trên cao, một công trình xây dựng khác đã làm phấn chấn chiều hướng: Vào một buổi tối chủ nhật, thắp sáng bởi các bóng đèn pha, một cần cẩu lại vung vẩy xuôi ngược khi các công nhân dựng lên một tòa nhà khác để ohủ thêm vào đường chân trời của thành phố Hồ Chí Minh. 

Nguồn: The New York Times

23/8/12

Tin tức mới nhất về Linh mục Nguyễn Văn Lý trong nhà tù Cộng sản

Chuyến thăm Linh mục Tađêô Nguyễn Văn Lý ngày 14-08-2012

Nguyễn Công Hoàng (Nhóm phóng viên FNA Khối 8406)"...Linh mục gởi lời cám ơn tất cả thân hữu xa gần đã luôn tưởng nhớ tới mình. Ông đặc biệt cám ơn các giám mục, các linh mục và anh chị em giáo hữu đã luôn nâng đỡ ông bằng nhiều cách. Linh mục cũng cho biết có nghe tin về những cuộc biểu tình gần đây phản đối Trung Quốc mà đã bị đàn áp. Phần chúng tôi thì cho biết chuyện tự thiêu của bà Đặng Thị Kim Liêng, thân mẫu chị Tạ Phong Tần; và vị tù nhân lương tâm hứa sẽ cầu nguyện cho bà cũng như cho các tù nhân lương tâm khác cách đặc biệt..."
*

Theo chương trình đã sắp xếp, thứ 7 ngày 11-08-2012, tôi (Nguyễn Công Hoàng) và người cháu ruột gọi bằng cậu ra Huế dự lễ đám cưới một người em bà con rồi tối Chủ nhật lên xe ra thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam thăm Linh mục Nguyễn Văn Lý, chú ruột và là ông theo huyết tộc. Nằm trên xe từ 5g chiều ngày 12-08 cho đến 6g sáng ngày 13-08 thì tới Phủ Lý. Do đường cao tốc Ninh Bình - Cầu Giẽ đã khai thông nên xe về Hà Nội đa phần đi đường này, vì thế chúng tôi phải xuống tại ngã ba đường cao tốc quốc lộ 21 (cách Phủ Lý khoảng 7 km), rồi từ đó thuê xe lên trại tù Ba Sao (phía tây huyện Kim Bảng). Dọc đường gần tới trại, thấy xuất hiện nhiều cán bộ công an đứng 2 bên đường, hai cậu cháu thắc mắc chẳng hiểu có chuyện gì. Sau đó xe chúng tôi bị chăn lại, với thông báo: hôm nay không được thăm gặp thân nhân vì trại đang dời địa điểm.

Chúng tôi liên lạc với cán bộ trại giam, họ cũng cho biết như vậy, và hẹn sẽ xin ý kiến lãnh đạo rồi trả lời sau. Đành cho xe trở về Phủ Lý tìm nhà trọ nghỉ qua đêm. Sáng hôm sau (14-08-2012), nhận tin báo được phép thăm gặp, hai cậu cháu vội vã sắp xếp hành lý, gọi xe lên trại giam mới để thăm gặp LM Lý. Trại mới này nằm tại thôn Tân Lang, xã Tân Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam (cùng huyện, tỉnh, chỉ khác thôn, xã. Trại cũ, rộng hơn nhiều, đã được bán cho một công ty để làm khu du lịch sinh thái). Xe tới trại lúc 7giờ sáng và chúng tôi là những người khách đầu tiên của trại này. Nhà cửa đều mới xây nhưng còn ngổn ngang, bề bộn.

Sau phần thủ tục hành chánh, đến 7g30’ chúng tôi được gặp người thân.

Linh mục Lý bước đi vẫn còn khập khiễng, nhưng không dùng gậy nữa. Thân mình gầy hơn trước, song sắc diện hồng hào, nét mặt tươi cười, tỏ lộ sự bình an nội tâm. Thời gian sau này huyết áp của ông dao động từ 90/130-140 mmHg, có lúc lên 100/150mmHg, do vậy từ hôm 5-7-2012 trong trại có cho uống thêm Coversyl 5mg 1viên/ngày. Với di chứng bại liệt do tai biến mạch máu não, lại ở trong môi trường bị giam cầm mà có chỉ số huyết áp như thế thì thật đáng quan ngại cho sức khỏe và tim mạch!

Sau phần thăm hỏi tin tức về bà con, bạn hữu và Giáo hội, linh mục gởi lời cám ơn tất cả thân hữu xa gần đã luôn tưởng nhớ tới mình. Ông đặc biệt cám ơn các giám mục, các linh mục và anh chị em giáo hữu đã luôn nâng đỡ ông bằng nhiều cách. Linh mục cũng cho biết có nghe tin về những cuộc biểu tình gần đây phản đối Trung Quốc mà đã bị đàn áp. Phần chúng tôi thì cho biết chuyện tự thiêu của bà Đặng Thị Kim Liêng, thân mẫu chị Tạ Phong Tần; và vị tù nhân lương tâm hứa sẽ cầu nguyện cho bà cũng như cho các tù nhân lương tâm khác cách đặc biệt.

Linh mục cũng cho biết sáng nay (ngày 14-08) tại trại tù mới, ông đã dâng thánh lễ thật sốt sắng để cùng với Giáo hội Công giáo toàn cầu mừng kính thánh Maximilien Kolbe -một linh mục người Ba Lan đã dám sẵn sàng chết thay cho một tù nhân dưới thời Đức Quốc xã - đồng thời cầu nguyện cho Giáo hội, cho Quê hương, cho chính mảnh đất Tân Sơn cũng như cho tất cả những tù nhân lẫn cán bộ tại trại. Trước khi dâng thánh lễ, ông đã quỳ gối xuống hôn nền đất nhà tù mới với ý thức : xin được coi nơi này như nhiệm sở mới mà chính Thiên Chúa trao phó cho. Đối với ông, đấy thật là một thánh lễ đầy ý nghĩa ! 

Sau đó, trước mặt cán bộ cai tù, linh mục đã trao cho chúng tôi lời kinh vắn tắt mà ông đã sáng tác và vẫn nguyện nhiều lần trong ngày sống, với ước mong được nhiều người hiệp ý chung lòng cầu nguyện. Lời kinh này được ông viết bằng cánh tay phải đã bị liệt trước đây nhưng nay đã hồi phục khá. (Xin xem dưới bản tin).

Sau hơn một giờ tâm sự, chúng tôi giã từ người chú và ông trong nỗi ngậm ngùi, lên xe về lại Phủ Lý, và tức tốc tìm phương tiện vào Quảng Trị để kịp dự cuộc hành hương thường niên tại Linh địa La Vang sáng ngày 15/8.


Nguyễn Công Hoàng, 20-08-2012.

Nhóm phóng viên FNA Khối 8406 phổ biến ngày 22-08-2012

Tàu 100 triệu thổi giá thành 130 tỷ

TP - Điều tra mở rộng vụ án lợi dụng chức vụ quyền hạn xảy ra ở Cty Cho thuê tài chính II, Agribank ((ALC II), CQĐT vừa phát hiện thêm hành vi “thổi giá” tàu cũ từ 100 triệu đồng lên 130 tỷ đồng. 

Cụ thể, tháng 7-2007, Cty CP Cát Long Hải (do bị can Vũ Quốc Hảo, nguyên Tổng giám đốc ALCII, chỉ đạo thành lập và giao cho Phạm Minh Tuấn làm Chủ tịch HĐQT; Vũ Đức Hòa, em họ ông Hảo làm Giám đốc) được Cục Hải quan Hải Phòng bán thanh lý tàu lặn Tinro 2, giá 100 triệu đồng. 

Do cần tiền thanh toán nợ xấu và giải quyết việc cá nhân, ông Hảo đã bàn bạc, thống nhất với Tuấn, Hòa và một số cán bộ ALC II tìm cách kiếm chác xung quanh tàu Tinro 2. 

Thông qua Hoàng Lộc, Tổng giám đốc và Lê Phúc Đức, Trưởng phòng Giám định kỹ thuật Cty CP Giám định, thẩm định Việt Nam, các bị can đã lập khống hồ sơ, ký chứng nhận thẩm định tàu Tinro 2 trị giá 130 tỷ đồng để rút tiền của ALCII. 

Sau đó, ông Hảo và bộ sậu đã dùng khoảng 80 tỷ đồng để mua hàng chục nghìn mét vuông đất tại Tiền Giang.

Đòn phản công của 3 Dũng: Không nhả vị trí Trưởng Ban chống tham nhũng

T-Rang (Danlambao) - Hội nghị Trung ương 5 (hôm 15/05/2012) đã đưa ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo Trung Ương về phòng chống tham nhũng trực thuộc Bộ chính trị, do Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban. Chủ trương nghị quyết là vậy, tuy nhiên trong một diễn biến bất thường hôm 22/08, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa có động thái khẳng định ông vẫn là người nắm giữ Ban này.

Chiều ngày 22/08, Cổng thông tin điện tử Chính phủ loan tải bản tin nói về phiên họp thứ 18 Ban chỉ đạo TW về phòng chống, tham nhũng. Đáng chú ý, ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp với vai trò Trưởng ban chỉ đạo.

Phải chăng đây là động thái đáp trả của Thủ tướng Dũng ngay sau sự kiện cánh tay mặt của mình là ông trùm Nguyễn Đức Kiên bị bắt?

Thủ tướng 3 Dũng cố bám giữ vị trí Trưởng ban Chống tham nhũng, hay ông dám coi thường cả nghị quyết Trung ương của Đảng?

Ngoài ra, tại cuộc họp bất thường trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chứng tỏ khả năng diễn xuất kỳ tài: "Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng biểu dương Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, đã nghiêm túc chấp hành sự chỉ đạo của Chính phủ; đã khởi tố, điều tra để đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật nhằm thâu tóm ngân hàng, gây mất ổn định hoạt động ngân hàng". 

Dù rất cay cú, nhưng Thủ tướng vẫn phải mở miệng 'biểu dương' vụ bắt giữ kẻ đang nắm giữ túi tiền mình là Bầu Kiên.

Như vậy, phiên họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thực chất cũng là một màn kịch cho Thủ tướng diễn xuất. 

Facebook Twitter Stumbleupon More