10/8/12

Xử lý ai nếu chính người đứng đầu tham nhũng?



Có ý kiến tỏ ra nghi ngại khi chúng ta chỉ bắt được "con mèo ăn miếng mỡ", còn "con cọp bắt heo" lại không tóm được bao nhiêu


Ngày 6/8, thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, đã hoàn thành dự thảo bổ sung, sửa đổi Nghị định xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức khi để xảy ra tham nhũng. Hiện Dự thảo đang được trình lên Chính phủ xem xét và phê duyệt. Theo đó, mức độ xử lý kỷ luật được đề nghị trong dự thảo bao gồm 3 hình thức: khiển trách, cảnh cáo và cách chức. Với dự thảo này, dư luận đặc biệt quan tâm đến việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi xảy ra tham nhũng. Bởi chỉ khi "túm kẻ có tóc" mới có thể làm rõ các sai phạm.

Nhiều địa phương không tìm thấy tham nhũng

Thời gian qua, phần lớn những vụ tham nhũng ở các cơ quan công quyền được phát giác liên quan đến tình trạng cấp đất, bán đất trái thẩm quyền, thực hiện giải phóng đền bù không đúng quy định; thanh quyết toán khống hoặc bớt xén khối lượng các công việc xây dựng ở các công trình hạ tầng cơ sở; sai phạm trong đầu tư công... Dư luận hẳn chưa quên vụ tham nhũng đất đai "nổi đình nổi đám" ở Đồ Sơn năm 2007 khiến một số "quan tham" bị truy tố trước pháp luật. Rồi hàng loạt các vụ tham nhũng đất đai gần đây ở Vĩnh Phúc, Hóc Môn (TP.HCM)… gây thất thoát nhiều tỷ đồng. Bên cạnh đó, tình trạng sách nhiễu, vòi vĩnh đòi hối lộ của cán bộ ngành thuế, hải quan và các cán bộ cơ sở vẫn chưa giảm. Cách đây chưa lâu, các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố nhiều vụ sai phạm trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng như vụ lừa đảo, tham nhũng xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương, chi nhánh Nhà Bè (sai phạm 3.400 tỷ đồng); lừa đảo, tham nhũng ở Ngân hàng Phát triển chi nhánh Đắk Lắk - Đắk Nông (sai phạm 1.000 tỷ đồng…

Những vụ việc tham nhũng được "khui" ra ở trên nghe có vẻ ghê gớm nhưng thực chất đó chỉ là "bề nổi của tảng băng chìm". Bộ Công an, VKSNDTC cũng đã đưa ra nhận định: hiện nay tội phạm tham nhũng không chỉ xảy ra trong một số lĩnh vực "nhạy cảm" mà ở hầu hết các lĩnh vực. Tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi hơn... Thế nhưng, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, khoá X, có một nghịch lý, nhiều địa phương không phát hiện được vụ án tham nhũng nào qua công tác thanh, kiểm tra. Thông tin này bị "chìm" trong báo cáo khá dài. Không rõ vì lý do gì, ban chỉ đạo không công bố danh sách địa phương thanh, kiểm tra không phát hiện được tham nhũng suốt 5 năm, mà chỉ nêu 4 tỉnh tham nhũng chưa được kiềm chế là Đắk Nông, Đồng Nai, Hậu Giang, Bắc Kạn?

Xử lý như "muối bỏ bể"

Một trong bảy nguyên nhân của hạn chế, yếu kém được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ ra: "Tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát và toà án chưa được khắc phục". Đây chính là "điểm nghẽn" khiến việc phát hiện tham nhũng qua thanh tra, kiểm tra yếu kém. Cơ quan chuyên trách hoặc có chức năng thanh tra, điều tra, làm rõ các vụ việc tham nhũng nhưng khi cán bộ đảm nhận nhiệm vụ chống tham nhũng lại có hành vi tham nhũng, thì kết quả chống tham nhũng bằng không.

Thực tế, không ít cán bộ trong cơ quan thanh tra, kiểm tra và cơ quan tiến hành tố tụng đã bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu hình sự vì có hành vi tham nhũng khi thực hiện chức trách của cơ quan công quyền chống tham nhũng. Có ý kiến cho rằng: Có vụ án tham nhũng khi đưa ra họp đã vấp ý kiến trái chiều ngay trong cơ quan tiến hành tố tụng và có dấu hiệu cho thấy, đằng sau sự trái chiều đó là tiêu cực. Điều này phần nào hé lộ nguyên nhân của thực trạng thanh tra, kiểm tra không phát hiện ra tham nhũng.

Bàn về  "quốc nạn" này, nhiều ĐBQH từng tỏ ra day dứt vì vấn đề phát hiện, xử lý tham nhũng hạn chế, số vụ phát hiện còn ít chưa tương xứng với tình hình. Các ĐBQH đặt nghi vấn, phát hiện không ít nhưng vấn đề phải xem lại là khâu xử lý. Theo báo cáo, năm 2011, qua công tác thanh tra, đã phát hiện hàng trăm nghìn tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm với số tiền phải thu hồi đến cả nghìn tỷ đồng nhưng số lượng thực tế thu hồi được chỉ khoảng 1/10. Hơn nữa, thiệt hại gây ra từ nạn tham nhũng lớn như vậy nhưng số vụ, số đối tượng được đưa ra xem xét hình sự rất ít.

Ông Nguyễn Văn Hiến - ủy viên Ủy ban Tư pháp của QH đưa ra lập luận, trong số những vụ việc tham nhũng đã xử được, đa số đối tượng chỉ bị khép tội ít nghiêm trọng, có khung hình phạt quy định dưới 3 năm tù. Một tỷ lệ rất lớn đối tượng sau đó chỉ bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc là được hưởng án treo. "Có hiện tượng nhiều vụ tham nhũng kéo dài thời hạn bất thường ở tất cả các giai đoạn tố tụng. Tôi cho rằng vấn đề kéo dài đó là để giảm bớt hành vi phạm tội của các bị cáo… Tôi cóá cảm giác các cơ quan tiến hành tố tụng nhường nhịn nhau. Cơ quan điều tra đề nghị truy tố nhiều nhưng VKS đình chỉ cũng không có ý kiến, tòa cũng không bao giờ trả hồ sơ yêu cầu truy tố tội danh nặng hơn", đại biểu này nhận định.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) so sánh: "Thấy "con mèo ăn miếng mỡ", chúng ta bắt được rất nhiều nhưng toàn những vụ án nhỏ. Còn "con cọp bắt con heo" thì chúng ta không bắt được bao nhiêu". Ông Thuyền cho rằng, với những người có chức có quyền, phải theo dõi thì mới bắt được. Còn chỉ thành lập Ban chỉ đạo, điều hành, phối hợp để nghe các ngành báo cáo sẽ không giải quyết được vấn đề.

Ngân Giang - Hoàng Mai

0 Lời Bình:

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Stumbleupon More