Nguyễn Anh Dũng (Danlambao) - Hiện tình đất nước ngày càng bi đát bởi quốc nạn tham nhũng -> giặc nội xâm. Trung Cộng xâm phạm chủ quyền quốc gia -> giặc ngoại xâm. “Việt Nam là nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vi nhân dân” (Điều 2 Hiến Pháp). Với quyền và nghĩa vụ công dân, những gì mà nhà nước không làm được thì nhân dân sẽ làm.
Việc tố giác các hành vi tham nhũng, cướp của giết người, đàn áp, bắt bớ tù đầy người dân trái pháp luật dưới vỏ bọc “Thi hành công vụ” trước công luận trong và ngoài nước là chống giặc nội xâm.
Biểu tình ôn hòa chống Trung cộng xâm phạm chủ quyền lãnh thổ là hình ảnh thu nhỏ của Hội nghị Diên Hồng năm 1284 trước họa quân Nguyên Mông xâm lược. Đây cũng là thông điệp cùng một ý chí và nguyện vọng mà người dân gửi tới nhà cầm quyền trước họa Bắc triều, đó chính là chống giặc ngoại xâm.
Là một nhà giáo, cựu chiến binh, nay đã nghỉ hưu, tôi có thời gian và thói quen theo dõi tin tức trên các bản tin truyền hình nhà nước, trên mạng Internet. Tin tức về hành vi của TQ xâm lấn lãnh thổ Việt Nam, qua các phương tiện truyền thông nhà nước thì quá chậm và sơ sài. Tin trên mạng thì nhanh, chi tiết và quá rõ ràng.
Nhìn cảnh cột mốc biên giới Việt-Trung có từ thời nhà Thanh TQ và chính quyền Việt Nam thuộc Pháp bị các dân binh TQ đào lên mang đi và vứt vào nhà kho của chúng - có nghĩa Việt Nam đã mất phần đất này? Hoặc cảnh các chiến sỹ hải quân nhân dân VN dàn hàng ngang trên mặt biển để giữ đảo Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa năm 1988, bị súng máy hạng nặng trên tầu TQ bắn gục chìm xuống biển cùng với tầu vận tải, ai xem cũng không khỏi xót xa căm giận. Thế này thì không thể được, phần thì máu “Lính” nổi lên, phần thì bán tin, bán nghi về các cuộc biểu tình yêu nước. Tôi quyết định đi “thực tế”.
Sau khi cắt được đuôi, thoát khỏi sự theo dõi của đám “Người lạ”, tôi đến tượng đài Lý Thái Tổ. Khi biểu ngữ “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam”, “Ủng hộ luật biển”, “Bảo vệ ngư dân Việt Nam”. “Đả đảo quân Trung Quốc xâm lược” xuất hiện, lập tức từ các nơi, mọi người kéo đến hòa cùng dòng người, với nụ cười, niềm tin và quyết tâm trong tình thương yêu, đoàn kết, sẵn sàng bảo vệ cho nhau và cùng hô vang các khẩu hiệu, diễu hành qua các phố dẫn đến đại sứ quán Trung quốc.
Cảnh sát giao thông đi kèm, hướng dẫn, bảo vệ an toàn khi đoàn đi qua các giao lộ. Kết thúc lộ trình, đoàn biểu tình giải tán tại tượng đài Lý Thái Tổ, không có sự xô xát, đàn áp, bắt bớ. Tuy nhiên một sự “Tốt lên” hiếm thấy của chính quyền thành phố, khiến người ta phải cảnh giác, về một thủ đoạn đàn áp mới có thể xảy ra.
Quả đúng như vậy, ngày 05/8/2012 lúc 8h30, khi những người biểu tình mới lác đác xuất hiện, thì lực lượng cảnh sát cơ động, an ninh các loại chìm nổi trong vai dân phòng, thanh niên tình nguyện đã ra tay ngăn cản trấn áp, bắt bớ một cách tàn bạo. Từ người già như cụ bà Lê Hiền Đức, phụ nữ đang có thai bế con nhỏ mới 2 tuổi như chị Trần Thị Nga đến cháu bé mới học xong phổ thông, không trừ một ai.
Đứng gần đó, khi thấy một người đàn ông lớn tuổi đang bị đẩy lên xe buýt, tôi bèn giữ ông ta lại thì lập tức cũng bị bẻ tay, kẻ túm áo, kẻ bóp gáy, kẻ cướp mũ và bị tống lên xe chở đến “Trại phục hồi nhân phẩm Lộc Hà”. Một chuyến xe tải trọng khoảng 60 người nay chỉ chở khoảng 10 người. Ôi chao rộng rãi và mát mẻ chán, nhà nước ta quả lắm tiền để đãi người biểu tình!
Đến trại chúng tôi bị đưa vào một phòng, cửa ra vào đều có cảnh sát canh giữ, trong phòng cũng có nước uống, bàn ghế, quạt điện. Mệt mỏi vì trời nắng nóng và đi đường nhưng mọi người lại vui vẻ chuyện trò, thăm hỏi lẫn nhau. Đặc biệt không ai tỏ ra lo sợ vì ở đây có nhiều người, sẵn sàng bảo vệ nhau và quan trọng hơn, việc làm của chúng tôi là đúng quyền và nghĩa vụ công dân được quy định tại điều 69 và 77 Hiến pháp.
Lúc này mọi người phát hiện ra tôi bị thương ở sau gáy, máu đang chảy. Lập tức yêu cầu lãnh đạo trại cho người đến chăm sóc y tế, sau đó tôi nhìn lại mình thì thấy áo bị giằng đứt 2 khuy áo ngực, bị mất chiếc mũ cối kỷ niệm ngày còn trong quân đội.
Khoảng 10h, chúng tôi bị tách ra từng người một để đi “làm việc”. Đối diện với tôi là thượng sỹ CS Trần Ngọc Lâm, sinh năm 1990 thuộc công an quận Hoàn Kiếm.
CS Lâm: Yêu cầu bác cho biết tên, tuổi, địa chỉ, lai lịch bản thân?
Ô Dũng: (chỉ trả lời phần đầu câu hỏi và từ chối trả lời phần sau), muốn biết rõ hơn thì cứ hỏi Bộ chính trị, cơ quan an ninh điều tra của Bộ công an, sở công an thành phố là đủ.
Ô Dũng: (Hỏi lại) Vì sao chúng tôi đi biểu tình ôn hòa chống Trung Cộng xâm lược lại bị kết tội gây rối trật tự nơi công cộng?
CS Lâm: Không trả lời.
Ô Dũng: Mời đi làm việc mà lại dùng vũ lực giằng đứt cúc áo, gây thương tích và lấy mất mũ của tôi?
CS Lâm: Gây thương tích là đơn vị khác, còn ở đây chỉ ghi lời khai và định lập biên bản để xử phạt hành chính.
Ô Dũng: Tôi phản đối và không ký.
Tại một phòng khác, CS tiến hành chụp ảnh, lăn tay.
Ô Dũng: Phải chụp 2 kiểu, chính diện có vết tích áo bị đứt khuy, một kiểu vết thương ở sau gáy. Còn lăn tay thì không được vì biểu tình yêu nước không phải là tội phạm, thủ tục này chỉ gây lãng phí tiền thuế của dân.
Sau khi làm việc khoảng hơn một tiếng, mọi người lại trở về nơi cũ. Khoảng 11h30, lãnh đạo trại cho mua cơm hộp về để chúng tôi ăn, mọi người cảnh giác không ăn. Đã gần 13h00, sự mệt mõi trong mọi người bắt đầu xuất hiện, tôi khuyên mọi người cố găng ăn chút ít để giữ sức.
Buổi chiều một số người tiếp tục bị đưa đi làm việc, trong đó có anh Nguyễn Văn Ngoan, Việt kiều Thụy Sỹ bị thẩm vấn lâu nhất. Trong khi chờ đợi, chúng tôi ngồi nói chuyện, gọi và trả lời điện thoại với gia đình và bạn bè. Đặc biệt là sự thăm hỏi và phỏng vấn của các hãng thông tấn, báo chí nước ngoài và ở hải ngoại, chúng tôi thấy vững tâm hơn vì mình không bị đơn độc.
Đài truyền hình Hà Nội đưa tin, bắt được một số đối tượng chia tiền cho người đi biểu tình. Chúng tôi phì cười: Lại thêm một thủ đoạn đê tiện, hèn mạt nhằm bôi nhọ người biểu tình của chính quyền Hà Nội.
Trong trại có nuôi một con chó becge to, không hiểu vì sao chúng tôi là người lạ nhưng nó không tỏ ra dữ tợn. Trái lại nó tỏ ra thân thiện, đi đến bên cạnh dụi mõm, vẫy đuôi ra hiệu mừng rỡ, mọi người đều có thể vuốt ve, vui đùa mà không sợ bị nó cắn. À thì ra con chó cũng tỏ ra có trí khôn, biết phân biệt người tốt, người xấu.
Lúc này bên ngoài trại, bà Lê Hiền Đức sau khi công an phải trả tự do đã sang đây, để đồng cam cộng khổ với mọi người. Bạn bè và người thân cũng đã đến đông. Bánh trái, đồ giải khát được tiếp tế nhưng cảnh sát không cho mang vào.
Chị Trần Thị Nga khi bị bắt đã lạc mất con là cháu Phú mới 2 tuổi, nhưng đã cố nhiều vòng tay nhân ái đón cháu vào lòng đem sang đây tìm mẹ. Nhìn cảnh con khóc đòi mẹ, mẹ tìm con qua công trại, trước sự lạnh lùng đến tàn nhẫn của những người được coi là công an nhân dân, chúng tôi ở trong và ngoài trại đã cực lực phản đối, cuối cùng công an cũng phải thả chị Nga để hai mẹ con được gặp nhau.
Khoảng 16h00, một viên CS đeo lon đại úy tên là Hiếu đến thông báo: Thay mặt lãnh đạo công an quận Hoàn Kiếm, cảnh cáo mọi người về hành vi gây rối trật tự nơi công cộng tại hồ Hoàn Kiếm và tuyên bố giải tán. Mọi người đồng loạt phản đối, anh ta nói tiếp: Ai có thắc mắc hoặc khiếu nại gì, thì gửi đơn về CA quận Hoàn Kiếm. Nói dứt lời anh ta quay lưng đi vội. Chúng tôi hiểu: Anh ta sợ không dám đối thoại nên đã “chạy mất dép”.
Còn lại mọi người chúng tôi “điểm danh”, thấy anh Việt kiều chưa được ra, chúng tôi cực lực phản đối và chỉ ra về khi đủ người cùng bị bắt. Khoảng gần 18h00 anh Việt kiều được thả ra và bị thu giữ máy tính xách tay, máy ảnh, điện thoại và một số vật dụng khác. Bằng một tờ giấy viết tay hẹn đến sở công an Hà Nội làm việc vào sáng thứ hai ngày 6/8/2012.
Cửa trại được mở, mọi người bên trong và bên ngoài gập nhau, đồ tiếp tế được chuyển đến tay người trong trại. Lúc này lại nổ ra cuộc biểu tình chống Trung Quốc bên ngoài trại. Bên trong trại cũng đấu tranh đòi công an hoàn trả tài sản của anh Việt kiều bị thu giữ trái pháp luật, nhưng không được giải quyết. Sự vụ kéo dài tới khoảng 19h30, cuối cùng anh Việt kiều đồng ý để cho công an giữ tài sản và sẽ đền làm việc theo giấy hẹn. Tôi về đến nhà đã gần 21h00, kết thúc chuyến đi thực tế đáng nhớ này.
Chưa kịp yên thân, chiều 6/8/2012, ông tổ trưởng dân phố đến “nói chuyện”, rồi qua chi hội cựu chiến binh: Bí thư đảng ủy và chủ tịch UBND phường mời đến trao đổi về một số vấn đề. Đúng hẹn sáng ngày 08/8/2012, tôi đến nhưng không gặp được người đã hẹn. Thừa ủy quyền tiếp tôi là chủ tịch hội CCB phường. Chúng tôi trao đổi một cách thẳng thắn, cởi mở, vui vẻ tôn trong lẫn nhau trên tình đồng đội.
- Đề cập vấn đề tham gia biểu tình, tôi trình bày: Tham gia biểu tình ôn hòa chống Trung Cộng xâm lược là quyền và nghĩa vụ công dân. Muốn cấm chúng tôi thì phải có văn bản của cấp có thẩm quyền hoặc xóa bỏ điều 69, 77 Hiến pháp. Đồng thời tôi gửi cho họ bài báo “Chúng tôi đi biểu tình” đã đăng trong Blog của tôi trên mạng Internet thay câu trả lời.
- Về hoàn cảnh và cuộc sống của gia đình hiện nay, tôi trả lời: Nếu quyền và nghĩa vụ công dân được tôn trọng và pháp luật bảo vệ thì sẽ không có giặc nội xâm và giặc ngoại xâm. Gia đình tôi chỉ là một trong muôn triệu người dân là nạn nhân của các loại giặc nêu trên.
- Về yêu cầu tôi không đi biểu tình. Tôi nghĩ tôi đã trả lời như trên rồi.
Thay lời kết.
Theo thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Bộ Công an: “Đẩy mạnh truyền thông, theo dõi sát sao các hoạt động xâm lấn của Trung Quốc hằng ngày để nói rõ cho người dân biết, thế giới biết. Người dân có quyền được biết thông tin và ta phải làm việc rõ ràng, kiên quyết và nghiêm túc. Sức mạnh lan tỏa của truyền thông còn mạnh hơn tàu ngầm, tên lửa.
Nhưng quan trọng nhất vẫn là dựa vào thực lực quốc gia, không nên để Trung Quốc lấn tới, muốn làm gì thì làm. Dân tộc Việt Nam mạnh mẽ với gần 100 triệu dân yêu nước, đó cũng chính là thực lực là sức mạnh toàn dân. (Báo Dân Trí điện tử, ngày 07/8/2012)
0 Lời Bình:
Đăng nhận xét