Tự do Ngôn luận
-
Kinh nhật tụng của tập đoàn chóp bu Ba Đình từ mấy chục năm nay chính là phương châm 16 chữ vàng “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” mà chính lãnh đạo đảng CS Trung Quốc (tổng bí thư Giang Trạch Dân) đưa ra và lãnh đạo đảng CS Việt Nam (tổng bí thư Lê Khả Phiêu) đón nhận đầu năm 1999. Phương châm này “xác định tư tưởng chỉ đạo và khung tổng thể phát triển quan hệ hai nước Việt–Trung trong thế kỷ 21, đánh dấu quan hệ Trung-Việt đã bước vào giai đoạn phát triển mới được lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước xác định trong Tuyên bố chung từ tháng 2-1999”. Đây là kết quả (đúng ra là hậu quả) của việc đầy tớ Hà Nội tái khấu đầu bái phục tôn chủ Bắc Kinh tại Hội nghị Thành Đô ngày 4-9-1990. Phương châm đó chính là chiếc vòng kim cô mà Đường Tăng Tàu cộng áp lên đầu Tôn Ngộ Không Việt cộng để khống chế y cho tới hôm nay.
Đến tháng 11-2000, khi hội đàm với tân Tổng bí thư CSVN Nông Đức Mạnh đến bái yết Thiên triều, Giang Trạch Dân đã giảng giải phương châm quan trọng đó cho bầy tôi như sau: “Ổn định lâu dài là nhấn mạnh tình hữu nghị Trung Việt phù hợp với lợi ích căn bản của hai đảng, hai nước và nhân dân hai nước, nên bất cứ lúc nào, bất cứ tình hình nào đều phải giữ sự ổn định và phát triển lành mạnh của quan hệ hữu nghị, khiến nhân dân hai nước đời đời hữu nghị với nhau; Hướng tới tương lai là phải xuất phát từ hiện nay, nhìn về lâu dài, kế thừa truyền thống, mở ra tương lai tốt đẹp hơn cho quan hệ Trung Việt; Hữu nghị láng giềng là yêu cầu hai bên phải làm người láng giềng tốt, người bạn tốt, trước sau xử lý mọi vấn đề trong quan hệ hai nước với tinh thần láng giềng hữu nghị: Hợp tác toàn diện là phải không ngừng củng cố, mở rộng và sâu sắc sự giao lưu và hợp tác giữa hai đảng, hai nước trong mọi lĩnh vực, để mưu cầu hạnh phúc cho hai nước và nhân dân hai nước, đồng thời góp phần cho việc giữ gìn và thúc đẩy nền hoà bình, ổn định và phát triển trong khu vực” (theo Wikipedia tiếng Việt do Hà Nội biên soạn).
Đến tháng 11-2000, khi hội đàm với tân Tổng bí thư CSVN Nông Đức Mạnh đến bái yết Thiên triều, Giang Trạch Dân đã giảng giải phương châm quan trọng đó cho bầy tôi như sau: “Ổn định lâu dài là nhấn mạnh tình hữu nghị Trung Việt phù hợp với lợi ích căn bản của hai đảng, hai nước và nhân dân hai nước, nên bất cứ lúc nào, bất cứ tình hình nào đều phải giữ sự ổn định và phát triển lành mạnh của quan hệ hữu nghị, khiến nhân dân hai nước đời đời hữu nghị với nhau; Hướng tới tương lai là phải xuất phát từ hiện nay, nhìn về lâu dài, kế thừa truyền thống, mở ra tương lai tốt đẹp hơn cho quan hệ Trung Việt; Hữu nghị láng giềng là yêu cầu hai bên phải làm người láng giềng tốt, người bạn tốt, trước sau xử lý mọi vấn đề trong quan hệ hai nước với tinh thần láng giềng hữu nghị: Hợp tác toàn diện là phải không ngừng củng cố, mở rộng và sâu sắc sự giao lưu và hợp tác giữa hai đảng, hai nước trong mọi lĩnh vực, để mưu cầu hạnh phúc cho hai nước và nhân dân hai nước, đồng thời góp phần cho việc giữ gìn và thúc đẩy nền hoà bình, ổn định và phát triển trong khu vực” (theo Wikipedia tiếng Việt do Hà Nội biên soạn).
Chưa hết, chiếc vòng kim cô ấy lại được Thiên triều nạm thêm “16 hột xoàn” nữa: “Sơn thủy tương liên, Văn hoá tương thông, Lý tưởng tương đồng, Vận mệnh tương quan” và cuối cùng là tứ hảo đại ngôn: “Láng giềng tốt, Bạn bè tốt, Đồng chí tốt, Đối tác tốt”. Có lẽ trong lịch sử nhân loại, chưa bao giờ có những mỹ từ xưng tụng, rèn đúc và vĩnh viễn hóa mối quan hệ giữa hai nước, hai đảng như thế. Trái lại người ta chỉ thấy có những quan hệ hữu hảo ngắn hạn, đồng minh tạm thời giữa các quốc gia khi còn chung quyền lợi. Còn trong lịch sử dân Việt thì chỉ từng thấy những chữ (mà có lẽ các bộ chính trị ở Ba Đình chưa bao giờ đọc): “Ta cùng các ngươi sinh ra phải thời loạn lạc, lớn lên gặp buổi gian nan. Lén nhìn sứ ngụy đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn tấc lưỡi cú diều mà lăng nhục triều đình; đem tấm thân dê chó mà khinh rẻ tổ phụ; ỷ mệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa, để phụng sự lòng tham không cùng; khoác hiệu Vân Nam vương mà hạch bạc vàng, để vét kiệt của kho có hạn. Thật khác nào đem thịt ném cho hổ đói, tránh sao khỏi tai họa về sau” (Hịch Tướng Sĩ của Trần Hưng Đạo) hoặc: “Quân cuồng Minh đã thừa cơ tứ ngược, bọn gian tà còn bán nước cầu vinh. Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn, vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ. Chước dối đủ muôn nghìn khóe, ác chứa ngót hai mươi năm. Bại nhân nghĩa nát cả càn khôn, nặng khoá liễm vét không sơn trạch. Nào lên rừng đào mỏ, nào xuống bể mò châu. Nào hố bẫy hươu đen, nào lưới dò chim sả. Tàn hại cả côn trùng thảo mộc, nheo nhóc thay quan quả điên liên. Kẻ há miệng, đứa nhe răng, máu mỡ bấy no nê chưa chán. Nay xây nhà, mai đắp đất, chân tay nào phục dịch cho vừa. Nặng nề về những nỗi phu phen, bắt bớ mất cả nghề canh cửi. Ðộc ác thay! Trúc rừng không ghi hết tội. Dơ bẩn thay! Nước bể không rửa sạch mùi. Lẽ nào trời đất tha cho? Ai bảo thần nhân nhịn được?” (Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi).
Dù sao, chiếc vòng kim cô của Đường Tăng chỉ nhằm giữ Tôn Ngộ Không bước trên lối nẻo minh chính, theo một sư phụ đức hạnh và đi tới cùng đích cao quý: thỉnh kinh Phật để mở con đường giải thoát chúng sinh. Còn chiếc vòng kim cô của Tàu cộng thì biến Việt cộng thành tên học trò ngu xuẩn, mù quáng đi theo một ông thầy gian manh xảo trá có hạng, dẫn đất nước nó đang được ủy trị vào con đường khủng hoảng bế tắc và hướng tới một cùng đích đáng sợ: bá chủ thế giới, biến cả nhân loại thành nô lệ cho nòi Hán tộc cộng sản với những tên thái thú Việt gian.
Ngay trước khi xuất hiện 16 chữ vàng, từ thời Hồ Chí Minh, dân Việt đã nếm được thế nào là “hữu nghị láng giềng”, là “toàn diện hợp tác” (1) khi toàn bộ cuộc Cải cách ruộng đất tàn sát đồng bào miền Bắc được đặt dưới sự chỉ đạo từ xa của Mao Trạch Đông và từ gần bởi các đồng chí cố vấn Tàu cộng; (2) khi toàn bộ Tuyên bố ngày 4-9-1958 của Chu Ân Lai quyết định về hải phận Trung Quốc (bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam) đã mau chóng được Việt cộng tán thành qua Công hàm Phạm Văn Đồng 10 hôm sau đó, qua “Bản đồ thế giới” do Phòng bản đồ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân vẽ năm 1960 với chú thích “các đảo ở Nam Hải, bao gồm cả quần đảo Nam Sa (tức Trường Sa) thuộc lãnh thổ Trung Quốc”, qua “Atlas bản đồ thế giới” do Cục đo đạc và bản đồ thuộc Phủ Thủ tướng CSVN in năm 1972, trong đó quần đảo Nam Sa được chú thích bằng tiếng Hoa, chứ không phải bằng tiếng Anh, tiếng Pháp hay tiếng Việt, qua sách giáo khoa địa lý trong trường phổ thông do Nhà xuất bản Giáo dục CSVN in ra năm 1974 vốn từng viết: “Các đảo Tây Sa (tức Hoàng Sa), Nam Sa đến đảo Hải Nam, đảo Đài Loan… đã tạo thành một bức trường thành bảo vệ đại lục Trung Quốc”; (3) khi toàn bộ miền Bắc được hơn 350 ngàn quân Tàu cộng giữ cho để bộ đội Việt cộng rảnh rang mà tiến đánh Việt Nam Cộng Hòa; (4) khi toàn bộ quần đảo Hoàng Sa bị Tàu cộng đánh cướp năm 1975 với sự im lặng hoàn toàn của Hà Nội; (5) khi toàn bộ binh sĩ đồn trú đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa bị Tàu cộng hạ sát để tiến chiếm năm 1988 với sự bất động hoàn toàn của Bộ chính trị….
Hiện nay, ý đồ thâm độc của 16 chữ vàng, 4 chữ tốt càng thể hiện qua vô số hành vi ngang nhiên trắng trợn, khắp nơi mọi mặt của Trung Quốc đối với Việt Nam, khiến cả dân tộc, đặc biệt là vô số cán bộ lão thành, trí thức văn nhân, phóng viên dân báo và những nhà đấu tranh dân chủ vừa phẫn nộ vừa mạnh mẽ chỉ rõ: Ngoài biển Đông thì Trung Quốc liên tục xâm lấn: củng cố cơ sở chiến đấu ở Hoàng Sa, nâng cấp Tam Sa lên thành phố với một bộ chỉ huy quân sự, đưa dàn khoan khổng lồ vào Biển Đông, thông báo mời thầu quốc tế với 9 lô dầu khí nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nước Việt, đưa một đội hải thuyền 30 chiếc, gồm một tầu hậu cần 3000 tấn và 29 tầu đánh cá tiến vào khu vực đảo đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa, phái tàu đổ bộ Ngọc Đình có trang bị đại pháo và sân đáp trực thăng đến bãi đá Su Bi thuộc quần đảo Trường Sa nước Việt. Chưa kể từ bao năm nay, những loại tầu quân sự chính thức hay trá hình của Trung Quốc như thế đã thường xuyên bắt giữ ngư thuyền, tịch thu ngư cụ, cướp đoạt ngư phẩm và đánh đập ngư dân Việt (thậm chí còn bắt giam họ để đòi tiền chuộc) mà hải quân Việt Nam chẳng bao giờ ra tay cứu giúp! Trong đất liền thì Trung Quốc liên tục xâm nhập: thuê các cánh rừng đầu nguồn mang tính biên phòng, khai thác bauxite ở yếu huyệt Tây Nguyên, lập bè nuôi cá trên vịnh Cam Ranh vốn là một quân cảng chiến lược, xây thôn làng phố thị biệt lập tại Lào Cai, Bình Dương…, thắng thầu 90% công trình từ cực bắc tới cực nam lãnh thổ, dựng nhà máy ở Quảng Ninh không giấy phép, khai trương các trang mạng xã hội Tencent, Baidu, Wechat hòng kiểm soát và khống chế internet trên đất Việt, mở phòng mạch khám chữa bậy tại Hà Nội lẫn Sài Gòn, xúi nông dân nhiều nơi nuôi đỉa trâu, làm chè bẩn… Tất cả xảy ra trước sự bất lực hay bao che của toàn bộ “hệ thống chính trị” Hà Nội! Chưa kể từ bao năm nay, Tàu cộng đã thao túng lũng đoạn nền chính trị, tài chánh, văn hóa của đất nước; xâm nhập vào cả lực lượng công an, quân đội. Trên mặt trận ngoại giao, Tàu cộng luôn né tránh vấn đề Biển Đông ở tất cả các diễn đàn an ninh khu vực lẫn quốc tế và cho rằng chỉ nên giải quyết các tranh chấp theo kiểu song phương thay vì đa phương như các nước -ngoại trừ Việt Nam- đòi hỏi (tuyên bố của Nguyễn Chí Vịnh ngày 28-8-2011). Trên mặt trận tuyên truyền: Hoàn Cầu Thời Báo, một cơ quan ngôn luận của Đảng CSTQ, liên tục có những luận điệu kích động tâm lý hiếu chiến đối với Việt Nam trong công chúng Trung Quốc từ lục địa ra hải ngoại, những thông tin bịa đặt trắng trợn về chủ quyền Hoàng Trường Sa, những lời lẽ hăm dọa và chửi bới cách dữ dội và vô liêm sỉ đối với nhà cầm quyền lẫn toàn thể dân Việt.
Đang khi đó người dân yêu nước xuống đường chống quân xâm lược thì bị đàn áp đủ cách, kể cả đánh đập giam tù; bị thóa mạ vu khống tại cơ quan nhà nước, trên phương tiện truyền thông xã hội; bị cấm chỉ bày tỏ lập trường qua mạng internet và các trang nhật ký (blog). Báo chí, dù là lề đảng, cũng phải câm như hến kẻo làm suy yếu tình hữu nghị Trung Việt. Ngược lại, đảng và nhà nước vẫn liên tục tiến hành những hoạt động đa dạng để củng cố 16 chữ vàng khốn nạn, vòng kim cô nghiệt ngã. Như khởi động cuộc thi “Tiếng hát Hữu nghị Việt-Trung 2012″ (hôm 19-05) để ngợi ca tình nghĩa “môi cắn răng”, “chủ hành tớ”. Như tổ chức Đại hội toàn quốc Hội hữu nghị Trung-Việt (hôm 10-07) để đoan hứa bày tỏ lòng tri ân các cá nhân, tổ chức và địa phương của Tàu cộng. Như họp mặt chào mừng ngày thành lập Giải phóng quân Trung Quốc nhân kỷ niệm 85 năm ngày xuất hiện cái lực lượng đã và đang dày xéo đất Việt (hôm 28-07).
Người ta tưởng như sống lại những lời tố cáo Bắc phương của Hịch Tướng Sĩ, Bình Ngô Đại Cáo. Và như nghe lại những lời quở mắng của Đức Hưng Đạo Vương: “Nay các ngươi ngồi nhìn chủ [nhân dân] nhục mà không biết lo; thân chịu quốc sỉ mà không biết thẹn. Làm tướng triều đình đứng hầu quân man mà không biết tức; nghe nhạc thái thường đãi yến sứ ngụy mà không biết căm”. Phải chăng vì tập đoàn lãnh đạo CSVN quyết không muốn bẻ gãy vòng kim cô 16 chữ do đã quá mê đắm trong quyền lực và quyền lợi?
BAN BIÊN TẬP
Bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 152 phát hành ngày 01-08-2012.
0 Lời Bình:
Đăng nhận xét