9/8/12

Trần Minh Khôi - Một khả năng chiến tranh ở Biển Đông

Những hành động quyết đoán gần đây của Bắc Kinh đối với Biển Đông không chỉ là phản ứng để làm vừa lòng các tầng lớp chủ xướng chủ nghĩa dân tộc và giới tướng lãnh diều hâu của Giải phóng Quân Trung Quốc trước sự ra đời của Luật Biển Việt Nam. Chúng có thể là bước đầu của những thỏa hiệp chính trị ở Trung Quốc có nguy cơ dẫn đến một cuộc chiến tranh chớp nhoáng ở Biển Đông nhằm cưỡng chiếm Trường Sa và đặt mọi chuyện trước sự đã rồi.

Chỉ còn vài tháng là đến Đại hội lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nơi xảy ra cuộc chuyển giao quyền lực cho thế hệ mới, nhưng giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn chưa thương lượng xong vai trò đứng đầu Ủy ban Quân ủy Trung ương cho ông Tập Cận Bình. Hồ Cẩm Đào có thể sẽ phải ở lại hai năm nữa trong vị trí đầy quyền lực này. Điều này gợi ý rằng giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc có những toan tính khác và có thể sẽ tạo áp lực với ông Tập Cận Bình để có tiếng nói quyết định hơn trong các vấn đề của Biển Đông. Như đã nói trong các bài viết trước, khả năng chiến tranh lớn nhất là khi Trung Quốc cần phải giải quyết những vấn đề chính trị nội bộ. Chúng ta đang đứng trước một khả năng lớn như thế.

Nếu Trung Quốc quyết định chiếm lấy Trường Sa, hoặc chỉ chiếm đóng một số đảo, lúc này thì ngoài những tuyên bố phản đối của các quốc gia Đông Nam Á và phương Tây nó sẽ không gặp phải trở ngại nào lớn, đặc biệt là khi Trung Quốc bảo đảm quyền tự do hàng hải cho các quốc gia này. Nhà nước Việt Nam hiện đang gặp phải cuộc khủng hoảng về tính chính đáng lãnh đạo và sẽ không có đủ ý chí chính trị để tổ chức một cuộc chiến tranh du kích cắt đứt đường hàng hải trên Biển Đông đối với tàu hàng Trung Quốc, mối đe dọa lớn nhất đối với Bắc Kinh. Nếu Trung Quốc quyết định thực hiện một cuộc chiến tranh cưỡng chiếm cục bộ lúc này, có khả năng chúng ta sẽ mất Trường Sa và không bao giờ lấy lại được nữa.


Tàu TC bắt giữ tàu đánh cá Việt Nam tại Hoàng Sa
Nguồn ảnh: Xinhua

Đã hai năm trôi qua kể từ tuyên bố của Ngoại trưởng Hillary Clinton ở Hà Nội nhưng quan hệ quân sự Việt-Mỹ vẫn chưa có tiến triển gì đáng kể, ngoài những việc có tính biểu tượng như đưa tàu hải quân Mỹ vào thẳng Cam Ranh để sửa chửa chứ không còn phải giấu mình ở cảng Vân Phong. Người Mỹ đã làm những gì có thể làm để kéo Việt Nam ra khỏi sự cương tỏa của Trung Quốc. Họ làm những điều đó với một đòi hỏi khá đơn giản: thực thi nhân quyền cho chính công dân Việt Nam. Nhưng chính quyền Việt Nam vẫn không có một động thái nào để tự cứu mình và cứu lấy quốc gia trước mối nguy xâm lược của Trung Quốc. Cứ theo tiến độ này thì phải mất ít nhất một thập niên nữa quan hệ Việt-Mỹ mới đủ sự tin cậy để có những hỗ trợ quân sự. Bắc Kinh hiểu rõ điều này. Nếu Bắc Kinh lúc này quyết định cưỡng chiếm các đảo Trường Sa hiện đang được bảo vệ bởi hải quân Việt Nam thì Mỹ sẽ đương nhiên bị đặt ra ngoài vòng chiến sự. Mỹ sẽ không thể làm gì giúp Việt Nam ngoài việc lên tiếng phản đối.

Những người lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay phải hiểu rằng mất Trường Sa là mất Đảng. Bắc Kinh chắc chắn đã chuẩn bị một giải pháp thay thế với những gương mặt hiện nay gắn bó với Bắc Kinh. Chỉ cần một động thái mị dân như trả lại một vài đảo Trường Sa cho Việt Nam là Bắc Kinh có thể để đổi lấy tính chính đáng cho đám lãnh đạo mới được Bắc Kinh dựng lên này. Đảng sẽ vỡ ra nhiều mảnh. Bắc Kinh có thể sẽ rót tiền vào để cứu nền kinh tế và cứu nhóm lãnh đạo nô bộc. Nhưng đất nước sẽ rối loạn. Lịch sử lặp lại. Nhân dân sẽ đi theo một tầng lớp lãnh đạo mới tổ chức kháng chiến để cứu quốc gia.

Hai năm qua là một khoảng thời gian quan trọng trong chiến lược bảo vệ Biển Đông và nhà nước Việt Nam đã để cho cơ hội đó đi qua. Nhưng không phải là đã quá trễ.Những người lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay phải thức tỉnh để hiểu rằng Bắc Kinh có tổ chức chiến tranh hay không là để nhằm phục vụ các mục tiêu chính trị của nó chứ không phục thuộc vào bất cứ điều gì nhà nước Việt Nam làm hoặc không làm. Nhà nước Việt Nam không có khả năng tác động Bắc Kinh để giúp ngăn chặn chiến tranh và bảo vệ chủ quyền quốc gia. Chỉ có một quan hệ đồng minh quân sự với Mỹ mới có thể giữ được Biển Đông. Lúc này những người lãnh đạo nhà nước phải nhanh chóng xúc tiến thiết lập một lộ trình nhằm xây dựng quan hệ đồng minh quân sự với Mỹ. Lộ trình này gồm các đòi hỏi không thể thỏa hiệp của Mỹ là thực thi nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam. Nếu những người lãnh đạo Đảng có bản lĩnh thì lộ trình vẫn có thể bảo đảm quyền lực chính trị của họ.

Sự sợ hãi mất quyền lực ở những người lãnh đạo Đảng Cộng sản đã nhiều lần làm lỡ mất cơ hội phát triển và bảo vệ quốc gia. Lần nay họ đứng trước một lựa chọn khó khăn hơn: sự sợ hãi sẽ làm họ mất tất cả. Nhưng tệ hại hơn nó sẽ làm cho quốc gia vĩnh viễn mất đi một phần lãnh thổ.

Và lịch sử sẽ không bao giờ tha thứ cho họ.

0 Lời Bình:

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Stumbleupon More