Cập nhật 22/08/2012 07:02 (GMT+7)
Hôm qua - 21/8, tại Phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Phạm Thị Hải Chuyền và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về những vấn đề thuộc sự quản lý của ngành, trong đó có nhiều vấn đề dư luận quan tâm.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình tại phiên chất vấn |
Nợ xấu: có trách nhiệm của Thống đốc
Ngoài vấn đề thời sự “sốt dẻo” là vụ bắt “bầu Kiên”, các vấn đề về nợ xấu, tái cấu trúc ngân hàng thương mại, trách nhiệm người đứng đầu… đã làm “nóng” phiên chất vấn Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình chiều qua.
Trả lời nhóm câu hỏi về giải pháp giải quyết nợ xấu ngân hàng, theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, về lâu dài phải thay đổi về hành lang pháp lý. Ông Bình cho biết, trong quý III sẽ ban hành đầy đủ các văn bản trong lĩnh vực này, để đến đầu năm 2013 sẽ có hiệu lực thi hành.
Còn biện pháp kinh tế ngay bây giờ là thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, như phát hành trái phiếu Chính phủ, đẩy nhanh tốc độ chi tiêu công, giúp giải phóng hàng tồn kho, tạo “cú hích” cho nền kinh tế, nâng cao giám sát các tổ chức tín dụng, phối hợp với Tòa án các cấp phát mại tài sản thế chấp trong ngân hàng; khuyến khích đàm phán để biến nợ thành cổ phần, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Với tỷ lệ nợ xấu như hiện nay, ông Bình “trấn an” “không đến mức nguy kịch, hốt hoảng quá” vì ở các nước, nợ xấu trong thời kỳ khủng hoảng cao hơn ở ta rất nhiều. Tuy nhiên, Thống đốc cũng lưu ý “không được chủ quan”.
Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) về trách nhiệm của NHNN và cá nhân Thống đốc trong vấn đề nợ xấu, ông Bình thẳng thắn “xin nhận trách nhiệm”.
Trước những thông tin về nợ xấu mà Thống đốc NHNN đã công bố, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) muốn biết rõ hơn “mua bán nợ xấu của ngân hàng thương mại có sử dụng ngân sách nhà nước không, nếu có thì theo quy định nào?”. Với câu hỏi của ĐB Khánh, Thống đốc không trả lời thẳng mà cho biết, đề án mua bán nợ xấu hiện đang xây dựng, chưa lấy ý kiến, chưa trình Chính phủ nên “chưa có cơ sở báo cáo cụ thể”.
Tham dự phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hỏi thẳng: “Thống đốc nói xem quyết tâm của Thống đốc đến hết năm nay và nửa năm sau nợ xấu có giảm không?. Giảm cỡ bao nhiêu”? Trước câu hỏi “tầm cỡ” này, Thống đốc cho biết: “Mục tiêu chung là đưa nợ xấu xuống và đảm bảo ngưỡng an toàn ở mức 3%. Tuy nhiên, thời gian qua, nợ xấu tăng cao, để đưa xuống thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố”. “Tôi tin tưởng sâu sắc rằng, đến cuối nhiệm kỳ này sẽ đưa nợ xấu về ngưỡng an toàn” - Thống đốc nói.
Liên quan đến tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, Thống đốc Bình cho biết “đã thực hiện rất quyết liệt, tuy nhiên tái cơ cấu là việc làm nhạy cảm phức tạp, một bên là quản lý nhà nước, một bên là kinh tế thị trường, việc có lợi ích nhóm, cục bộ… cũng là dễ hiểu vì vấn đề quyền lợi”. Tuy nhiên, trong tái cơ cấu đến giờ vẫn diễn ra thuận lợi, trên cơ sở thỏa thuận tự nguyện, chưa có trường hợp nào NHNN phải can thiệp.
Quản lý lao động nước ngoài còn nhiều khó khăn
Trước đó, mở đầu phiên chất vấn Bộ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến việc quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam.
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, số lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam đến tháng 7/2012 là 77.087 người, trong đó số chưa được cấp giấy phép lao động là 24.455 người (chiếm 32,85%).
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi đã đề nghị Bộ Công an cùng làm rõ thêm độ “chính xác” của con số này.
Thứ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, hiện nay số lao động nước ngoài vào Việt Nam chưa được cấp phép là hơn 31.330 người, chiếm tỷ lệ hơn 39,9%. Theo Thứ trưởng Lâm, việc quản lý lao động nước ngoài hiện đã được phân cấp mạnh cho cơ sở, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn.
Trước câu hỏi của ĐB Hồ Trọng Ngũ (Ninh Thuận) về việc Nghị định 34/CP có quy định miễn cấp phép cho một số đối tượng (ví dụ lao động dưới 3 tháng) nên trên thực tế có hiện tượng cứ gần 3 tháng lao động lại rút về nước, Bộ có nắm được hiện tượng này không và giải pháp sắp tới thế nào để quản lý tốt hơn, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: “Nghị định quy định như vậy nhưng thực tế ngành lao động có quy định yêu cầu người sử dụng lao động khi sử dụng lao động đó phải đăng ký với Sở LĐ-TB&XH địa phương”.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, trên thực tế “chưa đăng ký được nhiều, quản lý chưa chặt” và hứa: “Sắp tới, Bộ sẽ tham mưu để công tác quản lý tốt hơn”.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa cũng tỏ rõ sự lo ngại về việc quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam và đề nghị cần làm rõ trách nhiệm thuộc cơ quan nào. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Bộ trưởng cho biết tới đây sẽ phối hợp quản lý để hạn chế lao động phổ thông là người nước ngoài. Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh, trách nhiệm quản lý người nước ngoài nói chung và quản lý người lao động nói riêng trong Nghị định quy định rõ là của Chủ tịch UBND các tỉnh.
Những người có tiền gửi tại ACB yên tâm
Tại phiên chất vấn của UBTVQH chiều qua, ĐB Đỗ Văn Đương (TP.Hồ Chí Minh) đã đề cập ngay đến vụ bắt “bầu Kiên” mà dư luận đang hết sức quan tâm. Ông Đương muốn biết “bước đầu tính chất nghiêm trọng như thế nào”?.
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, Bộ Công an cũng đã có văn bản gửi NHNN về vụ bắt giữ này. Trong công văn của Bộ Công an chỉ nói là thành lập ra ba công ty con và ba công ty này kinh doanh trái phép. Ông Nguyễn Đức Kiên nguyên là Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập của ACB, nhưng đây là Hội đồng do ACB thành lập ra, chứ không theo Luật Các tổ chức tín dụng.
Theo Thống đốc, ông Kiên không tham gia vào Hội đồng quản trị và Ban điều hành ngân hàng nào, do vậy việc bắt giữ ông Kiên không ảnh hưởng gì tới hoạt động của ACB. Nhưng để đảm bảo cho sự an toàn hệ thống NHNN đã kịp thời chỉ đạo NHNN các cấp sẵn sàng hỗ trợ để đảm bảo thanh khoản ACB cũng như tổ chức tín dụng khác, nếu như có hiện tượng rút tiền hàng loạt - ông Bình cho biết thêm.
Vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kết luận: có thể khẳng định việc ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt hoàn toàn không liên quan đến việc điều hành của ACB; những người có tiền gửi tại ACB yên tâm, NHNN cũng đang giám sát chặt chẽ thanh khoản của ngân hàng này.
Bình An (ghi)
|
Thu Hằng
.
.
0 Lời Bình:
Đăng nhận xét