Ở Việt Nam người Công nhân thực sự trở thành một công cụ lao động biết nói. Thực tế này không khác là mấy so với người Nô lệ trong chế độ chiếm hữu nô lệ thủa xa xưa. Chỉ khác là cách thức và phương tiện bóc lột tinh vi hơn mà thôi. Với thực trạng trên, người lao động ở Việt Nam phải gánh chịu muôn vàn uất ức và đau thương. Nhà nước độc tài với công cụ tay sai của mình là Công đoàn nhà nước ngày một cấu kết chặt chẽ với giới chủ để lừa dối và bóc lột thậm tệ người công nhân. Bằng cách đó mà nhà nước Việt Nam đã biến người Công nhân trở thành những công cụ lao động biết nói của thế kỷ 21.
Huỳnh Công Đoàn
Mặc dù Bộ Luật Lao động của Việt Nam dành hẳn 14 điều (Từ điều 95 đến điều 108) để quy định về vệ sinh - an toàn lao động, nhưng trên thực tế vấn đề này chẳng được mấy doanh nghiệp quan tâm đúng mức. Vì rằng không có một cơ cấu xã hội dân sự để giám sát và thúc đẩy việc thực thi những quy định về an toàn lao động. Kết quả là số vụ tai nạn lao động thương tâm không ngừng gia tăng, gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng người lao động. Việc xử lý không nghiêm minh các vụ vi phạm an toàn lao động cũng làm cho vấn đề ngày càng trở nên trầm trọng.
Người lao động không được trang bị đầy đủ các phương tiện bảo hộ lao động là điều thường thấy tại các doanh nghiệp hiện nay. Nhiều khi, cả chủ sử dụng lao động và người lao động đều thiếu hiểu biết về vấn đề an toàn lao động, nhất là khi làm việc trong môi trường độc hại. Người chủ doanh nghiệp không có những kiến thức đầy đủ về ngành nghề cũng như môi trường sản xuất, họ chỉ biết chạy theo lợi nhuận. Trong khi đó thì người lao động cũng không ý thức được những tác hại của công việc mình làm, không có hiểu biết về luật lao động. Các cơ quan chức năng thì lơ là và vô trách nhiệm trong việc kiểm tra và đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm của mình đối với môi trường sản xuất và an toàn của người lao động. Vì vậy mà một cách vô tình hay cố ý, người ta đã vi phạm nghiêm trọng những quy định về an toàn – vệ sinh lao động, làm ảnh hưởng to lớn đến tính mạng và sức khoẻ người công nhân.
Số vụ tai nạn lao động xảy ra nhiều nhất phải kể đến là trong lĩnh vực xây dựng. Mà phổ biến nhất là tại các công trình xây dựng nhà cao tầng. Trong 6 tháng đầu năm 2009, cả nước xẩy ra 51 vụ tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng, làm chết 13 người, bị thương 60 người. Tai nạn lao động trong xây dựng luôn chiếm tỷ lệ cao, với khoảng 60% tổng số vụ tai nạn. Nguyên nhân chính thường là do chập điện, ngã từ trên cao, vật ép...; các vụ tai nạn lao động xẩy ra thường xuyên:
Ngày 26/12/2011, xẩy ra vụ sập cầu Bà Dầu tại xã Bình Dương – Huyện Bình Sơn – tỉnh Quãng Ngãi khiến 7 công nhân gặp nạn. Trong đó 5 người bị thương và 2 người mất tích.
Tai nạn do sập hầm than cũng trở nên phổ biến. Ngày 24/4/2012, tại khu vực mỏ than Ngọc Kinh thuộc xã Đại Hồng (Đại Lộc – Quãng Nam) đã xẩy ra vụ sập hầm khai thác than, làm ít nhất ba người mất tích và bị thương.
Cũng như khai thác than, việc nổ mìn khai thác mỏ đá cũng là một công việc nguy hiểm, vì vậy mà thường xẩy ra những vụ tai nạn thương tâm. Ngày 21/5/2012, tại khu vực khai thác đá ở mỏ Trại Sơn B (Xã Lại Xuân, huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng) đã xảy ra tai nạn do nổ mìn khai thác đá. Mìn nổ làm cho đá rơi từ trên cao xuống khiến 6 người thiệt mạng ngay tại chỗ và 4 người bị thương.
Những vụ tai nạn nêu trên gây nên nhiều mất mát và đau thương cho các gia đình có nạn nhân xấu số, gây nên những hậu quả xã hội to lớn.
Lẽ ra đó là những hồi chuông cảnh tỉnh cho các chủ sử dụng lao động và các cơ quan chức năng. Nhưng hết hồi chuông này lại đến hồi chuông khác dóng lên mà tình hình cũng không được cải thiện. Không những thế, số vụ tai nạn lao động lại có chiều hướng ngày càng gia tăng. Một điều nghịch lý là kinh tế tăng trưởng thì việc bóc lột sức lao động của người lao động cũng gia tăng, vấn đề vệ sinh – an toàn lao động càng bị xem nhẹ. Khi xẩy ra các vụ tai nạn lao động thì các báo trong nước chủ yếu đưa tin theo lối giật gân để câu khách thay vì đòi hỏi và bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Thực trạng trên cho thấy các cơ quan chức năng cũng như các chủ doanh nghiệp còn thờ ơ với vấn đề nóng bỏng này.
An toàn lao động là một điều kiện bắt buộc trong quy trình sản xuất. Thiếu nó thì chất lượng sản phẩm cũng như hiệu năng sản xuất bị ảnh hưởng. Vì vậy thực chất mà nói, việc đảm bảo an toàn lao động là có lợi cho cả chủ doanh nghiệp và người lao động. Thế nhưng do lợi nhuận trước mắt, cũng như sự thiếu hiểu biết về pháp luật đã khiến cho nhiều chủ sử dụng lao động nhắm mắt làm ngơ. Đến khi xảy ra tai nạn đáng tiếc thì mới tìm cách khắc phục, và bên gánh chịu nhiều thiệt thòi lúc này vẫn là những người lao động.
Chỉ khi nào các cơ quan hữu quan vào cuộc một cách đúng mức và thường xuyên thì vấn đề trên mới được giải quyết triệt để. Chỉ khi nào pháp luật xử lý nghiêm minh những vụ vi phạm an toàn lao động thì tình hình mới được cải thiện. Và quan trọng hơn cả là giới Công Nhân phải có tổ chức đại diện để bảo vệ cho quyền lợi chính đáng của mình, như vậy thì họ mới không bị đối xử thậm tệ và bất công. Những điều kiện đó nếu được đáp ứng thì vấn đề an toàn lao động mới có thể giải quyết triệt để. Và như vậy sẽ giảm thiểu được đến mức tối đa những vụ tai nạn lao động đáng tiếc như đã xẩy ra trong thời gian qua.
12.8.2012
0 Lời Bình:
Đăng nhận xét