Nguyễn Bá Chổi (Danlambao) - Cách đây 43 năm về trước, trong số 13 chàng tuổi trẻ vừa tốt nghiệp sĩ quan từ Trường Thiết Giáp / Quân Lực VNCH “về” Thiết Đoàn 9 Kỵ Binh đồn trú ở ngoại thành thị xã Bạc Liêu, có Chuẩn úy Nguyễn Quang Khôi. Khi được bạn đồng khóa hỏi quê anh ở Vũng Tàu tại sao lại chọn đến tận mũi Cà Mau “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội như bánh canh”, và “dưới sông cá Chốt, trên bờ Triều Châu”, anh nói chỉ vì thích cái tên “Công tử Bạc Liêu”. Tiếc thương cho người bạn đồng môn của người viết đã tử trận (mấy tháng sau) để hôm nay không “được” nghe / thấy thêm một danh hiệu khác của xứ nhãn nổi tiếng Vĩnh Châu này :“Bà mẹ Bạc Liêu”.
Đó là bà Đặng thị Kim Liêng, vừa tự thiêu để phản kháng nhà cầm quyền chà đạp lên Công lý, Tự do, Dân chủ và Nhân quyền mà bà và gia đình bà là nạn nhân trực tiếp.
Bà Đặng Thị Kim Liêng ngày đó, tức thời kỳ trước 1975, nếu là một “bà mẹ chiến sĩ”, thì chắc chắn không phải là “mẹ chiến sĩ VNCH” của Khôi, mà là “mẹ chiến sĩ” của “ Cách mạng”, vì sau “đại thắng muà xuân”, con của bà là một cán bộ Công An Nhân Dân cấp bậc Đại úy- cô Tạ Phong Tần. Nếu trước kia bà Đặng Thị Kim Liêng chưa đủ tuổi để được làm “mẹ chiến sĩ cách mạng”, thì có thể bà là “cô gái vót chông” hoặc là “nữ chiến sĩ giao liên”. Đại khái không cách này thì cách khác, bà đã góp công cho sự nghiệp “giải phóng Miền Nam, đưa cả nước tiến lên con đường XHCN”, cái chế độ sau 37 năm sống với, sống trong, sống dưới, bà không những đã “sáng mắt sáng lòng” mà cả gia đình bà đã đang là nạn nhân của chính nó.
Thời gian qua, hẳn bà Đặng Thị Kim Liêng phải trải qua không ít những dằn vặt ray rứt hối hận vì đã tiếp tay, hay ít ra tin tưởng vào chế độ “ưu việt” dối lừa gian manh tàn bạo này, như người con gái bà, cô Tạ Phong Tần đang bày tỏ lòng ăn năn hối hận về những điều cô làm đối với đạo Công Giáo - mà nay cô đã nguyện xin làm tín đồ - trong thời gian cô là một Đại Úy CAND!
Chưa nói đến cả nước, chỉ riêng cái xứ sở của “Công tử Bạc Liêu” hẵn đã có biết bao bà mẹ “ôi cuộc đời ngày sau tàn lửa khói” (Việt Khang) giờ dâyđã nhận ra ai chính ai ngụy như bà Đặng Thị Kim Liêng. Chỉ khác ở chỗ bà Đặng Thị Kim Liêng dám nói và dám làm như mọi người chứng kiến trong thời gian qua.
Đất Bạc Liêu xưa kia có chàng Hắc công tử cầm tờ giấy bạc bộ lư (mệnh giá 100 Đồng ; 1 giạ lúa thời đó giá 8 hay 9 hào / cắc) đốt soi cho chàng Bạch công tử tìm tờ bạc giấy con công (5 Đồng) vừa đánh rơi. Xấp xỉ một thế kỷ sau (1829-2012), ngày 30 tháng 7 lúc 6 giờ sáng, Bạc Liêu có bà Đặng Thị Kim Liêng tự lấy thân mình làm đuốc rọi mặt bọn cầm quyền bá đạo bán nước hại dân.
Người viết bài này là một trong số 13 chàng sĩ quan Kỵ binh năm xưa mà phần lớn đã “da ngựa bọc thây”, đã đổ máu trên ruộng đồng Cửu Long, đã chiến đấu đến giờ phút cuối cùng nhưng đã không ngăn chận được đoàn “giải phóng quân” từ Bắc vô Nam bà Đặng Thị Kim Liêng ngày đó mong đợi. Thà có bị “Mỹ ngụy kìm kẹp”,nhưng chắc chắn nhà cửa đất đai của gia đình bà sẽ chẳng bị ai đụng chạm đến, con gái của bà không bị bắt vào tù vì xuống đường chống giặc Tàu xâm lăng, và Bà không phải tự thiêu .
0 Lời Bình:
Đăng nhận xét