23/3/13

Bình Minh: Cần hiến định “quyền im lặng” của bị can

Cần hiến định “quyền im lặng” của bị canQuyền mời luật sư và quyền giữ im lặng để tự bào chữa đã được nhiều quốc gia áp dụng. Đây là quyền quan trọng của công dân khi tham gia tố tụng với vai trò là bị can trong các vụ án hình sự cần được quy định trong Hiến pháp.

Quyền con người và quyền của công dân là nội dung quan trọng trong dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi được các luật sư đặc biệt quan tâm. Ngoài việc yêu cầu phải làm rõ sự khác biệt giữa quyền con người và quyền công dân để tránh sự nhầm lẫn, chồng chéo thì Hiến pháp cần quy định rõ hơn về quyền con người và quyền công dân.

Theo Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên đoàn luật sư Việt Nam - thì mục tiêu của Nhà nước là xây dựng một xã hội “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Chính vì thế, quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân luôn là một trong các nội dung quan trọng nhất để xây dựng và ban hành Hiến pháp. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã nêu tương đối đầy đủ về các quyền kinh tế, chính trị, xã hội của công dân và quyền con người. Các quy định trong Dự thảo là tương đối phù hợp với cơ sở kinh tế xã hội của Việt Nam.

Tuy vậy, trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, cần phải phát huy được nguồn lực con người nên các quyền về kinh tế, chính trị, xã hội cần phải được quy định theo hướng tạo điều kiện cho mỗi người có thể phát huy hết tài năng của họ để mưu cầu hạnh phúc của bản thân họ và họ có thể đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội. Tài năng của mỗi con người cụ thể và nguồn lực của nhân dân nói chung, đó chính là nguyên khí của quốc gia cần phải được trọng dụng thực sự, cần phải có cơ chế pháp lý để cho người tài có khả năng phát triển tối đa.

Đồng thời, mỗi một người lao động phải được hưởng các giá trị và thành quả lao động tương ứng với khă năng và sức lao động của họ đã đóng góp cho xã hội. Quyền con người và quyền công dân đã được Hiến pháp ghi nhận thì rất cần có được một cơ chế đảm bảo bằng Hiến pháp và pháp luật để thực hiện. Bời vì quyền con người và quyền công dân được Hiến pháp ghi nhận là hết sức thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Có như vậy, nhân dân mới có niềm tin vào công lý vào Nhà nước và pháp luật.

Theo đánh giá của nhiều luật sư, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã khắc phục được cách sắp xếp lộn xộn thứ tự các điều của Hiến pháp 1992. Tuy nhiên, trong Dự thảo, Chương II vẫn có một Điều được sắp xếp chưa đúng vị trí, như Điều 37, quy định về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở hợp pháp.

Ở đây, có thể hiểu được logic của nhà lập hiến khi đặt Điều này gắn với Điều 36 quy định về quyền có nơi ở hợp pháp của công dân. Hai điều cùng liên quan đến nơi ở thì cần được đặt cạnh nhau. Song cách sắp xếp này đã làm đảo lộn trật tự logic của Chương II. Vì quyền có nhà ở theo Điều 36 lả một quyền thuộc nhóm kinh tế, xã hội, văn hóa trong khi đó quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở hợp pháp theo Điều 37 lại là một quyền thuộc nhóm dân sự, chính trị đã được sắp xếp ở đoạn trước.

Vì thế, để đảm bảo tính logic của Chương II, Điều 37 cần được “trả về” đúng vị trí nằm trong nhóm quyền về dân sự, chính trị. Vị trí của Điều 37 thực ra phải là Điều 24, ngay sạu quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư ở Điều 23. Việc đặt quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở hợp pháp sau quyền bất khả xâm phạm về đòi sống riêng tư mới đúng trật tự logic trong việc sắp xếp thứ tự các quyền.

Theo Luật sư Nguyễn Hồng Bách - ĐLS Hà Nam - Hiến pháp nên quy định theo hướng xác định nguyên tắc các quyền của công dân được tôn trọng, bảo vệ. Trên cơ sở đó, các luật sẽ được ban hành để cụ thể hóa các nguyên tắc cơ bản đã được Hiến pháp nghi nhận. Luật sư Lê Văn Đài - ĐLS Hà Nội - cũng đồng tình với quan điểm trên vì Hiến pháp là tập hợp các nguyên tắc chính trị căn bản chứ không phải là một đạo luật quy định chi tiết các quyền. Vì thế, quy định có tính khái quát mang tính nguyên tắc sẽ hợp lý hơn. Hơn nữa, quy định mang tính liệt kê thì dễ thiếu.

Trong trường hợp quy định có tính liệt kê thì Dự thảo cần bổ sung, liệt kê, quy định rõ quyền con người bao gồm những quyền gì, quyền công dân gồm những quyền cụ thể gì trước khi quy định thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm các quyền ấy. Với quy định như hiện nay của Dự thảo thì rất khó hiểu quyền con người là quyền gì, cụ thể gồm những quyền nào; quyền công dân là quyền gì, cụ thể gồm những quyền nào?.

Đối với các quy định cụ thể của Dự thảo, các luật sư tranh luận nhiều về “quyền được sống”. Theo đó, việc quy định “Mọi người có quyền sống” (Điều 21 Dự thảo) là một quy định mới nhưng không hợp lý vì quyền sống vốn là quyền tự nhiên gắn với mỗi con người. Quyền này tự nhiên có, không phải công nhận, nghi nhận hay ban phát mà có.

Vì thế, nếu quy định “Mọi người có quyền sống” khiến cho quyền này lại không giống quyền tự nhiên mà là quyền được ban phát. Hơn nữa, việc quy định quyền được sống sẽ dẫn đến xung đột với án tử hình; nếu quy định “Mọi người có quyền sống” thì lại phải thêm cụm từ “Trừ trường hợp bị tước đoạt quyền sống theo quy định của luật”.

Quyền của công dân được các luật sư quan tâm “chỉnh sửa” nhiều nhất là các quyền liên quan đến tố tụng. Theo ý kiến của các Đoàn luật sư được Liên đoàn Luật sư tổng hợp thì Khoản 3, Điều 32 của Dự thảo cần quy định cụ thể là: “Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, tự mình hoặc thông qua người khác nhờ luật sư bào chữa. Trường hợp nhờ luật sư bào chữa, người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử có quyền giữ im lặng, không khai báo với cơ quan tiến hành tố tụng khi không có mặt luật sư”.

Theo Luật sư Trần Việt Hùng, lý do đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản này, thứ nhất, người bị bắt không có điều kiện nhờ luật sư bào chữa thì người khác nhờ luật sư bào chữa cho họ cũng được. Điều này nhằm tạo điều kiện thực tế hóa khả năng thực hiện quyền bào chữa của họ.

Thứ hai, quy định như trên để bảo đảm việc lấy lời khai, thu thập chứng cứ buộc tội của cơ quan tiến hành tố tụng được khách quan, có người thứ ba là luật sư chứng kiến việc lấy lời khai để đảm bảo lời khai khách quan, bảo đảm người cung cấp lời khai đó không bị ép cung, dụ cung hoặc bị dùng nhục hình, làm cho chứng cứ buộc tội đối với họ không khách quan, gây thiệt thòi cho bản thân họ.

Nguồn: http://phapluatvn.vn/tuphap/xaydungpl/

 

0 Lời Bình:

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Stumbleupon More