Đây là giải thưởng của tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) và tập đoàn Google dành cho các cá nhân đã có nỗ lực vượt qua kiểm soát, kiểm duyệt mạng, thúc đẩy tự do ngôn luận và tự do internet trên thế giới.
Danh sách chín blogger hiện đang ở trên trang mạng do RSF lập ra để thu thập phiếu bầu và kêt quả sẽ được công bố ngày 7/3 tới.
Ông Huỳnh Ngọc Chênh chia sẻ với BBC ý nghĩ của ông về tình trạng kiểm soát mạng và blogs ở Việt Nam, "hiện tượng nhà báo Nguyễn Đắc Kiên", và việc ông được đề cử giải thưởng.
Blogger Huỳnh Ngọc Chênh: Kể ra thì việc đề cử cũng khá bất ngờ. Trước đó thì tổ chức RSF cũng gọi điện phỏng vấn tôi. Nay biết là Việt Nam chỉ có mình tôi thì cũng hơi bất ngờ thật.
Cảm giác là so với nhiều người thì mình cũng chưa xứng đáng lắm. Thứ hai là cũng có chút lo lắng. Lo là sẽ khó khăn cho mình về sau trong việc viết lách hay đi lại.
BBC: Ông nhận xét thế nào về không khí kiểm soát, kiểm duyệt không gian mạng ở Việt Nam trong tương lai gần?
Blogger Huỳnh Ngọc Chênh: Hiện giờ thì người ta vẫn chặn một số trang blog, chủ yếu là chặn bằng đường truyền. Thí dụ trang của tôi bị VNPT chặn.
Cũng không biết tương lai thế nào, nhưng tôi có sự lạc quan là ngày càng nhiều người viết, phát biểu ý kiến của mình trên nhiều trang khác nhau cũng như mạng xã hội.
Cho tới nay thì các hình thức ngăn chặn vẫn mới chỉ là bằng tường lửa hay đường truyền. Những người viết như tôi vẫn chưa gặp khó khăn gì từ các cơ quan nhà nước.
Tuy nhiên họ cũng thông qua cơ quan cũ của tôi là báo Thanh Niên, hay người quen, nhắn nhủ với tôi là "nên bớt bớt lại".
Nhưng tôi viết đúng trong khuôn khổ pháp luật thôi, lúc nào cũng như vậy, không thêm mà cũng không bớt.
BBC: Chắc là ông cũng biết việc một đồng nghiệp trẻ của ông, anh Nguyễn Đắc Kiên, viết blog phản bác lại phát biểu của Tổng bí thư Đảng CSVN và sau đó bị cho thôi việc?
Blogger Huỳnh Ngọc Chênh: Anh Kiên là nhà báo dũng cảm, thắng thắn và vững vàng. Dũng cảm nhất là khi anh cất tiếng nói trong khi còn đang làm việc.
Những điều mà anh nói, theo tôi, hoàn toàn không sai về mặt pháp luật, vì chỉ trao đổi về những điều mà lãnh đạo phát biểu. Bởi vậy cho anh nghỉ vì lý do đó thì quá sai.
Tôi không cho đây là chủ trương từ trên cao xuống, mà cho đây là sự sợ hãi của tổng biên tập báo Gia đình-Xã hội hay cơ quan chủ quản báo, muốn cho anh Kiên nghỉ việc liền để khỏi phiền hà với cấp trên.
Quyết định như vậy là sai pháp luật.
BBC: Theo ông, ở Việt Nam những nhà báo như Nguyễn Đắc Kiên có nhiều không, và những tổng biên tập như ông Lê Cảnh Nhạc của tờ Gia đình-Xã hội có nhiều không ạ?
Blogger Huỳnh Ngọc Chênh: Hầu như tổng biên tập nào cũng giống như ông Nhạc, bởi vì họ là người của Đảng chuyển qua, giao nhiệm vụ để quản lý tờ báo.
Do vậy họ phải làm công việc mà Đảng giao phó, ngăn chặn những ý kiến ngược lại chính sách của Đảng, nhắc nhở các nhân viên có ý kiến đó.
Còn những người như anh Kiên trong giới nhà báo trẻ thì nhiều lắm. Dũng cảm như anh Kiên thì ít, nhưng suy nghĩ như anh thì rất nhiều.
Tôi nói chuyện với bạn bè, đồng nghiệp trẻ, thì thấy những gì họ nghĩ và phát biểu cũng giống những gì tôi viết ra hay anh Kiên nói ra. Nhưng để công khai viết ra những gì họ nghĩ thì họ không dám làm, vì biết hậu quả sẽ là như thế nào.
Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2013/03/130301_netizen_award.shtml
0 Lời Bình:
Đăng nhận xét