25/4/13

Báo Thanh Niên gỡ bài về "rửa vàng"

Cửa hàng vàmg
Báo Thanh Niên Online vừa phải gỡ bài viết với luận điểm cho rằng đã có tình trạng trục lợi chính sách để "rửa" số lượng vàng lậu tràn vào Việt Nam sau khi Ngân hàng Nhà nước bác bỏ tin này, đồng thời mời Bộ Công an vào cuộc.

Tờ báo này hôm thứ Năm 25/4 cũng đã đăng lời xin lỗi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng độc giả với lời giải thích "do dịch và hiểu chưa đúng về các thuật ngữ nên phóng viên đã nhầm lẫn, dẫn tới sai sót khi phân tích về giao dịch vàng trong nước."

Trước đó, chiều 24/4, tức ngay trong ngày bài báo ra, Ngân hàng Nhà nước đã ra Thông cáo báo chí bác bỏ các luận điểm của bài báo trên, đồng thời ra công văn gửi Tổng cục An ninh II - Bộ Công an, “về việc báo Thanh Niên đăng tin sai lệch về chính sách quản lý thị trường vàng” và yêu cầu Bộ Công an vào cuộc.

Vàng "lạ"?

Bài viết đăng trên Thanh Niên ngày 24/4 của tác giả Nguyên Hằng đã dựa vào chỉ số Tổng nhu cầu vàng Việt Nam từ Hiệp hội Vàng thế giới để nhận xét Việt Nam đã nhập tổng cộng 25,5 tấn vàng trong năm 2011 và 2012 trong khi Ngân hàng Nhà nước chưa cấp phép cho bất cứ đơn vị nào nhập vàng nữ trang.

"Nếu đúng thì số vàng nữ trang với khối lượng lên tới trên 25,5 tấn này là nhập lậu hoàn toàn," trích bài viết.

Cũng theo bài viết, có 87,8 tấn vàng thỏi nhập vào Việt Nam trong năm 2011 và 75,2 trong năm 2012 trong khi Ngân hàng Nhà nước cũng không cấp phép công ty nào được nhập loại vàng này.

"Muốn hợp pháp hóa số vàng lậu chỉ có con đường duy nhất là "xuất ra rồi nhập trở lại"
Nguyên Hằng, tác giả bài viết "Rửa vàng bằng cơ chế?"

"Thứ nhất là Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại mua trạng thái nước ngoài và thứ hai là vàng thỏi nhập lậu," bài viết nhận xét.

"Ngoài 'chui' vào kênh vàng nữ trang, vàng lậu còn có thể được dập thành vàng miếng giả thương hiệu SJC, vàng nữ trang dưới tên gọi phi SJC."

"Rửa vàng bằng cơ chế?"

Tuy nhiên, theo lập luận của bài viết, "Ngân hàng Nhà nước đã chính thức quản lý việc dập vàng miếng thương hiệu độc quyền SJC" nên nếu muốn hợp pháp hóa số vàng lậu chỉ có con đường duy nhất là "xuất ra rồi nhập trở lại."

Cùng lúc đó, Ngân hàng Nhà nước lại cho phép tạm xuất vàng phi SJC để tái nhập 11 tấn vàng khối về dập vàng miếng SJC, điều mà theo tác giả bài viết là "dễ tạo điều kiện cho vàng lậu được đưa vào diện phi SJC, sau đó xin phép xuất ra để nhập vào để hợp thức hóa thành vàng chính ngạch."

Tiếp tục dựa theo chỉ số Tổng nhu cầu vàng Việt Nam từ Hiệp hội Vàng thế giới, tác giả Nguyên Hằng cho rằng sau khi đợt "tạm xuất, tái nhập" được 11 tấn vàng và đã được Ngân hàng Nhà nước bán hết sau phiên đấu thầu mới nhất", như vậy, còn khoảng "gần 15 tấn vàng lậu đang ẩn trên thị trường chờ cơ hội hợp pháp hóa."

"Nếu chỉ lấy mức chênh lệch giữa vàng trong nước và thế giới trung bình là 3 triệu đồng/lượng thì với 25,5 tấn vàng nhập lậu, lợi nhuận từ vàng lậu lên cả trăm triệu đôla," theo bài viết.

Sai về kỹ thuật

Ông Vũ Quan Huy nói số liệu từ Hội đồng Vàng thế giớ "không phải là con số nhập khẩu"

Sau khi bài viết được đăng tải, chiều tối ngày 24/4, kênh VTV đã đăng tải buổi phỏng vấn với ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước.

Ông Huy cho biết Ngân hàng Nhà nước đã liên lạc với đại diện của Hội đồng Vàng thế giới và được khẳng định số liệu họ đưa ra là "số ước tính liên quan đến nhu cầu vàng trong nước trong hai năm 2011, 2012."

"Đây không phải là con số nhập khẩu," ông Huy nói.

Như vậy, nếu lời giải thích của Hội đồng Vàng thế giới được ông Huy dẫn lại là có thật, đã có sự nhầm lẫn giữa khái niệm về cung và cầu trong bài viết của tác giả Nguyên Hằng.

Trả lời trước câu hỏi về khả năng việc tạm xuất, tái nhập bị lợi dụng để hợp thức hóa vàng lậu, ông Huy giải thích lý do của việc tạm xuất, tái nhập là do "quá trình kiểm định vàng miếng SJC diễn ra rất chậm," trong lúc người dân có nhu cầu chuyển vàng miếng phi SJC sang vàng SJC

Vì thế tạm xuất, tái nhập, theo ông Huy là để "đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, đáp ứng nhu cầu người dân" và được "áp dụng các biện pháp chặt chẽ để không xảy ra tình trạng trục lợi."

Nhiều chỉ trích

Bài viết của Thanh Niên, mặc dù có điểm sai về kỹ thuật, nhưng không phải là bài viết duy nhất chỉ trích về chính sách quản lý vàng của Ngân hàng Nhà nước được đưa ra gần đây.

Báo Pháp Luật TPHCM cùng ngày cũng có bài “Thị trường vàng: Nguy cấp! Điều hành vàng: Thất bại!” trong khi báo Tuổi Trẻ đặt vấn đề giá vàng trong nước không những không giảm mà ngày càng bỏ xa giá vàng thế giới trong bài “Ai mua hơn 12 tấn vàng đấu thầu?"

Trước đó, trong buổi phỏng vấn với BBC tiếng Việt hồi đầu tháng Tư, kinh tế gia Lê Đăng Doanh nói cách quản lý vàng của Ngân hàng Nhà nước là thiếu nhất quán và dễ tạo cơ hội cho nạn buôn lậu hoành hành.

Chính sách NHNN dễ tăng buôn lậu vàng?
Kinh tế gia Lê Đăng Doanh nói chính sách quản lý vàng của Ngân hàng Nhà nước đầy mâu thuẫn và dễ thúc đẩy tình trạng buôn lậu.

"Ngân hàng Nhà nước nói muốn bình ổn thị trường vàng nhưng lại không quan tâm đến việc giảm giá vàng," ông nói.

"Cách đây ít lâu, thông điệp của Thống đốc đưa ra là muốn kéo giá vàng về với giá thế giới. Nhưng gần đây ông ấy lại nói là không quan tâm tới điều ấy nữa."

"Ngân hàng Nhà nước muốn kiểm soát vàng chấm dứt hiện tượng đầu cơ vàng và tình trạng buôn lậu."

"Nhưng giá vàng càng chênh lệch giữa giá trong nước và giá thế giới thì tạo điều kiện khuyến khích cho việc buôn lậu."

"Trong kinh tế học, người ta đã xác định nếu mức cách biệt giá quá lớn, không có bức tường thành nào của thuế qua hoặc hải quan có thể ngăn chặn được."

Nguồn:

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2013/04/130425_thanhnien_go_bai_gia_vang.shtml
 

0 Lời Bình:

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Stumbleupon More