3/4/13

Nhóm PV Đà Lạt: Nhiều sai phạm nghiêm trọng tại trường cao đẳng sư phạm Đà Lạt



Sau nhiều đơn, thư tố cáo của cán bộ, giáo viên, sinh viên Trường cao đẳng sư phạm Đà Lạt (CĐSP) về những việc làm “tác oai tác quái” của ông Bùi Lương- Hiệu trưởng nhà trường, vừa qua Uỷ ban kiểm tra Tỉnh uỷ Lâm Đồng (UBKT) đã phải vào cuộc. Nhiều sai phạm nghiêm trọng bắt đầu lộ diện…
Năm 2007 ông Bùi Lương được điều về làm Hiệu trưởng Trường CĐSP- một ngôi trường xinh đẹp bậc nhất của “thành phố hoa” - nhằm đào tạo ra các thầy cô giáo phục vụ cho sự nghiệp “trồng người”. Ít ai ngờ rằng từ ngày về nắm giữ trọng trách tại ngôi trường này, sau khi yên vị, ông Lương bắt đầu “làm mưa làm gió”.  Điều khiến nhiều người có thể nhìn thấy đầu tiên ở vị Hiệu trưởng này là thu chi vô tội vạ, bất chấp quy định của pháp luật, khiến không ít sinh viên, thầy cô giáo phải lắc đầu.

Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt. Ảnh minh họa nguồn Internet
Thu cao hơn quy định…
Cụ thể, ông Lương đã cho thu các khoản tuyển sinh lớp CĐSP mầm non, lớp Trung cấp SP mầm non hệ vừa học vừa làm năm 2012 cao hơn mức quy định tại Thông tư liên tịch số 21 ngày 11/2/2010 của Bộ Tài chính và Bộ GD&ĐT với số tiền vừa phát hiện là 13.870.000đ. Bên cạnh đó, ông Hiệu trưởng còn giao cho Phòng Đào tạo thu lệ phí bán hồ sơ, lệ phí tuyển sinh, lệ phí ôn thi tại chức, từ xa theo giá… “trên trời”;  thậm chí có lúc thu không có hoá đơn; thu tiền nhưng không nộp về Phòng Kế hoạch Tài chính mà tự quản lý sử dụng 13.595.000đ.
Ngoài ra, ông còn cho thu lệ phí cấp Giấy chứng nhận và học phí bồi dưỡng nghiệp vụ cô nuôi dạy trẻ tại huyện Đạ Tẻh không đúng quy định với số tiền là 15.900.000đ; hạch toán nhiều khoản chi không đúng nguồn, không đúng nội dung chi như chi tiền quản lý đào tạo cho Ban quản lý đào tạo và các bộ phận phối hợp lên tới 936.325.803đ.
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng còn phát hiện nhiều chứng từ thanh toán không đúng quy định như: Không quy định cụ thể mức chi cho từng nội dung, đối tượng tham gia quản lý, đào tạo; không phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; không khoán việc bằng văn bản hoặc theo dõi chấm công đối với các thành viên Ban quản lý đào tạo, bộ phận phối hợp, bộ phận giúp việc để làm cơ sở thanh toán, nên khi chi tiền chỉ mang tính ước lượng theo hình thức người nào có chức vụ và hệ số lương cao thì được hưởng nhiều, người nào chức vụ hệ số lương thấp thì hưởng ít.
Đó là chưa nói ông Lương còn cho phép chi tiền cho công tác thu, quản lý và chỉ đạo thu học phí của các lớp đào tạo, liên kết đào tạo ngoài sư phạm, không chính quy và các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ 153.464.043đ; trong đó chi cho một số cán bộ, viên chức trùng với nội dung chi quản lý đào tạo là 120.741.060đ.
…Và chi vô tội vạ
Qua kiểm tra cũng đã “lộ” ra nhiều khoản chi không đầy đủ chứng từ 18.060.000đ, trong đó có phiếu chi số 128 ngày 30/9/2009 chi cho chính ông Bùi Lương là 7.200.000đ. Ngoài ra, còn có nhiều khoản thanh toán không đúng quy định, trùng với nội dung chi với số tiền 10.985.400đ. Trong khi đó, ông lại chỉ đạo cho tăng mức thu tiền nội trú ký túc xá sinh viên từ 40.000đ lên 80.000đ/tháng với số tiền thu sai quy định lên tới 132.800.000đ khiến nhiều sinh viên của trường vốn đã khó khăn lại càng khốn đốn hơn!
Đáng nghi ngại là số liệu thu, chi tài chính các lớp đào tạo, liên kết đào tạo ngoài sư phạm, không chính quy, bồi dưỡng nghiệp vụ  giữa sổ kế toán chi tiết và báo cáo tài chính không khớp nhau, nhưng kế toán không giải thích được nguyên nhân. Cụ thể: Số dư đầu kỳ năm 2009 trên sổ chi tiết nhiều hơn trên báo cáo tài chính là 332.261.170đ; số tiền chi từ năm 2009 đến năm 2011 trên sổ chi tiết nhiều hơn trên báo cáo tài chính là 612.701.059đ…
Ngoài ra, Đoàn kiểm tra còn phát hiện các khoản thu từ việc đào tạo, liên kết đào tạo ngoài ngân sách, sau khi đã trích trừ đi chi phí hợp lý, nộp thuế và các khoản phải nộp theo quy định, phần chênh lệch thu chi đối với các lớp đã đào tạo xong từ 1/1/2009 đến 30/4/2012, nhưng không trích lập quỹ theo quy định với số tiền là 234.219.002đ. Đó là chưa nói khoản tiền trích lập quỹ giao dịch trái phép là 64.630.000đ; thu lệ phí ôn thi, lệ phí thi, cấp chứng chỉ tin học cao hơn mức quy định từ năm 2009 đến 30/4/2012 là 92.095.000đ; chi bồi dưỡng công tác thu và chỉ đạo thu học phí, lệ phí trùng với nội dung chi quản lý đào tạo 21.245.000đ.
Khó hiểu hơn là ông Hiệu trưởng đã cho sử dụng kinh phí cho thuê nhà ăn sinh viên, nhà để xe và nhà thi đấu đa năng để chi cho Ban quản lý điều hành và phục vụ các hợp đồng cho thuê “không hợp lý” với số tiền lên đến 97.497.750đ; sử dụng nguồn kinh phí nói trên để nhập quỹ phúc lợi số tiền 185.674.224đ và quỹ công đoàn số tiền 37.548.000đ không đúng với quy định tại Điều 33 Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008.
Đặc biệt, khi mua sắm tài sản, thiết bị cho nhà trường, ông Lương không trình Sở GD&ĐT, Sở Tài chính phê duyệt chủ trương mua sắm, phê duyệt kế hoạch đấu thầu, phê duyệt hồ sơ mời thầu và kết quả đấu thầu với những gói thầu có giá trị trên 100.000.000đ mà ông tự cho mình cái quyền “duyệt tất”!
Ngoài những thông tin PLVN đã đưa, nguy hại hơn, trong thời gian làm Hiệu trưởng kiêm Bí thư Đảng uỷ nhà trường, ông Bùi Lương đã không thực hiện đúng công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo.
Cụ thể, khi quy hoạch A2 chức danh Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, ông Lương đã “mạnh dạn” đưa cả những người không đủ số phiếu giới thiệu tín nhiệm vào quy hoạch; hồ sơ quy hoạch A2 không có lý lịch CBVC, không có văn bằng, chứng chỉ; không có nhận xét đánh giá cán bộ của Hiệu trưởng, nhận xét của cấp uỷ nơi cư trú và không có bản kê khai tài sản cá nhân theo quy định. Đặc biệt, cũng không thực hiện quy hoạch A2 đối với cán bộ lãnh đạo quản lý cấp khoa, phòng và không rà soát, bổ sung quy hoạch A3 theo quy định của Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, quyết định của UBND tỉnh và sự chỉ đạo của Sở GD&ĐT.

Đáng lưu ý hơn, thời gian qua ông Lương còn cho xây dựng, ban hành văn bản số 612 ngày 12/8/2009 quy định quy trình bổ nhiệm cán bộ quản lý các khoa, phòng, nhưng lại không quy định vai trò lãnh đạo của Đảng uỷ nhà trường trong công tác bổ nhiệm cán bộ, viên chức lãnh đạo và không quy định trách nhiệm Hiệu trưởng và tập thể Ban Giám hiệu nhận xét, đánh giá đối với cán bộ được đề xuất. Khi bổ nhiệm hoặc cho thôi giữ chức vụ đối với cán bộ, viên chức ông Lương cũng không tranh thủ sự lãnh đạo của Đảng uỷ, không trình Sở GD&ĐT phê duyệt chủ trương bổ nhiệm mà hầu như tự mình “quyết tất ”!
Đó là chưa kể việc thành lập Trạm y tế không đúng theo quy định của Bộ GD&ĐT; sáp nhập Trung tâm Ngoại ngữ- Tin học chưa đúng và không đầy đủ với quy trình; tự “bổ nhiệm” mình kiêm Giám đốc Trung tâm; tiếp nhận và hợp đồng lao động đối với cán bộ, viên chức không đúng với quy định...
Kỳ lạ hơn, năm 2008, ông Lương tự chuyển ngạch lương cho bản thân từ ngạch giáo viên trung học sang ngạch giảng viên chính; tự cho phép liên kết đào tạo, cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm  cô nuôi dạy trẻ cho chủ trường, nhóm nhà trẻ gia đình và giáo viên dạy trẻ chưa qua đào tạo tại các huyện không đúng chức năng, nhiệm vụ.
Kết thúc kiểm tra, UBKT Tỉnh uỷ Lâm Đồng nhận xét: “Khuyết điểm, vi phạm của đồng chí Bùi Lương là nghiêm trọng, tạo nghi ngờ thắc mắc trong nội bộ, phát sinh đơn thư tố cáo khiếu nại kéo dài, từ đó làm ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của Đảng uỷ, ảnh hưởng đến nhiệm vụ chuyên môn của nhà trường và ảnh hưởng đến uy tín cá nhân của đồng chí Lương”.
UBKT cũng thừa nhận rằng những khuyết điểm, vi phạm của ông Lương đã đến mức phải cách chức, nhưng lại cho rằng: “Khuyết điểm, sai phạm có phần trách nhiệm tham mưu của cấp dưới, đồng thời trong quá trình kiểm tra, đồng chí Bùi Lương luôn phối hợp tốt với Đoàn kiểm tra và trung thực, thẳng thắn nhận khuyết điểm, vi phạm từ đầu. Do đó UBKT Tỉnh uỷ áp dụng hình thức giảm nhẹ để quyết định kỷ luật đồng chí Bùi Lương bằng hình thức cảnh cáo về Đảng và đề nghị cảnh cáo về mặt chính quyền”.
Nhiều thầy cô giáo và dư luận địa phương tỏ ra chưa đồng tình với hình thức xử lý nói trên vì cho rằng có biểu hiện “giơ cao đánh khẽ”. Tiếp xúc với PLVN, một số thầy cô công tác lâu năm, đang giữ vị trí Trưởng, phó khoa tại trường cho biết: Những số tiền sai phạm mà UBKT đưa ra chỉ mới là “phần nổi của tảng băng chìm”.
Thời gian qua, ông Lương còn cho mở các lớp cao đẳng chính quy ngoài sư phạm trái quy định thu học phí 1.500.000đ/học viên/học kỳ với khoảng 1.000 sinh viên thuộc 6 ngành: Tiếng Anh thương mại, Văn hoá du lịch, Thông tin thư viện, Công nghệ sinh học, Công nghệ thiết bị trường học, Tin học ứng dụng; vị chi 1 năm thu khoảng 3 tỉ đồng, số tiền này đi về đâu và rơi vào túi ai?

Thiết nghĩ, đã đến lúc Thanh tra của Bộ GD&ĐT và các cơ quan chức năng cần tiếp tục làm rõ những sai phạm nghiêm trọng về tài chính ở Trường CĐSP Đà Lạt  và trả lời công luận. PLVN sẽ tiếp tục theo dõi, thông tin đến bạn đọc.

Nhóm PV Đà Lạt

http://phapluatvn.vn/nhipcaubandoc/dieu-tra/201304/Nhieu-sai-pham-nghiem-trong-tai-truong-cao-dang-su-pham-da-Lat-Ky-2-2076724/


0 Lời Bình:

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Stumbleupon More