Anh Cương với tấm bằng thạc sĩ loại giỏi rong ruổi xin việc suốt 2 năm nay nhưng vẫn thất nghiệp. Ảnh: Nguyễn Đông |
Bảo vệ luận văn thạc sĩ với tấm bằng đỏ, 2 năm nay anh Nguyễn Văn Cương (gốc Hà Tĩnh) phải đi làm phụ xe lấy phí xin việc. Nhưng rong ruổi khắp từ Quảng Bình đến Lâm Đồng, anh vẫn thất nghiệp.
Dáng cao gầy cùng nước da ngăm đen, thạc sĩ Cương nhìn già hơn nhiều so với tuổi 29. Vừa bắt xe từ Lâm Đồng ra Đà Nẵng tìm kiếm cơ hội việc làm nhưng không có kết quả, anh Cương nói giọng buồn thiu: "Cứ nghĩ học kiếm cái bằng thạc sĩ sẽ dễ tìm được công việc như mong muốn nhưng bây giờ nản quá rồi, không muốn đi nữa!".
Sinh ra trong gia đình ngư dân có 8 anh em ở xã Xuân Hội (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), anh Cương được bố mẹ dồn tiền cho đi học đại học khi 7 anh chị em khác phải nghỉ ngang cấp 3 để mưu sinh. Nhà nghèo, gia đình phải làm đơn vay ngân hàng để chu cấp tiền hàng tháng cho Cương. Chàng sinh viên ngành Lịch sử (ĐH Phú Xuân Huế) cũng lăn lộn đi làm thêm.
Anh Cương với tấm bằng thạc sĩ loại giỏi rong ruổi xin việc suốt 2 năm nay nhưng vẫn thất nghiệp. Ảnh: Nguyễn Đông
Tốt nghiệp đại học, anh Cương tính đi làm nhưng loay hoay mãi mới xin được chân bảo vệ ở khách sạn nên quyết thi cao học ngành Sử Thế giới, ĐH Khoa học Huế, với hy vọng có bằng thạc sĩ chính quy sẽ dễ xin việc hơn. Thời gian này tiền chu cấp học hành cho anh Cương chủ yếu từ người em đi xuất khẩu lao động nước ngoài gửi về. Ngoài ra, anh đi phụ hồ, bồi bàn khách sạn để nuôi ước mơ trở thành thạc sĩ.
Ra trường tháng 12/2011 với tấm bằng thạc sĩ loại giỏi, anh Cương hồ hởi với mơ ước sẽ được đứng trên bục giảng chứ không muốn làm trái nghề. Sau nhiều đêm thức trắng lên mạng tìm kiếm thông tin trường có nhu cầu tuyển giáo viên, nơi nào có chính sách thu hút cho thạc sĩ, anh lại tức tốc lên đường nộp hồ sơ. 2 năm trời chàng thạc sĩ rong ruổi khắp Ninh Bình, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, Bình Dương…
"Khi biết Sở GD&ĐT Ninh Bình có chính sách ưu tiên cho thạc sĩ, tôi đến nộp đơn thì nhận được trả lời phải tìm hiểu trường THPT nào có nhu cầu thì nộp đơn cho trường, sau đó trường gửi lên Sở mới tiếp nhận. Sở Giáo dục sao không nắm được trường nào đang thiếu giáo viên mà lại yêu cầu thạc sĩ đi tìm hiểu và nộp đơn?", anh Cương thắc mắc nhưng đành ngậm ngùi cầm đơn xin việc về.
Nghe tin ở tỉnh Lâm Đồng có chương trình ưu tiên thạc sĩ, anh Cương nộp đơn và thấy mừng khi nhìn danh sách chỉ có một số ít thạc sĩ. Hồi hộp lên mạng xem kết quả, anh buồn rầu khi không thấy tên mình. Điện hỏi trực tiếp thì được trả lời ưu tiên cho người trong tỉnh trước. Thạc sĩ trẻ bất bình khi trong danh sách trúng tuyển chủ yếu là người ngoại tỉnh.
Đến một trường cao đẳng sư phạm ở Đà Nẵng, anh Cương gặp trưởng phòng nhân sự hỏi thì được biết trường hiện đang thiếu giáo viên chuyên ngành sử bởi năm nay có 2-3 người nghỉ hưu. Lúc tiếp nhận hồ sơ của anh, vị trưởng phòng xem qua và tỏ ra rất hài lòng, hẹn một tuần sau sẽ điện lại để gặp phó hiệu trưởng trao đổi thêm. Đợi mãi không thấy hồi âm, anh Cương điện lại thì được biết nhà trường đã tuyển người khác là một cử nhân.
Đi nhiều địa phương khác, thạc sĩ Cương gặp phải khó khăn khi đơn vị tuyển dụng yêu cầu hộ khẩu. Tính về quê Hà Tĩnh xin việc, anh lại giật mình khi biết thông tin tỉnh này đang thừa giáo viên, đặc biệt là ngành sử.
"Nhiều nơi tôi đến xin việc thì nhận được lời giải thích nửa vời rằng quan trọng là bốn năm học đại học thôi chứ 2 năm học thạc sĩ thì không quan trọng. Và họ gạt ngay hồ sơ vì cho rằng bằng đại học của mình mang mác dân lập. Có nơi trưởng khoa còn nói trường chưa có tiền lệ tuyển giảng viên ngoài công lập, dù bằng thạc sĩ trường công lập loại giỏi. Tôi muốn việc tuyển dụng tại các trường phải công khai để mọi người có quyền được cạnh tranh năng lực, nhưng thấy khó quá!", anh Cương tâm sự.
Theo anh Cương, nhiều thạc sĩ như anh hiện cũng thất nghiệp dù đủ mọi chứng chỉ. Ảnh: Nguyễn Đông
Bố mẹ già chuyển vào Lâm Đồng sống cùng anh trai, anh Cương cũng chuyển hộ khẩu với hy vọng vùng đất mới nhu cầu nhân lực sẽ cao hơn, nhưng rồi kết quả những lần xin việc sau đó không khá hơn trước. Chán nản, anh đi làm phụ xe tải, bốc vác thuê và cho biết rất ái ngại khi có ai đó vô tình hỏi về công việc. "Nhiều đêm nghĩ cả gia đình đã vất vả ngần ấy năm cho mình đi học đến thạc sĩ, giờ không xin việc đúng ngành nghề sẽ phụ lòng bố mẹ, anh chị nên được bao nhiêu tiền trong một năm làm phụ xe tôi lại lấy làm lộ phí lên đường đi xin việc", thạc sĩ trẻ trải lòng.
Rong ruổi nhiều nơi, không ít lần anh Cương rơi vào cảnh túng thiếu, phải nhờ đến sự cưu mang của bạn bè và chưa dám nghĩ đến chuyện lập gia đình vì chưa tự nuôi thân. Anh cho biết thêm, trong số nhiều bạn bè cùng tốt nghiệp với mình phần nhiều đi làm trái nghề, một số đang thất nghiệp. Những người may mắn có việc làm thường xuyên hỏi thăm, động viên và thông báo giúp nhau khi biết những nơi đang tuyển dụng thạc sĩ.
"Tôi không quá bi quan vào tương lai, bởi biết khả năng của mình thế nào, nhưng thiết nghĩ với những gì diễn ra hiện nay các trường đào tạo cần có nhiều hơn nữa các buổi tư vấn trước mùa tuyển sinh, và định hướng ngành nghề thật tốt cho các em trước mỗi mùa thi, chứ không thể để học sinh thiếu đi sự định hướng như bọn mình", anh Cương nói.
Trao đổi với VnExpress.net, thầy Phạm Phú Phong, giảng viên khoa Văn ĐH Khoa học Huế thừa nhận học viên ngành xã hội hiện chủ yếu đi làm trái nghề. "Thạc sĩ ra trường muốn phục vụ cho việc nghiên cứu, đào tạo thế hệ trẻ là điều đáng quý, nhưng phần nhiều họ không được chào đón. Xét cho cùng, họ là nạn nhân của thời đại đào tạo thiếu định hướng như hiện nay", thầy Phong nói.
Nguyễn Đông
http://vnexpress.net/gl/doi-song/cau-chuyen-cuoc-song/2013/04/thac-si-di-phu-xe-lay-tien-xin-viec/
0 Lời Bình:
Đăng nhận xét