GS Ngô Bảo Châu là một trong những người khởi xướng trang Cùng viết Hiến pháp |
Hồi đầu tháng này, nhóm Cùng Viết Hiến Pháp đã gửi một số ý kiến đóng góp và Bấm Những đề xuất bổ sung, sửa đổi các điều khoản cụ thể trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 92 tới Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và Quốc hội Việt Nam.
Nhóm này do các giáo sư Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn và cựu Tổng Biên tập báo VietnamNet Nguyễn Anh Tuấn khởi xướng, trưng cầu ý kiến thông qua trang mạng Bấm Cùng Viết Hiến Pháp trong hai tháng qua.
Các đề xuất của nhóm Cùng Viết Hiến Pháp liên quan tới sửa đổi 29 điều trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và thêm một điều mới.
Đáng chú ý nhất có thể nói là các đề xuất sửa đổi một số điều trong Chương I, hiến định Chế độ chính trị của nước Việt Nam.
Trong đó, trang Cùng Viết Hiến Pháp đề nghị sửa Điểm 1, Điều 2 thành:"Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Nhà nước chỉ được làm những gì luật pháp cho phép, người dân được làm tất cả những gì luật pháp không cấm".
Điểm 2: "Các cơ quan nhà nước phải phối hợp và giám sát nhau trong việc thực hiện chức năng độc lập: lập pháp, hành pháp và tư pháp".
Đặc biệt, Điều 4 hiến định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhóm Cùng Viết Hiến Pháp đề nghị sửa ba điểm.
Điểm 1: "Đảng Cộng sản Việt Nam là tổ chức chính trị nhận trách nhiệm lãnh đạo nhà nước do nhân dân ủy thác thông qua quá trình bầu cử tự do. Đảng Cộng sản Việt nam cử đại biểu của mình tham gia tranh cử vào các chức danh của bộ máy nhà nước".
Điểm 2: "Đảng Cộng sản Việt Nam, các cơ quan và đảng viên của Đảng chấp hành hiến pháp và pháp luật".
Điểm 3: "Các hoạt động của Đảng phải chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân. Cơ chế kiểm tra, giám sát của nhân dân đối với các hoạt động của Đảng được luật quy định".
Gây tranh cãi
Ngoài ra, đề xuất của Cùng Viết Hiến Pháp cũng đề nghị bỏ câu “Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt” trong Điều 5, Chương I.
"Đảng Cộng sản Việt Nam là tổ chức chính trị nhận trách nhiệm lãnh đạo nhà nước do nhân dân ủy thác thông qua quá trình bầu cử tự do. Đảng Cộng sản Việt nam cử đại biểu của mình tham gia tranh cử vào các chức danh của bộ máy nhà nước."
Đề xuất của Cùng viết Hiến pháp
Kiến nghị đối với Điều 42 về giáo dục có điểm: "Bậc giáo dục tiểu học là bắt buộc và miễn phí tại các trường công lập".
Điều 70 của Dự thảo Hiến pháp, trong đó viết "Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân" được đề nghị thay bằng Điều 45 của Hiến pháp 1992, viết "Các lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc".
Việc phân tách quân đội và sự lãnh đạo của Đảng là điểm đang gây tranh cãi. Một số kiến nghị gửi tới Quốc hội Việt Nam, như Kiến nghị 72 do nhóm nhân sỹ trí thức trong nước khởi xướng cũng đề xuất điều này; trong khi báo chí nhà nước đăng nhiều bài chính luận đả phá việc "phi chính trị hóa quân đội".
Một điểm gây tranh cãi nhiều trên các trang mạng sau khi nhóm Cùng Viết Hiến Pháp công bố các đề xuất của mình, là sửa đổi Điều 4 Hiến pháp.
Một số ý kiến mà BBC nhận được cho rằng đề nghị của Cùng Viết Hiến Pháp về điều này "phi logic" và có nhiều điểm chưa rõ như "bầu cử tự do" là thế nào; nếu dân không bầu thì "trách nhiệm lãnh đạo" của Đảng CSVN thực hiện ra sao...
Tuy nhiên cũng có ý kiến nói rằng đây là "giải pháp mềm cho Điều 4", "dễ được chấp thuận hơn là đề xuất bỏ hoàn toàn" điều này.
Về sửa đổi này, nhóm Cùng Viết Hiến Pháp giải thích trong một Bấm văn bản khác, cũng đã được gửi tới Ủy ban Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp 1992: "Chúng tôi cho rằng việc bổ sung Điều 4 vào Hiến pháp 1980 nói về sự lãnh đạo của Đảng là không thực sự cần thiết, nhưng đã là một thực tế lịch sử".
Họ viết: "Chúng tôi cũng cho rằng trong hoàn cảnh hiện tại, việc bỏ Điều 4 có thể dẫn đến những hậu quả chưa thể lượng định đối với tiến trình phát triển trong ổn định của đất nước".
Hiện chưa rõ phản hồi của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đối với các đề xuất của Cùng Viết Hiến Pháp.
Trong lúc đó, ngày 28/3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng - người cũng là Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, được truyền thông trong nước dẫn lời cho biết đã có 20 triệu lượt góp ý cho Dự thảo Hiến pháp.
Source: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2013/04/130406_cvhp_proposal.shtml
0 Lời Bình:
Đăng nhận xét