Sau khi Nhà nước can thiệp để kiềm cơn bùng nổ điên cuồng của giá gas thì thị trường lại đang đứng trước tin đồn xăng, dầu tăng sắp tăng giá. Điều này gây sức ép nặng nề lên mục tiêu lạm phát và lãi suất vẫn còn tiếp tục phấp phỏng.
Tỷ giá ổn định đang ủng hộ việc giảm lãi suất nhưng các yếu tố giá trên thị trường vẫn còn đè nặng.
Trong hơn hai tháng đầu năm, thị trường liên tục nhận được những tin tốt từ kinh tế vĩ mô và khi một số ngân hàng hạ dần lãi suất, người kinh doanh tưởng như có thể “thở phào” vì báo trước một năm mà đồng vốn không còn khan hiếm như năm 2011.
Tỷ giá ủng hộ
Khác với những năm trước, thời gian đầu năm nay vấn đề tỷ giá không vấp phải tình trạng căng thẳng thường gặp.
Mức nhập siêu trong hai tháng chỉ hơn 600 triệu USD, so mức gần 2 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái. Cải thiện được nhập siêu chính là yếu tố căn bản để giảm cầu USD.
Bên cạnh đó, cùng với lượng kiều hối tăng, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được duy trì và cán cân thanh toán được cải thiện cũng đã hỗ trợ tiền đồng trong thời gian qua, khiến tỷ giá trở nên ổn định.
Tại phiên tọa đàm trực tuyến với người dân hồi đầu năm, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng đã nêu thông điệp rất rõ ràng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là sẽ không phá giá tiền đồng hơn 3% trong năm 2012. Điều này bước đầu tạo niềm tin cho thị trường.
Việc hạn chế hoạt động đầu cơ vào ngoại tệ cũng đã được cơ quan này điều hành một cách thành công. Mức chênh lệch 11-12% giữa lãi suất tiết kiệm tiền đồng và USD có thể coi là khoảng cách đáng kể để hấp dẫn người dân giữ tài sản bằng tiền đồng hơn là ngoại tệ. Và theo báo cáo vĩ mô của Khối nghiên cứu Viet Capital Securities (VCSC) thì nhiều ngân hàng thậm chí còn bán khống ngoại tệ trong giới hạn cho phép nhằm hưởng lợi từ lãi suất tiền đồng cao.
Theo thông tin của NHNN, từ sau Tết đến nay, rất nhiều doanh nghiệp và người dân đi bán USD cho các ngân hàng thương mại. Nhiều người dân đã bán ngoại tệ lấy tiền đồng gửi các ngân hàng có mức lãi suất 14%/năm và hầu như không ai còn có kỳ vọng vào sự đột biến của tỷ giá.
Cơ quan điều hành tiền tệ cũng cho biết, hoạt động điều hành tỷ giá trong thời gian tới dự kiến sẽ đồng bộ với việc kiềm chế lạm phát và giảm lãi suất tiền đồng.
Yếu tố tăng giá hàng hóa đè nặng
Tuy nhiên, sau nửa năm kiềm được đà lạm phát thì những mối tiềm ẩn tăng giá thời gian này lại quay trở lại, mà cụ thể là giá điện, xăng dầu, khí đốt.
Mới đây, các doanh nghiệp xăng dầu tiếp tục đề xuất tăng giá xăng với mức từ 800 đến 1.000 đồng/lít.Tất nhiên lý do muôn thuở của bên cung ứng vẫn là do kinh doanh lỗ, cùng với đó lại là tác động tiêu cực từ biến động giá dầu trên thế giới khi quan hệ Phương Tây – Iran trở nên căng thẳng. Giá dầu đã đạt mức cao nhất trong vòng 9 tháng trở lại đây, gây sức ép cho giá xăng dầu nhập khẩu cũng như giá nhiên liệu trong nước.
“Trong nước, với nỗ lực để trì hoãn việc tăng giá xăng dầu, Bộ Tài chính đã quyết định giảm thuế nhập khẩu xăng dầu cho một số sản phẩm xuống còn từ 0-3% so với mức 4-5% bắt đầu từ ngày 21/2. Loại bỏ/giảm thuế nhập khẩu có thể giúp duy trì giá bán lẻ trong một thời gian, nhưng nếu xét thực tế là giá dầu đã tăng khoảng 8% kể từ cuối tháng 11, chúng ta có thể thấy áp lực tăng giá bán cho người tiêu dùng ngày một lớn” – ông Marc Djandji, Giám đốc Khối phân tích VCSC và chuyên gia kinh tế Đoàn Thị Thu Hoài nhận xét.
Thêm nữa, chỉ trong hai tháng đâu năm, giá gas bán lẻ trong nước đã trải qua 4 lần tăng giá mạnh và chỉ 1 lần giảm giá chính thức. Tổng số tiền tăng so với cuối năm ngoái là 110.000 đồng/bình gas 12kg.
Cùng với đó, lạm phát cũng phụ thuộc vào thời điểm và quy mô điều chỉnh tăng giá điện. Năm ngoái, chính phủ tăng giá điện hai lần với mức tăng 15,3% trong tháng 2 và 5% trong tháng 12. “Với tình hình EVN tiếp tục báo lỗ từ hoạt động kinh doanh, Chính phủ sẽ phải điều chỉnh giá điện ít nhất 10% trong năm nay”, trích báo cáo VCSC. Theo Bộ Tài chính, giá điện quốc gia vẫn thấp hơn 35% so với chi phí sản xuất.
Mặt bằng lãi suất có giảm được sớm?
Mối quan hệ lãi suất – lạm phát xưa nay vẫn gắn bó rất chặt chẽ, nếu nước nổi thì bèo nổi, nước rút thì bèo hạ theo.
Lãi suất có giảm được hay không còn phụ thuộc vào việc kiểm soát lạm phát của Chính phủ thời gian tới, liệu có đáp ứng được mục tiêu 1 con số trong 10 tháng tới khi đến nay lạm phát 2 tháng đã là 2,37%.
Nhận xét về bối cảnh hiện tại, chuyên gia Phạm Hải thuộc phòng nghiên cứu của ANZ cho biết, mức tăng 1,4% trong tháng 2 so mức 1% hồi tháng 1 là hệ quả của việc tăng giá thực phẩm, giá điện và khí đốt. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giá nước tại một số địa phương cũng gây thêm sức nặng lên CPI tháng 3 này.
Do vậy, khi những yếu tố này còn chưa kiểm soát được một cách chặt chẽ thì rủi ro lạm phát sẽ còn tăng trở lại.
Thời gian vừa qua, một số ngân hàng trong nhóm G12 đã thông báo giảm lãi suất cho vay khoảng 1-2% xuống còn 14,5-16%, song theo VCSC thì lãi suất ưu đãi này chỉ dành cho một số đối tượng khách hàng đặc biệt. Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu này, lãi suất cho vay phổ biến vẫn ở mức cao 19-20%/năm, và chỉ giảm 0,5% so với tháng trước.
Trong khi đó, ở phía đầu vào, lãi suất tiền gửi ở các ngân hàng nhỏ vẫn ở mức cao, một phần do các ngân hàng này cố gắng cải thiện bảng cân đối kế toán và phòng thủ trước áp lực sáp nhập từ phía NHNN. “Các ngân hàng lớn cũng phải giữ mức lãi suất tiền gửi cao để giữ thị phần. Một số ngân hàng lớn hiện thỏa thuận lãi suất tiền gửi trong khoảng 14-16% cho khách hàng VIP, thấp hơn 1-1,5% so với những tháng trước đây. Chúng tôi vẫn nghe một số ngân hàng nhỏ đưa lãi suất thoả thuận khoảng 19% cho các khách hàng VIP. Đối với khách hàng bình thường, hầu hết các ngân hàng đưa ra lãi suất huy động ở mức trần 14%” – theo VCSC.
Với tình hình hiện tại, rõ ràng, việc giảm ngay và giảm nhanh lãi suất là điều mà NHNN đang phải cân nhắc, khi kiềm lạm phát vẫn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của cơ quan quản lý điều hành. Những việc kiềm lạm phát chỉ thật sự mang ý nghĩa và có tác dụng mạnh với thực tế khi “bàn tay hữu hình” kiểm soát được chặt chẽ yếu tố giá ở những mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu, khí đốt, rồi đến lương thực, thực phẩm. Nói cho cùng, các yếu tố này sẽ quyết định đà lạm phát thời gian tới có tăng hay không.
Chỉ cần một động thái tăng giá điện hay xăng dầu vào thời gian trước mắt bên cạnh dự định tăng tương tối thiểu vào tháng 5, kỳ vọng thị trường sẽ chuyển biết. Một khi lạm phát tâm lý bùng nổ, việc hạ mặt bằng lãi suất để tới tay số đông doanh nghiệp thực sự cần vốn sẽ càng khó khăn hơn.
0 Lời Bình:
Đăng nhận xét