"Đảng muốn thực hiện chất vấn thì trước hết phải xem phê và tự phê có thực chất hay không? Nếu không có tinh thần này thì có hỏi, có trả lời cũng không có ý nghĩa", trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên ủy viên trung ương Đảng, trao đổi với báo.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng, tinh thần phê và tự phê phải nâng cao thì chất vấn trong Đảng mới đạt hiệu quả. Ảnh: Lê Hiếu.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng, tinh thần phê và tự phê phải nâng cao thì chất vấn trong Đảng mới đạt hiệu quả. Ảnh: Lê Hiếu.
- Nghị quyết Trung ương 4 nói nhiều đến tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống của một bộ phận đảng viên. Theo ông, biểu hiện nào của sự suy thoái này gây nguy hại nhất?
- Nghị quyết Trung ương 4 nêu ba vấn đề của Đảng ta hiện nay, đó là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Vấn đề nào cũng quan trọng, cấp bách, ảnh hưởng lớn đến sự lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Hiện nay, vấn đề lớn nhất, làm suy yếu năng lực lãnh đạo của Đảng là chủ nghĩa cá nhân. Cán bộ xa rời quần chúng, ngại va chạm, sợ đấu tranh. Khi lợi ích cá nhân trỗi dậy, trách nhiệm của người lãnh đạo không còn, thì sự suy thoái về phẩm chất tất yếu sẽ dẫn đến suy thoái chính trị.
- Nghị quyết trung ương 4 đã đưa ra nhiều giải pháp mới, trong đó có tổ chức lấy phiếu tín nhiệm hằng năm và thực hiện chất vấn trong Đảng. Ông đánh giá thế nào về những thay đổi này?
- Tôi rất ủng hộ việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm bởi cán bộ phải được sự giám sát của Đảng, của dân. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc nếu lãnh đạo bộc lộ yếu kém thì phải xử lý ngay chứ không phải chờ đến 2 năm. Đối với lãnh đạo cấp cao làm về chiến lược thì yếu kém bộc lộ chậm, nhưng cán bộ cơ sở sai là thấy ngay. Nếu phát hiện khuyết điểm mà không sửa thì cán bộ đó phải cho nghỉ việc, không cần chờ hết nhiệm kỳ hay thời gian 2 năm.
Về vấn đề chất vấn bây giờ mới đưa ra trong Đảng là muộn bởi Quốc hội đã thực hiện từ rất lâu. Tôi cho rằng đây cũng là một quyết định thể hiện quyết tâm thay đổi của Tổng bí thư. Đảng phải có chất vấn thì mới gương mẫu, đi đầu cho những tổ chức ngoài Đảng, nhà nước noi theo.
Đảng muốn thực hiện chất vấn thì trước hết phải xem phê và tự phê có thực chất hay không? Nếu không có tinh thần này thì có hỏi, có trả lời cũng không có ý nghĩa. Ai không có dũng khí phê và tự phê phải tìm cách thải loại.
- Nếu thực hiện quyết liệt nghị quyết trung ương 4, ông dự báo gì về tương lai của những cán bộ đang suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống?
- Sẽ không có sự loại bỏ hàng loạt vì quan điểm của Đảng ta là đấu tranh tìm cái sai để đi đến cái đúng. Ai phạm tội nặng thì bỏ tù, không làm được thì loại bỏ, còn có sai nhưng thấy được và quyết tâm sửa chữa thì giữ lại. Đó cũng là bài học từ trong chiến tranh, người chỉ huy mà quá nhát, chưa ra trận đã bỏ chạy thì đuổi ra ngoài, thậm chí đưa ra tòa án xử, ai có ý chí nhưng chưa có cơ hội phát huy thì tạo điều kiện cho họ bộc lộ, ai do dự thì khuyến khích.
Nội dung nghị quyết Trung ương 4 là để cải tạo, phát triển Đảng. Thế nên Đảng cần tạo cơ hội cho họ sửa sai theo quan điểm xây dựng.
- Theo trung tướng, làm thế nào để những điểm mới này có thể triển khai ngay?
- Lâu nay nghị quyết thì rất hay nhưng khi thực hiện không đạt như ý muốn. Nói như vậy không có nghĩa là không làm được mà chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, chưa đáp ứng nguyện vọng, mong muốn của nhân dân. Điều đó làm dân mất niềm tin.
Đảng có hai lựa chọn để biến những thay đổi đi vào thực chất, đó là tự sửa chữa hoặc sử dụng dân sửa Đảng. Đảng ta là của dân thì phải do dân đóng góp, dân đấu tranh để xây dựng. Đảng có mạnh thì quyền lợi của dân được đảm bảo.
- Từng là ủy viên Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội, ông góp ý gì cho nghị quyết Trung ương 4?
- Trình bày của Tổng bí thư về nghị quyết Trung ương 4 nếu đúng là từ trái tim của các ủy viên Trung ương Đảng thì chắc chắn Đảng sẽ xoay chuyển được tình hình. Nghị quyết này như việc gieo mầm của một vụ mùa và phải có quá trình chăm bón, tưới tiêu, trổ bông rồi mới gặt hái. Vậy nên Đảng không được nóng vội, nhân dân phải kiên trì giám sát, đấu tranh. Đảng thấy yếu chỗ nào sửa chỗ ấy như lúa xấu thì chăm bón, tưới tiêu.
Về nội dung Nghị quyết, tôi cho rằng 19 điều đảng viên không được làm có những điều không cần phải đưa. Có vấn đề cụ thể quá, lẽ ra nên gộp những vấn đề có tính nguyên tắc, việc gì pháp luật đã quy định thì không cần nói nữa bởi đảng viên phải gương mẫu thực hiện những quy định của pháp luật. Quần chúng vi phạm xử lý 1, đảng viên vi phạm xử lý 2, đó là sự gương mẫu. Nếu nói đảng viên cấm đánh bạc, thì lẽ nào phải nói đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm?
Bên cạnh đó, tôi cho rằng vấn đề chất vấn, phê và tự phê không chỉ thực hiện với các đồng chí trong ban chấp hành Trung ương khóa 11 mà phải mở rộng với cả những người từng giữ cương vị ở nhiệm kỳ trước. Lãnh đạo khóa mới vừa nhận chức được một năm, để kiểm điểm thì chưa ra nhiều vấn đề. Chúng ta cần đánh giá lại những người lãnh đạo cũ để thể hiện rằng Đảng răn đe bất kỳ ai dù đã về hưu.
Một vấn đề nữa là việc kiểm tra tài sản để phát hiện tham nhũng. Muốn làm được thì điều tra nơi công tác và nơi cư trú là chưa đủ. Có nhiều vấn đề mà hai nơi này không biết nhưng chỗ khác rất rõ. Đảng cần phải kiểm tra thêm những nơi cán bộ có mối liên quan.
Chiến dịch thì cần thời gian nhưng chiến thuật phải tức khắc. Mong các vị lãnh đạo giữ vững quyết tâm chỉnh đốn và phát triển Đảng theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 4.
Nguồn đọc thêm: http://www.xaluan.com/modules.php?
Nguồn đọc thêm: http://www.xaluan.com/modules.php?
0 Lời Bình:
Đăng nhận xét