Đã hàng tháng nay, dù đã ở bên lề cuộc đời rồi, hàng ngày tôi vẫn không thể không lướt qua tin tức trên báo và trên mạng internet về vụ Tiên Lãng, Hải Phòng. Nếu bắt đầu là bức bối, lo lắng và thấp thỏm thì giờ là có phần yên tâm hơn. Chân lý tuy đã phải trải qua bao nhiêu khó khăn vất vả, nhưng cuối cùng cũng đã rõ ràng!
Quê nội tôi ở Ninh Bình, thường được mệnh danh là Hạ Long trên cạn. Quê ngoại tôi ở Bồng Trung, Đa Bút, Thanh Hóa cũng thường được coi là một trong những nơi trú ngụ của người Việt cổ.
Tuy nhiên, do tuổi tác, nhiều đêm thao thức, tôi vẫn suy nghĩ miên man...
Ông Vươn quai đê, lấn biển... đã gợi cho tôi nhớ đến quê hương mình.
Nhiều lần dạo quanh vùng Tam Cốc, Bích Động..., nhìn những đường ngấn nước ăn sâu vào vách núi, cao hơn mặt đất hàng mấy thước, cũng như khi lang thang ở Đa Bút thấy dưới lòng đất toàn là vỏ ốc hóa thạch, tôi hiểu rằng: thì ra quê mình, hay cả đất nước này cũng thế, là do tổ tiên ta cách đây hàng vạn năm đã moi từ biển lên mà tạo thành.
Ông Vươn đã gợi tôi nhớ đến công cuộc khai phá đất hoang. Là một kẻ ngụ cư, ông đã phải moi từ biển lên mà tạo thành một góc quê hương mới cho mình. Thế mà người ta lại có thể đang tâm phá nát cái cơ ngơi mà ông đã phải vất vả tạo dựng bằng mồ hôi và cả sinh mệnh của những người thân như Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước đã phát biểu trên báo chí!
Những kẻ đang tâm phá nát cơ ngơi, ban thờ tổ tiên và những kỷ vật của ông Vươn... sao lại có thể tự khen là một hành động đẹp đẽ, một thắng lợi, một kế hoạch phối hợp nhịp nhàng đáng nêu gương được nhỉ!
Nhìn cảnh bơ vơ của gia đình ông trong những ngày cả nước mừng xuân mà thấy xót xa. Nhân dân ta trong cuộc chiến đấu trước đây, dù phải chịu bao nhiêu mất mát, nhưng vì tinh thần nhân đạo và kỷ luật chiến trường vẫn dành cho kẻ địch những điều kiện sống cần thiết, có khi còn tốt hơn cho chính bản thân họ thì sao những kẻ hôm nay tự nhận là đầy tớ của nhân dân lại có thể hành động một cách dã man như thế?!
Thì ra cái gọi là chính quyền, là đầy tớ của dân nhưng khi không có trái tim và bất chấp luật pháp cũng có thể trở thành những tên ác bá! Còn nguy hiểm hơn những tên ác bá vì những kẻ đó đã được phú cho một mỹ từ là lãnh đạo, là cán bộ nhân dân, nếu ai chống lại sẽ bị buộc tội là phản động, là nổi loạn vì chống lại người thi hành công vụ!
Đất đai tuy được coi là thuộc sở hữu toàn dân nhưng nhiều điều còn chưa hợp lý. Tiếng là toàn dân có quyền sở hữu, nhưng toàn dân thực thi quyền sở hữu cụ thể của mình ở đâu, như thế nào, không rõ ràng! Đó chính là căn nguyên khiến cho đa số những vụ khiếu kiện đều thuộc vấn đề đất đai.
Đất nước ta hiện nay có bao nhiêu vấn đề vĩ mô cần phải giải quyết như mất thăng bằng giữa kinh tế và văn hóa, giữa vật chất và tinh thần... rồi chống lạm phát, tái cơ cấu nền kinh tế, giải quyết hòa bình biển Đông... thế mà chỉ một chuyện Tiên Lãng nhỏ bé cũng buộc hàng trăm nhà báo, nhà đài với hàng ngàn bài điều tra phóng sự, nhiều bộ, nhiều cơ quan phải vào cuộc, thậm chí đến nguyên Chủ tịch nước cũng phải lên tiếng và Thủ tướng phải trực tiếp giải quyết vụ việc.
Sự kiện đó nói lên điều gì nếu không phải là sự thiếu tôn nghiêm của chính quyền địa phương, chưa chuẩn xác của tổ chức và thiếu công tâm của cán bộ?
Có lẽ cho tới nay chưa có vụ việc nào ở một cấp cơ sở lại gây nên sóng gió ồn ào đến như thế! Và nhiều người đã nghĩ, đó mới chỉ là bề nổi của một tảng băng ngầm.
Là một người làm kịch mà nghề nghiệp buộc phải quan tâm đến những mâu thuẫn xung đột trong cuộc sống, tôi thầm nghĩ: Phải chăng giải quyết mâu thuẫn xung đột đối kháng giữa ta và địch trong công cuộc giữ nước, tuy gian lao vất vả, đòi hỏi nhiều hy sinh nhưng lại rõ ràng và có phần thuận lợi hơn là trong sự nghiệp dựng nước. Vì trong cuộc giữ nước, giành độc lập và tự do, xung đột đối kháng là rõ ràng, chiến quả đối với mọi người là như nhau. Độc lập và Tự do...không phải là phần thưởng cho một riêng ai. Còn mâu thuẫn nội bộ trong công cuộc dựng nước là phức tạp và đa dạng hơn nhiều vì quyền lợi trong cuộc dựng nước bị phân hóa, có người lợi kẻ thiệt, có người nhiều kẻ ít.
Nhiều chính khách đã nói: trong mọi cuộc cách mạng, bao giờ cũng có hai loại người: kẻ hy sinh vì cách mạng và kẻ lợi dụng thành quả của nó. Cũng do đó mà giữ được sự ổn định và đoàn kết xã hội là một việc làm phức tạp và khó khăn.
Và để thực hiện được điều đó không có cách nào khác là xây dựng một thể chế khoa học, một bộ máy chính quyền hữu hiệu và công tâm, phải mở rộng dân chủ, cho dân được nói ra như Hồ Chủ tịch đã dạy, đảm bảo các quyền tự do, chăm lo mọi mặt đời sống vật chất cũng như tinh thần của nhân dân một cách công bằng, chống lại sự thao túng của những nhóm lợi ích...
Nếu không thực hiện được những yêu cầu đó thì cũng khó tạo ra được sự ổn định, tiến bộ xã hội và thành quả giữ nước cũng trở nên vô nghĩa!
GS.TS. Đình Quang
0 Lời Bình:
Đăng nhận xét