Đảng Việt Tân xác nhận thành viên của họ, ông
Nguyễn Quốc Quân, đã từng trở lại Việt Nam nhiều lần kể từ năm 2008, sau khi đã
bị án tù sáu tháng và bị trục xuất khỏi Việt Nam.
Hôm 27/4, ông Quân bị công an Việt Nam bắt giữ với
cáo buộc có âm mưu kích động biểu tình chống chính quyền nhân dịp kỷ
niệm ngày 30/4.
Trả lời BBC, đảng Việt Tân, đặt trụ sở ở bang
California, nói tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân đã "trở lại Việt Nam nhiều lần kể
từ 2008 để cổ vũ thay đổi dân chủ phi bạo lực từ bên trong đất nước".
Đảng này nói sự kiên trì hoạt động "phản ánh
sự dũng cảm và quyết tâm chống lại bất công" của tiến sĩ Quân.
Đã có một luồng dư luận từ người dân trong nước tỏ
ra nghi ngờ về thực chất của đảng Việt Tân khi đã không ít người bị Việt Nam
bắt và kết án vì là đảng viên hoặc có liên hệ với tổ chức này.
Tuy vậy, ông Hoàng Tứ Duy, phát ngôn nhân của Việt
Tân, nhấn mạnh: "Mặc dù không ai muốn bị bắt, các đảng viên của chúng tôi
chấp nhận rủi ro."
"Trong trường hợp tiến sĩ Quân, Việt Tân sẽ
tiếp tục vận động để ông được tự do vì ông không làm gì phi pháp. Chính quyền
Hà Nội đã có những cáo buộc sai lạc với tiến sĩ Quân."
Công an Việt Nam đã loan báo bắt tạm giam thời
hạn bốn tháng đối với ông Nguyễn Quốc Quân để điều tra về hành vi
‘khủng bố chống chính quyền nhân dân’ theo điều 84 Bộ luật hình sự
của Việt Nam.
'Khủng bố'
Công an Việt Nam cho rằng ông Quân đang có kế
hoạch kích động dân chúng biểu tình chống chính quyền nhân ngày 30/4.
Để làm rõ hơn khái niệm ‘khủng bố’ trong
luật hình sự Việt Nam, BBC đã trao đổi với luật sư Lê Trần Luật, người
đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về chương an ninh quốc gia trong Bộ
luật hình sự.
"Trong trường hợp tiến sĩ Quân, Việt Tân sẽ
tiếp tục vận động để ông được tự do vì ông không làm gì phi pháp. "
Hoàng Tứ Duy, Việt Tân
Tuy nhiên, ông Luật không thể giải thích khái
niệm khủng bố theo luật pháp Việt Nam. Ông cho đó là ‘câu hỏi khó’
vì ‘khủng bố là một khái niệm Bộ luật hình sự chưa bao giờ giải
thích.’
“Riêng chương an ninh quốc gia có rất nhiều
khái niệm không được giải thích rõ ràng,” ông nói, “Nói chính xác,
chưa bao giờ Quốc hội, Thường vụ Quốc hội, Tòa án tối cao giải
thích các khái niệm trong chương này.”
Ông Luật kể lại một câu chuyện khi ông tìm
hiểu về các tội danh trong chương an ninh quốc gia ông đã từng tìm đến
một vị thẩm phán của Tòa án tối cao.
“Tôi hỏi rằng tại sao Quốc hội giải thích
tất cả các điều luật trừ các điều luật về an ninh quốc gia,” ông
kể, “Ông ấy trả lời nếu anh có đi tìm các sách giải thích về các
khái niệm an ninh quốc gia thì không bao giờ có cái đó.”
“Đó là những tội danh bất khả xâm phạm chỉ
có Đảng mới giải thích được,” luật sư Luật thuật lại lời vị thẩm
phán, “Tòa án tối cao cũng không dám giải thích”.
Luật sư cho biết nếu ông là luật sư tranh cãi
cho thân chủ bị buộc tội khủng bố thì chắc chắn ông sẽ yêu cầu Viện
kiểm sát làm rõ như thế nào là khủng bố – điều mà ông cho rằng
Viện kiểm sát không bao giờ giải thích được.
Ngoài ra, ông Luật tuyên bố có thêm hai lập
luận để chứng minh ông Quân không phạm tội khủng bố.
Thứ nhất, chiếu theo khái niệm khủng bố
thông thường thì hành động của ông Quân không phải là khủng bố vì nó
‘không đi kèm với bạo lực và đe dọa bạo lực’ mà chỉ là ‘hoạt động
xã hội dân sự’ bình thường.
Ông cho rằng bằng chứng mà cơ quan điều tra
đưa ra là các tài liệu về ‘hoạt động khủng bố’ trong máy tính của
ông Quân cũng không thể khép ông này về tội khủng bố.
"Việt Tân là tổ chức chính danh ở nước
ngoài. Chưa có bất kỳ Nhà nước nào đã tuyên bố Việt Tân là tổ chức
khủng bố."
Luật sư Lê Trần Luật
“Tài liệu ở dạng trang giấy hoặc tín hiệu
điện tử không đi kèm với thách thức bạo lực,” ông giải thích.
Thứ hai, theo ông Luật thì cũng ‘chưa có cơ
sở nào để kết luật Việt Tân (đảng của ông Quân) là một tổ chức
khủng bố.
“Việt Tân là tổ chức chính danh ở nước
ngoài. Chưa có bất kỳ Nhà nước nào đã tuyên bố Việt Tân là tổ chức
khủng bố,” ông nói.
“Bản thân Nhà nước Việt Nam cũng vậy. Họ
chưa bao giờ liệt vào văn bản chính thức rằng Việt Tân là tổ chức
khủng bố mà họ chỉ nói trên báo chí mang tính chất quy kết,” ông
nói thêm.
Cơ hội rất thấp
Tuy nhiên, trong một phiên tòa ở thành phố Hồ
Chí Minh vào năm 2008, ông Nguyễn Quốc Quân đã bị kết tội ‘khủng bố’
vì hành động tương tự. Khi đó, ông Quân đã từ Campuchia thâm nhập về
Việt Nam phát tán truyền đơn kêu gọi lật đổ chế độ.
Khi được hỏi về phiên tòa này, luật sư Luật
trả lời rằng ‘họ (tòa án thành phố Hồ Chí Minh) xử cảm tính theo
ý đồ chính trị’.
“Tất cả các điều luật trong chương An ninh
quốc gia rất mơ hồ và được tùy tiện sử dụng như vũ khí bảo vệ chế
độ,” ông nói.
Ông cũng cho rằng không thể dựa vào việc Mặt
trận Quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam, tiền thân của Đảng
Việt Tân, từng chủ trương dùng các biện pháp vũ trang để lật đổ chủ
quyền để kết luận Việt Tân là khủng bố, nhất là khi đảng này đã
chuyển sang phương châm ‘bất bạo động’.
Bản thân ông Luật vào năm 2009 chứng kiến việc văn
phòng của ông bị tước quyền sử dụng không thời hạn giấy đăng ký hoạt động sau
những lần biện hộ cho các tù nhân chính trị.
Về cơ hội của ông Quân trong phiên tòa sắp
tới, ông Luật nhìn nhận là ‘rất thấp’ một khi đã bị khép tội về an
ninh quốc gia.
“Về lý thuyết pháp luật ông Quân còn rất
nhiều cơ hội vì cho đến khi nào tòa án kết luận ông có tội thì mới
hết hy vọng,” ông nói.
“Tuy nhiên hệ thống tư pháp của Việt Nam chỉ
là cánh tay bảo vệ chế độ,” ông nói thêm.
0 Lời Bình:
Đăng nhận xét