Trong 10 năm lại đây ( 2001 – 2010 ), đồng USD liên tục mất giá, là nguyên nhân chính làm giá vàng tăng, song mức tăng giá thực tế của vàng lớn hơn nhiều so với mức mất giá của đồng USD.Chỉ số đồng USD trước ngày 9/11/2001 là 121,02 điểm, đến tháng 11/2010 là 75,63 điểm, tính chung tỷ giá đồng USD sau 10 năm mất giá 37,5%.Giá vàng ở mức thấp nhất năm 2001 là 253,55 USD/oz, giá vàng cao nhất vào tháng 12/2010 là 1.430,55 U SD/oz, giá vàng sau 10 năm tăng 464,2%.
Đến ngày 24/3/2011, giá vàng giao ngay trên thị trường châu Á vẫn duy trì ở mức cao 1.437 USD/oz. Các đỉnh cao của giá vàng luôn bị phá, năm 2008 là 900 USD/oz, năm 2009 là 1.000 USD/oz, năm 2010 là 1.400 USD/oz.
Vậy nguyên nhân nào làm cho giá vàng thế giới tăng đột biến:
Đồng USD mất giá làm cho giá vàng thế giới tăng, vấn đề này đều được các nhà nghiên cứu xác nhận. Tuy vậy, xung quanh việc giá vàng tăng mạnh so với tốc độ mất giá của đồng USD còn có nhiều ý kiến khác nhau.
Theo ý kiến của các chuyên gia Hội đồng vàng thế giới, nguyên nhân giá vàng tăng mạnh trong thời gian qua là do nhu cầu vàng của các nước tăng đột biến.
Hiện nay, tổng số vàng vật chất trên toàn thế giới quãng 163.000 tấn. Nhu cầu vàng của các nước trên thế giới năm 2010 lên đến 3.812,2 tấn, có giá trị tương đương 150 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2009. Cụ thể nhu cầu vàng cho ngành kim hoàn là 2.060 tấn, tăng 17% so với năm 2009. Nhu cầu vàng cho ngành công nghiệp là 419,6 tấn, tăng 12,4%. Nhu cầu vàng cho đầu tư là 1,333 tấn đạt mức cao thứ hai trong lịch sử, mức cao kỷ lục là 1.360 tấn trong năm 2009. Trong khi đó sản lượng khai thác vàng của thế giới chỉ khoảng 2.600 tấn/năm, thấp hơn nhiều so với nhu cầu vàng. Nhu cầu của các nước tăng mạnh còn do ảnh hưởng của sự phục hồi kinh tế toàn cầu chậm chạp, sức ép lạm phát cao và tình hình chính trị thế giới thiếu ổn định.
Giám đốc Hội đồng vàng khu vực Viễn đông Zheng Liang Hao cho biết: Ấn Độ và Trung Quốc là hai nước có nhu cầu lớn nhất về vàng. Năm 2010 mức tiêu thụ vàng của Ấn Độ lên tới 963,1 tấn, tăng 66% so với năm 2009. Nhu cầu đầu tư vàng của Trung Quốc năm 2010 lên tới 179,9 tấn, tăng 70% so với năm 2009.
Khác với Ấn Độ, Trung Quốc là nước có nhu cầu đầu tư lớn về vàng song ngành công nghiệp khai thác vàng của Trung Quốc rất phát triển. Năm 2010, Trung Quốc tiếp tục là nước có sản lượng vàng khai thác lớn nhất thế giới. Theo số liệu công bố chính thức của Trung Quốc, sản lượng vàng khai thác năm 2010 đạt 340,87 tấn, tăng 8,75% so với năm 2009. Đây là năm thứ tư Trung Quốc giữ vị trí thứ nhất thế giới về sản lượng khai thác vàng. Năm 2007, sản lượng vàng Trung Quốc khai thác là 270,5 tấn, năm 2008 là 282,01 tấn, năm 2009 là 313,98 tấn.
Mặc dù là nước khai thác vàng lớn nhất thế giới song Trung Quốc là nước có số vàng dự trữ thấp nhất trong số 20 nước dự trữ nhiều vàng. Theo số liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) về tình hình dự trữ vàng của các nước hội viên, tính đến trung tuần tháng 12/2010, xét về số lượng tuyệt đối, Mỹ là nước có dự trữ vàng lớn nhất thế giới, Trung Quốc xếp vị trị thứ sáu. Xét về tỷ lệ dự trữ vàng trong dự trữ ngoại hối chính thức của các nước, Mỹ là nước chiếm vị trí cao nhất, Trung Quốc ở vị trí thấp nhất. Tình hình dự trữ vàng và tỷ lệ dự trữ vàng trong tổng số dự trữ ngoại hối của 10 nước như sau:
STT
|
Quốc gia hoặc
tổ chức
|
Số lượng vàng dự trữ năm 2010 (Đv: Tấn)
|
Dự trữ vàng/Dự trữ ngoại hối (Tỷ lệ %)
|
1
|
Mỹ
|
8.133,5
|
73,9
|
2
|
Đức
|
3.401,8
|
70,3
|
3
|
IMF
|
2.846,7
|
—–
|
4
|
Italia
|
2.451,8
|
68,6
|
5
|
Pháp
|
2.435,4
|
67,2
|
6
|
Trung Quốc
|
1.054,1
|
1,7
|
7
|
Thụy Sỹ
|
1.040,1
|
16,4
|
8
|
Nga
|
775,2
|
6,7
|
9
|
Nhật
|
765,2
|
3,0
|
10
|
Hà Lan
|
612,5
|
57,5
|
Triển vọng năm 2011
Theo đánh giá của các chuyên gia, do nhu cầu vàng cho các ngành công nghiệp, chế biến kim hoàn và đầu tư của các nước, đặc biệt là nhu cầu của Ấn Độ, Trung Quốc chưa giảm, cộng thêm khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu, tiền tệ, lạm phát và tình hình chính trị của các nước Trung Đông chưa được cải thiện nên nhu cầu vàng của các nước năm 2011 có thể còn tiếp tục tăng. Không loại trừ khả năng một số nước có tỷ lệ dự trữ vàng/ tổng số dự trữ ngoại hối thấp sẽ mua thêm vàng để bổ sung cho dự trữ nhằm đa dạng hóa việc dự trữ ngoại hối và giảm bớt rủi ro khi nắm giữ quá nhiều đồng USD.
Nguyên nhân nào làm giá vàng trong nước ngược chiều với giá vàng thế giới
Ngược với tình hình biến động của giá vàng thế giới, giá vàng ở Việt nam có xu hướng giảm xuống là do chịu sự điều chỉnh của chính sách vĩ mô của Nhà nước (ngày 24/2/2011 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội).
Kéo giá vàng trong nước ngang với giá vàng thế giới là thành công lớn trong việc thực hiện các biện pháp tăng cường quản lý thị trường vàng của Chính phủ.
Biện pháp nào để Nhà nước sử dụng được số vàng trong dân
Theo đánh giá của Ths Trần Trọng Quốc Khánh tại Hội thảo vàng do Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam tổ chức ngày 15/3/2011, ước tính người dân đang giữ khoảng trên 500 tấn vàng tương đương quãng trên 20 tỷ USD. Bằng cách nào để Nhà nước sử dụng được số vàng đang nằm trong dân, phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển đang là vấn đề lớn được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm để tìm ra các biện pháp khả thi, hiến kế cho Chính phủ.
Có ý kiến cho rằng nên giao cho Ngân hàng Nhà nước mua vàng dự trữ trong dân hoán đổi ra ngoại tệ bổ sung cho quỹ ngoại hối dự trữ của Nhà nước. Nếu xét về lý thuyết thì việc này có cơ sở vì giá vàng trong nước đã về ngang với giá quốc tế, trong khi đó Nhà nước có chủ trương hạn chế dần và tiến tới không cho phép mua bán vàng miếng trên thị trường tự do. Nếu có cơ chế đảm bảo lợi ích của người dân như Nhà nước mua vàng theo giá quốc tế thì việc Ngân hàng Nhà nước mua vàng trong dân có nhiều khả năng thành công.
Tuy nhiên, việc giao cho Ngân hàng Nhà nước mua vàng dự trữ trong dân vẫn còn nhiều khó khăn trở ngại.
Trước tiên cần tính đến việc phát hành tiền ra với số lượng khá lớn để mua vàng sẽ tác động đến chỉ số giá cả tiêu dùng (CPI). Việc này có thể chưa phù hợp với chủ trương của Nhà nước giai đoạn này là tập trung kiềm chế lạm phát. Do đó, cần phải có những phân tích sâu về việc tăng cung ứng tiền mua vàng thực chất là phát hành tiền được đảm bảo bằng vàng, ngoại tệ có ảnh hưởng đến lạm phát không, nếu có mức độ ảnh hưởng thế nào. Từ đó, đánh giá mặt lợi, mặt hại của vấn đề này để quyết định. Thực tế cho thấy biện pháp nào cũng có 2 mặt, song nếu “lợi” nhiều hơn “hại” thì vẫn nên lựa chọn.
Thứ hai, cần tính đến rủi ro sẽ rất lớn khi Ngân hàng Nhà nước mua vàng dự trữ nếu giá vàng thế giới giảm mạnh như những năm 90. Ví dụ khi mua vào giá vàng quốc tế là 1.400 U SD/oz, sau 6 tháng giá vàng thế giới giảm xuống còn 700 hoặc 1.000 U SD/oz, khi đó số vàng trong kho không thay đổi về số lượng tuyệt đối song về giá trị quy ra ngoại tệ và VND sẽ giảm mạnh. An toàn – một trong ba nguyên tắc quản lý ngoại hối dự trữ của Nhà nước sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, việc mua vàng dự trữ trong dân phải được xây dựng thành đề án hoàn chỉnh, đảm bảo số vàng mua được phải thực hiện hoán đổi ra ngoại tệ ngay, càng nhanh càng tốt mới tránh được thiệt hại.
Thứ ba là tâm lý mua vàng tích trữ đề phòng giá cả biến động của người dân đã ăn sâu vào tiềm thức, trở thành thói quen của người dân. Việc huy động mua vàng của người dân vì thế sẽ không dễ dàng nhất là trong tình hình kinh tế trong nước và quốc tế diễn biến phức tạp, chính trị thế giới thiếu ổn định, lạm phát của nhiều nước gia tăng… Tuy nhiên, với truyền thống yêu nước của nhân dân ta, khi đất nước khó khăn, nếu Nhà nước có biện pháp tuyên truyền và kêu gọi người dân chung tay gánh vác thì dựa vào nhân dân, chắc chắn không có khó khăn nào không vượt qua.
SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
0 Lời Bình:
Đăng nhận xét