Nguyễn Thảo
Tại báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo vừa gửi tới Quốc hội, Chính phủ thêm một lần đề nghị sớm có Luật Biểu tình.
Với thời gian và các con số báo cáo được giới hạn từ tháng 9/2011 đến nay, một thực tế rất đáng lưu ý là, từ giữa tháng 2/2012, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân có phần gia tăng về số lượt người, số đoàn đông người và tính chất mức độ gay gắt hơn.
Trong đó có không ít vụ việc phát sinh trước đây đã được các cấp chính quyền giải quyết nhiều lần, với nhiều biện pháp khác nhau nhưng không dứt điểm, nhất là các vụ việc khiếu nại liên quan đến thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án, các vụ việc đòi lại nhà đất, tranh chấp đất đai…
Chính phủ cũng nhấn mạnh điều đáng quan tâm về một số người khiếu nại có hành vi đối đầu với chính quyền, dùng vũ khí nóng để chống người thi hành công vụ. Đồng thời cho rằng “đáng lo ngại” là có một số vụ việc do xuất phát từ yếu kém, sai phạm của một số chính quyền địa phương nên đã tác động tiêu cực và làm giảm sút niềm tin của một bộ phận không nhỏ nhân dân, cán bộ đối với chính quyền.
Tổng hợp số liệu 9 tháng qua, các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp 92.853 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, trong đó có 974 đoàn đông người.
13/815/31.198 vụ việc khiếu nại, 2.154/3.697 vụ tố cáo thuộc thẩm quyền đã được giải quyết, thu hồi về cho nhà nước, khôi phục quyền lợi cho công dân 6.914 triệu đồng và 65ha đất, kiến nghị xử lý hành chính 20 người.
Từ 2008 đến hết năm 2011, đã giải quyết dứt điểm được 1.052/1.580 vụ vụ việc tồn đọng, bức xúc kéo dài nhiều năm, hiện còn 528 vụ đang tiếp tục xem xét, giải quyết, báo cáo cho biết.
Phần hạn chế, yếu kém trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Chính phủ nhắc đến hiện tượng né tránh, đùn đẩy, thấy sai nhưng không sửa hoặc cố ý làm sai của cơ quan và hành vi tiêu cực vụ lợi của một số cán bộ công chức.
Thời gian tới, Chính phủ xác định sẽ tập trung tổ chức thực hiện đồng bộ 7 giải pháp. Một trong số các giải pháp đó là “đề nghị Quốc hội sớm ban hành Luật Tiếp công dân, Luật Biểu tình để đưa công tác tiếp công dân vào nền nếp, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để đấu tranh, xử lý những trường hợp lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo, lợi dụng dân chủ gây mất an ninh, trật tự”.
Dự án Luật Biểu tình được đích danh Thủ tướng đề nghị từ tháng 9/2011. Trả lời chất vấn về cơ sở đề nghị có Luật Biểu tình tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2011, Thủ tướng nêu thực tế có nhiều cuộc tụ tập của đồng bào để bày tỏ ý kiến nguyện vọng với chính quyền, nhưng chúng ta chưa có luật để quản lý vấn đề này, nên khó cho dân và khó cho cả chính quyền, nảy sinh lúng túng trong quản lý, và từ đó xuất hiện biểu hiện lợi dụng kích động xuyên tạc gây phương hại cho xã hội.
Trình Quốc hội dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013 tại kỳ họp này, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đề nghị, chưa đưa vào chương trình chuẩn bị năm 2013 dự án Luật Biểu tình cùng một số dự án luật khác như Luật Bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo…
Các dự án này đã có trong chương trình nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13, đề nghị các cơ quan chủ động tiến hành nghiên cứu, soạn thảo khi nào chuẩn bị tốt, đủ điều kiện trình Quốc hội thì đưa vào chương trình chính thức hằng năm, là quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo: VnEconomy
0 Lời Bình:
Đăng nhận xét